Khối C thất thế: Chúng ta đang ngộ độc không khí kiếm tiền
Năm nay, chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học khối C. Điều đó cho thấy sự báo động đỏ về mất cân bằng trong xã hội. GS Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Sự xuống cấp của văn hóa
Ông nghĩ gì trước việc khối C bị quay lưng lại như thế?
Trước hết là buồn. Buồn vì sự xuống cấp của giáo dục và văn hóa. Chỉ nói riêng với môn văn thôi, việc dạy và học trong nhà trường từ lâu rồi đã gây nhiều băn khoăn, lo lắng. Học thì căng thẳng mà hiệu quả thì thấp. Tất cả chỉ lo đối phó với thi cử. Sách giáo khoa thì nặng vô cùng và không chọn những cái đích đáng, cập nhật, không hướng vào giáo dục thẩm mỹ và các giá trị văn chương đích thực. Học văn rất ít hứng thú.
Không riêng gì phổ thông mà đại học cũng thế. Và một khi xã hội quay lưng lại với văn chương nghệ thuật thì tức là cái nền móng văn hóa và đạo đức của nó bị rệu rã. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng trong xã hội. Một xã hội lành mạnh (chưa cần phải phát triển cao) là một xã hội cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa. Một xã hội như thế sẽ tạo điều kiện cho mỗi người được làm theo nguyện vọng của mình.
Nhưng nếu nguyện vọng của nhiều người hiện nay là kiếm được nhiều tiền?
Sự không bình thường là ở chỗ đó. Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền… Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 – 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 – 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng.
Nhưng đó là tất yếu của kinh tế thị trường?
Kinh tế thị trường phải trải qua những cái đó. Tất nhiên, không thể coi nhẹ đồng tiền. Đồng tiền là phương tiện để phát triển xã hội. Không ai lại không khuyến khích kiếm tiền lương thiện. Phải có tiền thì xã hội mới giàu có. Nhưng nếu biến nó thành mục đích cho từng cá thể thì sẽ gây tội ác vì người ta phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Nếu là tất yếu thì tức là ta buộc phải chấp nhận?
Kinh tế thị trường sẽ đưa đến như thế nhưng phải có cách kiềm chế chứ nếu buông thả, nó sẽ như con ngựa bất kham. Chính do nền tảng tinh thần và văn hoá không lành mạnh mới tạo ra như thế. Sự quay lưng lại với khối C cũng là cái hỏng của giáo dục, chứ không phải tự nhiên mà thế. Muốn người ta vào những ngành này, anh phải có các chính sách, chế độ, cách khuyến khích về lương, học bổng, điều kiện làm việc… thì mới cân bằng được. Cân bằng rồi con người mới trở lại với cái khả năng của người ta. Về sâu xa là phải có điều tiết vĩ mô. Phải có một chiến lược, có tầm đón xa cho sự phát triển.
Video đang HOT
Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế
Còn trong mỗi gia đình, chúng ta có thể làm được gì?
Trong gia đình tôi, con cháu thích cái gì, chỉ cần nó bộc lộ khuynh hướng thôi là mình cho nó theo cái đó ngay. Đứa trẻ có ao ước là đứa trẻ tốt. Đi học là phải yêu thích chứ không phải bị thúc ép. Vẫn có nhiều gia đình có học và quan niệm không phải sống cho sướng mà là sống cho tốt. Họ luôn tạo điều kiện cho con cái được làm cái mà chúng muốn mà không hề bị áp lực bởi việc kiếm tiền.
Tôi biết một em học sinh giỏi văn, yêu văn, hiện đang học chuyên văn trường Amsterdam. Mẹ em thì muốn em thi sư phạm, nhưng em đó lại quyết định thi kinh tế.
Tôi rất cảm kích về bà mẹ đó. Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế, buộc con mình sau này phải làm việc này việc kia để thoát nghèo. Con thích văn, cho học văn, nhưng khi con đổi hướng, thì vẫn tôn trọng quyết định của nó.
Vấn đề là ở chỗ em ấy thích văn, nhưng không theo nghề văn, mà thi kinh tế để có một công việc khác tốt hơn.
GS Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học.
Cô bé này, có thể vì thấy xung quanh người ta chăm lo kiếm tiền nhiều quá nên muốn theo một nghề như thế. Trong hoàn cảnh này thì cũng phải tôn trọng em. Nếu có thể theo một ngành khác mà vẫn nuôi nguyện vọng làm văn chương thì hoàn toàn tốt. Tất nhiên vẫn có những em rất có bản lĩnh, tin vào bản lĩnh thì có khó đến mấy, khổ đến mấy em ấy cũng theo.
Nhưng tôi vẫn thấy tiếc, vì nếu theo nghề văn em ấy có thể phát triển năng lực của mình tốt hơn.
Không có gì phải tiếc. Tư duy về văn chương là tư duy về hình tượng, nhạy cảm, có thể diễn đạt mọi thứ một cách rất nhạy cảm. Được như thế thì làm bất cứ công việc gì cũng vẫn hay hơn những người không có năng lực này. Nhiều người vẫn có thể làm một nghề khác mà vẫn viết văn chương giỏi.
Nhiều cái lạ, nhưng chưa mới
Nhưng dường như chính vì không được đi đến cùng đam mê nên ngày nay ta thiếu vắng những nhà văn giỏi?
Có thể đào tạo một cô giáo dạy văn, một giáo sư về văn chương nhưng không đào tạo được nhà văn, nhà thơ. Cái đó là thiên bẩm và do trường đời dạy.
Thời nào cũng có những nhà văn giỏi. Nhưng nhà văn trẻ bây giờ khác trước vì họ cố đi tìm sự khác nhau. Trước kia các nhà văn lớn tôn trọng nhau, tạo ra một từ trường chung: Nam Cao – Vũ Trọng Phụng tạo ra một từ trường văn học hiện thực, Nhất Linh- Khái Hưng là Tự lực văn đoàn. Bây giờ nhà văn trẻ ai cũng đi tìm cái lạ, vì xã hội khuyến khích cái đó. Năng lực thì cũng có nhưng hăm hở đi tìm cái lạ nhiều quá, ít đi tìm cái đồng cảm chung nên không thể tạo được vang hưởng trong công chúng. Vì thế, không tạo thành phong cách, trường phái, chỉ làm cho cái dòng chảy đã có cồn lên rồi đâu lại trở lại đấy, chứ không tạo nên dòng chảy mới. Tình hình văn học từ năm 1995 đến nay chưa tạo được cái gì mới, mặc dù có nhiều cái lạ.
Ông có thấy mình may mắn vì được làm và thành công trong lĩnh vực mà mình say mê?
Hồi bé tôi đã mê văn, nhất định phải theo ngành này, chứ không vào Bách khoa hay Y dược. Cũng không nghĩ sau khi ra trường thì sẽ làm gì, chỉ biết mình sẽ là người viết văn, như những nhà văn mà mình yêu thích… Chứ không nghĩ phải có chức này, chức kia hoặc tiền lương phải thế này, thế khác. Đúng là mình cũng may mắn thật, vì vừa ra trường là được nhận luôn về Viện Văn học, được làm việc với các nhà văn lớn như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh…
Theo Bee
Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo
Ngày 14/4, kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011, theo thống kê sơ bộ của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A, nhất là ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhưng ngược lại khối C lại lèo tèo vài chục bộ.
Kết thúc ngày nhận hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ 2011, đồng loạt các phương tiện thông tin đại chúng đều thông tin phản ánh từ các trường THPT, Sở GD-ĐT trong Nam, ngoài Bắc về số lượng ĐKDT đông nhất vẫn là khối A và D, trong đó ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhất. Ở Hà Nội, học sinh dự thi đông nhất vào các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Thương Mại, Học viện Ngân hàng, ĐH Điện lực, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Hà Nội...
Thí sinh không còn mặn mà với khối C do cơ hội việc làm ít
Ngược lại, khối C, số lượng hồ sơ ĐKDT lại rất ít, trong hàng nghìn bộ hồ sơ, chỉ có vài chục bộ đăng ký thi. Cụ thể, trường THPT Marie Curie - Hà Nội năm nay nhận được 1.200 bộ hồ sơ của 450 học sinh trong trường. Ông Lê Ngọc Lâm, cán bộ văn phòng của trường cho biết: "Lượng hồ sơ đăng ký chủ yếu vào khối A và D vào các trường ĐH Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Bách khoa, sau đó mới đến ĐH Ngoại thương, Thương mại. NV2 của học sinh chủ yếu đăng ký vào các trường ĐH Dân lập. Lượng hồ sơ khối C chỉ vài chục bộ, rất ít".
Tại trường THPT Yên Hòa, theo cô Đặng Thu Lan, cán bộ nhà trường cho biết: "Trường năm nay nhận được 1.500 hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ của học sinh nhưng số lượng hồ sơ dự thi vào khối C đếm được trên đầu ngón tay. Thí sinh chủ yếu thi vào trường Kinh tế Quốc dân và Thương mại".
Tương tự, tại trường THPT Đoàn Kết, nhận được 1.474 bộ hồ sơ nhưng lượng hồ sơ dự thi khối C chỉ nhiều hơn các khối ngành năng khiếu một chút. Kỷ lục, trường THPT Việt Đức, nhận được 2.200 bộ nhưng chỉ vẻn vẹn có 3 bộ hồ sơ khối C. Đặc biệt, tại phòng GD-ĐT, quận Hoàn Kiếm, trong 250 bộ hồ sơ nhận được không có bộ nào khối C.
Cô giáo Đặng Thu Lan, trường THPT Yên Hòa phân tích: "Nguyên nhân chính của việc thí sinh dự thi khối C ít cũng là điều dễ hiểu vì học sinh Hà Nội học phân ban nhiều. Số lượng học sinh học ban Tự nhiên nhiều hơn ban Xã hội. Thậm chí có trường không có ban Xã hội vì học sinh được quyền chọn ban học".
Tại sao thí sinh lại ĐKDT C ít? Không phải bây giờ mới xảy ra hiện tượng này mà từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. Bởi vì thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường với khối C hiện nay rất khó khăn như các ngành Văn học, Lịch sử, Thông tin - Thư viện, Công tác xã hội, Triết học, Chính trị học... Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối A và D, cơ hội xét tuyển cũng nhiều hơn khối C.
Kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh về số lượng thí sinh dự thi ít và tránh thiếu chỉ tiêu, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QG Hà Nội vài năm trở lại đây ngành nào cũng tuyển sinh 2 khối C và D, A. Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều ngành cũng tuyển sinh cả 2 khối C và D. Tương tự, nhiều trường ĐH về xã hội khác cũng như vậy, mở thêm khối thi để "trống móm" thí sinh.
Theo thống kê năm 2010 của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 460.148 sinh viên đại học hiện nay thì sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn có 34.999 sinh viên (chiếm tỷ lệ 7,61%). Hệ CĐ còn ít hơn, trong tổng số 53.130 sinh viên, sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn là 1.695 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,19%).
Theo Dân Trí
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Mất giấy tờ có được dự thi? Thí sinh không phải nộp lệ phí dự thi vào ngày đầu của mỗi đợt thi như những năm trước đây nhưng phải có mặt để nắm thông tin. Từ ngày 30-5 đến 5-6, các trường ĐH, CĐ sẽ gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Thí sinh sẽ nhận giấy báo dự thi ở đâu, nếu mất giấy báo và các...