Khối C ngày càng thưa vắng
Theo thống kê của các sở GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH-CĐ năm nay hầu hết đều tăng so với năm 2010. Tuy nhiên hồ sơ khối C lại giảm đáng kể. Thậm chí nhiều trường THPT không có hồ sơ nào ĐKDT khối C.
Lượng học sinh chọn khối ngành khoa học xã hội giảm đều đặn sau mỗi năm. Trong ảnh: thí sinh khai hồ sơ ĐKDT tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại TP.HCM, ông Huỳnh Minh Trí – trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết trong tổng số 151.000 hồ sơ của TP chỉ có 2.100 bộ ĐKDT khối C.
Đáng chú ý là nhiều trường THPT tại TP.HCM không có học sinh nào ĐKDT khối C hoặc rất ít. Chẳng hạn Trường THPT Lê Quý Đôn với gần 1.000 hồ sơ nhưng không có hồ sơ khối C nào.
Tương tự, Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến với gần 1.000 hồ sơ ĐKDT cũng không “bói” ra hồ sơ nào đăng ký khối C. Trường THPT Gia Định chỉ có vài hồ sơ đăng ký vào khối C.
Thiểu số
Báo động đỏ Trong một hội thảo về đào tạo các ngành khoa học xã hội mới đây, PGS.TS Đoàn Lê Giang – trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng cần báo động đỏ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn khi nhóm ngành này bị coi như hạng hai, rất ít sinh viên giỏi chọn theo học. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất. Còn theo PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang – Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, nhiều người có quan niệm không đúng về ngành nghề trong lĩnh vực này như ra trường khó có việc làm, thu nhập thấp… Điều cần thay đổi trước hết là quan niệm của xã hội về nhóm ngành nghề này.
Tình hình hồ sơ ĐKDT khối C tại Huế có phần khả quan hơn nhưng vẫn rất ít trong tương quan với các khối còn lại. Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế, dù tổng số hồ sơ tăng nhưng khối C chỉ có 4.057 hồ sơ, giảm gần 700 hồ sơ so với năm trước.
Trong số gần 11.000 hồ sơ của học sinh An Giang ĐKDT vào Trường ĐH An Giang, chỉ vỏn vẹn 495 hồ sơ khối C trong khi trường này có sáu ngành tuyển khối C với chỉ tiêu khá nhiều. Tương tự, Kiên Giang có gần 17.000 bộ hồ sơ nhưng số hồ sơ ĐKDT khối C chỉ có 974 bộ.
Xu hướng học sinh ngày càng ít chọn thi khối C diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Tại Đắk Lắk, hồ sơ ĐKDT khối C chỉ chiếm chưa tới 7% tổng số hồ sơ. Toàn tỉnh có hơn 54.000 hồ sơ ĐKDT nhưng hồ sơ vào khối C chỉ có 3.698 bộ.
Ông Lê Văn Đức – trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai – cho biết lượng hồ sơ khối C những năm trước đã ít, năm nay càng ít hơn. Trong số hơn 53.000 hồ sơ, ĐKDT khối C rất ít chỉ có 1.417 bộ. Trong khi đó khối A chiếm hơn 50%. Ở các địa phương khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam… tình hình cũng diễn ra tương tự.
Video đang HOT
Trong bốn khối thi cơ bản, chiếm phần lớn là hồ sơ khối A, kế đến là khối B, khối D có lượng hồ sơ tương đối trong khi khối C nằm vị trí chót bảng.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 chứng kiến cảnh nhiều ngành khối xã hội phải lận đận xét tuyển đến NV3 với điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn chung nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều ngành tại các trường ĐH Đồng Tháp, Trà Vinh, Văn Hiến, Đà Nẵng phải gắng gượng tuyển sinh để giữ ngành hoặc ngưng tuyển sinh. Với lượng hồ sơ khối C sụt giảm, tình hình tuyển sinh nhóm ngành xã hội ở nhiều trường sẽ còn khó khăn hơn.
Mất sức hút từ phổ thông
Đánh giá về tình trạng èo uột của hồ sơ khối C, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường ĐH, THPT cho rằng nguyên nhân là do các ngành khối xã hội cơ hội việc làm hẹp, khó chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập không cao.
Ông Trương Thức – trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk – nhấn mạnh lý do khiến khối C ngày càng mất sức hút chính là đầu ra khối ngành này không nhiều. Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy những năm trước đây học sinh dự thi khối C, D chủ yếu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây nhu cầu giáo viên gần như đã bão hòa, độ tuổi giáo viên khá trẻ nên cơ hội việc làm của nhóm ngành này hầu như rất ít. Do đó học sinh đã dự thi vào những khối ngành khác có cơ hội việc làm rộng hơn.
Việc sụt giảm này không chỉ xuất hiện trong năm nay. Theo ý kiến của nhiều sở GD-ĐT, lượng hồ sơ khối C giảm dần đều trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân sâu xa đó là khi phân ban phổ thông, học sinh đã không mặn mà với ban khoa học xã hội, số lớp ban khoa học xã hội trong các trường THPT hầu như rất ít hoặc không mở được.
Cô Huỳnh Thị Liễu – cán bộ phụ trách tuyển sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn – cho biết học sinh ngày càng ít chọn khối C để dự thi. Ngay cả đầu vào lớp 10 cũng không em nào chọn theo ban khoa học xã hội nên trường không mở được ban này ngay từ đầu.
Ông Lê Văn Đức cho biết thêm số học sinh theo học ban khoa học xã hội ở các trường THPT tại Đồng Nai cũng rất ít. Ngay từ khi chọn ban, các em đa số chọn ban cơ bản và khi thi ĐH thường có xu hướng chọn khối ngành kinh tế, công nghệ có cơ hội việc làm rộng hơn.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) – chia sẻ: số lượng ngành tuyển sinh khối C đúng là có phần hẹp hơn các khối khác, tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì cơ hội việc làm các ngành khối này không hề nhỏ. Vấn đề là học tốt hay không và thể hiện mình như thế nào. Thực tế hiện nay nhiều học sinh thường chọn khối thi theo phong trào. Không ít người học khá khối C hơn nhưng vẫn chọn khối A.
Theo Tuổi Trẻ
Khi khối C 'trượt giá'
Trước việc hồ sơ đăng ký thi khối C mỗi ngày một hẻo, nhiều người lo sợ rằng xã hội hình như đang "quay lưng" với các ngành khoa học xã hội (KHXH). Câu hỏi đặt ra là bản thân nhóm ngành có còn hấp dẫn học sinh cũng như phụ huynh, nhà tuyển dụng? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng khi nhìn vào thực tế, thì lại không khó để trả lời.
Sinh viên thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Lê Anh Dũng
Học để "ra tiền"
Chị Thu là một phụ huynh làm nghề buôn bán nhỏ, có con gái năm nay đang học lớp 3, Trường Tiểu học Tân Mai. Một tuần, ngoại trừ học bán trú ở trường, buổi tối về, bé Thanh Mai, con chị còn học thêm Toán và tiếng Anh với hai cô giáo trong khu phố.
Bé Mai học rất tốt cả hai môn Văn, Toán. Tuy thế, chị chưa hề có ý định cho con học bồi dưỡng năng khiếu môn văn. Thậm chí, chị luôn khuyến khích con học Toán nhiều hơn. Chị nói: "Môn Văn như thế là được rồi, chỉ cần lấy 5 - 6 điểm. Còn môn Toán phải đầu tư cho nó học, để sau này còn theo khối A."
Hỏi về các môn xã hội, chị đáp lời: "Thời buổi bây giờ phải học Toán, thi vào mấy trường kinh tế, ngân hàng thì mới làm giàu được chứ. Học khối C thì sau này nhà không có "cơ" bên mấy ngành đó, lấy tiền đâu mà xin việc cho nó."
Chị Thu dẫn chứng: Cô của bé Mai, tốt nghiệp Ngoại thương, đi làm cho Ngân hàng, tiền nong lúc nào cũng rủng rỉnh, mới mấy năm đã có nhà cửa "rung rinh" ở Hà Nội. Chị họ của bé tốt nghiệp kinh tế, cũng làm trong Ngân hàng, và giàu không kém.
Chị bổ sung thêm: Còn mấy anh em nữa trong nhà theo học khối C, người nào cũng tốt nghiệp bằng giỏi, đi dạy là giáo viên giỏi, rồi làm báo chí, công an nhưng ai cũng chỉ đủ ăn thôi, có giàu được đâu, thậm chí còn chật vật. Nhiều con cái của bạn bè chị học nhóm ngành này ra, tốn bao nhiêu tiền xin việc mà còn chưa có chỗ "nhét".
Trên thực tế, ngay từ khi con mới học lớp 3, lớp 4, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ học cầm chừng. Trong đó, người có suy nghĩ như chị Thu khá phổ biến.
Chị Thanh Thảo, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I với tấm bằng khá vẫn đang trên đường tìm kiếm việc làm thì khẳng định: Sau này, nhất định sẽ không cho con học đại học ở các lĩnh vực này. Giỏi bên ngành đã khó, giàu càng khó hơn. Người kiếm được vài chục triệu/tháng từ công việc lại càng là con số ít.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh nghĩ khác. Chị Hương, hiện làm trong một cơ quan báo chí thì cho biết: Bản thân chị không thấy khó xin việc. Nhiều người theo học nhóm ngành này vẫn xin được việc làm tốt. Vì thế, nếu con chị muốn học khối C, rồi sau này vào các ngành khoa học xã hội, chị cũng không ngăn cản, quan trọng là năng lực của con đến đâu.
Vừa thiếu thực hành lại không có yếu tố "ngoại"
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất truyền thông Digisun cho biết, các ứng viên của công ty đến từ những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không nhiều.
"Tôi không quan trọng họ tốt nghiệp trường nào, mà đánh giá cao khả năng tư duy thực hành và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của ứng viên".
Anh Thành nhận xét: Riêng yếu tố "ngoại", mà chủ yếu ở đây là ngoại ngữ, các bạn chỉ có vốn tàm tạm, chưa sử dụng được trong công việc. Đây thực sự là một hạn chế lớn khi cần mở rộng kiến thức và làm việc với đối tác trong ngành này.
"Kiến thức nền của ứng viên những ngành học này vừa thiếu lại vừa thừa. Đặc biệt, khả năng thích ứng với công việc, áp dụng kiến thức quá sơ sài" - anh Thành nói thêm.
Có nhiều ứng viên kiến thức nền rất tốt nhưng điều quan trọng là áp dụng kiến thức nào để giải quyết một việc cụ thể thì lại rất khó khăn.
Một cán bộ tuyển dụng ngành truyền hình cùng chung nhận xét: "Với phương pháp giáo dục hiện tại của ta,i 4 năm 2 kỳ thực tập chóng vánh quả là một "đại họa" cho các nhà tuyển dụng. Sinh viên ra trường tỏ rõ sự thiếu hụt trong kỹ năng, khả năng tư duy logic và tư duy tổng thể. Thực tế cho thấy, có khoảng cách qua xa giữa kiến thức trong nhà trường và những gì nhà tuyển dụng yêu cầu".
Nhà tuyển dụng này cho biết mong muốn những ứng viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội có kiến thức nền tốt, chứ chưa "dám" đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Vậy nhưng ngay cả điều này cũng khó kỳ vọng, bởi sinh viên các ngành xã hội hiện đại có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhanh nhẹn, nhưng không sâu sắc - đó là lý do kiến thức của nhiều người bị hổng.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm quan niệm: "Trăm hay không bằng tay quen." Vì thế, với mỗi ứng viên ngành luật hay tốt nghiệp từ những ngành khoa học xã hội khác vào công ty, anh đều cố gắng đào tạo họ bước vào thực hành, gắn với thực tiễn chứ không "nằm chết" mãi trên những lý thuyết được học.
Luật sư Phạm Thành Long chia sẻ: Các nhà tuyển dụng kêu về chất lượng ứng viên các ngành khoa học xã hội à rất đúng. Vì thực tế cho thấy như vậy. Và lúc này, thực tế vẫn không thay đổi. Cho dù kêu thế nào đi nữa, họ là người nghe đầu tiên. Vì vậy, thay vì chấp nhận là "nạn nhân của việc đào tạo", anh ra sức đào tạo những ứng viên đã chọn, chỉ cần họ có đam mê, tầm nhìn.
Học Khoa học xã hội, phải ra nước ngoài
Chu Thị Thùy Dương là học sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, học sinh vừa đạt giải nhất quốc gia môn tiếng Anh năm nay nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà Tâm lý học.
Nơi em chọn để thực hiện ước mơ là một trong những trường ĐH của Mỹ. Tương lai, Dương sẽ học cao học về ngành này và trở về Việt Nam làm việc. "Ở nước mình, dù ngành em theo đuổi chưa thực sự được coi trọng, nhưng em tin sớm muộn nó sẽ được trả về đúng vị trí của mình."- Dương nói.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Digisun cho biết, nếu mai sau các con chọn khối C hay các ngành khoa học xã hội, anh sẽ tôn trọng ý muốn đó. Tuy nhiên, anh sẽ cho con ra nước ngoài để hưởng một nền giáo dục tốt hơn.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm cũng chung quan điểm. Anh không quan trọng việc con chọn lĩnh vực nào để học, mà quan trọng con sẽ làm được gì. Vì thế, tất cả các con sẽ được anh cho học ở nước ngoài.
Theo Vietnamnet
Khối C: Ít cơ hội việc làm - ít hồ sơ đăng ký Thống kê sơ bộ từ các trường THPT sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2011 theo tuyến trường - sở cho thấy, trái ngược với tình trạng quá "hút" của các ngành học kinh tế (khối A) là tình trạng hồ sơ khá thưa thớt của khối C vào các ngành khoa học xã hội. Thí...