Khóc người gieo chữ
Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Văn, tôi về nhận công tác tại Trường THCS Sơn Giang (tiền thân của Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên).
ảnh minh họa
Tôi đã gặp cô giáo Mai Thị Nga, quê gốc Thanh Hóa, theo gia đình di cư vào Nam, định cư Sơn Giang đã lâu. Cùng là dân Văn, chúng tôi nhanh chóng thân nhau bởi cùng trang lứa và hợp tính cách.
Ngày ấy, trường còn là cái kho cũ mượn tạm của ủy ban xã nằm heo hút trên đồi. Tiếng trường cấp 2; nhưng chỉ có ba lớp 6, hai lớp 7, một lớp 8 và… nửa lớp 9 (do chỉ có vẻn vẹn 14 học sinh!). Xóm núi, học trò đa phần nghèo khổ, nhếch nhác; có em đến trường còn đi chân đất. Với các em thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số, tình hình còn tệ hơn. Là giáo viên địa phương nên Nga hiểu khá rõ về hoàn cảnh của các em.
Nhiều lần, Nga kể tôi nghe chuyện đi học ngày nhỏ của mình: Những tháng ngày cơ cực đánh đổi nước mắt mồ hôi – đôi khi cả máu – cho từng con chữ. Dứt chuyện, Nga ngậm ngùi: Mình từng có một tuổi thơ y hệt các em nên mình biết: Nỗ lực đến trường của các em là không chút dễ dàng! Tôi nghe, lặng người – bởi tuổi thơ tôi dưới xuôi cũng đầy vất vả, lo toan; nhưng so với Nga, với những đứa học trò nghèo xóm núi Sơn Giang thì hãy còn quá sướng!
Có lẽ nhờ cái biết ấy mà Nga hiểu và thương học trò rất mực. Gần gũi, quan tâm tới các em từng li từng tí, nhất là những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chuyện cô giáo Nga mua dầu gội, xà bông tắm, dép, áo mưa… nhét vào cặp cho học trò đã không còn là chuyện gì xa lạ nơi ngôi trường cấp 2 heo hút chốn “thâm sơn”. Bỏ tiền túi ra mua. Ngày mới ra trường, lương giáo viên chúng tôi bèo bọt lắm; cũng chưa hề có những chính sách hỗ trợ cho những học sinh nghèo như bây giờ. Vậy nhưng, cô giáo Nga không hề ngần ngại mỗi bận phải “móc hầu bao” vì học sinh – kể cả việc đóng thay các khoản phí cho những em đặc biệt khó khăn. Không chút ngần ngại; trừ khi… hết tiền!
Gia cảnh nghèo, đa phần học sinh phải theo cha mẹ nhọc nhằn bươn chải mưu sinh nên chuyện các em bỏ học giữa chừng luôn là ám ảnh “đau đầu” nhất của các thầy cô ngôi trường xóm núi Sơn Giang. Nga dạy bộ môn kiêm công tác chủ nhiệm. Tôi thì không nhưng tôi hình dung được trách nhiệm, nỗi khổ của công tác ấy. Tôi phục sự kiên trì của Nga. Nhớ một lần Nga đến nội trú rủ tôi đi chơi. Tôi hỏi đi đâu, chơi gì. Nga cười, bảo đi Sơn Cu; cho biết Sơn Giang. Bà lên vùng này dạy mấy năm mà không biết Sơn Cu thì cũng như chưa từng đến Sơn Giang…
Sơn Cu là một xóm nhỏ nằm dưới chân núi, thuộc thôn Suối Biểu – thôn có đến 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa mưa, con đường mòn vào xóm biến thành một “dòng sông” bùn đất. Cùng Nga đẩy xe lội bùn, tôi thở luôn bằng miệng bằng tai, miệng càm ràm không dứt. Nga cười phá, bảo: Thiệt tình tui muốn “dụ” bà đi cùng đặng phụ… đẩy xe. Mùa này mình tui sao vô nổi Sơn Cu…. Hóa ra, Nga lặn lội vào đây để tìm nhà em Y Đậm, học sinh lớp Nga chủ nhiệm. Y Đậm đã nghỉ học 2 ngày không có phép.
Video đang HOT
Chúng tôi vào ngõ. Người nhà Y Đậm nghe giới thiệu cô giáo đến thăm nhà thì lảng đi, bỏ mặc hai cô giáo đứng ngoài sân. Cùng đi dạy nhưng chuyện xử lí những tình huống sư phạm kiểu oái oăm này thì tôi phải gọi Nga bằng thầy. Không đợi mời mọc, Nga dắt tôi xông ào vào nhà, hỏi thăm chuyện Y Đậm bỏ học. Bố Y Đậm nổi cục, quát: Các cô về đi, nhà nghèo, thằng Y Đậm lại dốt. Tới trường tốn tiền chứ có được cái gì đâu! Tình hình xem ra rất nản. Tôi nghĩ bụng: “Toi công rồi”. Nhưng không! Nga cứ kiên trì ngồi vận động mẹ của Y Đậm. Nga hứa sẽ cố gắng khuyên Y Đậm học hành, hứa sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm trong xã để giúp Đậm các khoản chi phí đến trường, gia đình không phải lo vân vân. Rốt cuộc, mẹ Y Đậm thấy cũng xuôi xuôi, gật đầu…
Tưởng là hứa ẩu để “dân vận” cho trôi; nhưng không! Hôm sau, Nga nhờ tôi đọc, góp ý cho cô ấy thư kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp trẻ tới trường. Bức thư ấy được Nga đem đến các quán xá, nhà máy mì, các ông bà chủ thu mua mì mía trên địa bàn… kiên nhẫn vận động. Cô giáo trẻ nhiệt tình, nói năng dễ nghe đã thuyết phục được không ít “Mạnh Thường Quân” chịu mở hầu bao góp vốn. Nhờ khoản hỗ trợ đó mà Nga lên kế hoạch giúp đỡ được nhiều em học sinh có hoàn cảnh tương tự như Y Đậm…
Mùa hè năm 2008, chúng tôi được Sở Giáo dục tập huấn phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử. Trường được trang bị đầu chiếu (Projector) nhưng chưa có máy vi tính. Là một giáo viên năng nổ, cầu tiến, dường như Nga rất tâm đắc với phương pháp mới. Trong lúc chúng tôi còn đang thận trọng, chần chừ với tâm lí “chờ xem sao” thì Nga đã đột ngột quyết định:
- Mình sẽ mua vi tính!
Tôi giật nảy:
- Tiền đâu mua?
- Không có thì… vay! Mình quyết định rồi. Cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Dạy kiểu này, lũ nhỏ sẽ hứng thú hơn với việc học, bớt chuyện bỏ lớp bỏ trường đi bào mì, chặt mía…
Nói là làm: Hôm sau, Nga chạy bay lên ngân hàng kí nợ; ôm cục tiền về, chuẩn bị xuống phố mua máy tính. Nhìn Nga hăng hái lo chuyện “vác tù và”, tôi chỉ biết lắc đầu. Thân nhau, nên tôi là người hiểu hoàn cảnh Nga rõ nhất. Nga mới lấy chồng, sinh con. Ngôi nhà nhỏ xây xong còn chưa trả hết nợ nần…
Trưa hôm đó, tôi đang thiêm thiếp thì có anh đồng nghiệp tới đập cửa, kêu tôi leo lên xe đi gấp. Lên xe, anh bảo tôi đi cùng anh tới hiện trường Nga bị tai nạn. Tới nơi, tôi tái xám, người run bần bật, không thể đứng vững để nhìn chiếc mũ bảo hiểm bị cán nát dưới bánh xe tải, đôi giày nằm lăn lóc dưới lòng xe. Nga đã được một chiếc xe tải khác đi ngang nhìn thấy và đưa vào bệnh viện. Chúng tôi tức tốc chạy xuống bệnh viện, người ta chỉ ra… nhà xác.
*
Đêm. Tôi ngồi bên cỗ quan tài đựng thi thể Nga, đau quặn ruột mỗi khi nhìn dàn máy vi tính nằm câm lặng nơi góc nhà. Tai nạn thương tâm đã xảy ra đúng cái ngày định mệnh – ngày mà Nga hăm hở xuống phố ôm dàn máy vi tính về để “đầu tư” cho Sự-Nghiệp-Trồng-Người. Chiếc xe tải mất lái không những cướp đi sinh mạng của người vợ – mẹ hiền, người bạn tốt mà còn tàn nhẫn dập tắt luôn khát vọng cao quí của một người thầy luôn hết mình vì những đứa học trò. Cô con gái nhỏ chưa hiểu chuyện gì, đưa mắt liên tục nhìn người thân, học trò, đồng nghiệp của mẹ vào nhà. Người ta khóc, cô bé cũng khóc…
Ngày đưa Nga ra nghĩa trang, nhìn dãy dài học sinh đi phía sau, nghe tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng gọi “cô ơi!…” của những đứa học trò – nhiều đứa mặt mày còn lem luốc, sạm nắng – không ai cầm được nước mắt. Nga ơi, giờ thì mình mới hiểu: Bạn đâu có chết. Bạn còn sống mãi trong tim bạn bè, đồng nghiệp, người thân – và nhất là trong tim những đứa học trò…
Theo Giaoducthoidai.vn
Công điện của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng chống cơn bão số 16
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Học viện, Viện, Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai về việc phòng chống cơn bão số 16.
ảnh minh họa
Cơn bão số 16 (tên quốc tế là TEMBIN) là cơn bão có cường độ rất mạnh, trái quy luật, tốc độ di chuyển rất nhanh, có khả năng bổ bộ vào những vùng ít xảy ra bão, đang di chuyển hướng về vùng biển và đất liền nước ta.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 13 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Thực hiện Công điện số 1985/CĐ-TTg ngày 23/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Học viện, Viện, Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai triển khai các công việc sau đây:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.
2. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản.
3. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương trong công tác ứng phó bão lũ, sơ tán giáo viên, học sinh khi có yêu cầu.
4. Có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác dạy và học sau bão như:
- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng khắc phục hư hại về cơ sở vật chất trường, lớp học để sớm ổn định hoạt động dạy và học.
- Đối với các trường bị thiệt hại nặng chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn thì cần bố trí nơi học tạm cho học sinh để đảm bảo chương trình, kế hoạch thi học kỳ I.
- Căn cứ tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh cho học sinh nghỉ học 02 ngày 25 - 26/12 để đảm bảo an toàn. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế và công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão cho học sinh đi học trở lại.
- Tổng hợp thiệt hại và phương án xử lý báo cáo UBND tỉnh để có phương án khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ theo địa chỉ: Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Số 35, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ địa phương.
Theo Giaoducthoidai.vn
Mô hình học tập trong các giờ tập giảng cho SV sư phạm Hiện nay tại các trường đại học, cao đẳng nói chung và các trường đại học, cao đẳng Sư phạm nói riêng mới chỉ coi trọng đến trang bị năng lực chuyên môn hơn rèn luyện năng lực sư phạm cho sinh viên (SV). ảnh minh họa Thời gian dành cho kiến tập sư phạm, tập giảng (thực hành phương pháp dạy học...