Khốc liệt thương mại điện tử: Mức lỗ của của Lazada, Shopee tăng phi mã lên 2.000 tỷ đồng/năm, tổng lỗ lũy kế gần chục nghìn tỷ
Mức lỗ 760 tỷ đồng năm 2018 của Tiki trở nên quá nhỏ bé khi mà cả Lazada và Shopee cùng đẩy mức lỗ lên “một tầm cao” mới.
Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo. Các doanh nghiệp này đều được chống lưng bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài.
Sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được phân tích và mổ xẻ từ lâu nhưng đây là cuộc chơi cực kỳ khốc liệt. Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là “cuộc đua nướng tiền” của đại gia khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn và ngày càng lớn hơn.
Vấn đề mấu chốt của các trang thương mại điện tử còn trụ lại gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.
Với việc chịu lỗ trên mỗi đơn hàng thì hiện tại khi quy mô giao dịch càng tăng lên thì mức lỗ cùng ngày càng nhiều thêm. Nếu như năm 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây kinh ngạc trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã đẩy mặt bằng lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 3 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với Lazada. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.
Dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng trong 3 năm qua nhưng điểm đáng chú ý là Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.
Trong khi doanh thu của Shopee bằng 0 – do không trực tiếp bán hàng – thì cả Lazada và Tiki (thông qua Tiki Trading) đều trực tiếp kinh doanh, qua đó cũng ghi nhận doanh thu đáng kể.
Năm tài chính kết thúc vào 31/3/2018, doanh thu của Lazada tăng vọt từ 1.100 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ cũng tăng gần gấp đôi từ 1.200 tỷ lên 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng.
Với việc luôn chấp nhận mức lỗ vượt trội so với ngành, tính đến 31/3/2018, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng. Giả sử vẫn duy trì mức lỗ khoảng 500 tỷ đồng/quý thì đến cuối năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Lazada và Shopee đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng!
Video đang HOT
Mặc dù lỗ rất lớn, nhưng vốn điều lệ của Lazada từ nhiều năm nay vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 15 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động đều được công ty mẹ – trước đây là Rocket Internet và hiện là Alibaba Group – hỗ trợ.
Với nguồn tài chính eo hẹp hơn so với 2 trang thương mại điện tử nước ngoài, mức lỗ của Tiki cũng “khiêm tốn” hơn rất nhiều với 760 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này cũng bằng 2,5 lần so với năm 2017.
Nếu như Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn thì Tiki lại đang có khá nhiều cổ đông trong và ngoài nước như VNG, JD.com, Sumitomo…
Với nguồn lực tài chính không dư giả, Tiki luôn phải thực hiện thêm các vòng gọi mới để bổ sung vốn. Năm 2018, Tiki huy động được thêm 920 tỷ đồng nhưng cũng tiêu gần hết do mức lỗ lớn trong năm. Để tiếp tục chạy đua trong năm 2019 thì việc công ty phải gọi thêm vốn là yêu cầu bắt buộc.
Trong số các cổ đông của Tiki thì cái tên đáng chú ý nhất hiện nay là JD.com – đối thủ chính của Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Nhiều khả năng JD.com sẽ tiếp bơm thêm vốn vào Tiki để tăng tỷ lệ sở hữu so với mức 25% hiện tại.
Theo GenK
Thương mại điện tử khu vực nông thôn: Sân chơi tiềm năng còn bỏ ngỏ
Thời gian qua, với sự phát triển nhanh, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một công cụ kinh doanh hữu hiệu của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, một thực trạng cần phải nhìn nhận, đó chính là sự chênh lệch lớn về sự phát triển TMĐT giữa các tỉnh thành, giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành khác, đặc biệt là vùng nông thôn.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dư địa phát triển lớn
Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, TMĐT đang có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Quy mô thị trường TMĐT tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm; Năm 2018, tổng doanh thu ngành TMĐT đạt 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm 2017, số lượng khách mua hàng thông qua TMĐT đạt 49,8 triệu người..., đưa Việt Nam lọt vào top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.
Trưởng phòng Chính sách (Cục TMĐT và Kinh tế số) Lê Thị Hà cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với mức tăng trưởng 30%/năm. Đáng chú ý, có nhiều sàn TMĐT Việt Nam gồm: Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sendo... đã chính thức lọt vào Top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt mức 10 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/năm thông qua mua sắm online.
TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; 100% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô giao dịch TMĐT Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet thường xuyên cao hơn các nước, đây là cơ sở để TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, việc phát triển TMĐT xuyên biên giới cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Nhiều hạn chế
Hiện tại, ở nhiều tỉnh, thành, các hoạt động TMĐT còn chưa phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn xa lạ với hầu hết người dân, có chăng cũng chỉ là một bộ phận giới trẻ có điều kiện tiếp cận sớm hơn với TMĐT.
Nguyên nhân tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất, nhận thức, hiểu biết và thói quen của người Việt chưa quen đối với việc mua sắm hay sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Thứ hai về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online, ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán chẳng hạn, người dân nông thôn còn quá xa lạ và thanh toán online gần như không có trong suy nghĩ của họ.
Thứ ba, các dịch vụ TMĐT chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư, "chịu chơi" và cần phải có thêm thời gian.
Hướng đến người tiêu dùng nông thôn
Mặc dù tỷ trọng tại các khu vực nông thôn còn thấp thế, nhưng xét trên nhiều phương diện, TMĐT ở vùng nông thôn có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển. Dân số của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ chiếm hơn 16% dân số cả nước, trong khi đó 61 tỉnh, thành còn lại chiếm tới hơn 83%.
Ngoài ra, khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với TMĐT. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng đang quan tâm đầu tư mạnh tay hơn để thúc đẩy TMĐT nông thôn phát triển cho xứng với tiềm năng.
Nếu như 5 năm trước, lượng người dùng điện thoại di động chưa đến 10% thì hiện nay con số đã đạt 92% ở thành thị và gần 70% ở nông thôn. Rõ ràng, điện thoại thông minh (smartphone) không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, ở nông thôn smartphone cũng trở thành hiện tượng mới với lượng người sở hữu ngang ngửa tại thành thị. Chính sự tăng trưởng về mặt công nghệ đã kéo theo những thay đổi lớn về hành vi mua sắm.
Theo ý kiến của đa số người tiêu dùng nông thôn, trước đây họ chỉ có thể mua bán qua kênh bán hàng truyền thống tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... Đây chính là lý do tại sao thị trường tiêu dùng nông thôn luôn được đề cập đến với tình trạng bị bỏ ngỏ, hoặc là thị trường tiềm năng. Hiện nay, các nhà bán lẻ hiện đại đã bắt đầu thâm nhập thị trường này.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Reasearch, cho biết, thói quen cũng như hành vi sử dụng điện thoại thông minh ở vùng nông thôn và thành thị có nhiều điểm tương đồng. Đó là lý do chính để các nhà sản xuất hướng đến người tiêu dùng nông thôn.
Với sự gia tăng chóng mặt của phương tiện công nghệ hiện đại, các chuyên gia tiếp thị sản phẩm cho rằng, doanh nghiệp nên nhanh chóng nắm bắt xu hướng để phủ sóng hàng hóa tại thị trường nông thôn.
Xây dựng nông thôn thông minh
Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thúc đẩy nông thôn thông minh hơn trong lĩnh vực TMĐT, vì nếu không thay đổi tỷ trọng TMĐT giữa nông thôn và thành thị thì sẽ khó đưa TMĐT Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM đã nêu ra vấn đề khoảng cách lớn giữa nông thôn và đô thị trong phát triển TMĐT. Việt Nam đang thúc đẩy ưu tiên xây dựng thành phố thông minh hơn nhưng ở góc độ phát triển TMĐT thì VECOM đặt vấn đề: xây dựng đô thị thông minh cấp thiết hơn, hay là xây dựng nông thôn thông minh quan trọng hơn?
Bởi vì hiện nay, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm tới 70%, và ở góc độ TMĐT thì VECOM phát hiện ra rằng, nếu không đẩy nhanh số hóa về khu vực nông thôn sẽ khó phát triển TMĐT nhanh chóng.
Những năm trước, thương mại được định hướng thúc đẩy mạnh bởi tầng lớp có thu nhập trung lưu ở thành phố, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế số, tình hình bắt đầu thay đổi, việc thúc đẩy tiêu dùng TMĐT không phải ở tầng lớp trung lưu nữa mà là của tầng lớp tiêu dùng kết nối, chính tầng lớp kết nối mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển.
VECOM nhận định, đến năm 2025, tầng lớp người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm vị trí quan trọng trong tỷ trọng phát triển TMĐT ở Việt Nam. Tầng lớp tiêu dùng kết nối sẽ giúp TMĐT tăng trưởng nhanh hơn, không chỉ có tầng lớp trung lưu ở thành phố, mà Việt Nam có 58 triệu người kết nối internet, trong số đó có nhiều người ở khu vực nông thôn.
Hiện có một số nền tảng kết nối với nhau trên quy mô toàn cầu, một cuộc cách mạng nền tảng đã thâm nhập mạnh vào trong nước, các ứng dụng Facebook, Zalo, Uber, Grab... là những kết nối quan trọng với người tiêu dùng Việt Nam. Để giúp cho các ứng dụng kết nối phát triển nhanh hơn, thúc đẩy nhanh hơn sự kết nối các tập đoàn, công ty công nghệ đã phát triển các công nghệ di động, đám mây, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, giúp người Việt Nam kết nối thuận tiện và an toàn hơn.
Ông Hưng cho rằng, TMĐT vài năm qua phát triển nhanh nhưng ở mức độ ban đầu rất thấp. Các khảo sát nghiên cứu đánh giá đều khẳng định tốc độ phát triển TMĐT tăng trưởng bình quân 25%/năm, cao hơn mức trung bình thế giới 24%, nhưng VECOM đánh giá tốc độ thực tăng cao hơn nhiều, lên tới 35%.
Nhưng trên thực tế đang có sự mất cân đối lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị về TMĐT. Do đó, các nhà làm chính sách cần chú trọng đảm bảo TMĐT phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
"Trong 7 năm qua, chỉ số TMĐT cho thấy riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chỉ có 1/6 dân số, nhưng chiếm tới 80% quy mô TMĐT, tỷ trọng này không thay đổi trong suốt 7 năm qua. Nếu Chính phủ không có tác động thì tỷ trọng này sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tới. Chừng nào hai thành phố lớn vẫn chiếm lĩnh thì TMĐT không lớn nhanh và mạnh được," ông Hưng nhấn mạnh.
Theo tài chính
Hết Vuivui đến Robins.vn đóng cửa, thị trường thương mại điện tử Việt Nam khốc liệt ra sao? Dù được đánh giá đầy tiềm năng phát triển, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng vô cùng khắc nghiệt. Hàng loạt công ty phải nói lời chia tay để nhường lại sân chơi cho những doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư "khủng". Hàng loạt trang web thương mại điện tử đóng cửa Hôm qua (27/3), website thương mại điện...