Khóc cười chuyện trẻ “đi tu, vào quân đội và làm nông dân”
GiadinhNet – Trước khi tham gia học kỳ quân đội, bé Vũ Minh Đức (ở Cầu Giấy, Hà Nội) rất hào hứng, đi đâu cũng khoe sắp được làm “chú bộ đội”. Thế nhưng, khi xe lăn bánh về doanh trại, Đức lại lăn đùng ra khóc đòi xuống xe. Bé Lâm (ở Từ Liêm, Hà Nội) thì không thể ngủ vì thiếu “ti” mẹ. Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ những khóa học kỹ năng sống của trẻ dịp hè.
Những học sinh trải nghiệm thực tế làm nông dân tại Trang trại Đồng Quê, Ba Vì (ảnh do Trang trại Đồng Quê cung cấp).
Không ngủ được vì thiếu “ti” mẹ
Từng có cơ hội làm tình nguyện viên trong khóa tu “Hiểu và Thương”tại chùa Đình Quán (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), em Văn Đức Hiếu (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Thật sự đây là những khóa học rất bổ ích và ý nghĩa dành cho các bạn trẻ. Trong 5 ngày diễn ra khóa tu, các khóa sinh sẽ được nghe giảng về giáo lý nhà Phật, giáo dục đạo đức nhân cách, lòng hiếu thảo, sự yêu thương, được giáo dục những kỹ năng sống và tính tự lập. Bên cạnh đó, các bạn còn được tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi và có thêm nhiều người bạn tốt”.
Video đang HOT
Nói về những kỉ niệm và những chuyện hài hước trong suốt khóa học, bạn Hiếu cho biết: Thời gian đầu, khi mới tham gia khóa học, có nhiều em không thực sự hào hứng cho lắm, vì đó có lẽ là lần đầu tiên các em phải xa bố mẹ, sống trong một môi trường hoàn toàn khác. Có những em do độ tuổi còn quá nhỏ nên không chịu được sự nhớ nhà nên nửa đêm khóc đòi về với bố mẹ. Theo Hiếu, ở những khóa tu ngắn hạn trên chùa, các em học sinh ngoài việc được giảng dạy về giáo lý nhà Phật còn được tham gia vào rất nhiều những hoạt động vui chơi bổ ích. “Những ngày đầu, do chưa quen với giờ giấc sinh hoạt nên nhiều bạn tỏ ra khá uể oải. Rất nhiều em ngồi nghe giảng kinh Phật mà cứ gật gà, gật gù, thậm chí có em chịu không nổi, ngủ luôn tại chỗ”.
Tuy nhiên, Hiếu cho rằng, khi đã làm quen với sinh hoạt chung thì tình trạng này không còn nữa. “Vào các buổi chiều hoặc tối, khi tham gia vào các trò chơi như đố vui Phật pháp, tô màu, diễn kịch… đã mang lại những kỉ niệm vui nhất mà các bạn có được với nhau trong khóa học này. Với bản thân mình, tuy chỉ tham gia tình nguyện viên trong 5 ngày nhưng cũng có nhiều kỷ niệm”, Hiếu cho biết. Từng nhiều lần đưa con đi học các khóa kỹ năng sống vào mỗi dịp hè, chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh em Vũ Minh Đức cũng chia sẻ: “Hai năm trước tôi cho cháu (học lớp 4) tham gia
học kỳ quân đội
. Khi xem các hình ảnh, phim trên mạng Internet thì cháu hào hứng lắm, bắt bố mẹ phải đăng ký cho đi học. Từ ngày đăng ký đến ngày “nhập ngũ” hôm nào cháu cũng khoe với mọi người là cháu sắp thành “chú bộ đội” rồi. Nhưng đến ngày lên đường “nhập ngũ” thật, khi xe chuyển bánh thì khóc nức nở, cứ đòi xuống xe về nhà với bố mẹ”.
Mẹ bé Lâm thì cho biết, khi tham gia học kỳ quân đội, không chỉ con chị mà rất nhiều bé vừa tập thể dục vừa ngủ gật vì ở nhà quen ngủ dậy muộn. Còn bé Lâm thì không ngủ được vì quen sờ “ti” mẹ, cả đêm đầu bé ngồi dậy khóc, không chịu ngủ.
“Con gà em tưởng… 4 chân”
Anh Hà Ngọc Dũng, Học viện Thanh thiếu niên chia sẻ: “Gần như năm nào Học viện cũng tổ chức các chương trình khóa học quân đội. Đi vào trải nghiệm thực tế mới thấy, học sinh còn quá xa lạ với những điều đã được học trong trường học hoặc tính tự lập rất thấp”.
Môi trường quân đội cực kì kỉ luật và nghiêm minh nên ban đầu nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” khó thích nghi được. Trong quân đội các em sẽ tự phải làm mọi việc từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống, sinh hoạt. Ở nhà do được bố mẹ quá nuông chiều nên nhiều em còn chưa biết đánh răng ra sao, đi vệ sinh cũng cần có người trợ giúp.
TS Ngô Kiều Oanh – Giám đốc Trang trại Đồng quê Ba Vì cho biết, từ khi thành lập trang trại từ 2008 đến nay, đã có hàng trăm nghìn học sinh lên tham quan và thực tế theo các tour du lịch “Học làm nông dân”. Và cũng chừng ấy năm, bà chứng kiến những câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì sự thiếu hiểu biết của các em so với những gì được học trong sách vở.
“Trong quá trình thực tế ở đây, nhiều học sinh còn chưa phân biệt được cây lúa với cây ngô; con gà với con bò… thậm chí lúc ăn thịt gà, còn hỏi sao gà chỉ có 2 chân, rồi đi vắt sữa bò còn hỏi bò đực có sữa không… Do cuộc sống ở chốn đô thị, các em chưa từng được tiếp xúc với những cây trồng, vật nuôi này nên các em tỏ ra khá bỡ ngỡ, gặp cái gì cũng tò mò hỏi”, TS Ngô Kiều Oanh cho biết.
Theo TS Ngô Kiều Oanh, hầu hết những kiến thức này các em đều đã được học trong sách giáo khoa nhưng lại chưa từng được trải nghiệm thực tế nên các em hỏi rất nhiều câu hỏi ngô nghê. Có nhiều bạn không biết con cá sống ở đâu, nó ăn cái gì chứ chưa kể đến chuyện phải phân biệt các loại cá ra sao. Gặp bất cứ thứ gì các em đều tỏ ra khá mới mẻ, lạ lẫm.
“Hay khi phải ra ruộng để bón phân, chăm cây thì nhiều em nhất quyết không chịu đi vì… sợ bẩn. Khi nhìn thấy các bạn ra được chơi đùa vui vẻ thì mới chịu ra. Khi nhìn thấy con sâu thì hét toáng lên vì sợ hãi, khóc đòi về với bố mẹ. Nhưng sau một thời gian được trải nghiệm tại đây, kiến thức thực tế đã nhiều dần lên. Thông qua các khóa học này, chúng tôi mong muốn các em sẽ hiểu được những giá trị của cuộc sống, biết trân trọng những thứ mình đang có, hy vọng các em sẽ không ngại khó, không ngại khổ khi bước vào đời”, TS Ngô Kiều Oanh chia sẻ.
Theo TS Ngô Kiều Oanh, các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh bậc tiểu học, phổ thông là điều cần thiết: “Nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực này, tôi cho rằng chúng ta cần có một cách giáo dục bài bản và áp dụng càng sớm càng tốt chương trình học trải nghiệm, đan xen trong chương trình học chính thống hiện nay trong các trường học các cấp phổ thông ở nước ta. Chứ không để biết viết, biết đọc mà các em còn rất ngu ngơ về cuộc sống thực tế”.
Theo Báo Gia đình & Xã hội