Khoanh nợ, giãn nợ và cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp – giảm lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hàng trăm tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ được các ngân hàng thương mại ở thành phố Đà Nẵng triển khai đến doanh nghiệp. Nhờ gói hỗ trợ này, nhiều doanh nghiệp trụ vững, từng bước vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Công ty Cổ phần Seatecco Đà Nẵng suýt phải công bố phá sản do dịch bệnh Covid-19. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, chủ yếu là cung cấp giải pháp dịch vụ cho khách sạn, căn hộ cao cấp, giải pháp kỹ thuật đông lạnh cho ngành thủy sản. Mỗi tháng Công ty phải chi 4 – 5 tỷ đồng tiền lương cùng trả lãi vay ngân hàng.
Nhờ gói hỗ trợ từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp trụ vững, từng bước vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Do vậy, mấy tháng phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, Công ty phải cho một nửa nhân viên nghỉ việc không lương, khoản vay ngân hàng 80 tỷ đồng trở thành gánh nặng lớn với doanh nghiệp. Ngay khi có thông tin được giảm lãi suất, khoanh nợ, Công ty lập tức hoàn thiện hồ sơ để nhận gói hỗ trợ từ ngân hàng.
Ông Phan Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Seatecco cho biết, nhờ chính sách này công ty thoát khỏi cảnh nộp đơn phá sản.
“Điều đầu tiên vô cùng quan trọng đó là đó là chuyện giãn nợ. Vì nếu không giãn nợ chúng tôi bỗng dưng mất tính thanh khoản, coi như doanh nghiệp không thể nào tồn tại được. Thứ 2, ngân hàng cũng đã có sự hỗ trợ giảm lãi suất. Đó là “liều thuốc” rất quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn này. Còn nếu không có sự hỗ trợ từ các ngân hàng tôi nghĩ một loạt doanh nghiệp sẽ phải phá sản.” – ông Dũng chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) Chi nhánh Đà Nẵng triển khai ngay bộ phận do một lãnh đạo ngân hàng trực tiếp rà soát, phân loại và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Video đang HOT
Đến nay, đơn vị đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 33 khách hàng với dư nợ được cơ cấu gần 200 tỷ đồng; BIDV Chi nhánh Đà Nẵng cũng đã áp dụng giảm lãi suất cho khoản dư nợ gần 250 tỷ đồng.
Ông Trần Hải Vân, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng sẽ tự cân đối, điều tiết kế hoạch để hỗ trợ khách hàng.
Theo ông Vân: “Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cũng đã chỉ đạo, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn mà lợi nhuận ngân hàng cao là điều phản cảm. Trên tinh thần chỉ đạo đó, chi nhánh đã chủ động gửi thông báo là tất cả khách hàng tuy không thuộc đối tượng mà chi nhánh cân đối về việc tự điều tiết giảm kế hoạch lợi nhuận của năm 2020 và giảm cho tất cả các khách hàng tùy theo mức độ đánh giá ảnh hưởng”.
Theo thống kê, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có số dư nợ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gần 29.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 300 khách hàng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn giảm lãi suất cho gần 3.000 tỷ đồng dư nợ, tương đương với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng cũng đã cho vay mới hơn 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, giúp các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, do số lượng đơn xin miễn giảm lớn, việc rà soát hồ sơ mất nhiều thời gian nên tiến độ giải ngân còn chậm.
“Việc cơ cấu lại nợ này đúng như một khoản vay mới với tất cả các điều kiện kèm theo nên thời gian có thể kéo dài một chút, cũng mong các khách hàng thực sự thông cảm và chia sẻ. Chúng tôi cũng luôn động viên hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn làm hết công suất để có thể giúp đỡ khách hàng tốt nhất và có hiệu quả nhất” – ông Võ Minh chia sẻ./.
Góc nhìn tài chính đa chiều: Ngân hàng giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn khó lách khe cửa vốn
Theo IMF, lãi vay bình quân của Việt Nam đã về mức 7,7%/năm, gần tương đương với lãi vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực...
Đây là một trong những nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Thủ tướng gặp Doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5/2020.
Theo báo cáo, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019. Quốc gia mà Việt Nam có lãi suất cho vay bình quân tương đương được dẫn ra theo số liệu IMF ở tháng 2/2020 là Philippines (7,13%). Còn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực mà Việt Nam lại đang có lãi suất cho vay thấp hơn là: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).
Giảm lãi nhưng không cào bằng
NHNN cho biết theo 3 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019 và sau đợt các mức lãi suất điều hành từ ngày 17/3/2020, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 2% so với thời điểm trước dịch đối với các khoản vay cũ và khoản cho vay mới.
Việc miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cũng được đề cập và một số TCTD thậm chí còn được NHNN nêu tên với việc đã hạ lãi suất từ 2,5- 4% cho khách hàng như: Vietinbank, ACB, VCB, MB, ViettABank, LienVietPostBank, SCB, SeaBank,...
Có thể nói hạ lãi suất là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng để có giá vốn rẻ hơn, giúp giảm áp lực chi phí tài chính cho một số doanh nghiệp trên dư nợ cũ và vay mới trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành trong nền kinh tế.
Nhưng như vậy chưa đủ. Bởi nhìn vào một số khoản vay thực tế được nêu cụ thể trong BCTC quý I/2020 của một số doanh nghiệp niêm yết, lãi vay của nhiều khoản neo cao hơn bình quân thống kê. Đại diện lãnh đạo một nhà băng thừa nhận mức giảm lãi vay mà nhiều TCTD công bố, được thực hiện từ mức rất cao trước đó. Ví dụ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản từ 11,8% đến trên 12%/năm, nếu giảm khoảng 3%, thì doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi trên 9%.
"Ngay một số khoản vay với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đáp ứng cấp tốc bổ sung vốn, chi lương..., nhiều nơi vẫn phải neo lãi vay trên 8%/năm. Vốn giá rẻ với TCTD thực tế không phải nơi nào cũng rẻ. Nhiều nhà băng đã phát hành trái phiếu trước đó với lãi suất 9-10%/năm. Và nay các nhà băng này vẫn còn phải tiếp tục ưu đãi huy động kỳ hạn từ trên 6 tháng với lãi suất trên 8,5%/năm. Không thể phủ nhận nỗ lực tổng quan chung là lãi suất thực giảm, nhưng chỉ có điều giảm đến đâu, với doanh nghiệp nào, chúng tôi không thể cào bằng", đại diện nhà băng này nói.
Hỗ trợ nhưng không mở toang cửa
Vẫn theo báo cáo của NHNN, về hỗ trợ tín dụng, các TCTD vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3/2020 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.
Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; (iii) Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng; (iv) Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.
Theo đó, tín dụng từ gói 300.000 tỷ đồng đã phần nào có sự vận động đáng kể. Song sự vận động đó vẫn khó khớp với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp SME.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá rằng trong số các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã chỉ đạo triển khai, đáng kể nhất chính là gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh không thể tiếp cận được vốn vay từ gói này. Do đó, vấn đề không phải nằm ở chỗ lãi suất giảm mà là doanh nghiệp có lách qua khe cửa vốn hỗ trợ hay không. "Lãi suất cho vay giảm có lẽ không quan trọng bằng việc doanh nghiệp vay được vốn tín dụng", TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng giữa việc các NHTM không hạ cho vay dưới chuẩn để giữ an toàn và chất lượng tín dụng, và việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, rất cần có sự "bắc cầu" với các tổ chức trung gian như tư vấn, kiểm toán... để tạo kết nối, sự đảm bảo và tin cậy giữa hai bên.
Ở góc nhìn quản trị tài chính, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, cho rằng về tổng thể, các NHTM cho các doanh nghiệp giãn trả nợ, thì nguồn vốn thu hồi của họ sẽ ít, nên sẽ gặp khó khăn nhất định về nguồn vốn cho vay mới.
"Hiện nay một số NHTM nhỏ đã phải tăng lãi suất huy động lên trên 8%/năm với kỳ hạn 1 năm, thì lấy vốn đâu để cho vay các doanh nghiệp SME (số lượng lớn và nhiều rủi ro) với lãi suất ưu đãi? Đặc biệt, doanh nghiệp nào càng gặp khó khăn trong dịch COVID-19, thì theo nguyên tắc kinh doanh của ngân hàng, họ sẽ càng e ngại cho vay vì lo mất vốn, chứ không phải hiểu ngược lại như các doanh nghiệp nghĩ mình khó thì phải ưu tiên cho vay.... Thực tế, dù có gói hỗ trợ hay không, các NHTM cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn hoãn trả nợ. Vấn đề là NHNN cho phép làm điều này để không bị đưa vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến sự đánh giá và kinh doanh của NHTM", TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Về phía khối SME, ông Hiển nhấn mạnh tốt nhất không nên mỏi mòn trông chờ cơ hội tiếp gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn cần phải chủ động về nguồn vốn trong kinh doanh, biết tính toán và liệu cơm gắp mắm. Còn nếu tìm tới ngân hàng, thì doanh nghiệp cần chấp nhận lãi suất thị trường. "Doanh nghiệp cần cố gắng giảm tối đa nhu cầu vốn vay, và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả", chuyên gia lưu ý.
Các ưu đãi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Để giảm bớt gánh nặng cho DN, nhà nước cho phép các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng một số chính sách... PV