Khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn: Gánh nặng trên vai các trường sư phạm
Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng GV hướng tới dạy học phát triển năng lực là xu thế tất yếu của quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể.
Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn, đặc biệt đối với GV môn Ngữ văn.
Sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội học tập trên thư viện. Ảnh: Hữu Cường
Những điểm bứt phá mới
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Tổng chủ biên CTGDPT môn Ngữ văn mới cho biết: CT Ngữ văn 2018 kế thừa CT hiện hành và phát triển với một bứt phá mới, thiết kế theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học với một số tư tưởng cốt lõi như chú ý tới yêu cầu vận dụng những điều đã học vào thực hành và giải quyết các vấn đề gắn với cuộc sống. Các nội dung cần dạy và học được xác định, lựa chọn dựa trên các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực.
Chương trình theo hướng mở, chỉ quy định một số kiến thức Tiếng Việt, Văn học cốt lõi bắt buộc, còn lại để các tác giả SGK và GV chọn, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn văn bản (VB) đọc hiểu cho phù hợp với đối tượng. Tất nhiên, việc lựa chọn VB phải dựa theo tiêu chí của CT.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi GV cần thay đổi, từ bỏ một số thói quen quá lâu ngày dạy theo cách cũ ở tất cả các phương diện (phân môn). Trước hết là dạy đọc hiểu văn bản, GV phải chuyển từ cách dạy giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản; chuyển từ việc nói cho HS nghe những gì thầy cô hiểu, yêu thích về văn bản – tác phẩm sang hướng dẫn để các em tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm theo cách nhìn và suy nghĩ cảm nhận của chính HS.
Sách giáo khoa Ngữ văn mới được biên soạn theo hướng tinh giản, không chạy theo số lượng, hiện đại và thiết thực giúp học sinh đạt được yêu cầu về năng lực. Sách được triển khai theo hướng tích hợp và có sự phân hóa. Đó là tích hợp liên môn và nội môn, tích hợp xuyên suốt và đồng bộ tạo ra hiệu quả nền tảng kiến thức sâu rộng cho người học. Đồng thời có sự phân hóa để phù hợp với đối tượng và sở thích của học sinh…
Trên cơ sở những điểm mới căn bản của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, vấn đề hết sức cấp thiết là giúp GV chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Dạy học phát triển năng lực không hướng nhiều đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức ngôn ngữ và văn học mà quan tâm đến việc vận dụng những kiến thức ấy, quan tâm đến năng lực giao tiếp của người học, cụ thể là HS cần có năng lực ngôn ngữ và năng lực tự học.
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ Internet
Thách thức lớn với giáo viên
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học Ngữ văn theo hướng phát huy năng lực là thách thức lớn đối với thực trạng dạy học Ngữ văn ở nước ta. Trước hết do thói quen, quán tính của lối dạy cũ. GV chỉ thích nói những gì mình thích cho HS nghe; đọc cho HS chép và đánh giá cao những gì HS nói, viết đúng ý mình. Tiếp đến là cách thức đào tạo trong các trường sư phạm.
CT Ngữ văn ở trường PT đã chủ trương dạy đọc hiểu từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay hầu như chưa có một giáo trình nào về phương pháp dạy học (PPDH) đọc hiểu cho SV các trường sư phạm. Các tổ PPDH tại các nhà trường SP vẫn mò mẫm tự tìm lối đi, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu sự thống nhất trong quan niệm và lý thuyết dạy học đọc hiểu. Hầu hết các tài liệu hiện nay đều nặng về lý thuyết đọc hiểu, trong khi vấn đề đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phải là cách đọc hiểu (PPDH đọc hiểu), tức là dạy đọc hiểu như thế nào chứ không chỉ đọc hiểu là gì?
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có giáo trình về dạy viết (PPDH tạo lập văn bản); cách dạy nghe và nói theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho HS. Việc bồi dưỡng GV vẫn chú trọng những chuyên đề bổ sung kiến thức, ít chú ý tới PPDH theo yêu cầu mới.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT khởi động tạo sự chuyển biến trong dạy học theo hướng phát triển năng lực cả về PPDH và kiểm tra, đánh giá nhưng vẫn chưa có tài liệu nào giải quyết đúng mực và thỏa đáng về PPDH đọc hiểu về đánh giá năng lực trong môn Ngữ văn. Việc chỉ đạo dạy học Ngữ văn từ Trung ương đến địa phương hầu như buông thả, không có tư tưởng, thiếu định hướng rõ ràng, thống nhất…
“Trong chương trình Ngữ văn trung học hiện hành, những vấn đề văn bản và đời sống đều gợi mở rất nhiều cách cảm nhận, đánh giá khác nhau. HS có thể tiếp nhận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức. Vì thế, kích thích khả năng phản biện phải đi đôi với sự định hướng tư duy và nhận thức. Những gì các em tiếp thu hôm nay trong nhà trường sẽ được kiểm chứng gắt gao và rất nhanh ở đời sống xã hội cũng như ở các bậc học kế tiếp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với trình độ và bản lĩnh của người GV Ngữ văn.”
TS Đặng Lưu, Viện SP xã hội, Trường ĐH Vinh
Khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tất yếu không chỉ trong dạy học Ngữ văn. CT 2018 được xây dựng theo hướng đó. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn.
“Đọc hiểu là gì đã khó, đọc hiểu như thế nào lại còn khó hơn, khó nhất là thực hành đọc hiểu trên lớp. Để có kết quả, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo GV. Gánh nặng này đang đè lên vai các trường SP, nhà nghiên cứu Ngữ văn, chuyên gia về PPDH môn học này. Một khoảng trống mênh mông cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn vẫn còn đó”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định.
Muốn lấp đầy khoảng trống đó, theo TS Đặng Lưu, Viện Sư phạm xã hội, Trường ĐH Vinh cho rằng, cần một chính sách đồng bộ, sự phối hợp của nhiều lực lượng, nỗ lực của đội ngũ GV, sự cộng hưởng của toàn xã hội. Lời cảnh báo ấy không nhằm gây hoang mang mà chủ yếu nêu lên một đòi hỏi tất yếu khách quan về đội ngũ – nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo cho sự nghiệp đổi mới GD thành công.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Bồi dưỡng GV thế nào cho hiệu quả?
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi GV, cần bồi dưỡng những kiến thức nào để thiết thực, hiệu quả, tổ chức các lớp học tại thời gian nào, địa điểm nào cho phù hợp.
Bồi dưỡng giáo viên là công tác thường xuyên tại các cơ sở GD. Ảnh: Hữu Cường
Nghỉ hè là thời gian thích hợp nhất
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm GV có nhu cầu được bồi dưỡng cao nhất là vào kì nghỉ hè. Còn nếu việc bồi dưỡng được tổ chức vào các thời điểm khác trong năm học, GV thường rất khó tham gia vì còn bận lên lớp và các kế hoạch khác của cá nhân.
Một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: Nếu các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho GV được tổ chức vào kì nghỉ hè, chúng tôi có thể bố trí các công việc cá nhân để tham gia. Nếu không bận các tiết dạy thì việc tham gia sẽ dễ hơn rất nhiều.
Thời điểm "cuối học kì I, đầu học kì II" được ít GV lựa chọn nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm GV bận rộn nhất trong năm học. Thời điểm này họ bận tổ chức ôn tập, chuẩn bị đề thi, chấm thi, giáo án cho kì mới nên sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia bồi dưỡng.
Về thời gian bồi dưỡng, các GV chủ yếu lựa chọn phương án "tùy theo từng nội dung". Bởi lẽ mỗi nội dung khác nhau cần thời gian bồi dưỡng phù hợp. Nội dung nào phức tạp cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nên căn cứ vào nội dung cụ thể mới lên được kế hoạch về thời gian bồi dưỡng bao nhiêu cho hợp lí. Bên cạnh đó, phương án ít được GV lựa chọn nhất là "từ 3 đến 5 ngày".
Một GV khi được phỏng vấn cho biết: Trong năm học, nếu thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 3 ngày trở lên sẽ gây trở ngại cho GV, bởi ảnh hưởng đến lịch công tác. Nếu muốn tổ chức thì phải có thông báo từ rất sớm mới sắp xếp được. Do đó, căn cứ lựa chọn thời gian bồi dưỡng của GV phụ thuộc vào nội dung và việc bố trí, sắp xếp công việc cá nhân khác của họ.
Theo ý kiến của GV, địa điểm bồi dưỡng phù hợp nhất là tại các trường nơi họ đang giảng dạy. Bởi lẽ với GV, việc bồi dưỡng tại chính nơi họ đang dạy sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Theo chia sẻ của đa số GV, nếu bồi dưỡng tại các trường, GV sẽ đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, có thể tranh thủ thu xếp công việc cá nhân, bố trí thời gian tham gia bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, địa điểm "trường ĐHSP" được ít GV lựa chọn hơn. Nhiều thầy cô cho rằng, thực trạng trên là do GV đến từ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên việc tổ chức bồi dưỡng tại địa điểm này sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra các khóa bồi dưỡng.
GV cần bồi dưỡng gì?
Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV cập nhật kiến thức và các phương pháp mới để vận dụng vào thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT, chưa xuất phát từ nhu cầu của chính GV.
Do đó, cần phải đổi mới nội dung và hình thức, cách thức để việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV trở thành nhu cầu học tập thường xuyên.
GV có nhu cầu cao đối với việc bồi dưỡng do nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này đối với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ít GV cho rằng không cần thiết bởi họ cảm thấy tự bản thân có thể trau dồi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhu cầu ở mỗi nội dung cần bồi dưỡng có sự khác biệt, nhưng mức độ nhu cầu cần được bồi dưỡng của GV ở các nội dung cụ thể là rất cao. Ví dụ như những nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các kĩ năng dạy học, giáo dục, quản lí lớp học theo yêu cầu đổi mới giáo dục...
Trong đó, các nội dung GV có nhu cầu cần bồi dưỡng cao nhất là: Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh; Thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS.
Các kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm được GV hết sức chú trọng. GV có nhu cầu bồi dưỡng những kĩ năng này để giúp cho họ thực hiện tốt hoạt động giảng dạy của mình, bởi đây là những kĩ năng GV sử dụng xuyên suốt trong quá trình dạy học trên lớp.
Một số nội dung cần bồi dưỡng khác cũng được rất nhiều GV quan tâm như: Phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; Thiết kế, sử dụng các đồ dùng dạy học, phương tiện dạy học một cách có hiệu quả; Nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và một số phần mềm tin học để nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục như Microsoft Power Point, Violet, Moviemaker, Imindmap...
Vân Anh
Theo GDTĐ
Thầy Bùi Văn Quân đề xuất hướng phát triển trường đào tạo giáo viên địa phương Để tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở này. Hệ thống đào tạo giáo viên của nước ta hiện nay đã có cống hiến vô cùng to lớn với sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà, nhất là...