Khoảng 282 triệu người trên thế giới đối mặt với nạn đói trong năm 2023
Ngày 24/4, các nhóm phát triển và cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trở nên trầm trọng hơn vào năm 2023, với khoảng 282 triệu người thiếu ăn do các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Gaza và Sudan.
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 19/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo mới nhất của Mạng thông tin an ninh lương thực (FSIN) về các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, số người bị đói năm ngoái tăng hơn 24 triệu người so với năm 2022. Báo cáo lưu ý 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tình hình mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn.
Số người đói tăng năm ngoái chủ yếu do báo cáo mở rộng phạm vi địa lý và tình hình xấu đi tại 12 quốc gia. Phó Giám đốc Văn phòng khẩn cấp thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), bà Fleur Wouterse cho biết có thêm nhiều khu vực trải qua “cú sốc mới hoặc mạnh hơn” trong khi một số nơi ghi nhận cuộc khủng hoảng lương thực diễn biến nghiêm trọng hơn như Sudan và Dải Gaza.
Video đang HOT
Năm ngoái, khoảng 700.000 người, trong đó có 600.000 người tại Gaza, đang ở bờ vực nạn đói. Đến nay, con số này đã tăng lên 1,1 triệu người.
Theo bà Wouterse, số người đói tăng từ 108 triệu người lên 282 triệu người, kể từ báo cáo đầu tiên của FSIN năm 2016. Những cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và kéo dài đang xảy ra tại các nước Afghanistan, CHDC Congo, Ethiopia, Nigeria, Syria và Yemen.
Báo cáo nhận định các hiện tượng thời tiết cực đoan và kinh tế sụt giảm là những yếu tố làm gia tăng số người đối mặt với nạn đói. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, là nguyên nhân chủ yếu khiến 72 triệu người đói tại 18 nước, trong khi kinh tế khó khăn đẩy 75 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo tại 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cũng theo báo cáo, xung đột hoặc an ninh bất ổn là nguyên nhân chính gây ra nạn đói cho 135 triệu người tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy một điểm tích cực khi tình hình an ninh lương thực cải thiện tại 17 nước, trong đó Ukraine.
Trong báo cáo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres viết rằng: “Trong một thế giới đầy đủ, nhiều trẻ em lại sắp chết đói. Chiến tranh, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cùng với hành động chưa quyết liệt, khiến gần 300 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vào năm 2023″. Ông Guterres cho rằng nguồn tài trợ không theo kịp nhu cầu thực tế.
Bà Wouterse lưu ý tiến triển trong năm 2024 sẽ tùy thuộc vào việc chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định viện trợ có thể nhanh chóng giảm tác động của cuộc khủng hoảng như tại Gaza và Sudan một khi có khả năng tiếp cận các khu vực này.
Báo cáo trên do các cơ quan LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thực hiện.
Khủng hoảng nhân đạo ở Sudan có thể trở nên tồi tệ hơn
Ngày 12/4, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo do xung đột ở Sudan gây ra có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, khiến một số khu vực ở quốc gia châu Phi này đối mặt với nạn đói.
Trẻ em tị nạn tại Al-Eligat, Sudan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của các cơ quan LHQ cho biết tình trạng khẩn cấp ở Sudan có thể sẽ lan sang các nước láng giềng, nếu như giao tranh còn tiếp diễn. Trong một phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier nhấn mạnh, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudan sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Xung đột sẽ dẫn đến làn sóng di cư, sự lây lan của bệnh dịch và tình trạng mất an ninh lương thực. Theo ông Lindmeier, hiện thế giới "chỉ đang nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm".
Số liệu thống kê cho thấy xung đột tại Sudan giữa quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đẩy hơn 8,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng. WHO cảnh báo hệ thống y tế ở Sudan đang sụp đổ, do thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên y tế cũng như thuốc men, vaccine, thiết bị và các vật tư y tế. Ông Lindmeier cho hay khoảng 70-80% cơ sở y tế ở Sudan không còn hoạt động do các cuộc giao tranh. Một số bang, trong đó có Darfur, không nhận được vật tư y tế trong suốt một năm qua.
Xung đột cũng đang đẩy các hộ gia đình ở Sudan vào cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ. Theo cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) thực hiện với 4.504 hộ gia đình nông thôn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, hiện có 2/3 dân số Sudan sinh sống ở vùng nông thôn đang bị khủng hoảng an ninh lương thực. Ông Thair Shraideh, Đại diện thường trú của UNDP tại Sudan, cho rằng quốc gia châu Phi này có thể sẽ đối mặt với nạn đói trong năm nay, đặc biệt ở hai bang Khartoum, Al-Jazira và các vùng Darfur, Kordofan. Theo ông, chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn do xung đột, thu nhập của người dân giảm sút và lạm phát tăng cao sẽ ngày càng đẩy nhiều người dân Sudan vào tình cảnh khốn khó. Ngay cả các nguồn viện trợ lương thực và hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cũng không đủ để ngăn nạn đói đang rình rập.
Theo kế hoạch, một hội nghị nhân đạo quốc tế về Sudan và các quốc gia láng giềng sẽ được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 15/4 tới nhằm tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ hiện nay.
Hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỷ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan.
Gần 55 triệu người dân Tây và Trung Phi sắp đối mặt nạn đói Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo gần 55 triệu người tại Tây và Trung Phi sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong một vài tháng tới khi giá cả leo thang, gây ra một cuộc khủng hoảng về lương thực, thực phẩm. Người tị nạn chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Goma, CHDC Congo....