Khoa thi… thất thủ kinh đô
Khoa thi hội năm Ất Dậu 1885 dù đã chấm xong, chọn được người đỗ tiến sĩ, nhưng triều đình chưa kịp truyền lô xướng danh thì xảy ra sự biến thất thủ kinh đô. Sĩ tử người thì theo ngọn cờ Cần Vương, kẻ xiêu tán, người về quê tiếp tục dùi mài kinh sử chờ kỳ thi sau hầu mong đỗ đạt báo đền đất nước.
…Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (tức tháng 7-1885), triều đình Huế do tướng quân Tôn Thất Thuyết chủ chiến đã ra lệnh nổ súng vào tòa khâm sứ Pháp ở bờ nam sông Hương và khu Mang Cá lớn ở góc bắc kinh thành Huế, nhằm đánh úp quân Pháp, giành lại quyền tự chủ đất nước. Đến sáng hôm sau, quân Pháp phản công dữ dội. Vua quan nhà Nguyễn không kháng cự nổi, kinh đô thất thủ, quân lính và dân Huế chết la liệt. Vua Hàm Nghi rời kinh thành, xuất bôn hạ chiếu Cần Vương để kháng chiến chống Pháp.
Tiến sĩ thời loạn lạc
137 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện vẫn như mới hôm qua. Lời kể của ông Trần Đạo Thảo, cháu nội cụ Trần Đạo Tiềm, người lẽ ra đã được xướng danh đỗ đầu tại khoa thi hội năm đó. “Nghe kể ngày xưa cụ rất hay chữ, sáng dạ và chăm học, từng ba lần thi tiến sĩ. Ở kỳ thi năm Ất Dậu 1885, cụ đỗ cao nhất nhưng kinh thành thất thủ chưa kịp tổ chức truyền lô để vinh quy bái tổ. Cụ đành bỏ về quê (ở làng Đông Lâm, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế)” – ông Thảo kể.
Theo quy định của triều Nguyễn, khoa thi cho dù đã chấm xong, xác định người đỗ đầu, đỗ thứ (đều tương đương học vị tiến sĩ) nhưng chưa tổ chức truyền lô xướng danh tiến sĩ thì vẫn chưa được công nhận đỗ đạt.
Cụ Trần Đạo Tiềm trước đó đã đỗ cử nhân tại khoa thi năm Mậu Dần (1878) dưới thời Tự Đức, lúc ông tròn 18 tuổi. Hai năm sau, tại khoa thi hội Canh Tý (1880), ông đã đậu phó bảng, được vào thi đình nhưng lại viết sót chữ nên bị truất xuống còn học vị cử nhân. Đến thời Hàm Nghi, triều đình mở khoa thi hội vào ngày 15 tháng 5 năm Ất Dậu 1885, ông lại lên kinh ứng thí. Kết quả tưởng đã nắm chắc trong tay bởi trong danh sách 13 vị đỗ năm ấy, thí sinh Trần Đạo Tiềm đỗ đầu, tức trúng cách, tương đương tiến sĩ, chỉ chờ truyền lô. Chẳng ngờ xảy ra sự biến.
Là một trong số 12 người đỗ phó trúng cách năm ấy, phó bảng thượng thư Nguyễn Văn Mại (tác giả sách VN phong sử) đã thuật lại cái ngày loạn lạc cũng đồng thời lúc công bố kết quả trong Lô Giang tiểu sử – cuốn sách chưa chính thức xuất bản của ông. Sáng 22 tháng 5 (âm lịch), Nguyễn Văn Mại cùng đồng môn Trần Đạo Tiềm đến Bộ Lễ chờ xem kết quả thi. Kinh thành hôm đó ban lệnh giới nghiêm, người qua đường chỉ lặng lẽ nhìn nhau không dám nói điều gì. Ở khắp kinh thành, từ đồn Mang Cá cho đến khu Lục bộ (khu nhà của sáu bộ thuộc nội các triều Nguyễn), hai bên các tuyến đường đều được đào hào công sự. Quân lính của triều đình trang bị gươm đao, súng ống trong thế sẵn sàng chiến đấu. Trước các trại lính, người ta chất đầy những thùng chứa cột cây chuối để phòng bị. Những đống trái bàng và mù u chất đầy khu vực quanh đồn Mang Cá nhằm bẫy quân Pháp trượt chân té ngã. Người dân lẫn các quan viên trong Thành nội lục tục di dời vợ con, di chuyển của cải về quê.
Nguyễn Văn Mại viết: “Anh Trần Ðạo Tiềm nói với ta rằng: “Xưa ông Văn Thiên Tường bái tướng (một anh hùng khí phách đời Tống trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của Trung Hoa – PV), khi thế nước đã nguy vong mà thân gánh nặng 300 năm cơ nghiệp nhà Tống. Chúng ta đăng khoa ngày nay cũng là một sự bất hạnh vậy”. Nói rồi dắt tay nhau về quê. Vào khoảng 8 giờ đêm hôm ấy bỗng nghe tiếng súng như sấm, ngó qua phía đông kinh thành lửa sáng ngập trời, đến 4 giờ sáng chỉ nghe súng tay liên tiếp như pháo nổ. Vua Hàm Nghi xuất bôn!”.
Mãi cho đến bốn năm sau, khoa thi hội dưới triều đình Thành Thái đã chọn được 15 người cho vào thi đình. Tám trong số 13 người đỗ trong năm Ất Dậu chưa kịp truyền lô được triều đình “đặc cách” cho dự thi đình. Trần Đạo Tiềm có trong danh sách ấy. Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Có bằng tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm quan tri phủ Hoài Nhơn (Bình Định) trong một thời gian ngắn, rồi chuyển về kinh đô làm việc tại trường Quốc Tử Giám. Sau khi vua Thành Thái bị truất phế năm 1907, ông rất phẫn nộ và xin rút khỏi quan trường, bỏ về quê uống rượu giải sầu cho đến cuối đời. Trong thời gian dạy học của mình, Trần Đạo Tiềm để lại rất nhiều câu chuyện thể hiện sự tận tâm, tận lực với học trò, xem học trò như con cháu trong nhà. Sau này khi qua đời, 22 học trò đã cúng ba sào đất để xây mộ, lập bia cụ ở quê nhà Đông Lâm.
Video đang HOT
Ông Trần Đạo Thảo và Trần Đạo Phong, cháu cụ Trần Đạo Tiềm, bên tấm bia ghi danh tiến sĩ khoa thi năm 1889 tại Văn Miếu (Huế)
Chính sách thi thời loạn
Sau sự biến kinh đô thất thủ, nhiều địa phương trong cả nước nổi dậy đấu tranh, sĩ tử các vùng miền hưởng ứng phong trào Cần Vương chống đối triều đình Đồng Khánh cũng như quân Pháp. Tháng 8 – 1886, vua Đồng Khánh cho phép gộp chung hai trường thi Hà Nội và Nam Định thành một ở Nam Định. Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp đã đề nghị và được triều đình chuẩn y cấm toàn bộ cử nhân và tiến sĩ ở khu vực Bắc kỳ không được tập trung hoặc lai vãng khu vực trường thi, vừa nhằm đảm bảo an ninh, tránh tình trạng gạ bài thí sinh, làm loạn hoặc nhiều việc phức tạp khác.
Dù thi tại một trường nhưng thí sinh và tổ chức trường thi vẫn được phân thành hai bộ phận riêng biệt, kể cả khuôn dấu lẫn các học quan. Quyển thi của thí sinh trường Hà Nội được đóng dấu son, còn của thí sinh trường Nam Định đóng dấu chàm. Hai hội đồng chấm thi riêng và không được giao thiệp với nhau. Các quan viên cấp nhỏ lo từ phúc khảo, sơ khảo trở xuống thì chọn những người có học ở Bắc kỳ. Các quan viên từ phân khảo trở lên do Bộ Lễ chọn từ kinh đô Huế rồi triều đình phái ra. Hồi đó đường bộ từ Quảng Bình trở ra Nghệ An chưa thông do loạn lạc, triều đình cho đi bằng tàu thủy. Khoa thi hương này sau đó được tổ chức thi gộp sĩ tử Hà Nội, Nam Định và cả Ninh Bình lấy đậu 74 người.
Tình trạng tẩy chay kỳ thi lan truyền trong giới nho học, nhiều trường thi vì quá ít thí sinh không thể tổ chức được phải liên tục đình hoãn. Để tạo điều kiện dễ dàng cho thí sinh, vào tháng 10-1886 triều đình Đồng Khánh đã đề ra chính sách khá đặc biệt: cho phép thí sinh tất cả các tỉnh, kể cả kinh kỳ, đến đăng ký dự phiên sát hạch tại các vị học quan của trường thi ở nơi họ tạm trú, thay cho quy định chỉ sát hạch tại nơi ở chính của mình. Sách Đại Nam thực lục ghi lý do: “Lại năm gần đây có loạn, học trò phần nhiều tản đi ngụ ở các nơi, nếu đến kỳ khoa thi trở về không tiện, nghĩ xin như có người nào tình nguyện đi thi, đến nộp đơn ở học thần sở tại để vừa rộng cách gia ân, học trò lại được yên định”…
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc quyết tâm mở khoa thi trong thời kỳ loạn lạc cũng nhằm tạo tâm lý ổn định xã hội, góp phần thu phục lòng người vốn bất an.
Theo tuổi trẻ
Thi xưa: Mang "phao" bị gông cổ một tháng
Cũng như các triều đại trước, hệ thống thi cử dưới thời Nguyễn gồm có ba kỳ: thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Các trường miền Bắc thi hương khoảng tháng 10, miền Trung và Nam khoảng tháng 3 đến tháng 7.
Thi từ sáng sớm đến tối mịt
Trống điểm canh tư (chừng 1g sáng) thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên, đến khoảng canh năm tám khắc (khoảng 5g sáng) thì thí sinh phải vào hết trong trường. Thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19g). Vì vậy, thí sinh vào trường phải chuẩn bị đầy đủ lều, chõng, chiếu, tráp đựng nghiên, bút, giấy, mực, dao kéo... và thức ăn dùng trong một ngày.
Quan trọng nhất là chuẩn bị quyển thi (tức giấy làm bài thi đóng thành quyển), phải giữ gìn hết sức sạch sẽ. Quyển thi là do thí sinh đem nộp trước cho dinh đốc học để kiểm tra, đóng dấu. Khi quan trường gọi đúng tên, thí sinh phải "dạ" thật to rồi vào cổng trường thi để nhận lại quyển thi. Vào trường thi, thí sinh tìm chỗ cắm lều, đặt chõng, đến khi sáng rõ mặt thì xong để chuẩn bị làm bài thi.
Tứ trường và thiên kinh vạn quyển
Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ...), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận).
Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.
Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ. Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học... đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!
Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh - Ảnh tư liệu
Mang tài liệu vào trường thi: gông cổ, đánh 100 roi
Không được mang tài liệu vào trường thi không nói chuyện ồn ào, đi lại lộn xộn không được quên đóng dấu "nhật trung" (là dấu giáp lai các trang bài thi, dấu xác định bài thi được làm tại trường thi...) cấm ngồi không đúng chỗ, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên cấm kê khai gian lận tên tuổi cấm nộp bài trễ hạn. Các quy định đó xem ra cũng không khác gì bây giờ, nhưng hình phạt cho người vi phạm thì rất nghiêm khắc. Nếu bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị đóng gông một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào thì không những thí sinh bị trị tội mà còn truy tội cả các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương.
Trong bài thi lại có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (không biết tránh chữ húy). Bài thi của thí sinh phải tránh viết những chữ húy kỵ của triều đình, đó là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua rồi thì tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua...
Sau lỗi khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang có nghĩa là thiếu phần tao nhã, do dùng những từ thô tục về nghĩa cũng như về âm, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu... thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ). Nếu không là mắc lỗi khiếm đài.
Chưa hết, bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi. Quyển thi nếu bị ố bẩn, tì vết, xem như làm dấu cũng bị đánh rớt. Lệ còn quy định mỗi quyển thi không được đồ (xóa bỏ), di (sót), câu (móc), cải (sửa) quá 10 chữ. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã đồ, di, câu, cải. Nếu đồ, di, câu, cải vượt quá 10 chữ, hoặc sai sót, ố bẩn, tì vết không thể khắc phục thì đem lên quan trường xin đổi quyển thi khác hợp lệ. Phạm vào lỗi gì đều được niêm yết rõ lên bảng con ở mỗi khu vực cho thí sinh biết vì sao mà hỏng thi.
Những thí sinh chỉ đỗ được ba trường thi hương thì được học vị tú tài. Những thí sinh vượt qua được cả bốn trường thì được học vị cử nhân, được ban cấp áo mão, ban yến (đãi tiệc), rồi vinh quy bái tổ.
Tiếp tục cuộc đua tiến sĩ
Tân cử nhân về quê tiếp tục đèn sách đợi sang năm vào kinh đô dự kỳ thi hội, cùng với những cử nhân của các khoa trước đó, những thí sinh đã vượt qua một kỳ khảo hạch đặc biệt do triều đình, và một số ít quan lại muốn có học vị cao hơn. Cách thức làm bài và trường quy thi hội không khác mấy với thi hương, chỉ khác là phạm quy thì bị tội nặng hơn.
Thi hội không có truyền lô (xướng danh) nhưng lễ yết bảng (công bố kết quả) rất long trọng. Bảng chính ghi tên những người đạt hạng trúng cách, bảng thứ ghi tên người hạng thứ trúng cách.
Chỉ những người trúng cách mới được tiếp tục tham gia thi đình, tổ chức trong cung đình, do đích thân nhà vua ra đề và là người chấm thi cuối cùng. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách hẳn hoi. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.
Sau khi vua chấm bài thì học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng. Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, được thăm hoa ở vườn ngự uyển, được cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.
Hệ thống học vị dưới triều Nguyễn 1. Thi hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị: tú tài đỗ tứ trường: hương cống (về sau gọi là cử nhân) đỗ thủ khoa: giải nguyên. 2. Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị: phó bảng đỗ thủ khoa: hội nguyên. 3. Thi đình: đỗ thi đình đạt học vị chung là tiến sĩ đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó, đỗ từ 8-10 điểm được xếp bậc đệ nhất giáp. 10 điểm được lấy đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, thường gọi là trạng nguyên. 9 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, thường gọi là bảng nhãn. 8 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, thường gọi là thám hoa.
Theo tuổi trẻ
9 tuổi đã vào "lò" luyện thi cấp 2 Con trai vừa mới kết thúc năm học lớp 3 (9 tuổi), chị Nguyễn Thị Thúy (tổ 58 Trần Bình, Mai Dịch, Hà Nội) đã đôn đáo chuẩn bị cho con đi luyện thi vào trường Am cấp 2 (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam). Vì chị nghe nói thi Am là cả một cuộc chiến. Nếu con mình không qua các lò...