Khổ vì yêu trai giàu
Nhiều lúc Thu ước giá được sinh ra trong một gia đình giàu có hơn thì anh và cô đã không phải chia tay.
Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận rằng một người đàn ông khá giả sẽ có nhiều khả năng hấp dẫn phụ nữ hơn so với những anh chàng “tiền khô cháy túi”. Theo các nhà tâm lý học, điều này hoàn toàn hợp lý bởi lâu nay người phụ nữ vẫn bị định kiến là phái yếu, luôn cần một chỗ dựa vững chắc (cả về vật chất lẫn tinh thần) để trước tiên là sống sót, sau đó là sống tốt. Hơn nữa, gắn bó cuộc sống với một người đàn ông khá giả, có thể áp lực về kinh tế sẽ được giảm nhẹ.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều thuận lợi mà một anh chàng có điều kiện đem lại thì khi hẹn hò với họ, bạn cũng phải đối mặt với vài điều khó chịu từ dư luận xung quanh. Phổ biến nhất là việc người ngoài cuộc gán cho bạn cái mác “đào mỏ”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là bạn cần biết cách cư xử khéo léo, biết điểm dừng để không phải trá giá đau thương.
Dù đã chia tay mối tình đầu cách đây 3 năm nhưng Minh Thu (27 tuổi, nhân viên đối ngoại) vẫn không thể quên được quãng thời gian yêu đương đó. Thu kể: “Mình và anh ấy yêu nhau khi mình là sinh viên năm hai. Còn anh thì đã ra trường. Gia đình anh khá giả, bố mẹ đều làm sếp lớn trong cơ quan nhà nước, có tiền và có quyền. Trong khi đó, bố mẹ mình chỉ là công chức bình thường đã về hưu.
Lúc nhận lời yêu, mình còn mơ mộng lắm nên chưa nghĩ gì nhiều. Mà thật sự mình cũng thấy có gì phải nghĩ đâu vì mình đến với anh bằng tình yêu chân thành, chưa bao giờ nghĩ sẽ xin xỏ hay nhờ vả điều gì ở anh. Thỉnh thoảng, anh đèo mình đi học, mình đều bắt anh đỗ xe từ xa rồi đi bộ vào vì sợ mọi người nhìn thấy. Cẩn thận đến thế mà vẫn có lời ra tiếng vào, xì xào này nọ. Hễ cứ mua một món đồ gì mới là mọi người lại bảo Chắc ông ấy mua cho hay Cái Thu số sướng, được người yêu mua đồ cho suốt ngày”…
Video đang HOT
Gần bốn năm yêu nhau, Thu luôn phải thận trọng trong cách cư xử, không dám chưng diện. Trong mối quan hệ với người yêu, cô cũng phải giữ khoảng cách, từ chối nhận những món quà đắt tiền bởi không muốn làm cả hai khó xử. Thế nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.
“Tốt nghiệp đại học một thời gian, mình đi làm cho công ty truyền thông. Tuy thu nhập không cao nhưng với một sinh viên mới ra trường, công việc đó khá ổn và có cơ hội phát triển. Mình và anh tính đến chuyện kết hôn. Anh dẫn mình về ra mắt bố mẹ, họ hàng. Và đây mới thực sự là rào cản lớn khiến mình không thể vượt qua được.
Nói chuyện với bố mẹ anh, mình luôn có cảm giác mặc cảm về sự nghèo khó và khoảng cách tầng lớp. Từ cách ăn uống thế nào, nói chuyện ra sao cũng thật sự khác biệt. Cuối cùng, bố mẹ anh phản đối vì lý do hai gia đình không môn đăng hộ đối. Dù đau khổ nhưng mình vẫn chia tay. Bây giờ nghĩ lại, mình không hối hận về quyết định và cũng chẳng trách ai cả. Đó là điều đáng tiếc và có lẽ chẳng bao giờ mình quên được chuyện tình này”.
Trường hợp của Thu không phải hiếm và đa phần mọi người đều chọn cách dừng lại để không khiến bản thân đau khổ hơn khi chống chọi với sự phản đối từ gia đình. Chỉ một số ít cặp đôi vượt qua được rào cản để tiến tới hôn nhân. Nhưng cuộc sống gia đình của một cô con dâu xuất thân bình dân khi bước vào gia đình quyền quý cũng chẳng dễ chịu gì.
Chị Ngọc Anh (35 tuổi, Trung Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Hai năm đầu tiên sống với bố mẹ chồng là những ngày tháng cực kỳ tủi thân. Bởi tôi là người ngoại tỉnh về làm dâu gia đình Hà Nội giàu sang, bề thế. Họ hàng bên nội bảo tôi là “Chuột sa chĩnh gạo” nhưng thực sự phải ở vào địa vị của tôi mới thấu hiểu hết. Từ ngày tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi không động tay đến chuyện cơm nước, nhà cửa, phó thác hoàn toàn vào tay tôi mà chẳng hướng dẫn một lời. Nếu tôi hỏi Mẹ muốn ăn món gì để con nấu? thì bà trả lời Ăn gì chả được. Tùy cô. Nhưng đến bữa ăn, nhìn mâm cơm thì bà lại trách Chúng tôi không quen ăn thùng uống vại. Nấu thế này có mà cho cả làng ăn cũng đủ.
Bố mẹ tôi nếu muốn đến thăm tôi đều phải gọi điện hỏi ý kiến mẹ chồng tôi trước. Nếu họ đồng ý thì mới được lên. Cái cảnh làm dâu xa thật khổ. Hàng đêm, tôi chỉ biết khóc. May ông xã cũng thương tôi và là người hiểu biết nên động viên tôi rất nhiều. Sau hai năm, vợ chồng tiết kiệm rồi vay mượn thêm để mua được một căn nhà chung cư. Tôi không phải làm dâu và cuộc sống vì thế cũng dễ chịu hơn một chút. Thỉnh thoảng về thăm bố mẹ chồng, họ vẫn giữ thái độ khó chịu với tôi. Nghĩ cũng buồn và chẳng biết khi nào mới hết cảnh mẹ chồng-nàng dâu”.
Trong cuộc sống, quyền được yêu dành cho tất cả mọi người nhưng đôi khi vì lòng tự trọng của bản thân và gia đình mà buộc phải dẹp tình yêu sang một bên. Nếu tình yêu của hai người đủ lớn thì cả hai nên tiếp tục và bạn trai nên thể hiện bản lĩnh của một người thuyền trưởng, lái con tàu cặp bến bờ hạnh phúc. Còn nếu đã do dự thì hãy cân nhắc thật kỹ càng bởi cuộc sống có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Khi cánh cửa này khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, quan trọng bạn phải có niềm tin. Đừng nhắm mắt đưa chân để rồi cuối cùng kết quả chẳng đi về đâu, chỉ làm cho cả hai đau khổ.
Theo VNE
Anh vừa nghèo lại vừa yếu 'chuyện ấy'
Tôi muốn yêu và cưới một người đàn ông khác nhưng lại lo sợ chuyện bị mất trinh sẽ khiến chồng tương lai chê trách.
Chúng tôi yêu nhau đã được bốn năm. Ai cũng nói tình đầu, tình sinh viên thì chóng phai nhưng chúng tôi vẫn bên nhau. Vì học muộn nên anh sau tôi một năm và giờ vẫn chưa ra trường. Anh học CNTT nên có ý sau này sẽ gom vốn mở cửa hàng sửa chữa, buôn bán máy tính cũ. Còn tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, vốn quen thói tiểu thư từ bé nhưng yêu anh, tôi đã chấp nhận nghèo khổ vì gia đình anh nghèo lắm. Chúng tôi yêu nhau cũng nghèo. Nếu lấy anh rồi, chúng tôi sẽ phải tự lập từ hai bàn tay trắng mà anh thì yếu ớt, chỉ được cái chăm chỉ.
Các bạn đọc rồi sẽ trách tôi, yêu mà tính toán nhưng đã bốn năm rồi, tôi đợi rất mệt mỏi. Cái cảnh ở trọ càng làm tôi chán nản, nhiều khi vì không có tiền mà chúng tôi cãi nhau. Bạn bè thì đã cưới, ổn định. Bản thân tôi cũng ổn định nhiều thứ: công việc tốt, cuộc sống tốt, nếu tôi cũng lấy được một người khá giả như gia đình tôi thì sẽ rất tốt. Tôi chỉ cần người yêu có nhà hoặc đất, chúng tôi sẽ gom góp làm ăn. Nhưng anh nghèo, ba mẹ lại không có để cho, nên lấy anh, tôi phải ở trọ. Mà ở trọ rồi, biết bao giờ mới làm để mua nổi nhà, khi tôi chỉ là một công chức nhà nước.
Mẹ tôi thường nói: "Con gái à, tính mày trẻ con, lại điệu đà, ăn chơi từ bé. Bạn bè toàn đứa giàu có, ăn chơi bạt mạng mà sao yêu thằng nghèo và yếu ớt như con gái thế. Có quá phí cái thời điệu đà của con không? Sau này lấy chồng, ai cũng biết nhà nó nghèo, ba mẹ lại làm cái nghề ấy, người ta cười cho". Lúc đầu nghe thì tôi cũng bỏ qua nhưng lâu dần, cuộc sống quá túng thiếu làm tôi mệt mỏi. Yêu anh, cưới anh xong, tôi còn phải lo cho gia đình, các em của anh nữa vì chúng nghỉ học, chỉ ở nhà... Chắc tôi chết mất.
Khi yêu nhau, dù rất kiềm chế nhưng chúng tôi đã đi quá giới hạn. Tôi tự hỏi có khi nào chúng tôi bên nhau lâu thế là do tình dục hay không? Nhưng dù rất nhiều lần quan hệ mà chưa lần nào anh làm tôi thỏa mãn. Có thể nói, khả năng của anh hơi yếu. Có lúc tôi đã giận và đẩy anh ra khỏi người vì anh không biết cách điều phối.
Giờ tôi rất chán, muốn chia tay anh vì tôi biết nếu cưới anh mà ở trọ, mẹ tôi cũng sẽ không cho cưới. Cưới anh, chúng tôi cũng sẽ hay cãi nhau, không vì chuyện tiền bạc thì cũng vì "chuyện đó". Tôi muốn yêu và cưới một người đàn ông khác nhưng tôi lại lo sợ việc mình đã mất trinh sẽ bị chồng chê trách thì tôi càng không sống nổi. Còn cứ như thế này, tôi đã 24 tuổi rồi, càng già, tôi sẽ càng khó sống hơn. Tôi phải làm sao đây?
Theo VNE
Chồng tôi xấu nhưng nhiều tiền Mỗi lần đưa chồng đi đến chỗ này chỗ kia là bạn bè tôi, ai ai cũng cố giấu sự thất vọng. Họ lắc đầu ngán ngẩm vì chồng tôi quá xấu so với nhan sắc khá ổn của một cô vợ như tôi. Nếu ai nhìn vào cũng nghĩ chúng tôi là một cặp đũa lệch. Tôi thì xinh gái trong khi...