Khổ sở đi học ngày thứ bảy
Từ lâu, học sinh tại TP HCM đều được nghỉ học vào hai ngày cuối tuần. Nhưng nay, tại một vài quận, huyện ở TP HCM, học sinh tiểu học bỗng dưng phải đến trường vào ngày thứ bảy.
“Suốt cả tuần con tôi đều đi học rất sớm rồi. Giờ thứ bảy lại cũng phải đi học. Tội nghiệp con hết sức, mà chúng tôi cũng rạc cả người vì đưa đón”- chị M., phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, than thở.
Thứ bảy nhưng nhiều học sinh lớp 1 vẫn đến lớp như ngày thường (anh chụp tại ở trường tiểu học tại quận Tân Phú) – Anh: Tuổi Trẻ.
Lớp 1 cũng tất bật
Từ hơn một tháng nay, hầu hết các trường tiểu học ở quận Tân Phú đều lên thời khóa biểu để học sinh đi học vào ngày thứ bảy.
Khoảng 10h sáng thứ bảy 10/10, hàng trăm học sinh một trường tiểu học tại quận Tân Phú ùa ra như chim vỡ tổ, trong đó đa số là học sinh lớp 1. Trước đó, trước cửa một phòng học có đề bảng: lớp 1/6 và lớp 4/1, một học sinh lớp 1, mang chiếc cặp thật to ở lưng, khóc inh ỏi đòi mẹ: “Mẹ đâu rồi, sao giờ này mẹ chưa đến?”. Bé tự đi ra khỏi lớp, dù lúc đó trống trường chưa điểm.
Chỉ sau ít phút khóc lóc, cô giáo dỗ dành không được, bé đã ói ra. Cô giáo đành bỏ lớp chạy theo bé và nói: “Thấy chưa, ói ra rồi đó. Cứ khóc là ói”.
Lúc này, phụ huynh đã đứng kín cả khoảng sân rộng mà trường dành để cha mẹ đón trẻ. Nhiều phụ huynh nhìn cậu bé khóc lóc nọ lắc đầu…
Trong cái nắng chang chang, bên ngoài điểm đợi, các phụ huynh đã sẵn sàng ngồi lên xe để chở con về. Con đường trước cổng trường bắt đầu ùn tắc như một ngày học bình thường trong tuần, dù hôm đó là thứ bảy. Những khuôn mặt non nớt mướt mồ hôi vì nắng nóng, vì mang cặp nặng, vì đợi chờ, kẹt xe…
Anh H., một phụ huynh đứng đón con, than vãn: “Mới lớp 1 mà đã phải học thứ bảy, ba không phải đi làm nhưng con phải đi học!”.
Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), gần 9h sáng một ngày thứ bảy mà nhiều học sinh vẫn thấp thỏm chạy ra chạy vào vì ba mẹ chưa đến đón, có em la cà ra ngoài cổng trường, xuống ngay lề đường.
Bảo vệ nhà trường thấy vậy nghiêm mặt: “Các con phải đứng đây, chừng nào ba mẹ đến mới được đi ra, nghe chưa”. Một học sinh lớp 1 mặt buồn xo, òa khóc ngay khi mẹ đến: “Con tưởng mẹ không đến đón con!”.
Video đang HOT
Quay qua một người bà đi đón cháu, mẹ bé này nói như phân trần: “Mới học lớp 1 hơn một tháng, lại bắt đầu học trái buổi, học vào thứ bảy nên cháu nó sợ, cứ khóc hoài bà ạ!”. Người mẹ này sau đó cho biết chị còn phải đi rước con đầu vào lúc 10g30 cùng ngày…
Ở quận Bình Tân tình hình cũng diễn ra tương tự, nhiều trường tiểu học tổ chức cho học sinh đi học vào ngày thứ bảy. Một phụ huynh bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu học sinh tiểu học thì phụ đạo, học thêm gì mà tổ chức vào thứ bảy. Không phải khối đầu cấp, cuối cấp gì mà học cả thứ bảy, nên cả gia đình và học sinh đều mệt mỏi…”.
Không thể làm khác?
Thầy Nguyễn Xuân Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, việc tổ chức dạy vào thứ bảy cho học sinh hiện nay là nhằm dạy thêm hai tiết còn thiếu theo chương trình tiếng Anh đề án.
“Trường có 13 lớp 1, nhưng chỉ có 4 lớp bán trú được học tiếng Anh trong giờ, 9 lớp còn lại phải học vào ngày thứ bảy, vì không có phòng để học”, thầy Tùng giãi bày.
“Trường thực hiện theo văn bản của sở về hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2015-2016 và đã xin phép, được sự đồng ý của Phòng GD&ĐT quận. Lâu nay thứ bảy vẫn được nghỉ, năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 1 đi học vào thứ bảy nên có thể các em chưa quen, phụ huynh cũng ngại đưa đón. Nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của trường không đủ để bố trí cho trẻ học các ngày trong tuần, mong phụ huynh ủng hộ”, thầy Nguyễn Xuân Tùng trải lòng.
Xác nhận chuyện các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức cho học sinh đi học vào ngày thứ bảy, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Hiện nay, theo yêu cầu quy định là lớp 1 phải học tiếng Anh 4 tiết/tuần, nhưng khung chương trình không đủ nên phải học trên 5 buổi/tuần. Quy định của Bộ GD&ĐT cũng cho phép học sinh tiểu học học trên 5 buổi/tuần”.
Cũng theo ông Tân, 80% học sinh ở quận chỉ được học 1 buổi/ngày, nên học sinh muốn học tiếng Anh thì phải học thêm buổi thứ sáu trong tuần do phòng học không đủ. Không chỉ khối 1, các khối lớp khác của bậc tiểu học ở các trường thuộc quận Tân Phú hầu hết đều phải học vượt khung. Đây là năm đầu tiên quận Tân Phú triển khai học vượt khung vào thứ bảy ở các khối lớp nhỏ, lớp 1.
Phòng học không đủ
Ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân) giải thích, theo kế hoạch, Sở GD&ĐT TP HCM khuyến khích các trường tiểu học tổ chức dạy trên 5 buổi/tuần. Tại Bình Tân, do phòng học không đủ, buổi sáng, buổi chiều đã đầy kín, nên các trường tiểu học xin ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức cho học sinh đi học vào thứ bảy.
Trong ngày thứ bảy, học sinh tại quận thường học 2 tiết chương trình tiếng Anh đề án (4 tiết/tuần), bổ sung thêm hai tiết các hoạt động khác hoặc tin học, không dạy chương trình chính khóa.
Hai quận thiếu hơn 40 trường tiểu học
Trả lời về việc làm sao để đủ phòng cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Vậy thì gần như phải tăng gấp đôi số trường hiện có!”.
Hiện nay, quận Tân Phú có 16 trường tiểu học, 12 trường THCS. Quận đang xây bốn trường cho cả ba bậc: mầm non, tiểu học và THCS, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017, giải quyết khoảng 2.000 chỗ học. Chỉ tiêu của quận đến năm 2020 là làm sao giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng số học sinh học 2 buổi/ngày. Vì thế, từ nay đến năm 2020 quận Tân Phú dự kiến xây dựng 750 phòng học.
Còn quận Bình Tân hiện có 24 trường tiểu học, trong đó 21 trường công lập, với 42.368 học sinh; 13 trường THCS công lập, 2 trường THCS tư thục. Theo đó, để đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, quận này cần thêm 731 phòng học, tương đương với 25 trường tiểu học.
Theo Mỹ Dung/Tuổi Trẻ
La mắng trước lớp chỉ làm mất mặt học trò
Warren Eng (người Singapore), hiện là Hiệu trưởng trường Quốc tế ERC - Việt Nam kể lại một kỉ niệm không thể nào quên thời trung học.
Khi học lớp 6, trong một tiết học, Warren đang rất cố gắng, hết sức tập trung hoàn thành bức vẽ một cái cây của mình. Thầy giáo lúc này bước đến, cầm bức vẽ lên trước lớp và nói: "Em vẽ không đẹp. Em không bao giờ trở thành họa sĩ được".
Với Warren, đó là một cú sốc rất lớn với cậu bé lớp 6 yêu vẽ.
Warren từ bỏ hẳn việc vẽ và mãi rất lâu sau đó, đến hơn khi hơn 20 mấy tuổi, khi đã chín chắn và cứng rắn hơn rất nhiều, ông mới dám cầm lại bút màu để vẽ. Và bây giờ, tuy đã gần 40 tuổi rồi, ông nói mình vẫn cảm thấy tổn thương bởi lời nhận xét của người thầy thuở trước. Mỗi khi cầm cọ, ông không tránh khỏi sự ngại ngùng.
Thầy và trò thích thú khi thảo luận nhóm.
Theo ông Warren, việc la mắng, phê bình học sinh trước lớp chỉ có thể giải quyết, chấm dứt hành động ngay giây phút đó nhưng về dài lâu thì còn có thể mang hậu quả xấu. Ở trường hợp của ông, Warren nói nếu thầy giáo nói riêng và góp ý chân thật thì Warren đã dễ dàng chấp nhận rằng vẽ không phải thế mạnh, nhưng cũng không sợ hãi nó đến thế.
Nhớ mãi cậu học trò ít nói
Trong con đường làm giáo dục của mình, Warren cho biết có không ít trường hợp giải quyết thành công các mâu thuẫn, vấn đề học sinh - giáo viên nhờ phương pháp nghệ thuật trong khen chê.
Câu chuyện về cậu học trò ít nói khiến ông nhớ mãi. Trước đây tại lớp học của Warren có một cậu học trò hay im lặng rất ít phát biểu hay nói chuyện với các bạn.
Warren và các giáo viên hoàn toàn có thể phê bình sự im lặng, thụ động của cậu học trò trước lớp nhưng ông đã chọn cách khác.
"Tôi bắt đầu tìm hiểu, bắt chuyện, làm quen để hiểu tại sao thì biết được một trong những lí do là khi ở trường cũ cậu hay bị bạn bè chê bai, chọc ghẹo nên thiếu tự tin" - Warren kể.
Warren biết được bạn này rất giỏi bóng bàn, cùng sở thích với ông. Thế là sau giờ lên lớp, ông chủ động cùng cậu học trò ấy chơi thể thao, cùng tâm sự về cuộc sống, gia đình như thế nào, ý nghĩa cuộc đời...
Cậu sinh viên mở lòng và bớt cô độc. Sau 6 tháng, phụ huynh đến trường và chia sẻ niềm vui khi cậu này đã hoàn toàn khác, về nhà vui vẻ, nói chuyện với bạn bè...
Vừa kể Warren vừa khoe, mới tuần trước, cậu học trò ấy gọi điện thoại qua viber từ Ấn Độ cho Warren, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ tình hình làm việc, áp lực công việc ra sao làm cho ông rất vui.
Cậu ấy hiện đang làm ở vị trí quản lý chiến lược, phát triển cho một công ty lớn đa quốc gia tại (Singapore, Ấn độ, Việt Nam...). Với Warren, đây là câu chuyện ý nghĩa nhất trong sự nghiệp giáo dục của ông.
Khoanh tay, nhìn chằm chằm, học sinh tự khắc "ngọ nguậy"
Giảng viên người Mỹ Paul Sorensen cho biết: "Văn hóa Châu Á rất coi trọng sĩ diện một người. Theo tôi việc la mắng học sinh trước lớp chỉ làm mất mặt, chứ không giúp được gì cho họ. Ví dụ khi có học sinh nào cư xử không phải trong lớp, tôi chỉ im lặng và khoanh tay, nhìn chằm chằm vào họ thì tự khắc họ sẽ... nhột, "ngọ nguậy" và hiểu mình đang cư xử không đúng".
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm, ở đất nước ông, những giáo viên tốt khi muốn đưa ra bất kì nhận xét, khen chê nào với học trò đều phải chỉ rõ chi tiết điểm hay, điểm dở ở đâu. Điều này làm cơ sở cho học sinh có thể nhận ra điểm mạnh, yếu và tự cải thiện bản thân tốt hơn.
Victor Burrill, thạc sĩ người Anh, chia sẻ phương pháp giáo dục qua triết lí lợi ích và hậu quả ở nước ông: "Chúng tôi phân tích cho học trò những điểm lợi và những hậu quả không tốt. Ví dụ như nếu bạn không đến lớp, không học bài, bạn sẽ không đủ khả năng để thi. Đơn giản chúng tôi chỉ dạy học sinh hiểu về lợi ích và kết quả". Phương pháp này hướng học sinh tự chịu trách nhiệm hành vi của mình từ đó sẽ tự hình thành nhận thức làm điều gì là tốt nhất.
Theo Victor, cách nói áp đặt "bạn phải làm thế này", "bạn không được làm cái kia"... vô cùng hạn chế ở nước ông.
"Phương châm giáo dục của tôi là phải khen trước tập thể, còn cho những ý kiến, nhận xét không tích cực thì nên gặp riêng. Chê công khai mặt tốt là giải quyết ngay vấn đề, nhưng có thể gây sốc cho học trò, dẫn đến phản ứng tiêu cực về sau vì lúc này các em chưa chín chắn nên còn nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các đóng góp tiêu cực" - Warren chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông, cách khen cần phải đúng thời điểm, đúng lý do, đúng hiệu quả tính chất công việc, thì mới thực sự có tác dụng cổ vũ học sinh tư duy, phát triển. Một điều quan trọng hơn hết chính là dù khen hay chê đều phải làm rõ với trò là tại sao, tốt hay xấu ở điểm nào chứ không thể chung chung được
Theo Khoa Nguyễn-Lê Tiên/Báo Tuổi trẻ
Bài viết của học trò nghịch ngợm khiến hiệu trưởng bật khóc Bài văn của Phạm Sông Trường - cựu học sinh lớp 12 - THPT Nhân Việt (TP HCM), hiện là sinh viên năm hai, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM, khiến nhiều người xúc động. Sông Trường từng là cậu học trò ngỗ ngược, ham chơi... đã thay đổi trở thành cậu học trò ngoan, thi đỗ đại học....