Khổ như ‘chạy’ chứng chỉ viên chức: Luật nó thế !?
‘Ma trận’ tiêu chuẩn về chứng chỉ không chỉ ‘làm khổ’ những viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, từ giáo viên mầm non tới bác sĩ mà còn đang gây ra những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Giáo viên là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất quy định về các chứng chỉ thi viên chức – THANH HÙNG
Tại kỳ họp 7 cuối tháng 5.2019, khi Quốc hội bàn về luật Giáo dục sửa đổi, đại biểu (ĐB) Đinh Duy Vượt (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai), lần đầu tiên đã đưa tới nghị trường sự bức xúc liên quan đến những quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và các loại chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp, khi ông khẳng định rằng những yêu cầu chứng chỉ này đang “ẩn chứa nhiều nhiêu khê, lợi dụng, đẻ ra các loại giấy phép con, làm khó, làm khổ giáo viên (GV) đã và đang xảy ra mà gần như 100% GV đều bức xúc kêu ca”.
Quy định có thực chất không?
ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, việc quy định buộc GV phải có chứng chỉ “nghe thì rất hay” và hợp lý nhưng chỉ là hình thức, không có tác dụng thực chất và còn gây ra nhiều hệ lụy buộc GV phải gian dối hoặc mua chứng chỉ, hoặc học giả, thi bao đỗ.
“GV phải lặn lội hàng trăm cây số về tỉnh về huyện mới có nơi học ngoại ngữ và học xong không biết dùng để làm gì. Chúng ta tự hỏi quy định này có thực chất với bản thân mình không rồi hãy quy định cho người khác. Thậm chí, có giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên đã nói rằng ông cảm thấy xấu hổ vì giống như họ đi móc túi GV nhưng vẫn phải mở lớp vì không làm thì các trường khác họ cũng làm để thu tiền”, ĐB Đinh Duy Vượt đã nói tại Hội trường Diên Hồng cuối tháng 5 như vậy. Ông Vượt cũng nói thêm rằng, hàng vạn GV sẽ rất vui mừng nếu như sớm bỏ quy định buộc GV phải có các loại chứng chỉ mà các thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đang quy định.
Nhưng đem những băn khoăn ấy hỏi ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong giai đoạn “thai nghén” những tiêu chuẩn đối với viên chức, thì chúng tôi lại nhận được quan điểm ngược lại. Ông Dĩnh nhấn mạnh chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức là cần thiết “trong quá trình hội nhập quốc tế, bước vào thời đại 4.0″ và việc đưa ra là “có ý đồ”. Theo đó, ông cho rằng tiến tới ta phải dạy ngoại ngữ ngay từ mầm non nên GV mầm non cũng phải có chứng chỉ tiếng Anh. “Giờ chúng ta cứ đòi nâng cao chất lượng, mà đưa ra tiêu chuẩn chúng ta lại kêu. Thế thì làm thế nào để nâng cao chất lượng được?”, ông Dĩnh nói, dù thừa nhận “tùy từng vị trí, có những chỗ không nhất thiết phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thì phải nghiên cứu lại để cho phù hợp với thực tế”.
Nhưng sự thừa nhận “có những chỗ không cần thiết” ấy chỉ có trong trao đổi của một nguyên thứ trưởng.
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiên quyết không bàn tới sự hợp lý hay không, mà khẳng định: “Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi thực hiện theo luật. Không thể luật quy định mà chúng tôi lại bảo không được”.
Còn lãnh đạo Cục Nhà giáo của Bộ GD-ĐT, nơi chủ trì soạn thảo các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV, khi được hỏi về sự phù hợp với yêu cầu thực tế của các loại chứng chỉ cũng chỉ dẫn lại các điều luật và nhấn mạnh: “Đây cũng là yêu cầu chung đối với viên chức nói chung, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục”. Hàm ý mà chúng tôi hiểu được từ các vị lãnh đạo ấy là: “Luật nó thế!”?
“Chúng ta dựa vào chuẩn như chứng chỉ, bằng cấp nhưng thực ra lại không chuẩn vì không ai kiểm soát điều kiện đảm bảo chất lượng của những chứng chỉ ấy. Dựa trên một cái không chuẩn để định ra chuẩn là mất chuẩn”
Video đang HOT
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh , nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT
Chứng chỉ có làm tăng chất lượng công chức, viên chức?
“Những yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng nghiệp vụ hiện nay có làm tăng chất lượng công chức, viên chức hay không?”, chúng tôi đã đặt câu hỏi này với lãnh đạo Bộ Nội vụ. Trong câu trả lời mà chúng tôi phải đợi khá lâu mới có, Bộ Nội vụ không đi thẳng vào câu hỏi, mà chủ yếu lý giải nguyên nhân vì sao phải ban hành các tiêu chuẩn, yêu cầu về chứng chỉ.
Theo đó, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng nghiệp vụ được quy định trong tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn bổ nhiệm từ những năm 1990 (ví dụ như tại Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29.5.1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ về ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính) chứ không phải mới đặt ra sau này. Trong các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo quản lý hiện nay đều có các quy định về ngoại ngữ và tin học.
Tuy nhiên, câu trả lời này chỉ chứng minh được tính… lâu năm của yêu cầu chứng chỉ, chứ không chứng minh được tác dụng của nó. Theo văn bản được Bộ Nội vụ đề cập ở trên, chúng tôi thấy rằng, từ năm 1993, yêu cầu trình độ đối với chuyên viên cao cấp đã là “có ít nhất 1 ngoại ngữ trình độ C (đọc, nói thông thạo)”, thậm chí còn cao hơn là “có công trình nghiên cứu lý luận về khoa học quản lý sáng tạo được Hội đồng khoa học ngành thừa nhận, đưa vào áp dụng có hiệu quả”; chuyên viên chính phải “có 1 ngoại ngữ trình độ B (đọc, nói thông thường)”, “có những đề án, công trình có sáng tạo trong quản lý (được Hội đồng khoa học hoặc Bộ thừa nhận đưa vào áp dụng có hiệu quả)”… những tiêu chuẩn cho đến nay cũng chưa chắc đã được đáp ứng đầy đủ.
“Việc nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay”, Bộ Nội vụ thông tin thêm, đồng thời lý giải khi xây dựng các tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, Bộ Nội vụ đều chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng được yêu cầu của từng vị trí việc làm đối với từng chuyên ngành do các bộ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực quy định để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26 của T.Ư về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, Nghị quyết T.Ư yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ không đồng nghĩa với việc yêu cầu có chứng chỉ, điều mà Bộ Nội vụ vẫn né tránh trả lời thẳng.
Tin “tờ A4″ hơn năng lực thực tế
Nhưng việc áp dụng các tiêu chuẩn đã được luật định, không cần biết tới việc có phù hợp thực tế hay không chính là nguồn gốc nảy sinh đủ thứ hệ lụy tiêu cực.
Khẳng định việc yêu cầu tiếng Anh, tin học đối với viên chức là cần, song tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, nhìn nhận việc “quy” các tiêu chuẩn về trình độ, bồi dưỡng thành các chứng chỉ khiến người ta tin vào “tờ giấy A4″ hơn là năng lực thực tế của các ứng viên hay cả Hội đồng tuyển dụng viên chức. “Chúng ta dựa vào chuẩn như chứng chỉ, bằng cấp nhưng thực ra lại không chuẩn vì không ai kiểm soát điều kiện đảm bảo chất lượng của những chứng chỉ ấy. Dựa trên một cái không chuẩn để định ra chuẩn là mất chuẩn”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, những quy định cứng nhắc này chính là nguồn gốc của tiêu cực bởi nếu tuyển GV chỉ phỏng vấn ít câu là ra năng lực thực tế ngay. Và khi các hội đồng tuyển dụng làm thật thì họ sẽ phải học thật. “Bây giờ chúng ta chỉ yêu cầu chứng chỉ thì đương nhiên họ đi mua chứ cần gì học trong nhà trường nữa”, ông Vinh phân tích, đồng thời cho rằng cần phải bỏ những yêu cầu chứng chỉ này vì ngay trong “Khung trình độ quốc gia” do Thủ tướng ban hành đã quy định về chuẩn đầu ra bao gồm cả trình độ ngoại ngữ đối với từng trình độ đào tạo.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công, nhận định việc đặt ra hệ thống tiêu chuẩn chứng chỉ và yêu cầu phải có chứng chỉ mới được tuyển dụng chính là nguyên nhân sản sinh ra một thị trường chứng chỉ đầy tiêu cực mà ai cũng thấy. Theo ông Đồng, tiêu chuẩn, chứng chỉ được đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng, năng lực đầu vào. Nhưng năng lực ở đây phải bắt nguồn từ năng lực của Hội đồng tuyển dụng viên chức chứ không chỉ đơn thuần dựa vào chứng chỉ. Chứng chỉ chỉ nên coi như một tiêu chí tham khảo. “Ở Việt Nam những tiêu chuẩn đang đẻ ra hệ quả rất nặng nề chính là thị trường văn bằng chứng chỉ đủ loại mà chứng chỉ tiếng Anh, tin học hay thậm chí giấy chứng nhận sức khỏe chỉ là một phần”, ông Đồng nói và đồng tình rằng, cần phải loại bỏ bớt các loại tiêu chuẩn, chứng chỉ mới có thể ngăn chặn hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra. (còn tiếp)
Theo Thanh niên
ào tạo, bồi dưỡng cấp văn bằng, chứng chỉ: Cần 'nhạc trưởng'
Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng đào tạo, bồi dưỡng cấp văn bằng, chứng chỉ áp dụng với cán bộ, viên chức, TS Bùi Huy Tùng, Trưởng ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: Rất cần "nhạc trưởng" trong lĩnh vực này. Lý do là có tình trạng trùng lặp kiến thức trong một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Công chức, viên chức bị đủ loại văn bằng, chứng chỉ bủa vây. Ảnh: Như Ý
TS Bùi Huy Tùng cho biết: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đây là quy định rất cụ thể mang tính bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo đó có 2 điểm rất đáng lưu ý trong đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Một là, bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định.
Hai là, bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
TS Bùi Huy Tùng
Quan điểm của tôi, khi sử dụng cán bộ, công chức phải đạt chuẩn quy định, không thể đánh giá năng lực chung chung. Có ý kiến cho rằng chỉ cần phỏng vấn thấy được tức là đáp ứng yêu cầu là chưa phù hợp, người được tuyển dụng hay cán bộ, công chức cần phải có các chứng chỉ được thừa nhận bởi cơ quan có thẩm quyền. Nhiều nước trên thế giới cũng đang thực hiện như vậy.
Có nhiều ví dụ "dở khóc dở cười" về câu chuyện văn bằng chứng chỉ như việc hai nghệ sỹ tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không được xét viên chức, thưa ông?
Vấn đề tôi muốn nói đó là tình trạng học đi học lại và nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang làm tốt vị trí việc làm đó mà vẫn phải đi học lấy các loại chứng chỉ khác. Tôi ví dụ như trường hợp hai diễn viên xiếc nổi tiếng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp. Bản thân hai anh ấy rất có tài năng, rất nổi tiếng rồi và nếu vẫn làm công việc như huấn luyện cho lĩnh vực xiếc thì rất tốt, đây là những công việc không gắn nhiều với nghiệp vụ hành chính.
Trong câu chuyện của hai diễn viên xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp có hai vấn đề đặt ra. Một là, dưới góc độ pháp lý, pháp luật đã ban hành tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức nhất thiết phải thực hiện nghiêm. Hai là, ở khía cạnh thực tế, nếu tìm được diễn viên xiếc giỏi rất khó vì quá trình đào tạo dài, nghề xiếc lựa chọn diễn viên rất kỹ, mặt khác thu nhập còn thấp, tuổi nghề ngắn. Chúng ta cần nghiên cứu để có chính sách cụ thể đối với trường hợp này để sử dụng tốt nhất những người có tài năng đặc biệt không chỉ Việt Nam mà quốc tế đều thừa nhận. Quay lại cái gốc là học để làm việc thì làm việc gì nhất thiết phải học cái đó.
Nhiều cán bộ, viên chức cho biết bồi dưỡng kiến thức cần thiết nhưng không ít chương trình bị trùng lặp, thiếu kiến thức mới?
Quan điểm của tôi là học phải có đánh giá, phải được ghi nhận qua các chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng và cấp theo quy định. Trong bồi dưỡng, yêu cầu rất lớn đặt ra là làm sao xây dựng chương trình, nội dung không được trùng lặp và phải liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cần thiết. Bên cạnh đó, phải tránh sự trùng lặp giữa các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng để tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Điều đặc biệt quan trọng tôi muốn nhắc lại là học phải đi đôi với hành, học để làm việc, không học đi học lại những điều đã nắm rõ và thực hành tốt.
Theo tôi có mấy việc phải làm: Hiện nay theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định 5 nội dung chính về bồi dưỡng, gồm bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng, an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Thực tế còn có ý kiến phản ánh tình trạng học trùng, học lại một số nội dung, như vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nắm bắt để chủ động rà soát toàn bộ các chương trình cũng như nội dung bồi dưỡng này. Về bồi dưỡng, phải cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, ở tầm cao hơn cho người học, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ nói chung và yêu cầu về tham mưu, quản lý, điều hành đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Về lý luận, chương trình, nội dung bồi dưỡng phải được nâng lên so với yêu cầu chương trình đã học trong trường đại học, không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản.
Hiện nay ai là người kiểm duyệt các chương trình đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ?
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định rất rõ thẩm quyền quản lý chương trình bồi dưỡng và theo nguyên tắc cơ quan quản lý chương trình tổ chức biên soạn chương trình thuộc thẩm quyền quản lý. Theo tôi, việc chỉnh sửa chương trình phải rất linh hoạt, không cố định theo năm tháng và phải thường xuyên lắng nghe nhu cầu của người học, tức phải dạy cái mà người học thực sự cần để đáp ứng yêu cầu công việc.
Trong chương trình đào tạo đại học, sinh viên đã phải hoàn thành yêu cầu về tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên khi tuyển dụng lại phải nộp chứng chỉ hai môn này. Điều này gây khó khăn hơn cho cán bộ, công chức, viên chức khi tuyển dụng, phát sinh "các loại giấy phép con"?
Về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng vào cơ quan, doanh nghiệp, tôi cho rằng về tổng quan không có gì tồn tại vĩnh viễn. Ý tôi muốn nói rằng, kỹ năng nếu không rèn luyện thì sẽ bị mai một. Anh có thể giỏi ngoại ngữ hôm nay nhưng nếu ngày mai anh không dùng thì kiến thức, kỹ năng sẽ rơi rụng. Ngay như tôi đi thi ngoại ngữ cũng có lúc đỗ, lúc trượt.
Tôi cho rằng, nếu sinh viên ra trường được đào tạo tốt, được kiểm định đánh giá tốt, có thể cấp luôn chứng chỉ ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các em khi tuyển dụng, không phải thi chứng chỉ bên ngoài. Về văn bằng, chứng chỉ của các chương trình bồi dưỡng, tôi cho rằng cần phải có "nhạc trưởng thực thụ", thường xuyên rà soát đánh giá và nhất thiết loại bỏ các phần trùng lặp thiếu logic và bổ sung các phần kiến thức, kỹ năng mới thực sự thiết thực cho người học.
Cảm ơn ông.
TUẤN MINH (THỰC HIỆN)
Theo Tiền phong
'Ma trận' tiêu chuẩn công chức, viên chức Nói về các loại chứng chỉ đối với viên chức nằm trong hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng phải thừa nhận 'vấn đề chứng chỉ rất phức tạp'. Hàng nghìn giáo viên Quảng Ninh đổ xô đi ôn, thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn quốc tế - Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu...