“Khổ mấy cũng phải học”
Niềm mong mỏi của cả nhà và cũng là ước mơ vào giảng đường của Võ Nữ Thanh Thân (thôn Tân Mỹ, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thành hiện thực khi Thân đỗ CĐ Sư phạm Nha Trang. Giờ đây cô bạn mồ côi cả cha và mẹ đang nỗ lực vượt khó…
Vươn lên trong đau thương
Thanh Thân là niềm hi vọng lớn nhất trong gia đình 4 anh chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cả 4 anh chị em Thân đều học khá nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên các anh chị của Thân buộc phải nghỉ học, nhường lại sự học cho cô em út.
Hiểu được điều đó, Thân luôn cố gắng để không phụ lòng mọi người. Trong quá trình học ở bậc THCS, THPT, Thân đã nhiều năm đạt học sinh tiên tiến và luôn được thầy cô, bạn bè quý mến.
“Có những năm em vừa cố gắng đi học lại vừa đi làm để kiếm thêm tiền giúp anh chị, nên chỉ đạt trung bình – khá. Lúc đó em cũng lo lắm. Sợ không thực hiện được ước mơ của ba mẹ. May mà cuối cùng em vẫn thi đỗ vào một trường cao đẳng”, Thân tâm sự.
Tin Thân đậu vào khoa Giáo dục công dân – Công tác đội, Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang với số điểm 12 làm cả nhà vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì niềm mong mỏi của ba mẹ đã thành hiện thực, nhưng lo vì không biết lấy tiền đâu cho Thân đi học khi miếng ăn của gia đình còn không đủ.
Bốn anh chị em mồ côi lại thêm món nợ ngân hàng 14 năm chưa trả được đồng nào, đã khó khăn lại thêm nợ nần chồng chất.
Mỗi ngày bước chân lên giảng đường, bạn Võ Nữ Thanh Thân vẫn luôn canh cánh món nợ ngân hàng chưa được giải quyết…
Nhận được tin thi đỗ, lẽ ra Thân phải rất vui, nhưng khuôn mặt của cô bạn lúc nào cũng đầy lo âu, nặng nghĩ.
Năm 1996, mẹ Thân mắc bệnh ung thư vú, ba em phải vay ngân hàng để chữa trị nhưng bệnh nặng nên sau 4 năm điều trị, mẹ bỏ 5 cha con ra đi. Năm sau vì đau buồn, ba Thân uống rượu nhiều rồi cũng mắc bệnh ung thư gan, theo mẹ bỏ anh chị em Thân mà đi, để lại món nợ không biết đến bao giờ trả nổi.
Video đang HOT
Khi ấy, mới gần 5 tuổi, Thân mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Ba mẹ mất, các anh chị em về ở nhờ nhà các cậu, riêng Thân về ở với ông bà ngoại già yếu. Ông bà ngoại sống nhờ vào tiền chu cấp của các con. Rồi khi Thân học đến lớp 9, bà ngoại cũng ra đi. Ông ngoại hiện nay 84 tuổi nhưng nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều nhờ vào chị thứ hai của Thân.
Hoàn cảnh khó khăn, sống nhờ vào sự đùm bọc cưu mang của các cậu và hàng xóm nhưng bốn anh chị em đều cố gắng học tới lớp 12. Rồi không có điều kiện các anh chị phải nghỉ học để đi làm nuôi em và trả nợ.
Nhưng tiền ăn còn không đủ lấy gì trả nợ. Đến nay tính cả gốc lẫn lãi, khoản nợ đã lên tới 26 triệu đồng. Anh trai lớn vừa lo gia đình vừa lo cho các em, các chị gái người thì bị bệnh, người thì đi làm gạch cũng không có nhiều tiền để trả nợ.
Nỗ lực hết mình cho ngày mai tươi sáng
Vào Nha Trang nhập học, hành trang của Thân chỉ có đôi giày, cặp sách, mấy bộ đồ cũ, ngay cả chiếc xe đạp cũ cũng không đủ tiền mua phải mượn của chị cùng phòng để đến trường.
Chiếc xe đạp hàng ngày Thân đi học là chiếc xe mượn của người chị cùng phòng trọ.
Thân chia sẻ: “Mỗi tuần về, anh chị cho em 90.000 đồng để ăn nhưng em ăn tiết kiệm để đến cuối tuần còn tiền mang về. Biết thế, mấy anh chị la em quá trời. Nói em ăn uống thế thì sức đâu mà học”.
Cũng vì cái tính tiết kiệm không dám ăn mà sau đợt thi cao đẳng Thân đã phải nhập viện. Thân kể trong thời gian học cấp ba em tự học là chủ yếu, đến cuối lớp 12 mới dám ôn để thi tốt nghiệp, lúc đó nhà kẹt tiền không dám tiêu xài lại học bài khuya nên kiệt sức.
“Ở nhà mấy chị không dám ăn ngon, toàn ăn rau ăn mắm để dành tiền gửi cho em nên em càng phải cố mà học cho tốt”, Thân bày tỏ.
Ngày làm hồ sơ đăng ký thi, bạn chỉ làm đúng một bộ hồ sơ và gửi nộp vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
“Ước mơ của em là thi vào Trường đại học Quy Nhơn nhưng sợ không có chi phí để đi thi, mà nếu đỗ cũng khó mà đi học xa nên em chỉ thi Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cho vừa sức và phù hợp hoàn cảnh. Dù học gì ở đâu thì em phải nỗ lực hết mình. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để có học bổng. Đồng thời kiếm công việc làm thêm để phụ giúp gia đình”, Thân chia sẻ.
Bài và ảnh: Hải Bình – Thành Chung
Theo dân trí
Cô thủ khoa giỏi 8 kỳ liên tiếp của ĐH Giao thông vận tải
Từng đạt giải Á khôi 1 cuộc thi Miss ĐH Giao thông vận tải năm 2007, mới đây, Đào Diệu Linh xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải với điểm tổng kết cuối khóa cao nhất trường: 8,82.
Diệu Linh chụp trong khuôn viên Trường ĐH Giao thông vận tải sau khi nhận bằng tốt nghiệp.
Là cựu học sinh lớp chuyên Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, từ khi học cấp 3, Linh đã khá năng động và thích tham gia các hoạt động xã hội.
Cuối năm lớp 12, Linh quyết định thi cả 2 khối A và D và đã đỗ cả 2 trường: ĐH Giao thông vận tải (bộ môn Kinh tế xây dựng - khoa Vận tải kinh tế) và ĐH Hà Nội (khoa Tiếng Anh). Linh quyết định chọn ĐH Giao thông vận tải.
Trong suốt 4 năm học đại học, Linh chưa từng thi lại một môn học nào, điểm trung bình các học kỳ đều trên 8,0.
Linh tâm sự: "Tớ cảm thấy mình làm việc rất hiệu quả dưới áp lực về thời gian, nên dù không có áp lực tớ vẫn luôn tự tạo ra áp lực cho mình để luôn luôn phát huy tối đa sự tập trung. Trên lớp, tớ luôn cố gắng tập trung tối đa vào bài giảng để hiểu được nội dung chính, sau đó về nhà chỉ cần chút thời gian xem lại bài để hiểu và không bị hổng kiến thức".
Cô bạn luôn biết phân phối thời gian để vừa có thể học tốt, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, đi làm lấy kinh nghiệm và dành một khoảng cho sở thích xem phim.
Bên cạnh đó, Linh rất thích học ngoại ngữ. Với vốn tiếng Anh đã được rèn luyện suốt 12 năm phổ thông, Linh học thêm Tiếng Trung và bây giờ cô bạn đang cố gắng hoàn thiện vốn tiếng Pháp.
Linh cho biết: "Tớ học ngoại ngữ đơn giản là để dễ dàng hoà nhập hơn trong mọi hoàn cảnh, để tìm hiểu về các nền văn hoá khác nhau trên thế giới và hơn hết là để theo đuổi đam mê ngành quảng cáo của mình".
Diệu Linh chụp tại chợ hoa Nhật Tân, Hà Nội một buổi sáng tháng 9/2010
Khi học ở trường, Linh tham gia rất nhiều hoạt động tập thể, Đoàn thanh niên, hội sinh viên, các hoạt động tình nguyện như: tiếp sức mùa thi, tình nguyện mùa hè xanh... Qua đó, cô bạn nhận được nhiều bằng khen cho các hoạt động này.
Cũng với mục đích có thêm kinh nghiệm sống, Linh đã đi làm thêm và gắn bó 2 năm với chương trình Hành khách cuối cùng của VTV3. Khi bắt đầu đi làm, Linh mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất. Đến giờ, Linh đã trưởng thành nên rất nhiều.
Hiện tại, Linh đang cố gắng học tiếng Pháp để sang Pháp du học vào năm tới. Trong tương lai xa hơn, Linh hi vọng sẽ được làm việc trong ngành quảng cáo, truyền thông và tổ chức sự kiện.
Bảng thành tích "dày đặc" của Đào Diệu Linh: - Tốt nghiệp xuất sắc với điểm số cao nhất Trường ĐH Giao thông vận tải năm 2010 - Danh hiệu Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học và học viện thành phố Hà Nội - Hai giải nhì Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường: Bộ môn Kinh tế xây dựng và Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học bổng dành cho sinh viên giỏi 8 kì liên tiếp - Học bổng Vinaconex - Ba năm là sinh viên giỏi và năm học 2008-2009 đạt sinh viên xuất sắc - Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ I năm 2009 - Giải thưởng Sao tháng Giêng của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam - Á hậu 1 cuộc thi Miss ĐH Giao thông vận tải năm 2007 - Bằng khen của Thành Đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội...
Theo Dân Trí
Cặp song sinh mồ côi dân tộc Vân Kiều vào Đại học Hồ Văn Thang và Hồ Văn Thiếc (20 tuổi) sinh ra ở xã Mò Ó, huyện Đkrông, tỉnh Quảng Trị, bên đại ngàn Trường Sơn. Lúc hai anh em Thang, Thiếc mới sinh, nhà nghèo mẹ lại thiếu sữa nuôi con. Mấy anh phải địu hai em út đi xin sữa ở nhà có trẻ nhỏ cho bú nhờ. Khó khăn vật chất...