Khó khăn bủa vây Công ty cổ phần Quốc tế Phương Anh (PAS)
Dịch bệnh Covid-19 làm đậm thêm những khó khăn cố hữu của Công ty cổ phần Quốc tế Phương Anh (mã PAS), “tân binh” trên thị trường UPCoM.
Chi nhánh Hà Nội của PAS nằm trong ngõ sâu, khu vực đông dân cư thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Dũng Minh
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan
Mới đây, PAS bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán 50 triệu đồng do chậm báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 và báo cáo thường niên năm 2018.
Trong công bố thông tin mới đây, PAS cho biết, lý do vi phạm là “chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng quy mô lớn…”. Và “nhận được quyết định xử phạt hành vi vi phạm này, Công ty đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và nghiêm túc chấp hành theo quyết định của Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.
PAS có vốn điều lệ 255 tỷ đồng, là gương mặt mới giao dịch trên UPCoM ngày 21/9/2020.
PAS tiền thân là Công ty TNHH Inox Thành Nam, do Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (TNI) sở hữu 100% vốn. Tháng 10/2014, Inox Thành Nam chuyển đổi thành công ty cổ phần và đến tháng 9/2015 thì sáp nhập với Công ty Thép Sài Gòn và đổi tên thành Công ty cổ phần Quốc tế Phương Anh. Sau sáp nhập, đến cuối năm 2015, báo cáo tài chính của TNI không còn ghi nhận giá trị đầu tư vào PAS.
Lĩnh vực kinh doanh chính của PAS là sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, buôn bán các loại sắt thép, thép không gỉ, kim loại màu, thép đặc chủng… Ngoài ra, PAS còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Trên báo cáo thường niên 2019, PAS đang sở hữu hai mảnh đất tại khu Sơn Trà, Điện Ngọc (Đà Nẵng) với diện tích lần lượt là hơn 2.002,9 m2 và 1.052 m2 dưới dạng đầu tư nắm giữ chờ tăng giá, với giá trị sổ sách hơn 56 tỷ đồng.
Video đang HOT
Liên quan đến câu chuyện PAS bị xử phạt vì chậm công bố giải trình chênh lệch số liệu báo cáo trước và sau kiểm toán, được biết, lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Công ty là 586,1 triệu đồng, giảm hơn 18,867 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Năm 2019, mặc dù doanh thu tăng trưởng 10,3% so với năm 2018, đạt 1.116 tỷ đồng, nhưng do giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 19,5%. Cùng với các chi phí gia tăng, nhất là chi phí tài chính và chi phí quản lý, khiến lợi nhuận sau thuế giảm tới 97% so với năm 2018.
Bỏ qua câu chuyện chênh lệch lớn giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo kiểm toán, cùng việc chậm công bố giải trình khoản chênh lệch này, tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của PAS tiếp tục cho thấy những dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 592,9 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 8,1 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo PAS, việc giá thép trên thị trường liên tục giảm sâu, cạnh tranh giá ngày càng gay gắt là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh đi xuống. Tình hình kém khả quan tiếp tục kéo sang nửa đầu năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến việc cung ứng bị gián đoạn, nhất là từ thị trường Trung Quốc – nguồn cung ứng lớn nhất của Công ty. Dịch bệnh cũng làm nhiều công trình, dự án phải dừng, giãn tiến độ, sản xuất – tiêu thụ thép trong nước 9 tháng giảm 35 – 40% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh kinh doanh khó khăn, báo cáo tài chính của PAS cho thấy Công ty đang chịu gánh nặng phải thu, tồn kho lớn. Dòng tiền kinh doanh thiếu hụt và phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay, dẫn đến áp lực chi phí lãi vay đè nặng lên kết quả kinh doanh trong điều kiện hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong số 598 tỷ đồng tổng tài sản đến cuối quý III/2020, Công ty có khoản tiền và tiền gửi các loại vỏn vẹn 6,6 tỷ đồng, khá thấp so với doanh nghiệp chuyên về hoạt động thương mại. Chiếm 2/3 trong cơ cấu tài sản là các khoản mục phải thu và tồn kho, với giá trị lần lượt là 203,8 tỷ đồng và 195,5 tỷ đồng.
Lấn sân sang bất động sản
Phân tích báo cáo tài chính của PAS có thể thấy, đóng góp chủ yếu vào con số lợi nhuận 5,3 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm là khoản doanh thu tài chính 4,67 tỷ đồng, trong đó có 4,47 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng cổ phần. Vào tháng 5/2020, Công ty đã mua 84,9% vốn của Công ty cổ phần Khách sạn Vườn Đào Hạ Long từ 3 cá nhân, gồm ông Nguyễn Văn Thư (3,4 triệu cổ phần), bà Nguyễn Thị Hương (1,69 triệu cổ phần), ông Nguyễn Ngọc Long (3,4 triệu cổ phần) với giá trị 99,98 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 11.776 đồng/cổ phần.
Chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 29/6/2020, PAS đã chuyển nhượng lại 4 triệu cổ phần, tương đương 40% cổ phần khách sạn cho 2 cá nhân là bà Bùi Thị Phương Thúy (2 triệu cổ phần) và bà Bùi Thị Yến (2 triệu cổ phần) với giá bình quân 12.900 đồng/cổ phần.
Tính đến 30/9/2020, báo cáo tài chính của PAS vẫn ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty cổ phần Khách sạn Vườn Đào Hạ Long với giá trị 53 tỷ đồng, nắm giữ 45% vốn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần này, bà Bùi Thị Phương Thúy – một trong hai người mua cổ phần Khách sạn Vườn Đào cũng là cổ đông lớn tại PAS.
Ngay sau khi lên UPCoM, Đại hội đồng cổ đông bất thường của PAS diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, đã thông qua việc từ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị và một thành viên Hội đồng quản trị và bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị mới. Theo tờ trình ban đầu, hai ứng viên được bầu thay thế là ông Nguyễn Hùng Cường (thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TNI) và ông Nguyễn Văn Kiên. Tuy nhiên, đến Đại hội cổ đông bất thường, nhóm cổ đông sở hữu 12,06% vốn, gồm bà Bùi Thị Phương Thúy, bà Nguyễn Hồng Vân và ông Nguyễn Văn Tuấn đã đề cử thêm một ứng viên là ông Lê Quyết Thắng. Kết quả là ông Lê Quyết Thắng và ông Nguyễn Văn Kiên được bầu vào Hội đồng quản trị PAS.
Trong cơ cấu cổ đông của PAS, hiện chỉ có 3 cổ đông lớn, đều là các cá nhân, nắm giữ tổng cộng 18,04% vốn điều lệ Công ty.
PAS đã thanh lý khoản đầu tư hợp tác kinh doanh 51 tỷ đồng
Trên báo cáo tài chính 2019, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán TTP Việt Nam đã nhấn mạnh về khoản đầu tư hợp tác kinh doanh với 3 cá nhân có giá trị 51 tỷ đồng, ghi nhận ở khoản mục đầu tư dài hạn đều được thực hiện giao dịch bằng tiền mặt.
Phía PAS cho biết, các giao dịch này liên quan đến việc Ban lãnh đạo Công ty đã mượn tài sản người quen (không phải bên liên quan của Ban lãnh đạo) để làm tài sản thế chấp ngân hàng mà không kèm điều kiện, đổi lại Công ty trả một số tiền đảm bảo. Đến 30/6/2020, các hợp đồng này đã được thanh lý và khoản tiền được thu hồi.
Bảo hiểm Quân đội nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 130 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC, UPCoM: MIG).
Lãnh đạo MIC cho biết chuyển cổ phiếu MIG giao dịch trên HoSE để tăng cường minh bạch, tăng thanh khoản và hấp dẫn đối tác chiến lược tạo điều kiện huy động vốn dài hạn.
MIC do Ngân hàng Quân đội (MBBank) sở hữu 69,58% cổ phần, bắt đầu kinh doanh cách đây hơn 10 năm với số vốn khiêm tốn là 300 tỷ đồng, doanh thu năm đầu tiên chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng.
MIC hoạt động kinh doanh chủ yếu ở các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người; bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại...
Bảo hiểm Quân đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết sang HoSE.
Ngày 5/5/2017, 80 triệu cổ phiếu MIG của MIC chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá đóng cửa phiên giao dịch lần đầu là 14.000 đồng/cp.
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, MIC đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2020 tăng hơn 12% lên 3.079 tỷ đồng và lạc quan rằng sẽ vào top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất. MIC cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng trên 15% so với năm 2019, cam kết cổ tức từ 8% - 10%.
Tính chung sau 9 tháng năm 2020, MIC có lãi trước thuế và sau thuế đều giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt còn gần 123 tỷ đồng và hơn 98 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cũng là do tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể.
Trong kỳ, MIC có hơn 275 tỷ đồng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh giảm 54%.
UPCoM: Trong chán, ngoài có thèm? Nhiều doanh nghiêp đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM gần đây liên tục tính chuyện chuyển sàn, hoặc chưa kịp thì cũng tuyên bố hoặc ám chỉ về động thái chuyển sàn sang HOSE hoặc HNX. BSR, VEA, ACV... đang là những "khủng long" trên thị trường UPCoM. Xét về chất lượng, hàng hóa, những mã trên không thua kém...