Khó dẹp chợ tự phát
UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao Sở Công thương rà soát số lượng chợ tự phát, chợ xây dựng không đúng quy hoạch trên địa bàn TP, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này.
Mọc khắp nơi
Từ nhiều năm nay, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều ở hai chợ Bình Triệu và Hiệp Bình Chánh (hai chợ chính thống trên địa bàn quận Thủ Đức) diễn ra thường xuyên, kéo theo nạn xả rác vô tội vạ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ông Huỳnh Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, chợ Bình Triệu có từ trước giải phóng, năm 2005 chính quyền phường đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Hiện diện tích chợ đã lên tới trên 3.400m2, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân
Video đang HOT
Chợ tự phát lấn chiếm đường Nguyễn Hữu Cầu (quận 1).
Phần lớn các hộ dân quanh chợ đều kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, chưa kể xuất hiện thêm các chợ “cóc” trên đường 19, đường Hiệp Bình… từ nhiều năm nay nhưng vẫn không xử lý được triệt để. Tại quận Bình Thạnh, chợ tự phát trên đường Võ Duy Ninh (phường 22) luôn nhộn nhịp “người mua kẻ bán”, vào giờ tan tầm buổi chiều tại ngã ba giao đường Ngô Tất Tố thường kẹt xe cả giờ đồng hồ. Đường đi lại trong chợ chật hẹp, nước thải đen ngòm từ các quầy hàng thực phẩm tươi sống bốc mùi nồng nặc… Chợ Gò Công (đường số 20, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) là một chợ tự phát nhưng buôn bán nhộn nhịp cả ngày. Do chợ nằm ngay đầu đường dẫn vào trường tiểu học nên thường gây tắc đường vào đầu giờ buổi sáng, khiến giáo viên và phụ huynh đều ngán ngẩm. UBND phường Long Thạnh Mỹ cho hay, đội trật tự của phường đã nhiều lần “ra quân” nhưng chỉ dẹp được vài ngày đâu lại vào đó. Phường đã kiến nghị đầu tư xây dựng một khu chợ mới nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Tương tự, trên quốc lộ 1A trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), vào giờ tan ca thường mọc lên các khu chợ “chồm hổm”, hàng hóa vô tư bày biện dưới lòng đường, bất chấp lưu lượng xe tải, container, xe buýt qua tuyến đường này rất đông, chưa kể vào giờ cao điểm hàng ngàn công nhân tan ca tranh thủ tạt vào mua sắm, khiến tình hình giao thông càng thêm phức tạp, thường xuyên xảy ra va quệt. Theo thống kê từ Sở GTVT, hiện TP có 116 tuyến đường thường xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, gây bức xúc cho người dân, như đường Lê Hồng Phong, Đào Duy Từ, Hưng Long (quận 10); đường Đỗ Quang Đẩu, Nguyễn Hữu Cầu (quận 1); đường Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)…
Khó xử lý triệt để
Ông Huỳnh Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh thừa nhận, thời điểm này rất khó giải tỏa các chợ tự phát mà chỉ có thể sắp xếp kinh doanh đúng nơi quy định, kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm ra đường. Bởi thực tế địa bàn phường (trên 7 vạn dân, chưa kể người nhập cư) có rất nhiều người lao động thu nhập thấp hoặc không có nghề nghiệp ổn định; để kiếm sống họ thường lấy hàng từ các chợ đầu mối về bán lẻ, sẵn sàng bày biện hàng hóa tại bất cứ chỗ nào khả dĩ. Trong khi đó người dân vẫn giữ thói quen gặp đâu mua đó, vừa tiện vừa rẻ. Các biện pháp xử lý chủ yếu chỉ đẩy đuổi, thu giữ hàng hóa, còn công tác xử phạt rất khó khăn, do số vốn bỏ ra nhiều khi không bằng số tiền phạt, do đó họ chấp nhận bị thu giữ hàng hóa. Do lực lượng mỏng nên thanh tra phường và trật tự, dân phòng chủ yếu “ra quân” vào giờ cao điểm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Để góp phần khắc phục, tiến tới hạn chế tình trạng chợ tự phát gây mất ATGT trên địa bàn phường, chính quyền các cấp đã và đang vận động các hộ có mặt bằng kinh doanh mở cửa hàng bình ổn giá, hiện đã có ba điểm là HTX Nông nghiệp dịch vụ Hiệp Bình Chánh và hai cửa hàng nữa do tư nhân mở vào cuối năm 2011.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương TP, tính đến đầu tháng 6-2012, trên địa bàn TP có 175 điểm, khu vực mua bán tự phát, tập trung chủ yếu tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú… trong khi theo quy hoạch đến năm 2015, TP chỉ phát triển thêm 5 chợ mới và giải tỏa, chuyển đổi công năng 37 chợ. Ông Huỳnh Văn Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP) cho biết, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện nhanh chóng triển khai kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, không để phát sinh điểm mới. Tuy nhiên, theo ông Quang, không dễ giải quyết dứt điểm tình trạng này do đặc thù kinh doanh “buôn thúng bán bưng” bằng phương tiện thô sơ, khi cơ quan chức năng “ra quân” lại nhanh chóng tản đi nơi khác. Hơn nữa, do không phải đóng bất kỳ một khoản thuế, phí nào, không phải thuê mặt bằng nên giá cả ở chợ tự phát thường rẻ hơn so với chợ truyền thống hay siêu thị, nên có sức hút nhất định với nhiều người dân. Ngoài ra, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết của một số chính quyền địa phương, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng khiến tình trạng này ngày càng trở nên phức tạp.
Theo Hà Nội Mới
"Xóm liều" dưới chân cầu
Ngay dưới gầm cầu đường sắt Thăng Long (đoạn qua đường Tân Xuân - xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, HN), từ nhiều năm nay đã hình thành một khu chợ tự phát dài hàng trăm mét, nằm trong hành lang an toàn đường sắt.
Hàng quán lộn xộn trước cổng khu chợ tự phát Tân Xuân.
Tình trạng càng đáng báo động khi hàng chục người dân tiếp tục kéo nhau đến tháo cả hàng rào bảo vệ cầu để lập lán, nhà tạm phía sau chợ tạo thành một "xóm liều" chạy dọc chân cầu. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Xuân Đỉnh vẫn tỏ ra bất lực.
Vi phạm nghiêm trọng
Theo người dân khu vực này cho biết thì "xóm liều" đã hình thành gần 10 năm nay. Ban đầu chỉ có một số tiểu thương trước đó kinh doanh ở chợ tạm Tân Xuân, năm 2004 chợ này bị thu hồi nên chuyển đến chân cầu đường sắt họp dưới khu đất trống gầm cầu. Do không bị xử lý triệt để, nên tiểu thương kéo đến ngày càng đông và hình thành khu chợ tự phát. Đến nay, chợ này hoạt động khá "quy củ": Các tiểu thương phân lô, căng bạt, bày sạp hàng khiến nhiều người nhầm tưởng đó là một khu chợ được quy hoạch.
Anh Minh - một người dân ở đây - cho biết: "Chợ hình thành là do nhu cầu dân sinh, tuy nhiên không có ai quản lý, nên thường xảy ra tình trạng mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân chúng tôi". Nguy hiểm hơn, chợ chỉ cách chân cầu đường sắt 4,5m - nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường sắt nên rất nguy hiểm.
Thấy khu chợ này vẫn được mặc nhiên tồn tại nên người dân ở nhiều nơi tiếp tục kéo đến. Do mặt tiền chợ đã được phân chia hết nên những người này dựng các lán lều, nhà tạm phía sau khu chợ. Ban đầu chỉ có vài căn nhà tạm, đến nay theo kiểm đếm của PV Báo Lao Động thì có tới trên 40 căn lều lán, nhà tạm - tạo thành một dãy "xóm liều" nằm trong gầm cầu đường sắt. Điều đáng nói là việc xây cất nhà tạm, liều lán rất ngang nhiên. Song, không hiểu vì sao chính quyền xã Xuân Đỉnh vẫn để xảy ra tình trạng trên.
Về thực trạng này, Cty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Thái (Cty Hà Thái) - đơn vị được giao quản lý tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (đi qua xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm) đã gửi thông báo đến UBND huyện Từ Liêm, nêu: "Trên địa bàn xã Xuân Đỉnh, từ trụ N38 đến trụ N63, dân làm quán bán hàng, làm nhà cấp 4 trong hành lang bảo vệ cầu, vi phạm Luật Đường sắt".
Trong các thông báo khác, Cty Hà Thái cũng nêu những trường hợp bị đoàn kiểm tra lập biên bản khi đang xây nhà tạm dưới chân cầu. Tuy nhiên những người này vẫn tiến hành xây dựng và còn tháo dỡ hàng rào bảo vệ cầu Thăng Long. Cty Hà Thái khẳng định: "Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng".
Xã kêu khó (!?)
Quanh nội dung trên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Ngọc Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh - nói: Chợ họp dưới chân cầu đường sắt Thăng Long là chợ tự phát, không chịu sự quản lý của ai(?).
Còn về "xóm liều" dưới chân cầu, ông Huân cho biết: "Họ là dân tứ xứ kéo đến. Chúng tôi đã có hồ sơ và lập biên bản vi phạm". Tuy nhiên khi được hỏi đã lập biên bản bao nhiêu hộ thì ông Huân cho biết chỉ có 12 trường hợp - quá ít với thực tế hơn 40 căn nhà tạm.
Về hướng xử lý, ông Huân tỏ ra khá đối phó: "Rất khó. Bởi trước đây hành lang an toàn đường sắt chỉ là 5m, bây giờ Cty Hà Thái yêu cầu phải giải tỏa ra tận 20m. Hơn nữa đây cũng là đất được giao theo Nghị định 64 nên tiến hành rào lại cũng không ổn, dân cư không có đường để sản xuất, trồng trọt bên kia cầu.
Để vi phạm diễn ra ngang nhiên và đã qua nhiều năm trên địa bàn, ông Huân lý giải: Chúng tôi đã nhiều lần xử lý, nhiều lần thực hiện cưỡng chế, nhưng rồi... đâu lại vào đó. "Trong thời gian tới, chúng tôi đã lên kế hoạch kết hợp với Cty Hà Thái xử lý dứt điểm" - ông Huân hứa.
Việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt tại địa bàn xã Xuân Đỉnh đã trở nên phổ biến và hết sức nghiêm trọng, nếu không giải quyết triệt để ngay sẽ phát sinh những vi phạm lớn hơn. Tuy nhiên, không biết bao giờ thì lời hứa của lãnh đạo xã Xuân Đỉnh trở thành hiện thực. Bởi cách đây 1 năm, khi trả lời báo chí, lời hứa tương tự cũng đã được đưa ra.
Theo Lao Động
Buôn bán lấn đường Hằng ngày, lòng lề đường 26/3 ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - TPHCM bị nhiều người buôn bán hàng rong lấn chiếm, gây khó khăn và nguy hiểm cho người qua lại (ảnh). Những người này còn vứt rác bừa bãi xuống kênh 19 Tháng 5 gần đó, khiến kênh này ô nhiễm nặng nề. Theo ông Phan Văn Rắc,...