Khó đảm bảo các trường công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm
Theo quy định mới, các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mới được tuyển sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại nhiều trường vẫn “lọt” qua khâu này.
Ngày 10/2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm về đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Bộ tiêu chuẩn Kiểm định Chất lượng Giáo dục đại học gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhận định bộ tiêu chuẩn mới đã tiệm cận quy định của khu vực. Khi bộ đẩy mạnh kiểm định, các trường sẽ phải trung thực với số liệu báo cáo, đặc biệt là tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi ra trường – yếu tố được xã hội quan tâm.
Cần bộ tiêu chuẩn mới
Trên thực tế, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta được tiến hành trong thời gian khá dài. Bộ tiêu chuẩn đầu tiên được đưa ra từ năm 2004, chính thức ban hành vào năm 2007 và được chỉnh sửa trong năm 2012.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, thông tin đến nay, hầu hết trường ĐH của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Trong đó, 32 trường hoàn thành đánh giá ngoài, 12 trường hoàn thành kiểm định.
Tuy nhiên, công tác kiểm định vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống văn bản khá hoàn chỉnh, song các chế tài để khuyến khích trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định.
Các khách mời tham dự tọa đàm về đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
Trước sự phát triển, thay đổi của xã hội, bộ tiêu chuẩn hiện hành dần bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu so với yêu cầu chung và xu hướng thế giới.
PGS. TS Nguyễn Văn Long, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Giao thông Vận tải, cho hay thực tế hai lần kiểm định của trường này vào năm 2009 và 2016 cho thấy nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn không còn phù hợp.
Video đang HOT
“Các trường đã chuyển sang đào tạo tín chỉ từ lâu nhưng trong bộ tiêu chuẩn vẫn là đào tạo niên chế. Những vấn đề nóng hiện nay của các trường không được đề cập trong bộ tiêu chuẩn. Cụ thể, các điểm mạnh của ĐH Giao thông Vận tải không được nhắc đến trong quá trình kiểm định”, ông Long nhận định.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc thực hiện 3 công khai được yêu cầu từ lâu song chưa thực sự hiệu quả. Số liệu báo cáo của nhiều trường bị biến báo hoặc báo cáo xong không ai thẩm định.
Nhiều trường ‘lọt’ yêu cầu
Từ năm 2017, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường mới được tuyển sinh. Vấn đề được đặt ra là ai sẽ thu thập, kiểm chứng thông tin.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Long cho rằng 4 trung tâm kiểm định sẽ thẩm định báo cáo của trường và bộ sẽ có chế tài xử lý những trường vi phạm. Với quy chế này, các trường buộc phải báo cáo trung thực.
Nhiều chuyên gia cho rằng trường có thể vẫn được tuyển sinh mà không công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Theo ông, để có số liệu tuyệt đối, các trường phải điều tra được 100% số lượng sinh viên ra trường. Song điều này không khả thi vì hệ thống công nghệ thông tin của các trường chưa mạnh. Do đó, các trường phải lấy mẫu và chọn mẫu tương đối đặc trưng.
“Ví dụ, ngành kỹ thuật công trình giao thông trường tôi có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao. Nhưng nếu chỉ lấy ngành đó làm mẫu thì không ổn, vì có những ngành tỷ lệ có việc làm rất thấp”, ông nhận xét.
Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng đây là bước nhà trường phải làm sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng với bộ tiêu chuẩn hiện hành, Bộ GD&ĐT đang quản trị ĐH bằng các quy định. Khi văn hóa chất lượng các trường tốt hơn, việc áp đặt sẽ hiệu quả bằng quản trị ĐH theo nguyên lý và nguyên tắc.
“Việc chuyển từ bộ tiêu chuẩn hiện hành sang bộ tiêu chuẩn mới đang đi theo hướng như thế. Tôi nhấn mạnh là đi theo hướng đó, còn các trường ĐH hiện hành của Việt Nam chưa hoàn toàn có văn hóa chất lượng” GS Nguyễn Quý Thanh khẳng định.
Ông cũng cho rằng các trường đang công bố số liệu 3 công khai hay tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn nhiều so với thực tế.
Vì vậy, sắp tới, trong quá trình kiểm định, các trung tâm phải tìm phiếu khảo sát gốc như bảng đóng bảo hiểm cho cán bộ, giảng viên của trường, thậm chí chạy lại số liệu để xác định độ trung thực hoặc phỏng vấn lại, phỏng vấn độc lập.
Trong khi đó, cả nước hiện có 4 trung tâm kiểm định, 240 người trong số 700 người hoàn thành khóa đào tạo được cấp thẻ kiểm định viên.
Với nguồn lực này, đến năm 2018, nước ta khó có thể kiểm định hết 271 trường đại học trên cả nước hay chứng thực được số liệu sinh viên có việc làm sau khi ra trường của các trường.
Nếu kiểm định một cách ngẫu nhiên, một số trường có thể sẽ tránh được quy định chung, vẫn tuyển sinh mà không cần công bố các số liệu theo yêu cầu hay qua kiểm định chất lượng.
Theo Zing
Học sinh hạnh kiểm yếu có được thi THPT quốc gia 2017?
Một trong những điều kiện để được dự thi THPT quốc gia 2017 là học sinh phải đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên trong năm học lớp 12.
- Bạn Hồng Ánh hỏi: Năm ngoái, em không được thi THPT quốc gia vì bị xếp hạnh kiểm yếu hồi năm lớp 12. Như vậy, năm nay, em có được dự thi không?
- Trả lời:
Đối tượng và điều kiện dự thi được quy định tại điều 12 trong quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp 2017 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.
Theo đó, đối tượng dự thi là người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).
Học sinh phải đạt hạnh kiểm năm lớp 12 từ trung bình trở lên mới được thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.
Để được dự thi, học sinh thuộc các diện trên phải không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, thời hạn.
Ngoài ra, họ phải đảm bảo thêm các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: Hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém.
Yêu cầu xếp loại hạnh kiểm không áp dụng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người theo hình thức tự học có hướng dẫn ở GDTX.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định trên phải tốt nghiệp THCS.
Người học không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12 phải dự kỳ kiểm tra cuối năm một số môn có điểm trung bình dưới 5 để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực.
Người học có thể đăng ký dự kỳ kiểm tra cuối năm tại trường phổ thông (nơi học lớp 12) hoặc nơi đăng ký dự thi.
Những trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12 phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật.
Như vậy, với trường hợp của Hồng Ánh, bạn có thể dự thi THPT quốc gia 2017 nếu được UBND cấp xã nơi mình cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật.
Theo Zing
Những điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia 2017 Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, năm nay, thí sinh làm 5 bài thi trong 2,5 ngày. Trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức trong 2,5 ngày. Cụ thể, thí sinh sẽ thi trong ngày 22, 23 và sáng 24/6...