Khi trẻ mầm non được học cách làm gốm, bắt cá, nhặt rác
“Lớp tôi lúc đầu có một bé rất nhút nhát, có các biểu hiện lạ. Nhiều cô nghĩ con đã bị tự kỉ. Tuy nhiên, sau một năm, học sinh này đã thay đổi hoàn toàn, mạnh dạn xung phong phát biểu!”.
Trên đây là chia sẻ của cô Hoàng Thị Hạnh, giáo viên Trường mầm non Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) về tác động tích cực của mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Làm gốm, bắt cá… giúp trẻ mạnh dạn
Năm nay cháu Ngọc B. học lớp 5 tuổi, Trường mầm non Hoành Mô. Năm ngoái khi mới vào nhận lớp, các cô đều rất lo lắng bởi B. rất nhút nhát, chỉ ngồi một góc.
“Các cô đều nghĩ con bị tự kỉ bởi các biểu hiện rất lạ, nhiều khi nhìn chằm chằm thật lâu vào vật gì đó và im lặng. Con chỉ theo duy nhất một cô giáo trong trường. Tuy nhiên, sau một năm theo học mô hình giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi học sinh này đã thay đổi hoàn toàn, mạnh dạn xung phong phát biểu, không còn các biểu hiện lạ khiến phụ huynh rất phấn khởi”, cô Hạnh kể lại.
Trẻ học làm gốm ở Trường mầm non Kim Sơn, huyện Đông Triều.
Ghi nhận của PV Dân trí tại một số trường mầm non trên địa bàn Quảng Ninh, để việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả tốt nhất, các trường đã đầu tư phát triển môi trường giáo dục đa dạng bên ngoài trường như: khu chợ quê, trò chơi cát nước, làm gốm… từ đó phát triển những tư duy sáng tạo và phát triển vận động cho trẻ.
Ngoài ra, nhà trường cùng giáo viên các lớp còn tạo môi trường trong lớp với những góc chơi di động, trong đó bổ sung thêm góc thư giãn, góc thực hành cuộc sống… Quá trình tổ chức thực hiện, giáo viên áp dụng linh hoạt, cô không chỉ truyền thụ mà còn tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện sáng tạo, tự khám phá.
Tại Trường mầm non Kim Sơn (huyện Đông Triều, Quảng Ninh), hình ảnh đầu tiên là khu trải nghiệm dành cho học sinh với các gian hàng như: thiết kế thời trang, chăm sóc sắc đẹp (spa)…, được thiết kế bắt mắt, thân thiện, phù hợp với trẻ em.
Ngoài ra, trường còn thiết kế khu “Gốm sứ Đông Triều” để giáo dục học sinh về làng nghề truyền thống. Không những thế, một số trường mầm non ở địa bàn này còn sáng tạo thiết kế cả ao cá, ruộng lúa, với đầy đủ các vật dụng giúp học sinh “làm nông”.
Bà Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng(thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho hay, ngoài thiết kế vườn hoa, cây cảnh như các trường khác, nhà trường còn đầu tư xây ao cá, ruộng lúa theo đúng quy chuẩn ở trường mầm non.
Học sinh tạo hình con vật từ lá cây
“Mỗi lớp được luân phiên tham gia tối đa các hoạt động trải nghiệm 3 lần/tuần ở các khu khác nhau. Các học sinh của nhà trường được tận tay bắt cá, tận mắt nhìn ruộng lúa ngay trong sân trường để hiểu rõ hơn về nghề nông”, cô Lương chia sẻ.
Tại Trường mầm non Hòa Bình, mặc dù là trường miền núi của huyện Hoành Bồ nhưng nhà trường thiết kế môi trường giáo dục bên trong và ngoài lớp với nhiều góc chơi phong phú, đồ dùng học tập đa dạng, giúp trẻ vui chơi an toàn, sáng tạo.
Nhờ đó, học sinh được trải nghiệm nhiều hơn nhằm ôn lại những kiến thức, kỹ năng, phát triển thể chất, ngôn ngữ, tình cảm xã hội…, để sớm hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách con người.
Giáo viên chỉ “tạo cơ hội”
Video đang HOT
Ngày 10/10/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 739/KH-BGDĐT về việc triển khai “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Với mô hình giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, học sinh là trung tâm, cô chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, tạo cơ hội để trẻ chủ động, sáng tạo.
“Theo một nghiên cứu của ĐH Stanford – Mỹ mới đây, chỉ số vận động, chỉ số thể lực của trẻ em Việt Nam hiện đang ở mức thấp.
Nhu cầu thiết yếu nhất của trẻ mầm non là vui chơi, bởi vậy đối với trẻ mầm non vui chơi, vận động là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi đã phát triển các trường mầm non theo định hướng chăm sóc giáo dục theo phương châm học mà chơi, chơi mà học.
Chuyên đề này hướng tới 4 mục đích chính: Mở rộng không gian chơi cho học sinh tại trường học; Sử dụng không gian hiệu quả của nhà trường để làm khu vui chơi vận động; Thay đổi nhận thức cho phụ huynh và giáo viên về giáo dục thể chất ở cấp mầm non; Nâng cao năng lực giáo viên thông qua giáo dục vận động”.
(Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non – Bộ GD&ĐT)
Cô Bùi Thị Ngân Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Bình cho biết, chính sự khác biệt đó nên trình độ và cách thức của giáo viên rất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở các trường mầm non.
“Ở đây 97% là người dân tộc thiểu số, do vậy việc vận động các con đến lớp rất khó khăn, chưa kể phụ huynh không hiểu nên hay thắc mắc vì sao bắt các con nhặt rác, lao động… Do đó, chúng tôi phải lên lộ trình, trước hết bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, sau đó cải tạo sân vườn để có các khu trải nghiệm”, cô Lý nói.
Bà Bùi Thị Thăng, Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Lợi, huyện Hoành Bồ cũng thừa nhận, phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” phát huy tính tích cực của học sinh và sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất cũng là trình độ giáo viên. Nếu giáo viên không có kĩ năng, sẽ rất khó thành công.
Kể về những khó khăn khi dạy phương pháp mới, cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ, nhiều phụ huynh đã phàn nàn với chúng tôi, vì sao con họ không được học gì, lại đi bắt lau lá cây, nhặt rác?
“Nhiều giáo viên trẻ bị phụ huynh chất vấn nhưng chưa biết giải thích ra sao. Bản thân tôi đã phải trao đổi thẳng thắn để phụ huynh an tâm, rằng: Trẻ em tuổi mầm non cần vận động, học mà chơi, chơi mà học. Từ các hoạt động trải nghiệm đó, học sinh rút ra bài học thay vì giáo viên giảng giải sáo rỗng như trước đây”, cô Hạnh cho hay.
Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường mầm non Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh.
Cũng chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu triển khai mô hình giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, cô Vi Thị Thự, Trường mầm non Lương Mông, huyện Ba Chẽ cho biết, vài năm trở lại đây, phương pháp giáo dục mới này khiến trẻ thích thú hơn, nhiều em thích đi học. Đặc biệt, nhà trường dạy trẻ các kĩ năng tự phục vụ khi các cháu đang được gia đình quá chiều chuộng và thụ động.
Tuy nhiên, khi tạo môi trường “lấy trẻ làm trung tâm”, tăng cường vận động bên ngoài, nhiều khi trẻ có những va vấp khiến phụ huynh phản ứng.
“Ngoài giờ dạy, mỗi giáo viên như người lao công, đi đào bới “đồng nát”, lốp xe về rửa sạch, quết sơn làm đồ chơi cho học sinh. Đặc biệt, nếu các trường có sĩ số lớp quá đông, việc chia nhóm cho các con tham gia các trò chơi sẽ khó khăn hơn lớp học ít trẻ. Do vậy, mỗi giáo viên cần tự nâng cao năng lực, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của xã hội”, cô Thự nói.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Xử lí tình huống sư phạm - GV cần linh hoạt, cân nhắc lựa chọn
Nhiều năm đứng lớp, những bài học sâu sắc nhất tôi học được lại chính từ những học trò của mình.
NGƯT Tô Ngọc Sơn
Bài học từ trò
Năm học 2004 - 2005, năm đầu tiên tôi được chính thức đứng lớp dạy học sinh lớp 4 tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Học sinh thành thị khác nhiều với học sinh miền quê. Em nào cũng tươm tất, gương mặt tươi vui và năng động. Trong lớp có học sinh tên Trí. Em hiếu động, bướng bỉnh nhất lớp; hay giơ tay xung phong phát biểu đầu tiên, nhưng hầu như chưa có câu trả lời nào hoàn chỉnh; có lúc không giơ tay, Trí cứ tự nhiên đứng dậy trả lời ngay. Khi đó, cả lớp lại được trận cười.
Dù nhiều lần nhắc nhở, nhưng bản tính nghịch ngợm, dường như em không chú ý gì đến lời khuyên của thầy, thậm chí còn lấy đó để mua vui, làm trò tiêu khiển.
Một buổi sáng, khi tôi giở sổ chuẩn bị kiểm tra bài cũ thì tổ trưởng tổ 1 đứng lên:
- Thưa thầy! Bạn Trí không học bài, không làm bài ở nhà ạ!
Tôi hỏi cả lớp:
- Còn bạn nào không học bài và không làm bài như Trí?
Cả lớp im thin thít.
- Vậy ai có học bài và làm bài, giơ tay?
Cả lớp cùng giơ tay, trừ Trí vẫn ngồi lặng thinh.
- Cả lớp mình, các bạn học tập rất tốt. Duy nhất chỉ có em. Sao vậy Trí?
Trí vẫn ngồi im thin thít. Lớp học lại xôn xao bàn tán. Nhất là tổ 1 của Trí vì tổ sẽ bị trừ điểm thi đua. Một bạn nữ nói:
- Thưa thầy, con thấy Trí về nhà là lo đi chơi không bao giờ học bài, vì con gần nhà bạn nên con biết.
- Bạn nói như vậy đúng hay sai vậy Trí?
Em vẫn ngồi im không nói lên một lời nào, nhưng sắc mặt lúc này đã thay đổi.
- Em lấy vở học ra cho thầy xem. Vở bài tập Toán nữa.
Tôi lật từng trang, tay tôi bắt đầu run lên:
- Trời! Đã học hơn một tháng rồi mà tập vở vẫn như thế này. Sao vậy Trí?
Thấy thầy nổi giận, hai tay Trí bắt đầu run lên. Bất thần, đôi bàn tay em giơ lên cao rồi đập mạnh xuống bàn.
- Trời ơi, em không biết thì sao có thể làm!
Đến lượt tôi lặng người. Bởi tôi đã cho từng học sinh số điện thoại, sẵn sàng ngồi lại cùng các em nêu chưa hiểu bài. Vậy tại sao?
Nhưng từ đó, sau mỗi bài học, tôi đều hướng vào Trí, vừa giúp em lấy lại kiến thức đã học, vừa tiếp thu kiến thức mới. Ngoài giờ học ở trường, nếp học tập ở nhà cũng rất quan trọng. Gia đình Trí lo làm ăn, buôn bán, ít quan tâm đến em, có chăng chỉ nhắc nhở em "học bài" hay "làm bài" rồi thôi, không để ý.
Tôi đã thật sự hiểu Trí và em cũng trở nên quý mến, gần gũi với thầy, hay tâm sự với thầy,... Trí dần thay đổi thái độ học tập, không còn bê tha bài vở nữa và tiến bộ hẳn lên. Tuy vậy, nhưng cuối năm em chỉ đạt loại trung bình khá.
Nhìn các bạn ai cũng nhận phần thưởng trên tay còn mình thì không, Trí rơi nước mắt. Tôi vội xuống căng-tin mua 2 quyển vở, gói lại và trao cho em trước lớp: "Đây là phần thưởng dành cho sự cố gắng học tập của Trí, mặc dù bạn không đạt kết quả cao như mong muốn nhưng bạn đã tiến bộ trong học tập."
Trí cũng được nhận một phần thưởng vô cùng to lớn từ phía các bạn, đó là một tràng pháo tay giòn giã. Em ôm mãi phần thưởng trước ngực cả trong giờ chơi đến khi ra về.
Bài học về ứng xử sư phạm
Việc học sinh không làm bài, lơ là trong học tập là chuyện thường gặp trong lớp, trong trường. Tình huống trên xảy ra đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ trong cách xử lí.
Tôi đã nhận ra Trí là một học sinh cần được quan tâm, đã chú ý nhắc nhở em mỗi ngày, nhưng tôi chưa thật gần gũi với em. Giá như tôi quan tâm chút nữa, tìm hiểu thêm một chút để lấp, vá lỗ hổng kiến thức của em, ngồi lại chia sẻ và động viên em làm bài ngay tại lớp thì em đâu bỏ trống vở cả tuần như vậy.
Sự phản ứng của Trí khiến tôi nhận ra cách giải quyết của mình chưa hợp lí. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã tìm được phương hướng xử lý: Những lời phân trần nhẹ nhàng trước lớp đã giúp các học sinh khác hiểu, giúp Trí đã nhận ra lỗi lầm của mình.
Lớp học nào mà không có học sinh lơ đãng, không có học sinh không chú ý, không thích làm bài. Giáo viên nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự việc. Trả lời cho bằng được câu hỏi: Vì sao như vậy? Phải làm thế nào? Càng suy nghĩ thấu đáo, hiệu quả của việc xử lí càng cao.
Trong quá trình xử lí tình huống, chúng ta cũng nên dự hướng đến kết quả - không chỉ là kết quả của việc xử lí tình huống mà là kết quả giáo dục.
Chẳng hạn, trong tình huống trên, bước đầu tôi chỉ giúp học sinh nhận ra lỗi của mình mà chưa quan tâm đến việc học tập của các em. Trí không biết làm bài. Em bị hổng kiến thức, em ngại làm bài nhưng tôi chưa khắc phục được nhược điểm này cho em. Tôi chưa kịp thời hướng dẫn em học tập. Tức là tôi chưa đạt được mục đích trong giáo dục. Đó là chưa tính đến tình cảm thầy trò, những ấn tượng tốt đẹp của thầy dành cho trò và ngược lại.
Tóm lại, việc xử lí các tình huống xảy ra trong giáo dục một việc làm rất cấp thiết. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, ứng phó nhạy bén nhưng cũng cần phải cân nhắc lựa chọn và giải quyết theo trình tự như trên hiệu quả mới cao.
NGƯT, ThS Tô Ngọc Sơn - Chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Theo giaoducthoidai.vn
Giải cứu niềm tin cho nghề giáo Những hành vi ứng xử, biểu hiện không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhà giáo, những cú "ăn thua" giữa phụ huynh và giáo viên, những "biểu hiện lạ" trong nhà trường... khiến dư luận hoang mang. Liệu đây có còn là hình ảnh người giáo viên nữa hay không? Phải chăng đang tồn tại một sức ép vô hình bủa...