Khi tổng thống bị ngắt lời…
Cậu bé Osman Yahya ngồi cạnh Tổng thống Obama hôm 30-4.
Một trong những chuyện nóng nhất của cộng đồng mạng trong ngày đầu tiên của tháng 5 là việc cậu bé Osman Yahya, 11 tuổi, với tư cách là người dẫn chương trình (MC) truyền hình Hỏi và Đáp giữa TT Obama và các học sinh trung học vào ngày thứ Sáu 30.4, đã một lần ngắt lời TT vì cho rằng ông Obama trả lời dài dòng và một lần khác, không cho TT trả lời câu hỏi vì “tin” rằng TT đã trả lời đủ rồi(!)…
Câu chuyện thú vị có thật nhiều điều đáng ngẫm.
Video đang HOT
Thông thường, cách giáo dục hiện nay ở nhiều nước, nhất là ở Á châu và đặc biệt là Việt Nam, luôn cho rằng ngắt lời người lớn khi ông ta hay bà ta đang nói là hỗn. Mặc định “hỗn hào” này hầu như được đa số tán đồng.
Mặc định ấy cũng đồng nghĩa rằng giáo dục cho trẻ vâng lời gần như là điều kiện tiên quyết – bước khởi đầu để tạo nên con ngoan, trò giỏi.
Một lần nữa, đa số lại thắng vì cái lý lẽ không thể phủ nhận nhân danh đạo đức, văn hóa, truyền thống – thậm chí trên bàn cân của thần công lý còn có cả bản sắc dân tộc nữa.
Chúng ta quên mất một điều: Nếu đứa trẻ được dạy rằng luôn phải vâng lời thì đến bao giờ, ở đâu, trong trường hợp nào nó được phản kháng khi người lớn nói sai hay làm sai? Hàng ngàn năm lịch sử phương Đông để lại nhiều bài học nhức buốt mà một trong số đó là hôn quân, dẫu vô đạo, không một ai dám cãi lời.
Cái Nho lý bất công ấy từ chốn cung đình len lỏi vào mọi ngõ ngách của xóm làng sâu và đậm đến nỗi hễ cứ người ít tuổi cãi người lớn tuổi là khẩu định luôn rằng &’trứng khôn hơn rận’ – quá đáng hơn, còn bị phán rằng sao gà dám cãi nước sôi?
Thói quen và tâm lý chung của sự cam chịu từ những người trẻ tuổi đã được quyết định bởi &’đòn’ đánh dứt khoát từ Khổng Tử: Tứ thập nhi bất hoặc (bốn mươi tuổi thì không còn sai lầm nữa)! Ai cũng tin là thế dẫu trên thế gian này có vô số người 70 tuổi vẫn còn sai.
Sự im lặng trước cái sai của người lớn được xã hội hóa thành sự im lặng của dân (phận làm &’con’) trước cái sai của quan (dân chi phụ mẫu – quan như cha mẹ dân) đã dẫn đến những hệ lụy ghê gớm mà hàng trăm năm phải bất lực trước cái nhu cầu đổi thay.
Ngay cả trường đại học là môi trường thoáng nhất nhưng theo khảo sát XHH, giả định với giảng viên khi đang giảng bài, có một sinh viên xin phép đứng dậy và phát biểu rằng “em nghĩ thầy (cô) không đúng” thì thầy, cô nghĩ sao? Hơn 80% giảng viên trả lời người khảo sát – (người viết bài này) là… hỗn!
Cuộc đời có một nghịch lý đáng yêu: Thầy, cô nào cũng khen, tự hào vì con mình giỏi giang hơn mình, nhưng chỉ có một số rất ít nghĩ rằng sinh viên phản kháng là đúng, là ngoan!
Osman Yahya đã rất ngoan khi nói rằng thưa ngài tổng thống, đã rất tế nhị khi nói tiếp là cháu nghĩ rằng và, đã rất kiên quyết, tự tin khi khẳng định rằng ngài đã trả lời đủ cho câu hỏi này rồi.
Cách ứng xử khéo léo và đáng khen như thế chỉ có được khi học sinh được tiếp cận, nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục coi chân lý là tối thượng và, người ít tuổi có thể “phê bình” cái sai hay lỗi của người lớn bằng thái độ kính trọng cần có và sự không khoan nhượng phải có.
Nếu một đứa trẻ học lớp 6, mới 11 tuổi có thể hành xử chững chạc và tự tin như thế thì thử hỏi, thái độ tự tin ấy được bồi dưỡng từ lúc nào? Bạn có bao giờ nghĩ rằng con mình dám làm thế với người lớn chứ đừng nói chuyện người lớn đặc biệt ấy lại là TT?
Có lẽ, đã đến lúc bớt đi cách áp đặt ý chí, suy nghĩ của người lớn cho thế hệ trẻ. Hãy để các cháu tự lớn, tự tin và người lớn, hãy đóng vai trò là người hướng dẫn tận tụy, thân yêu. Thiếu tự tin là cái thiếu nguy hiểm nhất của một người trưởng thành: Nó chứng tỏ sự khiếm khuyết về tâm lý, kỹ năng sống; sự thiếu hụt trầm trọng về bản lĩnh; sự mù mờ về năng lực và, thiếu hẳn khả năng đương đầu trước những thách thức, khó khăn…
Theo motthegioi.vn