Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc!
Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình.
Ông cụ quay sang nhìn người bạn già đi bên cạnh mình, ông mỉm cười:
Bà này, mỗi buổi sáng, dậy sớm, đi tập thể dục, nghe chim hót, ngắm mặt trời lên, có bà bên cạnh, với tôi cứ như là đã chờ đợi từ lâu lắm rồi.
Thì ông công tác xa, lại được giữ lại làm cố vấn, tôi ở xa ông cũng quen rồi. Có khi bây giờ ông về, tôi lại chưa quen ấy chứ!
Cái bà này, tôi kể cả là ở xa, nhưng khi ở bên bà, tôi có thấy lạ gì đâu? Tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lắm.
Thì giờ già rồi, chỉ mong thanh thản thôi.
Ngày nào họ cũng cùng nhau đi như thế. Dưới con mắt ngưỡng mộ của cả người trẻ và người già. Người trẻ nhìn ông bà mà ước: Ước gì già mình cũng được như thế. Người già thì ghen tỵ vì có người còn có người bạn đồng hành, có người thì không. Nhưng nhiều khi già rồi, lại trái tính, trái nết, mấy ai mà được tình cảm như hai ông bà. Tình già vẫn còn vương, nhất là cụ ông, cũng xấp xỉ bẩy mươi tuổi nhưng vẫn phong độ nhanh nhẹn lắm. Đúng là quân nhân có khác. Được rèn luyện qua gian khổ nên mới được như vậy. Còn cụ bà có vẻ yếu đuối hơn, lưng bà cũng đã không còn thẳng nữa, nhưng khuôn mặt phúc hậu khi nào cũng lấp lánh ánh cười.
***
Ông kéo ghế cho bà ngồi xuống bên cạnh, còn mình thì ngồi chiếc ghế gỗ nhỏ, ông chăm chú nhìn nồi cháo đang sôi, lát lại lấy mui ngoáy cho cháo đỡ bị dính dưới đáy nồi. Bà bảo để bà làm cho, nhưng ông nhất định không chịu, ông cười:
Bao nhiêu năm, chỉ toàn bà nấu cháo cho các con tôi, cho bố mẹ tôi, bây giờ, tôi có nấu cho bà ăn tới hết đời cũng chưa thỏa lòng mà!
Bà nhìn ông, đôi mắt nâu đã nhạt màu vì thời gian ngân ngấn nước, mấy sợi tóc bạc trắng của bà phất phơ trước mặt. Bà vén mấy sợ tóc cho gọn rồi nhìn ông:
Thứ tôi nuối tiếc duy nhất là khi còn trẻ chúng ta không được sống gần nhau. Ông là một người đàn ông dịu dàng. Nhưng bây giờ, ông về rồi. Với tôi thế là đủ!
Ông nhìn bà, ánh mắt lấp lánh niềm vui, và ngập tràn yêu mến. Đúng là khi già, người ta mới cần người làm bầu làm bạn, có người sớm tối bên nhau, câu chuyện câu trò thì cùng nhau ăn bát cháo trắng cũng ấm lòng biết mấy.
Bà nhìn giàn mướp trổ đầy hoa vàng, những con ong mật từ đâu kéo về bay vo vo trước hiên nhà. Ánh nắng buổi sáng chưa gắt, chút gió mát từ ngoài sống thổi lại khiến không khí thoáng dịu vô cùng. Bà nhắc ông:
Thằng cả nó bảo hôm nay nó cũng nghỉ phép đưa cả vợ con nó về đấy. Ông tính mua cái gì về làm cơm bây giờ?
Ôi dào, bà kệ chúng nó, nó về khắc biết mua gì mà ăn. Bà chăm nó mấy chục năm, phải để nó chăm lại bà chứ?
Nhưng mà chúng nó về đây, biết cái gì mà mua.
Ông nhìn bà, ánh mắt cười vẫn không đổi.
Thì mua được cái gì, ăn cái đó!
Bà cũng cười nhìn ông:
Vậy thì nghe ông!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, bà bảo ông:
Quên mất, nhà mình có gà đấy, việc gì phải mua cái gì nữa.
Chuyện đó cứ để đấy, tôi với bà ăn cháo đã.
Ông bưng hai bát cháo để lên chiếc bàn nhỏ ở góc sân, hai ông bà ngồi ăn cháo và nói chuyện gì đó rất vui, khiến bà cứ nhìn ông rồi tủm tỉm cười hoài. Những nếp nhăn trên mặt cứ xô vào rồi lai dãn ra, như dấu bước của thời gian, cứ im lìm, lặng lẽ nhưng không thể xóa nhòa.
***Khi còn trẻ, hai ông bà cùng mệnh kim, nên người ta nói, ở với nhau rất hay và chạm. Bà là ngườiphụ nữ thông minh, lại chịu thương chịu khó, nhưng cũng khá bướng bỉnh, nên khi nào ông cũng là người nhường nhịn bà. Ông cười:
Thua ai mới sợ, chứ thua vợ là đương nhiên! Này nhé: Tôi làm sao mà đẻ được cho bà được hai đứa con vừa ngoan ngoãn như bà, làm sao mà một lúc chăm cả bốn đứa trẻ (ý ông nói là cả bố mẹ chồng, các cụ xưa chả có câu: Một già một trẻ bằng nhau là gì)… Ngoài ra, bà biết sửa điện, biết tháo lắp các đồ điện trong nhà bị hỏng, bà biết nấu những món ăn ngon mà chỉ về nhà ông mới được ăn …
Nói chung là vì bà vĩ đại như thế, nên ông thua là cái chắc. Có lẽ suốt cuộc đời bà, chưa khi nào phải cãi nhau với ông. Nói ra thì chẳng ai có thể tin. Bà biết vì ông lúc nào cũng thương và trọng bà.
Video đang HOT
Trong thâm tâm bà cũng vậy, khi còn trẻ, lấy ông vì yêu ông, và cho tới tận bây giờ, tình cảm đó vẫn không thay đổi. Ngày ấy trẻ, những lần ông về buổi tối khi nào hai ông bà cũng nằm tâm sự tới khuya, có lần bà ôm ông nói:
Sau này chúng mình già, anh không được chết trước em, em không muốn mình sống cô đơn một mình. Em đã sống cô đơn một mình nhiều rồi, nay mai anh về, em không muốn mình lại phải một lần nữa sống như thế. Vì vậy, nhất định anh phải sống lâu hơn em đấy! Em sẽ rất sợ nếu một sáng nào đó em tỉnh dậy và chỉ còn lại một mình. Em sẽ khóc đến hết nước mắt! Em không muốn sống cô đơn không có anh lần hai. Anh nhớ đấy nha!
Trong thâm tâm bà cũng vậy, khi còn trẻ, lấy ông vì yêu ông, và cho tới tận bây giờ, tình cảm đó vẫn không thay đổi. (Ảnh minh họa)
Từ đó, bà thấy ông ít uống rượu hơn, nghe nói, ông còn bỏ cả thuốc lá mặc dù ông nghiện nặng. Không phải vì ông muốn sống lâu hơn bà, mà vì ông muốn, khi về già, ông phải khỏe mạnh hơn bà để có thể chăm sóc bà, và cũng có thể, để sống bên bà tới cùng thì thôi. Ông cũng sợ phải sống một mình, nhưng ông sợ bà phải sống một mình hơn. Nhưng nỗi niềm ấy, ông không nói cho bà biết. Đàn ông thường là thế. Yêu ai yêu hơn cả tính mạng của mình, nhưng vẫn cứ lặng lẽ mình mình biết, mình mình hay.
***
Từ ngày có ông về nhà, bà vui vẻ lên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn, bệnh huyết áp thấp của bà cũng đỡ hơn nhiều. Sáng nào ông cũng dậy sớm hơn, đánh thức bà và họ lại nắm tay nhau đi tập thể dục. Vậy mà đột nhiên mấy hôm nay, khi nào bà tỉnh dậy cũng chỉ thấy có một mình trên giường, ông thức từ khi nào? Ông đã đi tập thể dục một mình sao? Bà thầm nghĩ: Cái ông này, làm gì cũng được vài bữa (Thật ra cái vài bữa bà nói ấy cũng đã hơn ba năm rồi).
Bà dậy, mặc thêm cái áo len, trời sang thu nên buổi sáng hơi lạnh. Bà thấy ông từ đằng xa, tay xách tùi đồ ăn sáng, khuôn mặt có vẻ đăm chiêu. Nhưng vừa nhìn thấy bà, ông lại mỉm cười ngay được. Bà nhìn ông, người đàn ông cao lớn, đẹp trai ngày nào, rồi cũng thành một ông già, thời gian trôi cứ ngỡ mới là hôm qua, nhưng thời gian cũng thật khắc nghiệt với con người và với cả tình yêu.
Thấy vẻ mặt suy tư của bà, ông cười:
Bà lại đang nghĩ gì thế?
Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu?
Ông cười:
Tôi đi mua bánh khúc của bà Dần đấy. Món này bà thích nhất mà. Gớm, bà bà ấy làm bánh khúc cỡ cũng ba bốn chục năm rồi ấy nhỉ?
Bánh khúc của bà ấy, thì chẳng ai làm ngon được bằng ông ạ. Từ ngày hai đứa con nhà mình mới hai ba tuổi, đã ăn bánh của bà ấy rồi. Mà ăn bánh khúc của bà ấy, thì đi ăn ở đâu cũng không thấy ngon nữa.
Nhưng vừa rồi bà ấy bảo, bà ấy bán nốt tuần này thôi. Bà ấy thấy mệt rồi.
Bà thở dài, nhìn ông:
Thì chúng ta già cả rồi mà. Ông nhìn xem, cây mít này tôi trồng khi thằng Hải mới được mấy tuổi, vậy mà năm nay nó cũng đã cằn cỗi rồi! Có ra được quả nào nữa đâu!
Cứ để nó đấy làm kỉ niệm bà ạ!.
Nhưng sao dạo này không thấy ông dậy đánh thức tôi dậy cùng thế?
Ông nhìn xa xa, rồi quay lại nhìn bà, ánh mắt vẫn âu yếm như thế:
Tôi thấy bà ngủ ngon quá, nên không đánh thức bà dậy làm gì.
Lần sau, ông cứ đánh thức tôi dậy đi cùng ông!
Ông biết tâm tình của bà. Ông đưa tay nắm lấy tay bà bảo:
Thôi tôi với bà về ăn bánh khúc thôi!
***
Nhưng tất cả những buổi sáng sau nữa, ông vẫn không đánh thức bà. Khi nào tỉnh dậy trên giường, bà cũng chỉ thấy có một mình. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau vài buổi sáng, bà biết, ông không đi đâu xa, ông chỉ đang ngồi ở ngoài sân hoặc lại đi lại mua đồ ăn sáng, nên bà vẫn thấy an lòng. Bà chỉ thấy thắc mắc, dạo này nhiều lúc vắng bà, là ông lại trâm ngâm đến lạ. Có lần bà về rồi, nhưng ông không biết, khuôn mặt ông nặng trĩu suy tư. Chợt bà thấy lòng mình có chút bất an.
Ông đang ngồi nấu cháo bên chiếc bếp than nhỏ quen thuộc ở góc sân. Nhưng nối cháo đã trào cả ra ngoài mà ông không biết. Bà cầm chiếc áo khoác lên người ông rồi mở vung nồi cháo cho đỡ trào. Giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:
Buổi sáng cuối thu rồi, trời sắp chuyển lạnh đấy ông ạ. Mà dạo này, tôi thấy ông gầy đi!
Ông đưa mắt nhìn bà, miệng nở một nụ cười:
Bà yên tâm, tôi ốm sao được!
Nhưng dạo này, tôi thấy ông cứ suy nghĩ đi đâu ấy!
Tôi biết, nếu đột ngột một sáng nào đó mình tỉnh dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi đâu. (Ảnh minh họa)
Tôi thì nghĩ đi đâu được ngoài bà!
***
Mấy tháng sau, người ta không còn thấy hình ảnh hai vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo nữa. Mà chỉ thấy có một mình bà cụ đi vào mỗi buổi sáng. Khuôn mặt bà không còn rạng rỡ như ngày nào. Đôi mắt dường như mờ đục hơn, như được phủ mờ bởi một lớp sương mỏng. Bà đi quanh một vòng rồi lặng lẽ về nhà, nấu cháo, múc hai bát và đặt trên bàn. Bà ăn cháo và ánh mắt bà lại lấp lánh ánh cười.
Một năm sau, đúng ngày ông mất, bà cũng ra đi. Khi con gái dọn dẹp đồ đạc của cha mẹ mới phát hiện ra lá thư của ông viết cho bà, nét chữ run run nhòe ướt, không biết vì nước mắt của ông khi viết hay của bà mỗi khi đọc, cô chỉ thấy những nếp gấp gần như bị rách ra:
Mình à!
Tôi muốn được sống lâu hơn mình để có thể nấu cháo cho mình ăn mỗi sáng, đánh thức mình dậy mỗi sáng và để mình không phải sống cô đơn một mình những năm tuổi già. Khi trẻ, tôi đã để mình sống cô đơn như vậy. Tôi muốn bù đắp lại cho mình.
Những ngày tháng này, là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Khi được sống bên mình, được chăm sóc cho mình để bù đắp những tháng ngày tôi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng. Nhưng ông trời không chiều lòng người rồi.
Tôi biết, nếu đột ngột một sáng nào đó mình tỉnh dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi đâu. Nên khi tôi biết tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết tôi sẽ chẳng sống được lâu nữa. Tôi đã hết sức lo lắng bởi tôi lại thất hứa với mình rồi. Sáng nào tôi cũng tỉnh giấc trước mình và để mình lại đó. Tôi muốn mình quen cảm giác ấy đi. Để sau này khi tôi đi rồi, mình không quá hụt hẫng. Không biết mình đã quen chưa?Nhưng dù sao, khi thức dậy một sáng nào đó, không có tôi bên cạnh, mình cũng đừng khóc đấy!
Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình.
Tôi vẫn chưa nói câu này với mình: Tôi yêu mình!
Bức thư trên tay cô gái chữ đã nhòe gần như không đọc được nữa. Lau nước mắt, cô gái lặng lẽ đặt bức thư của bố dưới bức ảnh của mẹ trên bàn thờ. Dù không thể cùng đi với ông, nhưng cuối cùng bà cũng đã thỏa nguyện được về gần ông. Cô gái thấy tự hào về bản thân mình, vì cô được sinh ra từ chính tình yêu sâu đậm, đẹp đẽ của cha mẹ mình. Và cô tin, ở một nơi nào đó, chắc hẳn, bố cô lại sáng sáng đánh thức mẹ dậy, hai người cùng nhau thong dong đi tập thể dục mỗi sáng, trong ánh mắt mờ đục vì thời gian của họ, hạnh phúc vẫn cứ hiện lên rạng ngời hơn cả ánh bình minh!
Theo Khampha
Rớt nước mắt về nhật ký của chồng viết cho vợ trong 5 ngày cuối đời
Chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau hai vạn hai ngàn hai trăm mười sáu ngày, chỉ còn ba mươi tư ngày nữa là tròn 22250 ngày (sáu mươi năm).
Những ngày qua, nhật ký của người chồng viết cho vợ trong 5 ngày cuối đời khiến không ít người đọc rớt nước mắt vì xúc động. Đó là tình yêu mà người chồng đã dành cho vợ trong gần 60 năm bên nhau, và 60 năm đó, họ "chỉ có đôi lần trong đời, anh gắt với em, nhưng gắt xong là anh hối hận ngay. Em có biết không?"
Chúng tôi xin trích lại đoạn nhật ký xúc động này.
Thúy Anh đau và mệt nhiều từ tháng 5/2014, có lẽ một phần do bệnh hoạn trong người hành hạ, một mặt do tác động của yếu tố tâm lý sau khi đi chụp phổi ở trung tâm y tế Linh Đàm, phát hiện là trong phổi có hạch.
Thúy Anh ho nhiều và ngày càng ho nặng, những cơn ho rũ rượi như xé phổi xé ngực của vợ, đồng thời vò xé trái tim chồng. Mỗi tiếng ho của vợ là chồng ngồi lên ngay, vuốt nhẹ vào lưng vợ mong cơn ho mau chấm dứt. Lúc nào thấy vợ nằm im một lúc lâu không ho, là chồng mừng, mừng đến rơi nước mắt.
Thúy Anh giục tôi viết điếu văn. Tôi đau đớn viết điếu văn và lời nói cuối đời của tôi dành cho Thúy Anh. Thúy Anh xem, gạch chỗ nào nói đến công đức và thành tích của mình, rồi đưa lại cho tôi, vẻ ưng ý và cảm động... Đó là ngày 8/5/2014, đúng 5 tháng trước ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới của hai chúng tôi.
Rồi lại đi bệnh viện Bộ Xây dựng, rồi hút dịch của bệnh tràn dịch màng phổi. Những ngày lo, buồn và vẫn ôm hy vọng bệnh sẽ qua khỏi...
Nhiều người bạn rất thân đến thăm, Thúy Anh đều nói: "Chỉ vài tháng nữa..."rồi đưa cho xem điếu văn và lời nói cuối cùng đã viết. Ai cũng cảm động. Có người nói: anh chị chuẩn bị cho sự "ra đi" cực kỳ điềm tĩnh, cực kỳ văn minh. Riêng tôi thì nghĩ: biết đâu những cái chuẩn bị sẵn sàng này ba bốn năm nữa mới dùng đến. Nếu được thế, thỉnh thoảng vợ chồng giở ra xem lại cũng vui!
Nhưng có ai ngờ!
Ngày 30/8/2014, các cháu ở Hải Phòng lên thăm mợ, Thúy Anh cùng tôi ngồi ở phòng khách tiếp các cháu. Thúy Anh khóc nhiều lúc chia tay: "Ra đi sẽ nhớ nhiều người, nhớ các cháu". Cháu Đoan, cháu Thanh đều nói đi nói lại: cuộc sống và tình cảm của cậu mợ đối với mọi người thật là vĩ đại, thật là vĩ đại...!
Đó là lần cuối cùng Thúy Anh ngồi ở ghế bành phòng khách.
Ngay tối hôm đó chương trình ti vi có truyền "Giai điệu tự hào". Những lần trướcThúy Anh và tôi đều đón xem chương trình này một cách rất say sưa, hào hứng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không xem một chương trinh ca nhạc hay, vì tối đó mệt Thúy Anh phải vào phòng ngủ sớm.
Đêm đó cũng như nhiều đêm trước Thúy Anh trằn trọc không ngủ được êm một mạch dài. Thúy Anh nằm giường kiểu giường y tế kê đầu cao kiểu ngủ ngồi cho đỡ ho. Tôi nằm ở giường bên cạnh, hai giường cách nhau hơn hai gang. Tôi suốt đêm nhìn sang giường vợ. Chỉ một tiếng ho, một cái cựa mình, một lần nhổm dậy là ở giường bên này tôi nhổm dậy theo, giúp vợ lấy sẵn giấy vệ sinh chùi miệng khi nhổ đờm, hoặc sang vuốt nhẹ lưng khi vợ ho, hoặc giúp vợ đi tiểu ngồi xuống chiếc bô đặt ở giữa hai giường, rồi lại nâng Thúy Anh lên giường ngủ lại.
Một lần Thúy Anh nói: Anh khổ vì em quá! Em mong cái chết chóng đến cho anh đỡ khổ!.
Tôi nói: Đừng nghĩ thế. Anh vui vì được phục vụ em. Anh sẵn sàng phục vụ em thế này một trăm, một nghìn, một vạn ngày mà không thấy mệt.
Thúy Anh nói: Anh có khoẻ khoắn gì. Anh phải cố sống để đừng chết trước em. Anh mà chết trước em thì những ngày còn lại của em, dù đã có các con cũng sẽ trở nên cực kỳ thê thảm...
Ngày 1/9/2014, buổi sáng. Sau khi cô giúp việc vừa dỗ vừa ép, múc đút cho bà ăn xong ba thìa rưỡi cháo, giúp bà súc miệng, đánh răng, Thúy Anh nửa nằm nửa ngồi trên giường, tôi ngồi ở cuối giường, hai vợ chồng nhìn nhau nói chuyện.
Thuỳ Anh thều thào nói: "Anh ơi!... Anh ơi!... Anh ơi!... Em thích gọi hai tiếng này lắm và suốt đời em, sáu mươi năm qua em đã gọi hai tiếng "Anh ơi" trong niềm hạnh phúc. Nhưng sắp đến lúc không gọi được nữa rồi". Sau câu nói đó hai vợ chồng cùng khóc...
Ngày 2/9/2014, trong một lúc đỡ mệt và tỉnh táo, Thúy Anh nói một câu dài mạch lạc, là câu nói mạch lạc cuối cùng: "Em cảm ơn anh vì hạnh phúc cả cuộc đời anh đã dành cho em. May làm sao đời em lại gặp được anh. Trong cuộc sống có lúc có điều không phải với anh, anh tha lỗi cho em".
Tôi ứa nước mắt: "Anh cũng cảm ơn em vì hạnh phúc đời người mà em đã mang lại cho anh. Em chẳng có lỗi gì cả. Trái lại chỉ có đôi lần trong đời, anh gắt với em, nhưng gắt xong là anh hối hận ngay. Em có biết không?". Thúy Anh trả lời trong nước mắt: "Em biết chứ!"
Ngày 3/9/2014, hai vợ chồng ngồi lẳng lặng nhìn nhau như mọi ngày. Tôi hỏi: "Em nhìn anh có thấy rõ không?" Thúy Anh trả lời: "Nhìn không rõ". Tôi hỏi tiếp: "Anh nói, em nghe có rõ không?". Thúy Anh nói: "Nghe rõ nhưng không hiểu!". Tôi đau đớn đến lạnh người, chạy ra gọi các con: "Nguy rồi các con ơi! Gọi ngay Hà xuống đây!"
Ngày 4/9/2014, hôm nay Thúy Anh mệt lắm rồi, phải thở oxy liên tục.
Khoàng 9 giờ chú em Nhã đến thăm chị. Anh Trí dẫn vào, hai chị em chào nhau, rồi anh kéo Nhã ra ngoài nói chuyện để chị được nghỉ.
Thúy Anh ra hiệu gọi cô Thoa giúp việc đến và nói nhỏ: "Cô ra chuẩn bị một hộp sữa bột to gói cho chú mang về biếu thím". Và nhắc: "Dặn ông nhớ biếu chú tiền cho thím bồi dưỡng" (Ngày hôm trước Thúy Anh đã nói: "Chú Nhã ra, anh nhớ biếu chú 1 triệu")
Và cũng hôm qua đã nói với tôi: "Anh chuẩn bị tiền và sữa biếu chị Phương để khi cháu Ninh đến thăm để cháu mang về biếu chị".
Ngay chiều 4/9/2014, chị Ban đến chơi vừa ngồi bóp chân cho cô em, vừa ríu rít truyện trò.
Thúy Anh lúc đó đã mệt lắm, vẫn nửa nằm nửa ngồi lim dim mắt và ậm ừ đáp lại. Một lúc sau Thúy Anh nói: "Chị về đi! Để cháu Hương còn kịp nấu cơm cho chị ăn".
Đây là những cử chỉ tình nghĩa cuối cùng mà Thúy Anh dành cho đời, cho những người thân thiết.
Đêm 4/9/2014, buổi tối sau khi ăn cháo, đánh răng, Thúy Anh bảo cô Thoa dìu vào nhà tắm rửa ráy sạch sẽ, thay quần lót áo lót, quần ngoài, rồi lên giường nằm ngủ.
11 giờ đêm, thấy tiếng động lục cục tôi ngồi dậy. Thúy Anh đã ngồi dậy thò tay ra bàn nước lấy viên thuốc ngủ để sẵn cho vào miệng và run run định cầm cốc nước. Tôi bước sang nhấc cốc nước đưa lên miệng cho Thúy Anh uống viên thuốc ngủ. Trông chừng nuốt có vẻ khó khăn. Xong, Thúy Anh ra hiệu đi tiểu. Tôi đỡ cho vợ đi tiểu xong, mặc lại quần, đỡ lên giường. Như mọi khi Thúy Anh sẽ tự chống tay nhích mình lên đến chỗ có gối cao thì nằm xuống, nhưng lần này là nằm ngay ra giường. Tôi gọi cô Thoa sang cùng nâng cho Thúy Anh nằm lại ngay ngắn, nhưng cô Thoa kêu lên: "Bà...! Bà đi rồi!".
Và Thúy Anh nhắm mắt, đinh ninh ngủ đến sáng sẽ dậy. Nhưng đau đớn thay! Không bao giờ dậy nữa!
Lúc đó là 11 giờ 45 phút đêm 4/9/2014.
Cuộc đời hạnh phúc lứa đôi của chúng tôi: Trí và Thúy Anh chấm dứt từ đây. Chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau hai vạn hai ngàn hai trăm mười sáu ngày, chỉ còn ba mươi tư ngày nữa là tròn 22250 ngày (sáu mươi năm).
Sao kiếp người lại có những lúc đau đớn cùng cực đến thế này. Một người thân nhất trên đời, gắn bó với nhau từng hơi thở suốt sáu mươi năm, nay xa nhau và không bao giờ gặp lại nhau được nữa.
Thương em!
Em về đón anh đi với em ơi!
Theo Ngoisao
Lấy người có 2 vợ, bỏ tình 5 năm Hà yêu Linh bằng một tình yêu ngọt ngào, lãng mạn. Đến bạn bè và người thân, ai ai cũng ngưỡng mộ đôi trẻ bởi cái cách mà họ quan tâm nhau. Ngày đó, Hà là sinh viên năm thứ 3 đại học, còn Linh là sinh viên năm cuối, thế nên tình yêu càng sâu lắng. Người ta bảo, tình cảm thời...