Khi thầy “sợ” và phải “nịnh” trò
Những thầy cô có năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp, nghiêm khắc, yêu cầu cao trong học tập… thì chúng lại không có cảm tình. Ngược lại, thầy cô nào dễ dãi, dạy dỗ sơ sài, thi cử qua loa, cho điểm rễ…thì được chúng “yêu quý” và “chấm điểm” cao.
Tôi là một giảng viên (GV) dạy tại một trường cao đẳng tư thục. Đã 2 năm nay, trường tôi có chủ trương lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của học sinh, sinh viên (HS – SV) về thầy cô và cán bộ các phòng, ban trong trường, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả dạy và học.
Nhưng hiệu quả thì chưa thấy đâu mà hậu quả thì đã thấy rất rõ ràng, đó là nhiều đồng nghiệp của tôi đã trở nên chán nản, lòng yêu nghề giảm sút và thậm chí có người đã xin thôi việc…vì không đủ tự tin đứng lớp sau khi bị học sinh “chấm điểm” thấp.
Trước hết, nói về việc học sinh đánh giá, nhận xét giáo viên. Theo tôi, đó là một chủ trương đúng, hay và cần thiết. Vì thông qua những phản hồi (thông tin “ngược” từ HS – SV) mà nhà trường biết được phần nào năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của thầy cô, biết được mong muốn của HS – SV đối với thầy cô và nhà trường. Từ đó, thầy cô và nhà trường có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Video đang HOT
Nhiều thầy cô đã trở nên chán nản, lòng yêu nghề giảm sút và thậm chí có người đã xin thôi việc…vì không đủ tự tin đứng lớp sau khi bị học sinh “chấm điểm” thấp. (Ảnh: vietbao.vn)
Nhưng mặt trái của nó là nếu cách thức tiến hành không linh hoạt, không khoa học, không căn cứ vào tình hình thực tế thì vô hình chung nó sẽ dẫn tới một hậu quả là HS – SV trở thành những ” ông bà chủ &” và giáo viên, giảng viên trở nên “sợ” rồi phải “chiều” và “nịnh” HS – SV. Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó lại là sự thật.
Đặc thù của trường tôi là trường cao đẳng tư thục, đào tạo cả bậc cao đẳng, trung cấp và cả hệ văn hoá (học sinh chưa tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3 ). Trừ bậc cao đẳng là những sinh viên có chút trình độ và nhận thức tốt, còn lại đa số học sinh bậc trung cấp và hệ văn hoá thì trình độ có hạn, ý thức chưa cao. Thế nên, khi nhà trường trao cho học sinh cái quyền nhận xét, đánh giá giáo viên thì đây thực sự là cơ hội để những học sinh ngỗ nghịch, học hành chểnh mảng (thành phần này trong trường tôi và nhiều trường tư thục khác không phải là ít) có dịp lên án và “trả đũa” thầy cô mà nó không có nhiều cảm tình.
Mà khổ nỗi đa phần những thầy cô có năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp, nghiêm khắc, yêu cầu cao trong học tập… thì chúng lại không có cảm tình. Ngược lại, thầy cô nào dễ dãi, dạy dỗ sơ sài, thi cử qua loa, cho điểm rễ…thì được chúng “yêu quý” và “chấm điểm” cao. Đó là một nghịch lí cười ra nước mắt.
Từ khi HS – SV được đánh giá, nhận xét thầy cô thì hầu hết thầy cô trường tôi đều cảm thấy e dè, thiếu tự tin trước HS – SV nếu không nói là “sợ” (sợ vì học sinh, sinh viên đánh giá rất cảm tính, thiếu khách quan, thiếu công bằng và trung thực, còn nhà trường thì lại xem HS – SV là khách hàng, là thượng đế nên tin tất cả những điều HS – SV phản ánh).
Nhiều thầy cô trước đây nguyên tắc, nghiêm khắc với HS – SV thì giờ đây phải dịu xuống, phải nhẹ nhàng, không dám la mắng dù HS – SV ngỗ ngược, phải chấm điểm cao dù học sinh làm bài tệ, không dám cho học sinh thi lại dù đáng ra phải thi lại…Tất cả vì “sợ mất lòng HS – SV, sợ bị HS – SV chấm điểm thấp”.
Mấy tháng trước, một đồng nghiệp của tôi dạy môn Anh văn đã phải ấm ức, nuốt nước mắt vào trong khi đến thời điểm nâng bậc lương nhưng bị HS – SV “chấm điểm” thấp. Kết quả là nhà trường quyết định không nâng bậc lương vì lý do cô “chưa xứng đáng” (!?)(vì trường tư thục nên có những quy định riêng của trường). Trong khi thực tế cô là một GV có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Khổ nỗi “nhược điểm” của cô là quá nghiêm khắc, “dám” cho những “cô cậu chủ” thi lại.
Vậy làm thế nào để việc HS – SV đánh giá GV đạt được mục tiêu là nâng cao chất lượng dạy học? Bản thân là một GV tôi thiết nghĩ việc đánh giá, nhận xét GV của HS – SV phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu sau:
- Thứ nhất: Để nhận được phản hồi chính xác, khách quan và trung thực của HS – SV thì nhà trường phải xây dựng một hệ thống câu hỏi rõ ràng, khoa học, được chuẩn bị chu đáo…
- Thứ hai: Trước khi phát phiếu điều tra thì nhà trường phải gặp gỡ HS – SV (cán bộ lớp) để phổ biến kỹ lưỡng cách thức đánh giá, nhận xét.
- Thứ ba: Sau khi có phản hồi từ HS – SV thì nhà trường phải xử lý thông tin linh hoạt.
Hi vọng rằng những mặt trái của việc HS – SV đánh giá, nhận xét GV sẽ được khắc phục, để chủ trương đó thực sự đem lại hiệu quả chứ không gây nên hậu quả như trong bài viết này.
Theo Dân Trí