Khi sinh viên cúi mình trước thi hài hiến xác
Trước mỗi thi hài, từng sinh viên cúi mình kính cẩn. Đó là bài học lớn nhất về sự hy sinh diễn ra trong buổi lễ tri ân những người hiến xác cho y học.
Người thầy lặng thầm
Khu đại giảng đường trường ĐH Y Dược TP.HCM chiều 18/1 mang một vẻ trầm mặc khác thường. Hàng trăm sinh viên với áo blouse trắng đứng dọc các lối đi có trải hoa cúc vàng, cúc trắng cùng hàng ngàn cánh hạc trên đầu. Bên trong hội trường, không khí trang nghiêm với lễ Macchabée – lễ tri ân những người đã hiến thân thể cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu y khoa.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, xúc động: “Trong những năm qua, có nhiều người sẵn sàng hiến dâng thân thể của mình cho y học. Đây là bài học đầu tiên và cũng là bài học lớn nhất cho những sinh viên mới bước vào ngành y – bài học về sự hy sinh cho người khác. Họ là những thầy cô lặng thầm với những bài học không lời giảng”.
Thay mặt nhà trường và sinh viên, PGS-TS Trần Diệp Tuấn cam kết luôn bảo quản tốt nhất, sử dụng đúng mục đích những thi hài đã hiến cho y học.
Có mặt trong lễ Macchabée, chị Nguyễn Ngọc Phương Trang – con gái ông Nguyễn Ngọc Khai (tỉnh Tây Ninh) bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi nhớ rất rõ, cách đây 3 năm cha tôi mang về một tấm thẻ hiến xác. Lúc đó, chúng tôi rất bàng hoàng. Bởi, như nhiều người khác, chúng tôi nghĩ rằng khi chết đi, ai cũng cần mồ yên mả đẹp. Như hiểu những băn khoăn lo lắng của người thân, cha tôi đã nói: Sống mà chưa làm được việc có ích cho xã hội, khi chết nên hiến xác phục vụ y khoa. Lúc đó, tôi đã hiểu và thương ông hơn bao giờ hết”.
Chị Phương Trang cho hay, gia đình chị đã làm theo tâm nguyện của người cha sau khi ông mất đi. Và, mỗi lần đến trường viếng thăm cha, chị thấy rất ấm lòng.
“Chúng tôi muốn nhắn nhủ cùng các bạn sinh viên là hãy trân trọng sự hy sinh của những người thầy thầm lặng, hãy cố gắng học thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh đó” – chị Phương Trang chia sẻ.
Video đang HOT
Sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM tri ân trước những “người thầy thầm lặng”.
Cả nhà hiến xác
Bước vào phòng Thực tập giải phẫu trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều người không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp ban đầu trước hàng trăm thi hài đắp chăn trắng. Họ nằm đó, không hề cô quạnh. Có rất nhiều thân nhân đến thăm viếng. Đặc biệt, hàng trăm sinh viên y khoa xếp hàng thắp nhang và thành tâm cúi lạy trước mỗi “người thầy” của mình. Trên mỗi thi hài đều có đóa sen hồng tươi cùng vô số hoa cúc, hoa lài dịu dàng tỏa hương…
Bên cạnh đó, còn có một tấm thiệp với những dòng chữ chứa chan tình cảm. Đây là tấm thiệp trên thi hài ông Nguyễn Văn Phước: “Dù ông đã ra đi nhưng ông vẫn để lại cho đời niềm tin vào cuộc sống. Chúng cháu xin gửi lời tri ân sâu sắc đến ông. Xin chúc gia đình ông nhiều điều tốt đẹp”. Còn đây là những dòng tâm tình gửi đến bà Nguyễn Thị Kế (Cao Lãnh – Đồng Tháp): “Gấp hạc cũng như vun vén một tình yêu. Cháu nhẹ nhàng, nâng niu để cố gắng xếp được chú hạc đẹp nhất. Hy vọng bà thích. Chúc bà năm mới hạnh phúc”…
Đến viếng ông ngoại của mình, anh Lê Thanh Tùng (32 tuổi, quận 9, TP.HCM), thuật chuyện: “Thời điểm làm thủ tục hiến xác, ông ngoại anh không cho ai hay nên mọi người trong nhà đều thấy sốc và ra sức phản đối. Đến khi hiểu được việc làm cao cả của người quá cố, tất cả các thành viên còn lại (gồm bà ngoại, cậu ruột, người mẹ và anh Tùng) đều giục nhau đi làm thẻ hiến xác”.
Anh Mai Trung Trực, ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM, bộc bạch: “Cuộc đời của tôi đã gặp nhiều may mắn. Và tôi nghĩ, cái chết là bất ngờ, không ai biết trước. Cơ thể mình khi chết, nếu đem đi thiêu là trở về cát bụi, còn nếu thi hài ở lại giúp đời, giúp cho người khác là có ý nghĩa. Vì vậy, từ năm 2007 tôi đã tự nguyện đăng ký hiến thi hài sau khi mất, như là một cách tạ ơn cuộc đời”. Hỏi cảm giác khi “đóng vai” người chết nằm trong phòng Thực tập giải phẫu này, anh Trực tỏ ra phấn chấn: “Có mặt ở đây, tôi thấy các em sinh viên cúi đầu tri ân. Điều đó thật tuyệt vời”.
Là một trong những người chăm chút từng đóa hoa hay sửa từng tấm thiệp cho ngay ngắn trên mỗi thi hài, bạn Trần Thanh Hà, sinh viên năm nhất trường ĐH Y Dược TP.HCM, mong muốn thể hiện lời biết ơn tận sâu thẳm trái tim mình từ những việc làm nho nhỏ và cụ thể. Thanh Hà nói rằng, các bạn không bao giờ quên công lao của những người hiến xác, đã tạo điều kiện cho sinh viên học tập, để sau này, các bạn dùng những kiến thức đã học đó cứu giúp bệnh nhân.
Theo Thanh Niên
"Nhà khoa học trẻ tài năng thường tự tìm được đường đi cho riêng mình"
"Tôi không thể nói làm cách nào để đào tạo ra một nhà khoa học trẻ tài năng nhưng tôi nghĩ những nhà khoa học trẻ tài năng thường tự tìm được con đường đi cho riêng mình", Giáo sư Harald zur Hausen, người được giải Nobel Y học 2008, nói trong buổi trao đổi với sinh viên TP.HCM.
Hôm nay 28.11, người nhận được giải Nobel Y học 2008 nhờ nghiên cứu ra thủ phạm gây ung thư cổ tử cung, Giáo sư Harald zur Hausen, đã có buổi giao lưu với bác sĩ, giảng viên, sinh viên tại ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM về chủ đề "Phòng ngừa ung thư - Thách thức đối với sức khỏe toàn cầu".
Giáo sư Harald zur Hausen giao lưu chia sẻ với các bác sĩ, giảng viên, sinh viên ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi
Hơn 500 giảng viên, sinh viên đã ngồi chật kín giảng đường lớn của ĐH Y dược TP.HCM vào (buổi sáng) và hơn 1.000 sinh viên đến tham dự buổi diễn thuyết tại ĐH Quốc gia TP.HCM (buổi chiều) để có cơ hội trao đổi và chia sẻ chân tình từ một trong những nhà nghiên cứu y khoa lớn của thế kỷ này về nghề y và việc nghiên cứu khoa học.
Với câu hỏi của nhiều giảng viên và trăn trở của các sinh viên về cách thức làm thế nào để đào tạo và trở thành một nhà khoa học, chủ nhân của giải Nobel Y học 2008 chia sẻ: "Đối với những nhà khoa học trẻ tài năng, tôi nghĩ nếu như chỉ nghiên cứu nhóm để đăng bài trên tạp chí khoa học danh tiếng thôi thì đây không phải là con đường tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, sau một thời gian huấn luyện, các nhà khoa học trẻ nên tìm con đường đi, có ý tưởng riêng cho mình hướng tới những nghiên cứu độc lập, phát hiện mới, con đường đi mới".
Riêng về hoạt động y khoa, ông Hausen cho biết, ở Mỹ, người thầy thuốc có một nửa thời gian để nghiên cứu nên vừa có thể thấy các vấn đề thực tế trong lâm sàn (khám chữa bệnh), vừa có thể nghiên cứu vấn đề lâm sàn mà mình gặp phải. Đây là một cơ chế làm việc rất hay.
Chủ nhân giải Nobel Y học 2008 nhận nhiều tình cảm nồng thắm từ giảng viên... - Ảnh: Nguyên Mi
Trong khi đó, theo ông Hausen, ở một số nước, người thầy thuốc phải dành hết thời gian để làm lâm sàn. Vì vậy, hoặc là sẽ không có thời gian nghiên cứu, hoặc là việc nghiên cứu phải làm buổi tối, ngoài giờ.
"Tôi nghĩ cơ chế hoạt động của các viện cần tạo điều kiện hợp lý cho bác sĩ có thể làm việc lẫn nghiên cứu để phát triển chuyên môn", giáo sư đề xuất.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của bản thân, ông khuyên các bác sĩ trẻ nên dành 2-3 năm sau khi tốt nghiệp trường y để nghiên cứu, đặc biệt là đi nước ngoài, như Mỹ. Đây là quãng thời gian rất có ích cho sự nghiệp sau này.
Người đã phát hiện thủ phạm gây ung thư cổ tử cung, cho biết ông đã yêu thích nghiên cứu khoa học từ nhỏ và theo học ngành y. Do trong chương trình y khoa, giai đoạn bác sĩ nội trú là bắt buộc nên ông đã có thời gian làm lâm sàn. Sau khi hết giai đoạn này, ông đã chuyển qua nghiên cứu khoa học.
... và sự ngưỡng mộ từ sinh viên - Ảnh: Nguyên Mi
Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài và nhiều chông gai. Từ năm 1976, giáo sư Harald zur Hausen đã đưa ra giả thuyết HPV (human papilloma virus) đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết các đồng nghiệp, nhà khoa học đều nghi ngờ nghiên cứu này. Đến năm 1984, ông mới chính thức "chỉ mặt điểm tên" được HPV16 và HPV18 là tác nhân quan trọng gây ung thư cổ tử cung. Kết quả nghiên cứu đã mở đường cho việc tìm ra các loại vắc xin phù hợp để ngừa bệnh.
Hơn 20 năm sau đó, giáo sư Hausen tiếp tục theo đuổi ý tưởng về tác nhân nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư ở người. Điều này đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cũng như những triển vọng mới trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư.
Hiện nay, ông vẫn tiếp tục những nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, tác nhân nhiễm có thể gây ung thư (nhiều loại khác nhau) chứ không chỉ tập trung vào nghiên cứu một loại vi rút nào.
"Nói ngắn gọn là tôi không nghĩ là mình sẽ đạt giải Nobel khi làm nghiên cứu này. Tôi chỉ làm việc tôi say mê hết mình", giáo sư Hausen nói.
Theo thanh niên
Hạ chuẩn ĐH Y Dược: Phụ huynh vẫn bức xúc Sau khi nhận được công văn của Bộ GD-ĐT, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Y Dược TP.HCM đã chính thức họp bàn và quyết định điểm chuẩn ngành Bác sĩ Đa khoa hạ từ 26,5 xuống 25,5 điểm. Động thái hạ điểm chuẩn vẫn không xoa dịu bức xúc của phụ huynh. Ngày 21/8, nhiều phụ huynh có con thi vào ngành...