Khi người trẻ ảo tưởng “sức mạnh”
Mỗi năm vào tháng 6 khi các cô cậu tú háo hức thi đại học cũng là lúc các sinh viên tốt nghiệp bắt đầu ngược xuôi kiếm việc. Với khoảng 70.000 cử nhân ra trường một năm, trong đó không biết bao nhiêu nghìn ước vọng ấp ủ cho công việc tương lai. Tuy nhiên, trong số những người trẻ hừng hực nội lực, có không ít người đã quá ảo tưởng về khả năng, tài năng lẫn “sức mạnh” của mình để rồi… trắng tay trước con đường tương lai hoặc cứ mãi nuôi ảo vọng hư vô.
Nguồn ảnh: tiền phong
Không biết mình muốn gì
Tình cờ phát hiện khả năng âm nhạc của bản thân qua một lần tham gia lớp học nhạc tư nhân, cộng với sự thuyết phục của thầy giáo dạy nhạc đã khiến phụ huynh đưa Long ra tận nhạc viện Hà Nội thi tuyển lớp sơ cấp. Kết quả là cậu trúng tuyển lớp kèn, đây cũng chính là động lực lớn khiến bố mẹ cậu bán nhà ở tỉnh để ra Hà Nội, mua nhà ở khu Thành Công cho cậu tiện đi học. Thế nhưng, chỉ đến cấp ba, Long lại chán nhạc và muốn xin cha mẹ đi du học về mỹ thuật tại Pháp, bởi theo cậu, ở đó mới là “cái nôi của nghệ thuật”. Vậy là học xong cấp ba, cậu bắt cha mẹ chạy vạy kiếm được cái bằng học mỹ thuật ở Việt Nam coi như qua vòng sơ khởi, thế nhưng sang đó, cậu vẫn mất 1 năm học tiếng. Mọi chi phí sinh hoạt, học phí cho thời gian này cũng ngốn của cha mẹ cậu tiền tỷ.
Sau đó, Long báo về cho gia đình là cậu đang theo đuổi ngành kiến trúc, một chuyên ngành khá đắt đỏ về học phí tại Pháp. Tuy nhiên, chỉ xong năm thứ hai, cha mẹ cậu đã cạn tiền, không thể chu cấp nổi cho con, nhưng Long một mực không chịu về và nhắn gia đình là mình quyết tâm ở lại Pháp để học… Bố mẹ cậu cũng hết cách, vậy là bẵng đi vài năm, tưởng cậu có thể tự lập được ở nước ngoài đã mừng vì cậu vãn đều đặn thông tin học tốt và kiếm tiền làm thêm cũng ổn. Nhưng đùng một cái, cậu khẩn cấp cậy nhờ cha mẹ gửi cho 20.000 euro sang để trang trải mọi khoản nợ nần sinh hoạt và cậu cũng thú nhận mình cũng không theo được ngành kiến trúc, hiện chỉ lang thang ở Pháp làm thuê, rửa bát, làm việc chân tay để tồn tại. Trong khi đó, lũ bạn cùng tuổi cậu nay đã có việc làm ổn định, gia đình đề huề, còn Long vẫn vất vưởng, trở thành người Việt xa xứ, không nghề nghiệp nơi Paris phồn hoa, nhưng cậu vâcn tin mình có tài năng mà chưa được “toả sáng”.
Cha mẹ nuôi “ảo mộng”
Trường hợp của Long là do cha mẹ quá chiều con và đáp ứng mọi yêu cầu của con mù quáng. Còn với Minh Anh, cô lại được cha mẹ nhồi vào đầu từ bé là con rất giỏi, sẽ lấy được học bổng để đi Mỹ. Mẹ cô cũng đã mua đủ bộ sách “Con phải đến Harvard học kinh tế” để gối đầu giường. Nhưng khả năng lẫn sức khoẻ đều không cho phép những ước vọng của cha mẹ cô thành hiện thực. Minh Anh thấy mình quá áp lực nhưng lại quá yếu ớt để phản kháng những ép buộc của cha mẹ. Vậy là khi thi chuyển cấp để vào trường Marie Curie lẫn trường Ams lớp 6, cô bé đều trượt “thẳng cẳng”. Nhưng mẹ của cô “không chấp nhận sự thật” đã chạy vạy, nhờ vả khắp nơi để cô bé vào được hệ B trường Am. Vậy mà chưa hết, càng những ngày cuối cấp ba, Minh Anh càng sợ hãi khi lo lắng không đạt được mục tiêu bố mẹ đề ra. Đúng hôm thi tốt nghiệp, cô ngất trong phòng thi và bị trầm cảm nặng, đóng cửa trong phòng một mình, không tiếp xúc với ai. Thậm chí, cô bé còn phải điều trị tâm thần tại bệnh viện trong khi lũ bạn đã đi học đại học.
Thế nhưng, bố mẹ cô vẫn bằng mọi giá chạy chọt đưa cô đi nước ngoài “du học” để nở mày nở mặt với họ hàng, người thân. Minh Anh cũng vẫn yếu đuối để tuân thủ lời bố mẹ. Nhưng tiền tỷ cũng đã bỏ ra mà kết cục chỉ chưa đầy một năm, Minh Anh lại phải về nước vì chứng đau đầu dữ dội. Mẹ cô đành nghĩ ra công việc cho con đi làm và theo lời khuyên của bác sĩ, cho cô tiếp xúc với mọi người càng nhiều càng tốt. Nhưng đáng buồn hơn, những quán cà phê có tiếng cũng từ chối bởi test thử thấy cô bé quá chậm chạp, không có khả năng thích ứng với các tình huống lẫn hoàn cảnh để phù hợp với công việc… chạy bàn trong quán. Vậy nên Minh Anh lại ở nhà để nuôi tiếp ước mơ học vấn của bố mẹ, trong khi cô đã 22 tuổi.
Phải lấy học bổng toàn phần
Học hành xuất sắc từ bé, Tiến dễ dàng đạt điểm cao khi thi đỗ ĐH Kinh Tế Quốc Dân. Gia đình cậu cũng rất khá giả, mua ngay một căn nhà ở Hà Nội để cậu sinh hoạt thoải mái. Thậm chí, cha mẹ còn sẵn sàng cho cậu đi du học thạc sĩ nước ngoài khi tốt nghiệp, nhưng Tiến phẩy tay tuyên bố: phải tự đạt được học bổng toàn phần mới đi du học, không dựa dẫm bố mẹ. Ý chí tự lập của cậu khá tốt, nhưng luôn phải tính đến khả năng của bản thân bởi Tiến luôn mơ vào trường có tiếng tại Mỹ chứ không muốn đỗ các trường hạng trung theo cậu đánh giá. Vì thế nên ra trường đã vài năm, Tiến vẫn “láng cháng” xin việc vớ vẩn, làm việc cũng chẳng toàn tâm vì còn bận săn học bổng toàn phần, đến bạn gái cậu cũng chẳng thiết để còn tập trung cho mục tiêu của mình. Nhưng vận may vẫn chưa đến chứ không phải vì cậu không có “tài năng”. Cha mẹ thì sốt ruột với tâm nguyện của con, còn cậu vẫn chìm đắm với giấc mộng tưởng “học bổng toàn phần”.
Mọi mộng tưởng đều không xấu, nó nâng cuộc sống của người trẻ lên khiến họ hành động có mục đích, tuy nhiên “biết mình, biết ta” mới “trăm trận trăm thắng”, còn sự ảo tưởng vượt quá khả năng dễ khiến người trong cuộc rơi vào bi kịch. Sự kiên nhẫn đạt mục đích luôn cần thiết trong cuộc sống nhưng khi có những thất bại thì rất cần sự linh hoạt, biết ứng phó để phù hợp hoàn cảnh bởi tuổi xuân cũng sẽ qua nhanh, khi người trẻ quá ảo tưởng về sức mạnh bản thân dễ khiến họ trở nên yếu đuối, nhu nhược và mất luôn cả niềm tin cuộc sống.
Theo Songmoi.vn