Khi nào tuyên án vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG?
Thẩm phán chủ tọa Trương Việt Toàn cho biết, dự kiến, 9h00 ngày 28/12, HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG.
Dự kiến, 9h00 ngày 28/12, HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ MobiFone mua AVG.
Sáng 24/12, tiếp tục diễn ra phiên xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, sau khi kết thúc phần nói lời sau cùng của các bị cáo, thẩm phán chủ tọa Trương Việt Toàn cho biết, dự kiến, 9h00 ngày 28/12, HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Mobifone mua AVG.
Trước đó, tại phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, với sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của mình, bản thân đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, nhận thức rõ sai phạm, nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Bị cáo Son nói lời xin lỗi Tổng Bí thư, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân và ngành TT&TT vì sai phạm của mình đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, làm ảnh hưởng đến truyền thống của ngành TT&TT và của MobiFone.
Tiếp sau bị cáo Son, bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng TT&TT cho rằng, với 41 năm công tác, chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có cái kết cay đắng như ngày hôm nay. Theo bị cáo Tuấn, những sai phạm đã được làm rõ và bản thân nhận thức được trách nhiệm của mình. Đối diện với bản án này, bị cáo Tuấn nhận thấy Viện Kiểm sát đã có sự khoan hồng, phân hóa trách nhiệm đối với từng bị cáo và riêng cá nhân bị cáo.
Đối với 12 bị cáo còn trong vụ án, nói lời sau cùng tại toà, các bị cáo đều cho biết nhận thức rõ sai phạm và mong HĐXX có thể xem xét, đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra vụ án; xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo để có thể giảm nhẹ hình phạt và đưa ra bản án công tâm để các bị cáo sớm được quay về với gia đình cũng như tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Trước đó, sáng ngày 20/12, Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình về tội Nhận hối lộ.
Video đang HOT
Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng bị đề nghị nhận mức án từ 6 – 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 8 – 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 14 – 16 năm tù.
Bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone bị đề nghị 7-8 năm tù về Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 16 – 17 năm tù về tội Nhận hối lộ. Buộc phải chấp hành chung từ 23 – 25 năm tù.
Bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone bị đề nghị 4 -5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 10 – 11 năm tù về tội Nhận hối lộ. Buộc bị cáo chấp hành từ 14 – 16 năm tù.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG bị đề nghị 3 – 4 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) bị đề nghị 5-6 năm tù; Phạm Thị Phương Anh 2 năm 6 tháng – 3 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Bảo Long 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Đăng Nguyên 2 năm-2 năm 6 tháng tù; Phan Thị Hoa Mai 3 năm-3 năm 6 tháng tù; Hồ Tuấn 2 năm 6 tháng – 3 năm tù; Võ Văn Mạnh 4-5 năm tù; Hoàng Duy Quang 3-4 năm tù cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Phùng Đô
Theo baogiaothong.vn
Gia đình ông Son từng không muốn nộp tiền nhận hối lộ
Đây là quan điểm của đại diện viện kiểm sát trong quá trình đối đáp với các luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Cụ thể, quá trình điều tra, ông Son nhiều lần đề nghị gia đình nộp lại tiền ông nhận hối lộ nhưng không được đồng ý.
Thừa nhận giữ vai trò chính
Ngày 23/12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội tiến hành đối đáp với các luật sư khi tranh luận trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone. Theo kiểm sát viên, năm 2015, 14 bị cáo trong vụ án đã quyết định để Mobifone mua 95% cổ phần của Cty CP nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại 6.590 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hối lộ Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng) 200 nghìn USD...
Tại tòa, bị cáo Son khẳng định đã nhận hối lộ nên yêu cầu các luật sư không bào chữa về tội danh này. Về tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công", các luật sư nêu quan điểm: Ông Son không giữ vai trò cầm đầu trong vụ án; điều tra có vi phạm tố tụng khi giữ lại bức thư bị cáo gửi vợ; bị cáo này không đáng nhận án tử hình... Tiến hành đối đáp, đại diện VKSND cho rằng, hậu quả vụ án trên 1.000 tỷ đồng nên việc truy tố các bị cáo về tội "Vi phạm quy định..." theo Khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự là đúng, các ý kiến cho rằng, chỉ cần truy tố theo Khoản 1, Điều 220 (khung hình phạt nhẹ hơn) không có cơ sở.
VKSND cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhiều lần đề nghị gia đình nộp lại tiền ông nhận hối lộ nhưng không được đồng ýẢnh Như Ý
Cũng theo kiểm sát viên, các luật sư cho rằng, bị cáo Nguyễn Bắc Son không có vai trò chủ mưu cầm đầu trong vụ án. Tuy nhiên, cơ quan truy tố chỉ xác định ông Son giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt vụ án, không hề nói cầm đầu, dù là viết trong cáo trạng hay khi luận tội. "Hôm nay, Viện kiểm sát nhận đơn của bị cáo Son. Bị cáo Son khẳng định bản thân đã cầm đầu vụ án, xin nhận trách nhiệm chính vì để xảy ra hậu quả. Vì vậy, viện kiểm sát không tranh luận với các luật sư nội dung này"- kiểm sát viên nói và cho hay, đã đề nghị mức hình phạt tương xứng.
Trước nghi vấn về dấu hiệu "mớm cung" trong quá trình điều tra tội nhận hối lộ của bị cáo Son, đại diện VKSND khẳng định lời khai đưa tiền cho các bị cáo của Phạm Nhật Vũ là đúng. "Tại cơ quan điều tra, ông Vũ khai thời gian đưa hối lộ đã lâu nên chủ động đề nghị cho xem tài liệu điều tra để xác minh. Hơn nữa, nhiều bản cung có kiểm sát viên và có cả luật sư của Vũ cùng chứng kiến", kiểm sát viên nói.
Thư gửi vợ là chứng cứ
Người giữ quyền công tố tiếp tục: "Có luật sư cho rằng, cơ quan truy tố không đưa bức thư bị cáo Son gửi vợ về gia đình là vi phạm. Chúng tôi khẳng định thư bị cáo Son gửi vợ là bà Lưu Thị Lý không phải thư tình, là tài liệu chứng cứ nên phải đưa vào hồ sơ". Bức thư này được viết ngay sau khi bị cáo Nguyễn Bắc Son có bản tự khai thể hiện nhận hối lộ 3 triệu USD. Thư có nội dung: "Sau khi mua bán, Phạm Nhật Vũ mang cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh gửi Huyền (Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái ông Son - PV) mang vào TPHCM giữ hộ anh. Anh không nói gì với em và Huyền về nguồn gốc số tiền này. Em nói Huyền thu xếp trả lại cho nhà nước".
Vẫn theo kiểm sát viên, bà Huyền sau đó bị triệu tập, đối chất với bố trước sự chứng kiến của kiểm sát viên. Khi đó, bà Huyền có ý kiến: "Mẹ tôi ốm nên cơ quan điều tra gửi thư cho tôi đọc, truyền đạt cho mẹ tôi". Tuy vậy, gia đình ông Son sau đó không khắc phục hậu quả ngay. "Luật sư nói cơ quan truy tố bưng bít thông tin là không đúng hoặc không đọc kỹ thông tin, làm bất lợi cho thân chủ của mình đang bào chữa và gây hiểu lầm cho dư luận...", kiểm sát viên nói.
Đáng chú ý, kiểm sát viên khẳng định vợ ông Son cũng không muốn trả thay cho chồng số tiền ông Son nhận hối lộ. Cụ thể: "Trong các lần làm việc có sự chứng kiến của kiểm sát viên và một số buổi có mặt luật sư, bị cáo Son vẫn giữ ý định trả lại tiền đồng thời mong gặp vợ và con trai để vận động. Cơ quan điều tra đã cho bị cáo gặp vợ con tại trại T16 trước sự chứng kiến của đại diện trại tạm giam T16, kiểm sát viên... và tại đây, bị cáo Son vẫn muốn gia đình trả 3 triệu USD".
Dù vậy, bà Lý, vợ ông Son nói rằng, chỉ có 1 sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng, là tiền không liên quan tới chồng nên gia đình không có trách nhiệm; tiền tiết kiệm sẽ dùng để thuê luật sư cho ông Son. Kiểm sát viên cho biết thêm, bị cáo Son từng đề nghị kê biên nhà đất đứng tên mình ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cơ quan điều tra cho rằng, tài sản này là đất hương hỏa nên không kê biên.
Tại tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, con rể bị cáo Nguyễn Bắc Son vừa gửi tòa chứng từ thể hiện gia đình và bạn bè ông Son đã nộp hơn 21 tỷ đồng nhằm giúp bị cáo này hoàn trả Nhà nước một phần trong số 3 triệu USD (tương đương 67 tỷ đồng) nhận hối lộ. "Tòa thông báo như vậy để bị cáo yên tâm", thẩm phán nói. Tại những ngày làm việc trước của phiên tòa, khi ông Son bị đề nghị mức án tử hình, gia đình ông đã đồng ý nộp tiền khắc phục hậu quả.
XUÂN ÂN
Theo tienphong.vn
Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son nộp 21 tỷ đồng khắc phục hậu quả Chủ tọa phiên tòa cho biết, đến thời điểm hiện tại, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son nộp tổng cộng số tiền 21 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Tại phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG, cuối buổi tranh luận chiều nay 23/12, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, đến thời điểm hiện tại, gia...