Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?
Với hơn 1 triệu ca nhiễm nCoV trên toàn cầu và ngày càng nhiều quốc gia tuyên bố phong tỏa để kiềm chế đại dịch, câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là: Khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc?.
Câu trả lời lại phụ thuộc phần lớn vào những điều người ta chưa biết chắc về chủng virus mới gây nên dịch bệnh này, bao gồm chuyện người đã khỏi có thể bị mắc lại hay không; các nhà khoa học trên thế giới mất bao lâu để sản xuất ra vaccine… Chi phí và lợi ích của những đợt phong tỏa kéo dài và những điều mà các quốc gia khác nhau phải cáng đáng, từ góc độ kinh tế lẫn chính trị, cũng đều là các yếu tố ảnh hưởng đến câu trả lời.
1. Covid-19 sẽ chấm dứt như thế nào?
Ý kiến nhận được sự đồng thuận lớn là đại dịch sẽ chỉ kết thúc khi cái gọi là “miễn dịch cộng đồng” hình thành, xảy ra khi đủ số người trong một cộng đồng được bảo vệ khỏi mầm bệnh khiến nó không thể phát triển được nữa và dần biến mất. Có hai con đường dẫn đến kết quả đó. Một là tiêm chủng, tức là các nhà nghiên cứu sẽ phải phát triển một loại vaccine an toàn và hiệu quả chống lại virus. Con đường thứ hai để miễn dịch cộng đồng sẽ khắc nghiệt hơn: chỉ khi một phần lớn cộng đồng bị nhiễm bệnh và cơ thể họ tự sản sinh kháng thể chống lại virus theo cơ chế tự nhiên.
2. Chúng ta phải xoay xở thế nào cho đến lúc đó?
Chiến lược của nhiều quốc gia hiện nay là phong tỏa để làm chậm lại sự lây lan của virus, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và trường học, cấm tụ tập và khuyến cáo người dân ở nhà. Mục đích là không để tình cảnh một lượng lớn bệnh nhân làm “ngập” hệ thống y tế, gây ra những cái chết không đáng có. Việc “làm phẳng đường cong” trong đồ thị lây nhiễm (tức là các biện pháp cách ly cộng đồng nhằm giữ số lượng ca bệnh hàng ngày ở mức có thể kiểm soát được) nhằm kéo dài thời gian để các cơ quan chức năng và nhân viên y tế có thêm thời gian huy động và xây dựng nguồn lực về cả con người và cơ sở vật chất để kiểm tra, theo dõi các ca bệnh và điều trị.
3. Khi nào các lệnh cấm được nới lỏng?
Cuộc sống sẽ không thể nhanh chóng trở lại bình thường bởi vì dỡ bỏ lệnh hạn chế quá sớm có nguy cơ gây tái bùng phát. Các nhà chức trách ở Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại thành phố Vũ Hán (nơi đại dịch bắt đầu) hai tháng sau khi phong tỏa, khi mà sự lây nhiễm gần như đã dừng lại. Người ta nhận định rằng các biện pháp của Trung Quốc nghiêm ngặt hơn bất cứ nơi nào khác. Phó giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng của Anh, Jenny Harries, cho biết các biện pháp phong tỏa cần kéo dài hai, ba hoặc lý tưởng nhất là sáu tháng. Còn giáo sư Annelies Wilder-Smith, chuyên nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y học Vệ sinh và Nhiệt đới London, khuyến nghị nên giữ các lệnh hạn chế cho đến khi số người mắc mới mỗi ngày giảm liên tục trong vòng ít nhất là hai tuần.
4. Rồi sau đó?
Bản lộ trình, do một nhóm chuyên gia y tế Mỹ đưa ra, nhấn mạnh một giai đoạn trung gian trong đó các trường học và cơ sở kinh doanh sẽ được mở cửa lại nhưng phải hạn chế số lượng người có mặt. Mọi người sẽ phải tiếp tục giữ khoảng cách với nhau, còn những người có nguy cơ cao thì nên hạn chế ra ngoài. Nếu số ca mắc bắt đầu tăng trở lại, các lệnh cấm sẽ lại được thắt chặt. Báo cáo này được cho là lạc quan hơn nhiều so với những gì các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London hình dung, rằng ít nhất hai phần ba thời gian trước khi miễn dịch cộng đồng hình thành, tất cả hộ gia đình cần phải giảm 75% tiếp xúc với trường học, nơi làm việc hoặc nơi công cộng. Trong mọi trường hợp thì việc xét nghiệm trên diện rộng là rất quan trọng trong giai đoạn này.
5. Tại sao xét nghiệm lại quan trọng như vậy?
Loại virus này tàn phá quá khủng khiếp, không phải vì nó có thể gây chết người mà bởi vì nó rất “xảo quyệt”: nhiều người bị nhiễm nhưng cơ thể không hề phát ra dấu hiệu gì, họ cảm thấy bình thường nên vẫn tiếp tục công việc hàng ngày, vô tình lây lan cho những người khác. Điều đó khiến việc rà soát trên diện rộng trở nên cực kỳ quan trọng. Bằng cách đó có thể cách ly ngay lập tức những người dương tính với virus và tất cả những người mà họ đã tiếp xúc gần trong thời gian bị nhiễm, nhằm hạn chế lan rộng trong cộng đồng. Ngoài ra còn có một loại xét nghiệm nữa để tìm kiếm kháng thể nào đã tiêu diệt con virus ở những ca đã khỏi bệnh. Một khi đã tìm ra, họ sẽ nhân rộng kháng thể này ra cộng đồng.
6. Tại sao câu ‘mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’ đúng trong tình thế hiện nay?
Các quốc gia như Trung Quốc có quyền áp đặt kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động di chuyển của người dân, kiểm tra nhiệt độ người ở từng nhà, theo dõi và áp đặt cách ly; các doanh nghiệp và người dân cũng không có quyền gây áp lực lên lệnh của chính phủ. Đó là những công cụ mạnh mẽ giúp Trung Quốc kiểm soát virus, và không thể không kể đến việc cảnh giác với các ca bệnh từ nước ngoài nhập cảnh vào. Tuy nhiên, đó là một phương án khó khăn cho các nước đề cao quyền tự do. Và cả các nước nghèo nhất cũng sẽ chịu tổn thất kinh tế khi lệnh hạn chế kéo dài, như Trung Quốc đã làm, hơn nữa cơ sở hạ tầng về y tế cũng không có để giám sát sâu rộng như vậy.
7. Khi nào thì vaccine mới ra đời?
Video đang HOT
Hàng chục công ty và trường đại học khắp nơi trên thế giới đang lao vào nghiên cứu vaccine, nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ thành công sớm. Việc phát triển vaccine thường là một quá trình dài và phức tạp, phải trải qua nhiều năm thử nghiệm để đảm bảo mỗi mũi tiêm phải an toàn và hiệu quả. Trong cuộc chiến chống lại virus corona, một số đơn vị nhắm đến việc cung cấp vaccine trong 12 đến 18 tháng nữa, đó là một mục tiêu hết sức tham vọng. Ngoài việc sử dụng các phương pháp thử nghiệm rồi chứng minh, các nhà khoa học còn dựa vào các công nghệ mới, chẳng hạn như bổ sung chất liệu di truyền virus vào tế bào con người, để chúng tạo ra protein thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Một số chuyên gia vaccine khuyên rằng chính phủ và người dân không nên quá lạc quan. Bởi vì vẫn chưa rõ liệu các phương pháp này có hiệu quả hay không, thời gian điều chế có đủ nhanh hay liệu các công ty có thể sản xuất đủ cho tất cả mọi người hay không.
8. Vậy còn phương án miễn dịch cộng đồng thì sao?
Thứ nhất, miễn dịch cộng đồng chỉ xảy ra khi phục hồi sau nhiễm, khiến người bệnh có khả năng miễn dịch lâu dài. Và vẫn chưa biết liệu virus corona chủng mới này có giống như vậy hay không. Phải cần bao nhiêu người trong cộng đồng tiếp xúc với virus để thiết lập chế độ miễn dịch cộng đồng cũng chưa rõ. Nhìn chung, con số này phải rất lớn, ví dụ như đối với bệnh bạch hầu là 75% dân số và đối với bệnh sởi là 91% dân số. Ông Patrick Valance, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh, ước tính con số này là 60% đối với Covid-19. Việc mất bao lâu để đạt tới ngưỡng cần thiết sẽ phụ thuộc vào các biện pháp mà chính phủ áp dụng để đối phó với đại dịch. Nếu không có những quy định hạn chế chặt chẽ, chúng ta sẽ phải trả giá đắt khi hệ thống y tế bị quá tải. Một số nghiên cứu giả định rằng số ca lây nhiễm thực tế cao hơn nhiều so với công bố. Nếu đó là sự thật, các quốc gia cũng đang tiến gần hơn tới miễn dịch cộng đồng.
9. Liệu sau khi rời đi nó còn trở lại?
Chúng ta có thể gặp may khi cái nóng mùa hè xuất hiện khiến virus tự nhiên biến mất, giống như đợt bùng phát của dịch cúm dịu xuống khi đổi mùa. Nhưng vẫn chưa biết liệu thời tiết nóng có đóng một vai trò nào hay không. Ngay cả khi dịch bệnh giảm đi, nó vẫn có thể trở lại vào mùa thu. Mọi người đang đặt hy vọng vào một liệu pháp chữa trị dứt điểm hoặc một loại thuốc đặc trị nào đó.
Thủy Tiên
Thành phố Mỹ có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao gấp đôi New York
Nghiên cứu từ dữ liệu bệnh nhân cho thấy, thành phố này có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 cao nhất nước Mỹ, thậm chí là gấp đôi thành phố New York.
Cùng với New York và Seattle, thành phố New Orleans đang nổi lên là một trong những tâm dịch Covid-19 lớn nhất nước Mỹ. Đáng lưu ý, tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì virus tại New Orleans cao nhất tại Mỹ, thậm chí là gấp đôi New York và gấp 4 lần Seattle.
Tính đến ngày 3.4, thành phố New Orleans, bang Louisiana đã ghi nhận hơn 5.900 ca nhiễm Covid-19 với 153 người tử vong. Giới chức New Orleans cho biết, thành phố này sẽ hết máy thở và giường cho bệnh nhân vào cuối tuần tới.
"Có nhiều nguyên nhân khiến người dân của chúng tôi đặc biệt dễ bị tổn thương vì Covid-19", thống đốc bang Louisiana - ông John Bel Edwards, cho hay.
Một bức bích họa kêu gọi mọi người đeo khẩu trang ở New Orleans (ảnh: Daily Mail)
Theo thông tin từ giới chức y tế, người dân thành phố New Orleans có tỷ lệ mắc béo phì, tiểu đường và huyết áp cao vượt mức trung bình cả nước. Bệnh nền là một trong những nguyên nhân khiến người nhiễm Covid-19 dễ gặp các biến chứng nặng do virus gây ra.
Khoảng 97% bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại New Orleans mắc bệnh nền, theo cơ quan y tế bang Louisiana.
"Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở New Orleans chẳng khác nào những con dê tế thần. Đa số dân New Orleans bị béo phì và có bệnh nền", Engy Ziedan, chuyên gia y tế tại Đại học Tulane (Louisiana), cho biết.
Tình trạng nhiều bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại New Orleans đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều khu vực khác tại miền Tây và Nam nước Mỹ do người dân ở những nơi này có thói quen ăn uống không tốt, nhiều người mắc béo phì, tiểu đường và huyết áp cao.
Ngoài việc có nhiều người mắc bệnh nền, hệ thống chăm sóc y tế tại New Orleans cũng được đánh giá là kém hiệu quả so với nhiều thành phố khác của Mỹ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất nước.
Bệnh viện dã chiến tại New Orleans (ảnh: Daily Mail)
"Tất cả chúng ta đều đã xem những đoạn phim về tình cảnh đang xảy ra ở Italia. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng mình đang làm những điều đúng đắn nhất để giữ cho New Orleans không đi theo con đường tương tự. Khi đại dịch này kết thúc, mọi gia đình ở New Orleans đều sẽ được kiểm tra y tế đầy đủ", ông Alex Billioux, Giám đốc cơ quan y tế bang Louisiana, cho biết.
"Tại New Orleans, nhiều bệnh viện đã báo cáo về những trường hợp nhiễm Covid-19 ở nhiều thế hệ trong cùng một gia đình. Nhiều trường hợp có biểu hiện nặng phải đặt nội khí quản và phải đưa vào chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ người dân mắc béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này", bà Tracey Moffatt - Giám đốc điều hành của Ochsner Health (hệ thống bệnh viện lớn nhất Louisiana), cho biết.
Nhiều người dân tại New Orleans mắc béo phì do thói quen ăn uống thiếu kiểm soát (ảnh: Daily Mail)
"Những người sống chung một gia đình thường gặp những vấn đề về sức khỏe giống nhau. Chúng tôi đã gặp trường hợp cả 2 mẹ con đều mắc béo phì và phải điều trị đặc biệt. Cả 2 người đều phải đặt nội khí quản nhưng người mẹ nhiều khả năng sẽ tử vong", bà Tracey Moffatt nói thêm.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), 78% bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang phải chăm sóc đặc biệt tại nước này mắc bệnh nền, bao gồm tiểu đường, bệnh tim mạch và phổi.
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, New Orleans là một trong những thành phố có tỷ lệ người dân mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và béo phì cao nhất cả nước. Ước tính, có khoảng 39% người dân tại thành phố này bị huyết áp cao, 36% bị béo phì và 15% bị tiểu đường.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
Mối liên hệ giữa loại vaccine từ 100 năm trước và tỷ lệ tử vong vì Covid-19? Các quốc gia có chính sách bắt buộc tiêm phòng bệnh lao ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 thấp hơn các nước khác, một nghiên cứu mới cho biết. Nghiên cứu sơ bộ được đăng tải trên tạp chí y khoa medRxiv, cho thấy mối liên hệ giữa các quốc gia bắt buộc công dân tiêm vaccine Calmette-Guerin (BCG), theo Fortune....