Khi nào 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức mở cửa lại?
Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện các quận, huyện và TP Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch mở bán thí điểm tại các chợ, mở điểm trung chuyển, tập kết tại chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua – Ảnh: N.TRÍ
Tại buổi khảo sát công tác phòng chống dịch và nghiên cứu phương án mở điểm tập kết, trung chuyển tại các chợ đầu mối trên địa bàn diễn ra ngày 24-7, bà Thắng cho biết hiện chợ đầu mối Thủ Đức đã thực hiện điểm trung chuyển; TP đã có văn bản chỉ đạo huyện Hóc Môn xem xét sớm thực hiện điểm tập kết, trung chuyển tại chợ đầu mối Hóc Môn; chợ Bình Điền đã xây dựng kế hoạch này.
Tuy vậy, hiện nay dịch COVID-19 địa bàn quận 8 còn phức tạp nên địa phương này xin lùi thời gian thực hiện điểm trung chuyển tại chợ Bình Điền.
“Quan điểm của TP là chống dịch bệnh là trên hết, hàng hóa không có chỗ này thì tìm chỗ khác. Tuy nhiên, các kế hoạch, công tác cho mở cửa chợ, mở điểm tập kết, trung chuyển vẫn sẵn sàng, dịch ổn sẽ áp dụng ngay”, bà Thắng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết qua khảo sát, 3 chợ đầu mối đều có địa điểm để đáp ứng nhu cầu mở điểm tập kết, vì vậy TP.HCM cần xem xét sớm mở điểm tập kết trong điều kiện an toàn dịch bệnh nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống siêu thị, cửa hàng.
Đoàn khảo sát trao đổi, làm việc với đại diện chợ đầu mối Bình Điền – Ảnh: N.TRÍ
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết việc mở lại các chợ, điểm trung chuyển, tập kết tại 3 chợ đầu mối không chỉ có ý nghĩa tăng nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM, mà còn hỗ trợ giải quyết nguồn nông sản đang ùn ứ tại nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết cái khó hiện nay là mở ra điểm tập kết nhưng lượng hàng về chợ hiện khiêm tốn, với chỉ 5-6 tấn/đêm.
Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết hiện đã xét nghiệm COVID-19 cho hàng trăm thương nhân, đã đáp ứng các tiêu chí nên chợ cần biết mốc thời gian cụ thể triển khai điểm tập kết để chủ động làm việc với thương nhân.
Ban quản lý các chợ đầu mối cũng kiến nghị được tổ chức xét nghiệm nhanh tại chỗ cho các tài xế và phụ xe để chủ động trong công tác vận chuyển, phân phối hàng hóa. Đại diện UBND TP.HCM cho biết sẽ giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp để triển khai cùng với các chợ.
Video đang HOT
Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động lại, đến nay chợ Bình Thới lại tạm ngưng do có ca nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Dựng tấm ngăn mua bán để đảm bảo an toàn tại chợ Bình Thới trước khi chợ tạm ngưng – Ảnh: N.TRÍ
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 16h30 ngày 24-7, TP có 32 chợ đang hoạt động và 205 chợ tạm ngưng trong tổng số 237 chợ (tính cả 3 chợ đầu mối).
Như vậy, so với ngày trước đó, TP có thêm chợ Bình Thới (Q.11) phải tạm ngưng hoạt động do chợ có ca nhiễm COVID-19; và một chợ được hoạt động lại là chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) với quy mô 5 tiểu thương (3 tiểu thương bán rau, củ, quả; 2 tiểu thương bán hải sản tươi sống).
Siêu thị thiếu hàng, nghẽn online chỉ là tạm thời
Các cơ quan chức năng, siêu thị khẳng định: Lương thực, thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng TP.HCM không thiếu, vì vậy người dân không cần phải tích trữ.
UBND TP Thủ Đức đã có văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Thủ Đức kể từ 8 giờ ngày 7-7. Trước đó, chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn cũng đã tạm ngưng hoạt động.
Như vậy, đến nay 125 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối (chưa kể các chợ tạm) trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa nên người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua sắm hàng hóa. Tuy vậy, các cơ quan chức năng khẳng định lượng hàng không thiếu, người dân không cần phải tích trữ.
Các siêu thị khẳng định thiếu hàng chỉ là cục bộ và nguồn cung siêu thị sẽ dồi dào. Ảnh: TU - TH
Siêu thị quá tải
Khoảng 8 giờ 30 ngày 7-7, tại các cửa hàng của Vissan, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, Co.opmart..., nhiều khách hàng đứng xếp hàng chờ đến lượt vào bên trong mua sắm. Tại Big C Miền Đông (quận 10) cũng có hàng trăm người chờ mua hàng. Lượng khách mỗi lúc một đông nên lực lượng chức năng địa phương đã có mặt yêu cầu tránh tụ tập đông người. Song song đó, phía siêu thị cũng yêu cầu khách xếp thành hai hàng đứng dài từ ngoài cổng.
Bà Hồng vừa xách hàng hóa ra và cho biết bên trong siêu thị rất đông người đứng chờ mua hàng lẫn tính tiền. Các quầy thịt gà, trứng gà hết sạch, riêng quầy thịt heo rất đông người chờ mua. "Tôi đến siêu thị mua sữa cho cháu. Cũng nhờ mua ít nên tính tiền ké với một khách khác, nếu đứng chờ phải vài ba tiếng mới đến lượt mình" - bà Hồng nói.
Theo khảo sát của PV, từ sáng và trưa 7-7, lượng người mua sắm tại các hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ gia tăng đột biến. Tại hệ thống siêu thị Emart (quận Gò Vấp) sáng 7-7, các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải. Một số điểm bán trong tình trạng rau củ, thịt, cá... đều trống trơn.
Anh Phan Đình (phường 9, quận Gò Vấp) cho biết cùng vợ đi siêu thị lúc 7 giờ 30 nhưng đã thấy rất đông người vô mua. Anh cũng cảm thấy lo lắng khi đi siêu thị trong lúc đông đúc bởi đây là lúc có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
"Biết đi siêu thị những lúc đông đúc là rất nguy hiểm nhưng không đi thì không có thức ăn bởi chợ xung quanh nhà đã đóng cửa hết, chợ đầu mối cũng dừng luôn. Mua trên ứng dụng của siêu thị thì không thể đặt được do quá tải" - anh Đình chia sẻ.
Hầu hết siêu thị đều cho biết trong những ngày qua, đặc biệt chiều 6-7 lượng mua hàng online tăng 2-10 lần so với trước đó. Điều này cũng khiến cho hệ thống đặt hàng bị quá tải và một số hàng hóa rơi vào tình trạng hết hàng, không kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện các hệ thống siêu thị đang dồn lực để tăng nguồn lực về hàng hóa và nhân sự, đảm bảo quá trình cung ứng thuận lợi tới tay người tiêu dùng.
Thiếu hàng hóa chỉ là nhất thời
Mặc dù đang thiếu hàng nhưng các siêu thị cho biết đang gia tăng nguồn cung cho các điểm bán. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khẳng định siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm. Mặt khác, người dân càng đổ xô đi mua hàng thì càng tạo ra tâm lý thiếu hàng hóa.
Cụ thể, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường cho các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả... Tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3-5 lần nên người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách.
Đại diện Saigon Co.op cũng thừa nhận hiện nay do thiếu hụt về nền tảng kỹ thuật, cộng với quá trình chuẩn bị ngắn dẫn đến tình trạng một số đơn hàng online bị tắc nghẽn nhưng chỉ cục bộ. Siêu thị cam kết sẽ tổ chức, điều tiết lại để nguồn hàng cung cấp đến tay người tiêu dùng được thông suốt trở lại nhanh chóng.
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cũng thông tin sau khi ba chợ đầu mối tạm đóng cửa, siêu thị không bị ảnh hưởng vì đang vận hành bốn trạm trung chuyển gồm trạm trung chuyển cá khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; trạm trung chuyển rau quả Đà Lạt và trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, trạm trung chuyển trái cây tại Bến Tre... Qua đó đảm bảo nguồn hàng cung ứng dồi dào cho thị trường.
Hiện nay lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được siêu thị dự trữ tăng 300%. Vài ngày qua, có thời điểm siêu thị hết hàng do tâm lý đổ xô mua sắm của người dân. Song đó chỉ là thiếu hàng cục bộ, trong nửa tiếng đến một tiếng siêu thị sẽ lại lấp đầy hàng. Vì vậy, người dân không lo thiếu hàng.
Đại diện Bách Hóa Xanh cũng nhấn mạnh để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, hiện đơn vị đã liên hệ với nguồn cung để tăng nguồn hàng lên 150% so với bình thường. "Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động giao hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Nguồn cung của Bách Hóa Xanh luôn đủ đáp ứng cho thị trường, do đó người dân không nên có tâm lý tích trữ sản phẩm quá nhiều" - đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định.
Không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng
Tại cuộc họp chiều 7-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định: TP không lo thiếu thực phẩm. Nguồn cung hàng hóa cho TP sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi ba chợ đầu mối dừng hoạt động.
"Ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán. Bởi hiện nay cơ quan chức năng đã điều chỉnh các hoạt động của ba chợ đầu mối thành hình thức giao dịch trực tuyến. Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa đến các nơi, TP sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân" - lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nói.
Ông Vũ cũng cho rằng các doanh nghiệp bình ổn cũng như các đơn vị của TP đã tăng dự trữ gấp ba lần so với bình thường, với mức hơn 120.000 tấn hàng trong khi nhu cầu thực tế chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM mong người dân không nên quá lo lắng. Việc có thời điểm thiếu hàng ở các kệ siêu thị, sạp ở chợ chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày và cục bộ.
"Chúng tôi đã yêu cầu các siêu thị kéo dài thời gian hoạt động, đảm bảo thời gian mua sắm của người dân. Các quận, huyện cũng đã họp thống nhất bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ thay cho người già bằng lực lượng phụ nữ, thanh niên của địa phương... Người dân không phải lo lắng về sự thiếu hụt hàng hóa trong tất cả tình huống phòng chống dịch" - ông Vũ cam kết.
Tạo ba vùng đệm tiếp nhận hàng hóa
Nhằm duy trì nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM, Sở Công Thương cho biết TP sẽ dành ba vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.
Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
Hàng hóa tại một số chợ tăng giá
Một số điểm bán rau củ tại nhà trên đường số 9 và đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cho biết một số mặt hàng khan hiếm do chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa nên đầu mối không nhập hàng về nhiều. Điều này khiến giá một số mặt hàng tăng 10.000-15.000 đồng/kg tùy sản phẩm.
Đơn cử đậu cove 30.000-35.000 đồng/kg vào tuần trước thì nay tăng lên 50.000 đồng/kg; rau cải ngọt từ mức 15.000-20.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg; cá điêu hồng từ 50.000 đồng/kg lên 60.000-65.000 đồng/kg. Những mặt hàng như chanh, tỏi, gừng... cũng tăng cao.
"Từ hôm qua đến nay, rau củ quả giá tăng cao nhưng khó khăn mới mua được. Người tiêu dùng không có sự chọn lựa nên cứ mua đại. Tôi đã mua phải trứng hư nhưng đành chấp nhận" - bà Thanh nói.
Tương tự, tại chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, nhiều người dân xếp hàng ngay trước cổng điền thông tin cá nhân trên thẻ đi chợ, đo thân nhiệt... mới được vào. Cứ mỗi 5 phút ban quản lý sẽ cho ba khách vào một lượt. "Bên trong chợ không còn cọng rau nào luôn. Em phải cố gắng lắm mới lấy được hàng cho khách, sáng mai 6 giờ chị quay lại chợ hy vọng có hàng" - một tiểu thương bán rau ở chợ nói.
Các chuỗi lây nhiễm ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM Chiều nay (25/6), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có buổi họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hiện nay, thành phố đang tồn tại 23 chuỗi lây nhiễm ở khu dân cư, chung cư, công ty, chợ và trường...