Khi khối C ‘trượt giá’
Trước việc hồ sơ đăng ký thi khối C mỗi ngày một hẻo, nhiều người lo sợ rằng xã hội hình như đang “quay lưng” với các ngành khoa học xã hội (KHXH). Câu hỏi đặt ra là bản thân nhóm ngành có còn hấp dẫn học sinh cũng như phụ huynh, nhà tuyển dụng? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng khi nhìn vào thực tế, thì lại không khó để trả lời.
Sinh viên thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Lê Anh Dũng
Học để “ra tiền”
Chị Thu là một phụ huynh làm nghề buôn bán nhỏ, có con gái năm nay đang học lớp 3, Trường Tiểu học Tân Mai. Một tuần, ngoại trừ học bán trú ở trường, buổi tối về, bé Thanh Mai, con chị còn học thêm Toán và tiếng Anh với hai cô giáo trong khu phố.
Bé Mai học rất tốt cả hai môn Văn, Toán. Tuy thế, chị chưa hề có ý định cho con học bồi dưỡng năng khiếu môn văn. Thậm chí, chị luôn khuyến khích con học Toán nhiều hơn. Chị nói: “Môn Văn như thế là được rồi, chỉ cần lấy 5 – 6 điểm. Còn môn Toán phải đầu tư cho nó học, để sau này còn theo khối A.”
Hỏi về các môn xã hội, chị đáp lời: “Thời buổi bây giờ phải học Toán, thi vào mấy trường kinh tế, ngân hàng thì mới làm giàu được chứ. Học khối C thì sau này nhà không có “cơ” bên mấy ngành đó, lấy tiền đâu mà xin việc cho nó.”
Chị Thu dẫn chứng: Cô của bé Mai, tốt nghiệp Ngoại thương, đi làm cho Ngân hàng, tiền nong lúc nào cũng rủng rỉnh, mới mấy năm đã có nhà cửa “rung rinh” ở Hà Nội. Chị họ của bé tốt nghiệp kinh tế, cũng làm trong Ngân hàng, và giàu không kém.
Chị bổ sung thêm: Còn mấy anh em nữa trong nhà theo học khối C, người nào cũng tốt nghiệp bằng giỏi, đi dạy là giáo viên giỏi, rồi làm báo chí, công an nhưng ai cũng chỉ đủ ăn thôi, có giàu được đâu, thậm chí còn chật vật. Nhiều con cái của bạn bè chị học nhóm ngành này ra, tốn bao nhiêu tiền xin việc mà còn chưa có chỗ “nhét”.
Trên thực tế, ngay từ khi con mới học lớp 3, lớp 4, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ học cầm chừng. Trong đó, người có suy nghĩ như chị Thu khá phổ biến.
Video đang HOT
Chị Thanh Thảo, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I với tấm bằng khá vẫn đang trên đường tìm kiếm việc làm thì khẳng định: Sau này, nhất định sẽ không cho con học đại học ở các lĩnh vực này. Giỏi bên ngành đã khó, giàu càng khó hơn. Người kiếm được vài chục triệu/tháng từ công việc lại càng là con số ít.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh nghĩ khác. Chị Hương, hiện làm trong một cơ quan báo chí thì cho biết: Bản thân chị không thấy khó xin việc. Nhiều người theo học nhóm ngành này vẫn xin được việc làm tốt. Vì thế, nếu con chị muốn học khối C, rồi sau này vào các ngành khoa học xã hội, chị cũng không ngăn cản, quan trọng là năng lực của con đến đâu.
Vừa thiếu thực hành lại không có yếu tố “ngoại”
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất truyền thông Digisun cho biết, các ứng viên của công ty đến từ những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không nhiều.
“Tôi không quan trọng họ tốt nghiệp trường nào, mà đánh giá cao khả năng tư duy thực hành và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của ứng viên”.
Anh Thành nhận xét: Riêng yếu tố “ngoại”, mà chủ yếu ở đây là ngoại ngữ, các bạn chỉ có vốn tàm tạm, chưa sử dụng được trong công việc. Đây thực sự là một hạn chế lớn khi cần mở rộng kiến thức và làm việc với đối tác trong ngành này.
“Kiến thức nền của ứng viên những ngành học này vừa thiếu lại vừa thừa. Đặc biệt, khả năng thích ứng với công việc, áp dụng kiến thức quá sơ sài” – anh Thành nói thêm.
Có nhiều ứng viên kiến thức nền rất tốt nhưng điều quan trọng là áp dụng kiến thức nào để giải quyết một việc cụ thể thì lại rất khó khăn.
Một cán bộ tuyển dụng ngành truyền hình cùng chung nhận xét: “Với phương pháp giáo dục hiện tại của ta,i 4 năm 2 kỳ thực tập chóng vánh quả là một “đại họa” cho các nhà tuyển dụng. Sinh viên ra trường tỏ rõ sự thiếu hụt trong kỹ năng, khả năng tư duy logic và tư duy tổng thể. Thực tế cho thấy, có khoảng cách qua xa giữa kiến thức trong nhà trường và những gì nhà tuyển dụng yêu cầu”.
Nhà tuyển dụng này cho biết mong muốn những ứng viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội có kiến thức nền tốt, chứ chưa “dám” đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Vậy nhưng ngay cả điều này cũng khó kỳ vọng, bởi sinh viên các ngành xã hội hiện đại có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhanh nhẹn, nhưng không sâu sắc – đó là lý do kiến thức của nhiều người bị hổng.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm quan niệm: “Trăm hay không bằng tay quen.” Vì thế, với mỗi ứng viên ngành luật hay tốt nghiệp từ những ngành khoa học xã hội khác vào công ty, anh đều cố gắng đào tạo họ bước vào thực hành, gắn với thực tiễn chứ không “nằm chết” mãi trên những lý thuyết được học.
Luật sư Phạm Thành Long chia sẻ: Các nhà tuyển dụng kêu về chất lượng ứng viên các ngành khoa học xã hội à rất đúng. Vì thực tế cho thấy như vậy. Và lúc này, thực tế vẫn không thay đổi. Cho dù kêu thế nào đi nữa, họ là người nghe đầu tiên. Vì vậy, thay vì chấp nhận là “nạn nhân của việc đào tạo”, anh ra sức đào tạo những ứng viên đã chọn, chỉ cần họ có đam mê, tầm nhìn.
Học Khoa học xã hội, phải ra nước ngoài
Chu Thị Thùy Dương là học sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, học sinh vừa đạt giải nhất quốc gia môn tiếng Anh năm nay nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà Tâm lý học.
Nơi em chọn để thực hiện ước mơ là một trong những trường ĐH của Mỹ. Tương lai, Dương sẽ học cao học về ngành này và trở về Việt Nam làm việc. “Ở nước mình, dù ngành em theo đuổi chưa thực sự được coi trọng, nhưng em tin sớm muộn nó sẽ được trả về đúng vị trí của mình.”- Dương nói.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Digisun cho biết, nếu mai sau các con chọn khối C hay các ngành khoa học xã hội, anh sẽ tôn trọng ý muốn đó. Tuy nhiên, anh sẽ cho con ra nước ngoài để hưởng một nền giáo dục tốt hơn.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm cũng chung quan điểm. Anh không quan trọng việc con chọn lĩnh vực nào để học, mà quan trọng con sẽ làm được gì. Vì thế, tất cả các con sẽ được anh cho học ở nước ngoài.
Theo Vietnamnet
Khối C: Ít cơ hội việc làm - ít hồ sơ đăng ký
Thống kê sơ bộ từ các trường THPT sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2011 theo tuyến trường - sở cho thấy, trái ngược với tình trạng quá "hút" của các ngành học kinh tế (khối A) là tình trạng hồ sơ khá thưa thớt của khối C vào các ngành khoa học xã hội.
Thí sinh "chê"
Theo thống kê của Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), trong hơn 1.400 hồ sơ (HS) ĐKDT của gần 550 học sinh đang theo học tại trường thì số HS dự thi vào khối C chỉ dừng ở con số hàng chục. Tại TPHCM thì tình hình cũng chẳng mấy "lạc quan", chuyên viên tư vấn Nguyễn Quốc Cường cho biết chưa có con số thống kê cuối cùng, song với con số hiện tại văn phòng đã nhận được hơn 12.000 bộ HS ĐKDT, trong đó đã nhập liệu được 1.400 bộ HS thì chỉ có chưa đến 30 HS dự thi theo khối C.
Điểm lại xu thế đăng ký khối ngành dự thi năm nay, bà Phạm Thị Hà - cán bộ thu nhận hồ sơ ĐKDT Phòng GDĐT Đống Đa (Hà Nội) - cho biết, HS đăng ký nộp ở địa điểm này chủ yếu thi vào khối A và D. "Khối C với 2 ngành được cho là thu hút đông thí sinh là luật và báo chí thì số lượng HS ĐKDT năm nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Ghi nhận thêm ở một số trường ĐH ở ngày đầu tiên thực hiện nhận HS ĐKDT tại trường cũng cho thấy tình hình tương tự, với rất ít hồ sơ dự thi vào khối C. Theo thầy Nguyễn Tổ Hạp - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - nếu như những năm trước thì số hồ sơ dự thi khối C cũng sẽ không nhiều.
Hiện tượng thí sinh ĐKDT khối C ít dần đi đã xảy ra từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. (Ảnh minh họa).
Ngành giáo dục "bó tay"
Một giáo viên dạy văn tại Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhận xét: Chủ yếu là các em thuộc lớp chuyên văn của trường dự thi vào khối C. Tuy nhiên cũng không nhiều em chọn khối này mà thường chọn khối D, bởi các ngành đào tạo của khối D đa dạng và có vẻ "hot" hơn.
Còn theo thầy Nguyễn Tổ Hạp, chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành theo khối C dù đã được cân đối giữa các ngành đào tạo, cũng chỉ chiếm một con số "khiêm tốn". Cụ thể, nếu năm trước trong tổng số 2.300 CT đào tạo ĐH thì chỉ có 250 (chưa đến 12%) của các ngành thuộc khối C. Ở hệ đào tạo CĐ, tình hình có vẻ sáng sủa hơn đôi chút, song tỉ lệ cũng chỉ khoảng 15% với 370 CT trong tổng số 2.150 CT chung của các khối.
Theo thầy Phạm Tấn Hạ - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) - thì tình hình "đói" thí sinh khối C đã xảy ra từ một vài năm nay. Tổng cộng có đến 15 ngành học có tuyển sinh khối C trong số 24 ngành học mà trường thực hiện đào tạo trong niên khóa 2011 - 2012 sắp tới. Để cứu khối C, các ngành đào tạo tại trường đều tuyển nhiều khối khác nhau chứ không riêng một khối.
Hiện tượng thí sinh ĐKDT khối C ít dần đi đã xảy ra từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia tuyển sinh đưa ra là do hiện nay số học sinh THPT đăng ký nguyện vọng vào học ban khoa học XHNV rất ít ỏi. Ngay khi phân ban ở lớp 10, nhiều trường THPT đã tuyển không đủ một lớp, thậm chí nhiều trường THPT không có ban C. Thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường, khi các ngành học thi tuyển đầu vào là khối C hiện nay như văn học, lịch sử, thông tin - thư viện, công tác xã hội... ra trường rất khó tìm việc. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối A và D, cơ hội xét tuyển cũng nhiều hơn khối C.
Để lý giải cụ thể và tìm ra biện pháp tháo gỡ cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Phạm Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Bộ GDĐT - cho rằng, cần có khảo sát thực trạng để làm căn cứ đánh giá. Theo ông Hùng, "về cảm quan thì có thể thấy 2 nguyên nhân cơ bản: Cơ hội việc làm khó hơn các ngành nghề kinh tế và thu nhập khi ra trường so với các ngành kinh tế, thương mại thì không bằng. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này thì không riêng ngành giáo dục phải quan tâm".
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo Ngày 14/4, kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011, theo thống kê sơ bộ của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A, nhất là ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhưng ngược lại khối C lại lèo tèo vài chục bộ. Kết thúc ngày nhận hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ...