Khi học trò đánh cô giáo
Sự việc diễn ra đã một tuần nay nhưng vẫn gây xôn xao dư luận. Đó là vào buổi chiều 21/9, trong tiết học thêm môn văn ở lớp 12A14 trường TQK, TP HCM.
Khi thấy học sinh T. không làm bài tập, cô X. – giáo viên môn văn đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A14 – đã hỏi: “Tại sao em không làm bài?”, T. trả lời: “Không biết”. Cô X. gọi một học sinh khác lên bảng sửa bài thì T. cũng không chú ý. Cô X. tiếp tục nhắc nhở T.: “Sao em không nhìn lên bảng để sửa bài? Em học được thì học, không học được thì xin nghỉ”.
Ngay lập tức T. đứng phắt dậy chửi thề, xưng mày – tao với cô giáo, đồng thời lăng mạ cô với những lời lẽ hết sức thô tục… Sau đó, T. đã dùng giá đỡ bình nước bằng sắt đập mạnh xuống bàn giáo viên, rồi lấy thùng rác quăng vào người cô X. khiến cô bị trầy xước nhiều vết trên cánh tay.
Sau sự việc ấy, cô X. có báo cáo sự việc với ban giám hiệu nhà trường, đồng thời gọi điện cho phụ huynh. Sáng hôm sau (22/9), T. và mẹ vô trường. Cô X. đã xuống phòng giám thị, kể cho phụ huynh về sự việc và thông báo tình hình học tập của T. (lúc này T. ở bên ngoài).
Kể xong, cô X. lên lớp. Diễn biến tiếp theo, thầy Phạm Công Minh, giám thị nhà trường, kể lại: “Mới nghe mẹ rầy la vài câu, T. tức tốc chạy lên lớp. Lúc đó tôi và mẹ em có chạy theo, các giáo viên, học sinh cũng chạy ra can ngăn khi T. hùng hổ xông vào phòng học, vơ lấy bình nước (loại 19 lít nhưng chỉ còn khoảng nửa bình nước) ném vào người cô X.. Nhà trường phải báo công an đến can thiệp”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Công Minh cho biết: T. là học sinh có học lực trung bình. Năm lớp 10 em rất ngoan. Khi lên lớp 11 thì em có một số biểu hiện sa sút trong học tập và hơi bướng. Em không phải học sinh quậy phá nhưng rất nóng tính. Năm lớp 11, T. từng nói hỗn với cô giáo dạy thể dục nhưng cô đã bỏ qua.
Video đang HOT
Tiếp xúc với chúng tôi chiều 28/9, cô X. cho biết: “Mới sáng nay, khi em T. và mẹ gặp tôi trước sảnh phòng giám thị, em đã xin lỗi tôi. Mẹ em cũng xin lỗi tôi, hỏi thăm vết thương trên tay tôi…
Tôi đã có thâm niên 11 năm đứng lớp và nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm. Tôi đã từng cảm hóa nhiều học sinh cá biệt. Tuy nhiên, chưa ai như T. cả. Tôi chỉ mong chính T. phải suy nghĩ và chấn chỉnh lại bản thân với sự kèm cặp sát sao của gia đình”.
Thầy hiệu trưởng trường TQK cho biết: “Chiều 29/9, nhà trường sẽ họp hội đồng kỷ luật để xem xét, đưa ra hình thức kỷ luật T. sao cho đạt được ba yếu tố: kỷ luật học sinh để làm gương cho các học sinh khác, trấn an tinh thần giáo viên, nhưng vẫn không đẩy học sinh vào bước đường cùng mà tạo điều kiện cho em T. có cơ hội sửa chữa lỗi lầm”.
Theo Hoang Hương/Bao Tuôi tre
Lại chuyện thầy và trò
Những ngày này, dư luận lại được phen xôn xao trước chuyện thầy và trò.
Chuyện thứ nhất: Trong giờ học môn Vật lý, cô giáo Lê Thị Hiền chỉ định học sinh Nguyễn Ngọc Huyền (lớp 11A trường PTTH Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đứng dậy đọc bài trước lớp.
Nhưng không những không đứng dậy, học sinh này còn buông những lời lẽ xúc phạm đến cô giáo. Thấy vậy, cô giáo Lê Thị Hiền đã ghi tên Nguyễn Ngọc Huyền vào sổ đầu bài của lớp để cảnh cáo. Lập tức, học sinh này đã lên bục giảng, túm tóc cô giáo đánh, trước sự chứng kiến của cả lớp.
Trường THPT Đồng Hới - nơi xảy ra vụ việc học trò đánh cô giáo.
Chuyện thứ hai, tại trường PTTH dân lập Phạm Ngũ Lão thuộc quận Gò Vấp (TP.HCM), cô giáo Lê Thị Thanh Nguyệt, hiệu trưởng của trường, đã ký quyết định đình chỉ học của một học sinh, vì lý do em bỏ diễn văn nghệ trong buổi lễ sơ kết học kỳ I của trường, và tuyên bố: "Ngày nào học sinh chưa nhận lỗi thì còn bị đình chỉ học tập. Nhận lỗi rồi thì sẽ được tiếp tục đến trường".
Hai câu chuyện đó phản ánh điều gì?
Chuyện thứ nhất là trò chẳng ra trò. 11 năm "mài đũng quần" trên ghế nhà trường, không hiểu cô học trò Nguyễn Ngọc Huyền kia đã học được những gì, để có những hành xử không ai chấp nhận được như vậy? khi mà khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã nhan nhản trên các nhà trường từ nhiều chục năm nay.
Khi mà người ta đã phải đề cao "lễ" lên làm đầu, thì chứng tỏ "lễ" đã xuống cấp trầm trọng trong xã hội. Hiện tượng một học sinh ngang nhiên túm tóc, đánh cô giáo ngay trong lớp, trong giờ học bài, chứng tỏ việc giáo dục "lễ" cho học trò đã thất bại.
Chuyện thứ hai là thầy chẳng ra thầy. Học trò đến lớp có mục đích là học kiến thức. Chuyện văn nghệ là chuyện "ngoài lề" chứ không phải mục đích chính. Học trò có điều kiện thì tham gia, không có thì thôi.
Việc hiệu trưởng đình chỉ học tập của một học sinh chỉ vì em bỏ buổi biểu diễn văn nghệ của học kỳ, rõ ràng là sai trái. Vì bà đã lẫn lộn nhiệm vụ chính với nhiệm vụ phụ của học sinh. Và nếu vụ việc không được thông tin trên mạng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM không vào cuộc kịp thời, thì em học trò tội nghiệp kia chắc chắn còn phải nghỉ học dài dài.
Còn chuyện thứ nhất, ban giám hiệu trường PTTH Đồng Hới đã tiến hành kỷ luật học sinh Nguyễn Ngọc Huyền bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường, buộc nghỉ học một tháng, vì đã có hành vi và lời lẽ xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của giáo viên.
Nhưng cảnh cáo trước toàn trường thì được. Còn buộc nghỉ học một tháng thì sao? Cô học sinh Nguyễn Ngọc Huyền kia chắc chắn không phải là trò giỏi. Bởi một trò giỏi thì không có những hành vi và lời lẽ như vậy. Đã không phải là trò giỏi, mà lại bị buộc phải nghỉ học 1 tháng, thì chất lượng học tập của cô học trò này sẽ càng sa sút.
Chẳng lẽ hai nhà trường trên, ngoài biện pháp bắt học trò nghỉ học ra, không còn tìm ra được biện pháp nào khác để giáo dục học trò của mình?
Theo Thanh Vũ/Báo Nông nghiệp VN
Phạt 'công ty cá thối' tuồn thực phẩm bẩn vào trường học Chiều17/4, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông báo quyết định xử phạt đối với Công ty Phú Nhật Hào - đơn vị cung cấp suất ăn cho hơn 14 nghìn học sinh của 18 trường học ở Bình Dương. Phụ huynh trường tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) ngăn chặn "cá thịt thối" tuồn vào bếp...