Khi học sinh chế ngự bệnh ‘run’
“Khi vào phòng thi, em run lắm. Làm sao để khỏi hồi hộp, bớt run, làm bài tốt trong kỳ thi THPT quốc gia 2016?”, nhiều học sinh lo lắng đặt câu hỏi.
“Trước khi thi các em cần có một ngày thư giãn. Khi vào phòng thi hãy tự tin, luôn suy nghĩ mình sẽ làm được bài. Lúc ấy, các em sẽ bớt run hơn”. Đó là một trong những chia sẻ của TS tâm lý Võ Thị Tường Vy, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP HCM.
Thí sinh lo lắng, mệt mỏi trước giờ làm bài thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Chế ngự “bệnh run”
TS Tường Vy cho rằng, không ít bạn trẻ hồi hộp, lo lắng, thậm chí run khi bước vào phòng thi của kỳ thi quan trọng. Thậm chí, nhiều người lớn đi thi cũng sẽ hồi hộp như vậy.
Chuyên gia tư vấn này nói thêm, hầu hết tâm lý lo sợ, hồi hộp do học sinh tự áp đặt lên mình những suy nghĩ tiêu cực, lo làm bài không tốt, đề ra không đúng phần mình ôn tập, sợ trượt… Chính những suy nghĩ ấy tạo thành áp lực, căng thẳng cho sĩ tử.
“Chúng ta hãy chủ động dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực, thất bại và tự tin nghĩ đến những điều tốt đẹp, tích cực khi bước vào phòng thi”, nữ tiến sĩ khuyên.
Theo bà Vy, trước kỳ thi, thí sinh nên thư giãn 1-2 ngày, tránh trường hợp ôn tập căng thẳng, quá tải. Cứ nghĩ đề thi năm nay dễ hơn những năm trước, xung quanh mình còn rất nhiều bạn bè cùng chung hoàn cảnh nên không có gì phải sợ. Trước khi vào phòng thi, thí sinh hãy hít thở sâu, thoải mái trò chuyện với bạn bè xung quanh.
“Vào phòng thi, các em cứ xem giám thị như thầy cô ở trường, đừng tự nghĩ ra những tiêu cực, lo sợ về bất cứ điều gì. Hãy suy nghĩ đến những ngày tháng tuyệt vời khi trở thành sinh viên, về những điểm tựa tinh thần như bố mẹ, người thân, thậm chí người yêu để quyết tâm làm bài tốt”, TS Vy nói.
Kết thúc phần chia sẻ, TS Tường Vy không quên nhắc các bạn trẻ nên chủ động xây dựng phương pháp ôn thi thật tốt ngay từ bây giờ, xin chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị đi trước, thầy cô, bạn bè của mình; Chủ động nắm bắt đầy đủ bài học, kiến thức cơ bản, kỹ năng giải toán, tham khảo đề thi những năm trước để dần làm quen khi bước vào phòng thi. Những cố gắng của các bạn hôm nay sẽ là thành công trong tương lai.
TS tâm lý Võ Thị Tường Vy tư vấn cho học sinh tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Bình.
Video đang HOT
Sức khỏe là yếu tố tiên quyết
Đi thi xa, áp lực từ gia đình, xã hội, đặc biệt trải qua giai đoạn ôn tập cường độ cao, rất nhiều học sinh rơi vào tình trạng suy nhược, stress nặng.
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP HCM, những ngày thi quan trọng, sĩ tử phải đảm bảo đủ sức khỏe, ăn uống đầy đủ, khi ấy tinh thần mới thoải mái.
Bà Hạnh nói thêm, những ngày ôn tập và thi, các bạn nên ăn những thực phẩm tự nhiên, đa dạng để bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường chất đề kháng. Những thức ăn tốt cho cơ thể ngày thi như bí đỏ, trứng, chuối, rau má, mồng tơi, rau lang… Đây là món ăn đơn giản, dễ làm, giúp nhanh chóng cân bằng được sự căng thẳng, suy nhược, tránh các bệnh về đường tiêu hóa.
Về thắc mắc của học sinh có nên uống thuốc bổ não, bác sĩ Hạnh tư vấn: Tôi khuyên các em không nên uống thuốc mà nhiều người cho rằng có tác dụng bổ não. Không có loại thuốc nào bổ não cả. Nếu có chắc là người sáng chế ra đạt giải Nobel rồi. Tốt nhất là chuộng những thức ăn tự nhiên, nhiều vitamin.
“Điều quan trọng nữa là các em cần đảm bảo đầy đủ ba bữa chính trong ngày, đặc biệt không bỏ bữa sáng. Bụng đói dễ bị hạ đường huyết, không thể tập trung học bài. Các em học đúng phương pháp, có thời gian ăn và ngủ hợp lý”, bác sĩ Hạnh chia sẻ thêm.
Nữ tiến sĩ cũng cho biết, nhiều trường hợp học sinh đi thi, lo lắng quá không chịu ăn sáng hoặc ăn không được, vào phòng thi căng thẳng, tụt huyết áp, ngất xỉu. Vì thế, thí sinh nên đảm bảo đầy đủ các bữa ăn, không nên ăn uống ở những hàng quán lề đường, mất vệ sinh, dễ gặp những bệnh tiêu hóa.
Bà Hạnh cũng không quên nhắc nhở phụ huynh không tạo áp lực, mà hãy thường xuyên động viên, chia sẻ, tạo tâm lý thoải mái cho con em mình. Thi và học là chuyện suốt đời, nên kết quả một kỳ thi dù thế nào cũng đừng quá lo lắng, sợ hãi.
Làm quen với môi trường thi
Nhiều sinh viên, sau khi đã vượt qua “cửa ải” kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, khuyên những người đi sau hãy làm quen môi trường phòng, trường thi để khỏi bỡ ngỡ, tạo tâm lý thân quen.
Bạn Hải Huy, sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế TP HCM, nhắn nhủ: Nếu nhà ở xa, các bạn nên đến thành phố sớm hơn vài ngày, làm quen nhịp sống, không khí môi trường.
Khi đến làm thủ tục trước ngày thi, thí sinh tranh thủ đi dạo quanh trường, tìm nhà vệ sinh, căng-tin, ngồi ghế đá ngắm ngôi trường ấy. Có cơ hội làm quen một vài người bạn mới, các em hãy trò chuyện vui vẻ, tạo sự thoải mái nhất trước khi thi.
“Nếu làm bài một môn chưa tốt, học sinh tự động viên còn những môn còn lại để cố gắng, không nên mất tinh thần”, Hải Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Zing
Hàng loạt trường không có học sinh chọn thi Lịch sử
Tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử 0% là số liệu thống kê ban đầu của nhiều trường THPT tại Hà Nội. Điều đáng nói, con số này không còn xa lạ những năm gần đây.
Năm 2016, để xét công nhận tốt nghiệp, học sinh phải đăng ký thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Theo khảo sát, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội không có thí sinh nào chọn môn Lịch sử.
Số đông thí sinh chọn Địa lý
Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Hà Nội, cho biết, 5 năm từ khi thành lập trường đến nay, chưa khi nào có học sinh chọn môn Lịch sử để thi xét tốt nghiệp.
Mặc dù vẫn rất nhiều em thích học Lịch sử, phương pháp dạy của trường đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức với nhiều con số, sự kiện, học sinh nhận thấy chọn Địa là phương án tốt hơn. Địa lý cũng là môn khoa học xã hội nhưng mang tính chất của khoa học tự nhiên, dễ học, dễ đạt điểm.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015, có phòng thi chỉ vài thí sinh thi Lịch sử. Ảnh: Anh Tuấn.
Tại trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Tu Tập thông tin, trường đã cho học sinh đăng ký môn thi tạm thời ngay từ học kỳ 1. Ngoài môn bắt buộc, phần lớn các em chọn Địa lý, sau đó đến Vật lý, Hóa học, Sinh học. Toàn trường không em nào đăng ký Lịch sử.
Năm 2015, theo thống kê của Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Ông Tập đánh giá, lựa chọn môn thi là nguyện vọng của học sinh, nhà trường không có quyền bắt buộc các em. Vì được đăng ký sớm nên các em có định hướng học tập, tuy nhiên, giai đoạn này vẫn có học sinh hỏi ý kiến thầy cô để thay đổi nguyện vọng.
"Chúng tôi tư vấn các em có thể thay đổi môn thi theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, nên có tư tưởng kiên định để việc ôn tập được đảm bảo tốt nhất", ông Tập nói.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh - chia sẻ, theo thống kê ban đầu, không có học sinh lớp 12 nào lựa chọn môn Lịch sử. Ông cũng cho biết thêm, không chỉ riêng năm học này mà từ ba năm trước, trường không có thí sinh chọn thi Lịch sử. Phần lớn các em đều học khối A.
Nhà trường cũng sớm có định hướng ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học, vì vậy, không cần chờ đến thi thử mới có thể biết được tỷ lệ học sinh lựa chọn môn thi.
Theo Hiệu trưởng Lưu Danh Chiêm, trường THPT Tây Đô (Bắc từ Liêm, Hà Nội) có 120 thí sinh đang theo học khối 12. Đa số các em đều chọn môn Địa lý, không ai chọn Lịch Sử. Trước đó, năm 2015, trường có thí sinh duy nhất chọn môn thi này và đạt điểm số cao.
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) chia sẻ, học sinh chỉ chọn hai môn Vật lý và Hóa học.
Xu thế chung
Ông Lưu Danh Chiêm không chắc chắn nguyên nhân học sinh trong trường lại thờ ơ với môn Sử. Ông phán đoán: "Học sinh một phần chọn Địa lý vì có số liệu và thông tin dễ nhớ. Mặt khác, nhiều em còn thi theo phong trào, nên chọn theo số đông".
Vị hiệu trưởng này bày tỏ, nhà trường sẽ tiếp tục tìm hiểu lý do học sinh không chọn Lịch sử để có sự tư vấn tốt nhất cho các em và phụ huynh.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An - người có nhiều kinh nghiệm trong nghề - khẳng định, học sinh không chọn môn học này vì xu thế chung. Chúng ta không vì lựa chọn của các em mà đánh giá giới trẻ ngày càng chán Lịch sử. Trên thực tế, nhiều học sinh thích học và khám phá môn này nhưng không chọn thi vì sợ điểm thấp, khó làm bài.
Không chọn Lịch sử cũng nằm trong xu thế xã hội ngày càng coi nhẹ các môn khoa học xã hội. Thêm nữa, sách giáo khoa Lịch sử hiện còn nhiều bất cập, lỗi thời, thi cử chưa thật sự phù hợp... Một lý do quan trọng nữa là hình ảnh người thầy "thủy chung" với cách dạy thầy đọc trò chép, triệt tiêu tư duy sáng tạo của học trò, khiến các em chán nản.
Thầy Hiếu đánh giá, người thầy dạy Sử tài năng là biết "thổi hồn" vào những tiết học và khơi dậy khả năng tư duy của học trò từ những sự kiện, con số khô khan.
Còn GS Phan Huy Lê, người đứng đầu Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định, chương trình giáo dục Lịch sử đang bắt trẻ "lao dịch" để phục vụ thi cử, nội dung sách giáo khoa áp đặt.
"Sách giáo khoa có nội dung chung chung ta thắng, địch thua, khiến học sinh nhàm chán là điều đương nhiên. Thực chất, chương trình Lịch sử của bậc phổ thông hiện nay là giáo trình rút gọn bậc đại học", GS Phan Huy Lê phân tích.
Mặt khác, ông cũng cho rằng: "Một triệu dân chỉ cần vài trăm em học chuyên sâu về môn Lịch sử bậc đại học. Vị trí của môn này lên cao không cần lấy số lượng mà cần những người giỏi".
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 của học sinh.
Theo đó, các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức thăm dò hai nội dung: Học sinh dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hay chỉ để xét tốt nghiệp THPT và các môn đăng ký dự thi.
Theo Zing
Yêu cầu thăm dò học sinh đăng ký môn thi THPT quốc gia Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 của học sinh. Theo đó, các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức thăm dò hai nội dung: Học sinh dự thi để xét tuyển đại học,...