Khí đốt, “vũ khí lợi hại” của Putin
Gazprom được xem là một công cụ chính sách ngoại giao của Nga, một công cụ mà Putin không ngại sử dụng…
Thoạt nhìn, thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD của Nga cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) mới đây, thông qua “gã khổng lồ” khí đốt quốc doanh Gazprom, có vẻ là một món hời cho Nga.
Tuy nhiên, theo một bài viết của hãng tin Reuters, lợi ích trong thỏa thuận này nghiêng nhiều về phía Trung Quốc, còn Gazprom thì cùng lắm là hòa vốn, và thậm chí có thể thua lỗ những khoản lớn.
Công cụ Gazprom
Tuy không đem lại lợi ích kinh tế cho Gazprom, thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc lại phù hợp với chiến lược địa chính trị “nghiêng về châu Á” của Putin, và cho thấy “một cuộc chơi địa chính trị quyết liệt, vượt lên mọi lý lẽ kinh tế” – theo phân tích của viện nghiên cứu chính sách Chatham House của Anh.
Theo đó, thỏa thuận giữa Gazprom với CNPC chỉ là một ví dụ minh chứng rằng Gazprom hoạt động như một công cụ để thỏa mãn các tham vọng chính trị của Tổng thống Putin và sức mạnh quốc gia của Nga hơn là một tổ chức với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.
Mặc dù cổ phiếu của Gazprom được giao dịch ở cả thị trường chứng khoán Nga và Mỹ, cổ phần đa số của tập đoàn này thuộc về Chính phủ Nga và Gazprom nhận lệnh trực tiếp từ điện Kremlin.
Trước tiên và trên hết, Gazprom là một công cụ chính sách ngoại giao của Nga, một công cụ mà Putin không ngại sử dụng để theo đuổi các lợi ích Nga. Trong suốt những năm tháng cầm quyền của Putin, điện Kremlin đã dùng quyền kiểm soát Gazprom – tăng hoặc giảm giá nhiên liệu – để duy trì ảnh hưởng đối với các nước láng giềng của Nga.
Putin từng có lần miêu tả Gazprom như “một đòn bẩy ảnh hưởng kinh tế và chính trị hùng mạnh đối với phần còn lại của thế giới”.
Một nhóm chuyên gia chính sách đối của Nga nhấn mạnh “nếu các nhà lãnh đạo của nước này hay nước kia quyết định bày tỏ thiện chí với Nga, thì tình hình cung cấp khí đốt, chính sách giá cả, và các khoản nợ cũ sẽ thayy đổi theo hướng có lợi hơn nhiều cho bên mua”.
Hành động của Gazprom ngay trước và sau khi cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych bị lật đổ là một ví dụ rõ ràng hơn cho thấy chiến lược nói trên. Vào tháng 12/2013, không lâu sau khi Yunokovych từ chối một thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU), Gazprom đã “thưởng” cho ông bằng cách giảm 1/3 giá bán khí đốt cho Ukraine.
Và như để nhấn mạnh quyền lực của mình đối với Gazprom, đích thân Tổng thống Putin đã đứng ra quyết định giảm giá khí đốt này.
Video đang HOT
Tuy vậy, ba tháng sau đó, sau khi cuộc cách mạng Maidan đưa một chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền ở Kiev, Nga đã tuyên bố tăng 81% giá bán khí đốt của Gazprom cho Ukraine. Động thái này là một tín hiệu rõ ràng cho thấy điện Kremlin sẵn sàng dùng Gazprom như một vũ khí kinh tế và chính trị để chống lại chính phủ mới ở Kiev.
Một dấu hiệu khác về việc Moscow sử dụng vũ khí mang tên khí đốt để chống lại Kiev đã xảy ra trong năm 2015. Đó là việc Gazprom bắt đầu vận chuyển khí đốt trực tiếp tới lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine sau khi quân ly khai phá hủy một đường ống.
Ngay cả sau khi Ukraine đã sửa chữa đường ống này, Gazprom vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt trực tiếp tới khu vực do quân ly khai kiểm soát, trong khi vẫn ghi hóa đơn để Ukraine phải thanh toán cho số khí đốt này. Việc làm này được xem như một nỗ lực rõ ràng của Moscow nhằm sử dụng sức mạnh về năng lượng để “dọa” Kiev thông qua sự phụ thuộc của Ukraine vào Gazprom.
Ukraine không phải là quốc gia láng giềng duy nhất mà giao dịch với Gazprom bị chi phối bởi mối quan hệ giữa quốc gia đó với điện Kremlin.
Một nghiên cứu từ năm 2006 do Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển thực hiện đã tìm ra 50 ví dụ khi Nga sử dụng đòn bẩy năng lượng để gây áp lực chính trị hoặc kinh tế đối với các nước láng giềng.
Mặc dù những lý do kinh tế hợp lý thường hậu thuẫn cho hành vi “thông đồng” của Gazprom với điện Kremlin, nghiên cứu trên phát hiện ra rằng động cơ chính trị tồn tại trong hơn một nửa số vụ việc được các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá.
Vai trò then chốt
Trong một số trường hợp, những tuyên bố mà điện Kremlin đưa ra thể hiện sự đe dọa thẳng thừng. Năm 2013, Moldova, một nước nhỏ thuộc Liên Xô cũ, bắt dầu đàm phán với EU về thỏa thuận thương mại tự do.
Ngay lập tức, Nga dọa cắt cung cấp khí đốt cho Moldova. Một thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo: “Chúng tôi hy vọng là các bạn sẽ không đóng băng”.
Theo Reuters, Gazprom cũng đóng một vai trò then chốt trong việc hậu thuẫn quyền lực của điện Kremlin trong nước. Tập đoàn này vận hành như một tổ chức ủng hộ xã hội, cung cấp khí đốt giá rẻ cho các hộ gia đình và các ngành công nghiệp của Nga. Điều này giúp nền kinh tế Nga ổn định, và người tiêu dùng Nga, nhất là người hưu trí, được ấm áp trong mùa đông, đồng thời đảm bảo rằng các cử tri Nga tiếp tục ủng hộ Putin.
Trong khi Chính phủ Nga thường xuyên hứa với Gazprom rằng tập đoàn này sẽ được phép tăng giá bán khí đốt trong nước tới mức ít nhất đủ để trang trải chi phí, Gazprom vẫn tiếp tục thua lỗ những khoản tiền lớn từ việc bán khí đốt tại thị trường trong nước.
Dù chiến lược bán dưới giá thành có thể là phi lý nếu xét trên các chuẩn mực doanh nghiệp thông thường, điện Kremlin vẫn không muốn đặt ổn định chính trị và xã hội vào thế rủi ro mà việc tăng giá bán khí đốt trong nước có thể gây ra.
Cuối cùng, Putin sử dụng Gazprom để duy trì lòng trung thành của các đồng minh chính trị gần gũi nhất bằng cách cho phép những người này được hưởng một phần nguồn tiền của Gazprom, có thể thông qua những bản hợp đồng béo bở. So sánh chi phí xây dựng đường ống dẫn khí của những dự án tương tự trong và ngoài nước Nga thể hiện rõ điều này.
Theo một nghiên cứu, Gazprom chi nhiều gấp đôi tiền để xây dựng đường ống dẫn khí đốt trong nước so với số tiền bỏ ra cùng với đối tác nước ngoài để xây dựng đường ống tương tự ở nước ngoài. Trên thực tế, mức thiệt hại của Gazprom do tham nhũng và lãng phí được cho là cũng lớn như lợi nhuận mà tập đoàn này tạo ra.
Bài viết của Reuters cho rằng, hợp đồng “khủng” giữa Gazprom và CNPC là một ví dụ điển hình. Nhiều dự án liên quan tới xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt trị giá hàng tỷ USD của hợp đồng này có thể sẽ được trao cho các công ty nằm dưới quyền kiểm soát của Arkady Rotenberg và Gennady Timchenko, hai nhân vật nằm trong hàng ngũ “thân tín” của Putin. Các công ty của hai tỷ phú này là những nhà thầu phụ quan trọng nhất của Gazprom trong dự án nói trên.
Trong khi các khoản thua lỗ của Gazprom sẽ được “hấp thụ” bởi Chính phủ Nga thông qua Quỹ Thịnh vượng Quốc gia, thì lợi nhuận mà tập đoàn này tạo ra lại rơi vào tay những người thân tín của điện Kremlin.
Chủ tịch hãng xe Mỹ General Motors (GM) từng nói rằng “điều gì tốt cho General Motors là tốt cho nước Mỹ”. Câu nói tương tự cũng có thể đúng với Gazprom và nước Nga thời Putin.
Theo An Huy
VNEconomy
Đằng sau động thái 'lạ' của Nga với Ukraine
Vừa mới đây, Chính phủ Nga có một động thái được đánh giá là khá kỳ lạ khi yêu cầu tập đoàn dầu khí khổng lồ của mình - Gazprom hạ giá khí đốt bán cho Ukraine.
Sự việc này tiếp sau và khá gần với thông báo của Chính phủ Ukraine quyết định ngưng mua khí đốt của Nga từ 1/4. Lý giải động thái này của Nga ra sao?
Chúng ta hãy quay lại thời gian giữa năm ngoái, khi giá dầu mỏ thế giới bắt đầu hạ nhanh, từ mốc trên 100 đô-la xuống mức loanh quanh 50 đô-la Mỹ hiện nay, dự trữ ngoại tệ của nước Nga đã được dự báo sẽ giảm "không phanh" và nếu không có biện pháp hữu hiệu, nước Nga sẽ chỉ có thể đủ trụ vững trong vòng 2 năm. Để ngăn chặn việc người dân đi rút tiền hàng loạt khi giá đô-la Mỹ lên đến 60 và sau đó trên 70 rub ăn 1 đô-la Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nga đã từng phải tăng lãi suất tiền gửi lên đến 17%, một con số có thể coi là kỷ lục.
Lệnh trừng phạt của phương Tây không chỉ nhắm vào các cá nhân của nước Nga, mà đòn giáng mạnh vào kinh tế Nga còn ở việc ngăn chặn những nguồn vốn bằng ngoại tệ chảy vào Nga, cũng như xiết chặt các khoản nợ đến hạn mà DN Nga phải trả song không được đáo hạn. Điều này làm nguồn ngoại tệ không còn chảy tiếp vào nước Nga mà ngược lại, chạy ra khỏi nước Nga.
Tháng Hai năm nay, bà Tatiana Nesterenko, Thứ trưởng Tài chính Nga đã thông báo nước này sẽ phải tiêu tới 3,2 nghìn tỷ rub (52,36 tỷ đô-la) từ dự trữ quốc gia bao gồm luôn cả khoảng 500 tỷ rub đã dự trù cho ngân sách tiêu pha. Thu ngân sách quốc gia Nga giảm thấp hơn nhiều do giá dầu giảm và cả lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bà Tatiana Nesterenko cho biết Bộ tài chính dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này có thể lên đến 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thay vì mức dự kiến 0,6% trước đây.
Để đối phó, Nga đã đề ra chính sách xây dựng nền kinh tế tự chủ. Việc phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, nghĩa là giảm tỷ trọng hàng nhập khẩu từ nước ngoài và tự sản xuất được phần lớn các hàng hóa cho nhu cầu trong nước, đòi hỏi phải có sự đầu tư mới cho nền sản xuất công nghiệp và do đó, sẽ cần một lượng vốn không hề nhỏ. Trong khi đó các nhà đầu tư phương Tây lại bị ngăn cản bởi lệnh trừng phạt.
Vì thế, hiện nay, nước Nga gần như chắc chắn phải đi tìm thêm nguồn đầu tư từ các nước còn chưa chịu ảnh hưởng của lệnh trừng phạt - trước hết là Trung Quốc. Tháng trước, trong một hội nghị về đầu tư tổ chức tại thành phố Krasnoyask (thành phố ở Siberia), Phó Thủ tướng Nga ông Arkady Dvorkovich cho biết, Nga có thể cân nhắc cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc mua đến 50% cổ phần trong các công ty dầu khí Nga.
Trong hoàn cảnh quan hệ Nga - Phương Tây xấu đi do vấn đề Ukraine, lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục duy trì; thì rõ ràng TQ nổi lên trở thành đối tác quan trọng. Ông Dvorkovich nói: "Chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược với TQ và quyết định sẽ thúc đẩy quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Một hợp đồng khí đốt đã có và một hợp đồng thứ hai chắc chắn sẽ được ký."
"Hợp đồng thứ nhất" mà ông Dvorkovich đề cập chính là hợp đồng của Gazprom bán khí đốt cho Trung Quốc trị giá 400 tỷ đô-la Mỹ, với số lượng 39 tỷ mét khối khí đốt từ năm 2019, đánh dấu sự cố gắng của V.Putin xích lại gần Trung Quốc từ khi nước Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt. Từ trước đến nay, nước Nga chỉ có một hướng bán khí đốt duy nhất là sang châu Âu. Chính sách này của nước Nga, chính là một phần "Trục Đông" của nó - nhưng nước Nga đã không hoàn thành được phần lớn các thỏa thuận kiểu như thế này, và do đó đã xuất hiện những e ngại từ phía những nhà đầu tư châu Á trong việc cung cấp tài chính cho các công ty và ngân hàng Nga.
"Putin đang ở một tình thế khó khăn, và tăng cường quan hệ với Trung Quốc chính là giải pháp giúp ông thoát khỏi tình trạng khó khăn đó" - một quan chức cấp cao ngành dầu khí Trung Quốc, nhận định. "Trước đây, việc cho phép đầu tư vào hạ tầng dầu khí là rất khó từ phía tổng thống Putin, nhưng bây giờ thì tình hình đã thay đổi, cơ hội đã có."
Tổng thống Nga and Vladimir Putin và CEO của tập đoàn Gazprom, Alexey Miller. Ảnh: Gazprom.com
Đến đây, có thể thấy câu trả lời cho động thái "lạ" của Nga, yêu cầu Gazprom giảm giá khí đốt cho Ukraine, dần hiện rõ.
Động thái này cho thấy một điều là Nga đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực; để tìm cách lách ra khỏi lệnh trừng phạt của Phương Tây trong nỗ lực để kéo mình ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn. Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng giá khí đốt hoặc những khoản tiền khác từ khí đốt, để có được những nhượng bộ có lợi về chính sách của Chính phủ Kiev dành cho Moscow.
Năm 2009, một thỏa thuận khí đốt đã được ký giữa V.Putin và Cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko để Ukraine có thể tiếp tục được cung cấp khí đốt từ Nga. Ngay sau đó bà Tymoshenko đã bị kết án 7 năm tù. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, Moscow đảm bảo mức chiết khấu bán khí đốt cho Ukraine lên tới 30%, đổi lại là quyền tiếp tục được thuê quân cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea (nay đã thuộc về Nga.)
Từ khi cuộc khủng hoảng Crimea của Ukraine diễn ra đến nay cùng chiến sự tại vùng li khai Donesk và Luhansk, Ukraine đã tìm cách "cai sữa" khí đốt từ Nga. Tháng trước, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã nói nước này sẽ cố gắng đề nghị một khoản vay 1 tỷ đô-la Mỹ từ EU để xây dựng một hệ thống chuyển đổi sang dùng khí hóa lỏng mua từ châu Âu. Đây là một dự án khó khăn và khá dài hơi, chưa thể thực hiện được ngay lập tức, do đó việc tiếp tục mua khí đốt từ Nga vẫn là cần thiết.
Các đề xuất của Ủy ban châu Âu và Ukraine vẫn đang hướng tới việc Gazprom giảm giá khí đốt cho cả 6 tháng, nhưng Công ty Nga thì chỉ đồng ý với thời hạn 3 tháng. Thỏa thuận này chưa đạt được và gần như Ukraine chắc chắn sẽ từ chối nếu như Công ty Nga không nhượng bộ.
Hiện nay Ukraine đang lâm vào thế kẹt - họ đang có được gói viện trợ 40 tỷ đô-la Mỹ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng điều kiện của nó là tiến hành cải cách kinh tế của đất nước, trong đó có việc tái cơ cấu lại các khoản nợ - mà chắc chắn điều này sẽ dẫn đến thiệt hại cho các chủ nợ hiện nay của Ukraine.
Vấn đề là, Ukraine vẫn đang nợ của Nga. Nguồn tin báo của tờ Business Insider cho biết, khoản Ukraine vay từ Quỹ thịnh vượng của Nga do đã được trả 3 tỷ đô-la vào tháng Mười hai năm trước, nên Kiev hi vọng khoản nợ 5,2 tỷ đô-la sẽ phải trả cho Nga trong năm 2015 này, có thể sẽ thương lượng lại được. Tuy nhiên, do khoản vay này được tính là khoản "vay chính thức" nên mọi thỏa thuận thanh toán song phương (Ukraine và Nga) sẽ vi phạm định chế của IMF, đồng nghĩa với việc IMF sẽ không tiếp tục tài trợ cho Ukraine.
Như vậy "bác khó tôi cũng chẳng hơn gì" - Ukraine gặp khó thì kéo theo các nhà tài trợ Phương Tây cũng gặp khó theo, còn tình thế của nước Nga - Putin thì đã rõ ràng. Chúng ta hãy nhớ lại, chính V.Putin mới đây tiếp tục kêu gọi các tỷ phú Nga mang tiền về nước, cũng cho thấy kinh tế nước Nga đã bắt đầu thiếu hụt ngoại tệ. Phải chăng những động thái này, sẽ làm tình hình căng thẳng của cuộc khủng hoảng Ukraine, hạ nhiệt?
Theo Vietnamnet
EU chết đứng vì Ukraine "lật" thỏa thuận khí đốt với Nga Ngày 26-9 vừa qua, EU hào hứng tuyên bố, Moscow và Kiev đã đạt được bước đột phá trong đàm phán khí đốt. Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt với mức giá "mềm" hơn nếu Ukraine thanh toán một phần nợ cũ. Thông tin Gazprom sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ mét khối khí đốt trong...