Khi đọc sách cũng là bài tập về nhà
Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL thì mỗi năm trung bình 1 người Việt đọc không hết 1 cuốn sách (cụ thể là 0,8 cuốn).
Các tác giả nhí được vinh danh trong một cuộc thi viết sách cho thiếu nhi – ẢNH: PHAN QUỐC VINH
Đó chỉ là con số tương đối nhưng cho thấy tỷ lệ đọc sách của người Việt hiện nay quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Trong khi các nước, chẳng hạn ở Mỹ, văn hóa đọc ở trường học có nhiều điều để chúng ta học hỏi để nâng tỷ lệ người đọc sách ở VN.
Ý nghĩa của cuộc thi đọc học đường
Thấy con gái lớn buổi tối nào cũng dành 30 phút đọc sách rồi ghi ghi chép chép, tôi liền tò mò đến gần hỏi han. Cháu giải thích cho tôi nghe về chương trình thi đọc sách của trường mang tên “Mark Twain award reader” dành cho những học sinh (HS) đam mê đọc sách.
Cô thủ thư sẽ chọn 12 cuốn sách dành cho thiếu nhi được yêu thích nhất trong năm rồi khuyến khích các HS cùng dành thời gian ở nhà để đọc. Từ đó tổ chức một cuộc thi đọc học đường dành riêng cho HS trong trường.
Video đang HOT
Ở Trường Roscoe Wilson (bang Texas) nơi cháu đang học, đọc sách cũng là bài tập về nhà và HS phải trả lời trên mạng (gồm 10 câu) có liên quan đến cuốn sách. Dĩ nhiên mỗi sách sẽ có các thang điểm khác nhau, ví dụ sách ít chữ thì có ít điểm, sách càng dày thì càng nhiều điểm hơn cũng như tăng thêm điểm theo độ khó của ngôn ngữ.
HS nào đọc ít nhất 4 cuốn sách và trả lời đúng ít nhất 7/10 câu hỏi cho mỗi cuốn sẽ được vinh danh trên bảng thông báo của trường và tham dự buổi tiệc Mark Twain – tên một nhà văn nổi tiếng của Mỹ – được chiêu đãi bánh kẹo và nước hoa quả. Rồi tại đây các cháu sẽ cùng bình chọn ra cuốn sách nào được yêu thích nhất để đề cử giải thưởng “Mark Twain” dành cho cuốn sách được yêu thích nhất.
Mỗi HS được giáo viên chủ nhiệm phát bảng theo dõi việc đọc (reading log) để viết vào tên của sách, thời gian đọc sách này mỗi ngày và có phụ huynh ký nhận để nộp lại. Mỗi tháng nếu tích lũy được 360 phút (hoặc tùy vào số thời gian mỗi giáo viên chủ nhiệm quy định) thì sẽ được tặng thưởng 1 phiếu ăn pizza nhỏ miễn phí tại Pizza Hut (đây cũng là cách thức hợp tác giữa đơn vị kinh doanh và nhà trường).
Khi được số điểm tương ứng 25 – 75 – 100 – 150 cho đến 1.000 thì hiệu trưởng sẽ tặng các vòng đeo cổ có đính các ngôi sao, hình con vật… bằng nhựa xinh xắn theo chủ đề của cuốn sách với dòng chữ “I love reading” (Tôi yêu thích đọc sách) cũng như số lượng quà tặng này sẽ tương ứng với số sách được quy định đọc. Ngoài ra, các cháu còn có được cơ hội sưu tầm thêm các hình đính kèm nếu tiếp tục đọc những cuốn sách khác lọt vào danh sách đề cử tiếp theo đến cuối năm học.
Cho đến buổi tổng kết cuối năm, các HS mê đọc sách sẽ được hiệu trưởng trao giấy chứng nhận và vinh danh toàn trường với kỷ lục điểm mà bản thân mình lập được.
Việc đọc sách gắn bó hằng ngày
Ở Mỹ, HS được rèn luyện 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết xuyên suốt từ khi đi học mẫu giáo cho đến hết thời sinh viên. Ngoài ra, các bài tập liên quan đều định hướng đến việc kiểm tra các kỹ năng này thay vì phải học thuộc lòng, học vẹt mà không hiểu ý nghĩa.
Để rèn luyện kỹ năng đọc rồi tạo thành một đam mê đọc sách, ở mỗi phòng học của Trường Roscoe Wilson, giáo viên chủ nhiệm đều sắp xếp không gian tạo thành một “góc đọc sách” nho nhỏ trong lớp. Có cô giáo thì làm rèm công chúa và… gối ôm để tạo sự gần gũi, cô khác thì trang hoàng thành chiếc lều nhỏ với đốm lửa giả ở giữa tạo không gian ấm áp cho HS của mình. Nơi đây cũng có tủ sách chung để các bạn tự nguyện mang các cuốn sách ở nhà để vào đó rồi cùng trao đổi với các bạn cùng lớp.
Từ đó hằng năm giáo viên chủ nhiệm sẽ chọn ra các “young author” (nhà sáng tác… nhí) của lớp tham dự các cuộc thi sáng tác truyện, thơ của trường. Rồi vài bạn xuất sắc nhất thắng cuộc sẽ được tiếp tục đến tham dự “Festival sách” cùng với các bạn ở trường khác để trình bày các tác phẩm của mình trước các nhà văn nổi tiếng được mời đến đóng góp ý kiến. Đây là món quà hằng mơ ước dành cho những bạn nhỏ đam mê đọc sách và thích viết lách.
Có lẽ những điều này cũng giải thích được điều thú vị là lúc nào cô con gái tôi khi đi chơi xa cũng mang theo một con thú bông và một cuốn sách mà nó yêu quý…
Theo thanhnien
Lan tỏa "văn hóa đọc" trong cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nam
Gần 18h, ghé qua phòng đọc sách của Công an tỉnh Hà Nam, chẳng ngạc nhiên khi chúng tôi nhìn thấy bên những dãy bàn, nhiều chiến sĩ trẻ vẫn say sưa, miệt mài bên trang sách. Thi thoảng có tiếng rì rầm khe khẽ phát ra từ dãy bàn đọc nơi một tốp chiến sĩ trẻ đang túm tụm cùng nhau tra cứu tài liệu.
Thường xuyên có mặt trong phòng đọc sau mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, Thượng úy Nguyễn Trọng Tuân, cán bộ Phòng tham mưu, Công an tỉnh Hà Nam từ nhiều năm nay đã trở thành người bạn thân thiết của phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam này. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh Tuân vẫn không quên dành thời gian cho niềm đam mê đọc sách. Niềm đam mê đọc sách đã giúp anh Tuân rèn cho mình kỹ năng tư duy, phương pháp khoa học để tìm và sưu tầm tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuân cho biết, bản thân anh vốn thích đọc sách. Từ lâu, sách đã trở thành "người bạn" thân thiết với anh. Mặt khác cũng do yêu cầu công tác chuyên môn, đòi hỏi phải thường xuyên bổ sung các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bởi vậy sau giờ làm việc, anh và đồng đội luôn dành thời gian xuống phòng đọc để nghiên cứu tích lũy kiến thức xã hội, chuyên môn nhằm phục vụ hiệu quả công tác...
Có thể khẳng định, từ nhiều năm nay, phong trào đọc sách trong CBCS luôn được Công an tỉnh Hà Nam quan tâm duy trì. Để văn hóa đọc trở thành việc làm thường xuyên trong CBCS, nhất là đội ngũ cán bộ chiến sĩ trẻ, Công an tỉnh Hà Nam đã đưa nội dung xây dựng văn hóa đọc là một trong những nội dung của phong trào thi đua "Tự học, tự rèn" trong đoàn viên thanh niên và phong trào "Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy".
Trong các buổi giao ban đơn vị, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn hay giao ban công tác Hội phụ nữ, lãnh đạo đơn vị, Ban chấp hành chi đoàn luôn chú trọng việc tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể CBCS, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của văn hóa đọc, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật... đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác.
Theo Trung tá Phan Trọng Nhân, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Nam, hiện tại phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam có khoảng gần 5.000 đầu sách các loại, gồm: tài liệu, báo, tạp chí trong đó chủ yếu là các tài liệu nghiệp vụ, pháp luật, sách có giá trị về chính trị, văn hóa xã hội và sách nghiệp vụ Công an nhân dân. Hàng ngày, phòng đọc mở cửa từ 16h đến 18h, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập cho CBCS.
Một góc phòng đọc sách của Công an tỉnh Hà Nam.
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong CBCS, đội ngũ cán bộ thư viện Công an tỉnh Hà Nam đã luôn quan tâm đến nhu cầu tìm đọc của CBCS, để từ đó chủ động bổ sung nguồn tài liệu, số lượng đầu sách, đồng thời bố trí cán bộ phục vụ hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCS đến đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu.
Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại, đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt. Các Mác từng nói "Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa Cộng sản". Trong thời đại phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, văn hóa đọc đang dần dần mai một.
Mục đích phát triển văn hóa đọc là củng cố duy trì và thúc đẩy thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc, qua đó tìm kiếm thông tin, chắt lọc tri thức để vận dụng vào công tác thực tiễn. Xây dựng văn hóa đọc trong toàn lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã thực sự trở thành một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ngày càng phát triển mạnh, có chiều sâu. Đọc sách, báo đã trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi CBCS.
Để niềm đam mê đọc sách trở thành phong trào, các đơn vị Công an trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi CBCS có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc đọc sách. Đọc sách thực sự trở thành nhu cầu, là thói quen của mỗi người để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm xây dựng đội ngũ CBCS Công an Hà Nam vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Tâm Phạm - Phương Thảo
Theo cand
Trò chuyện cùng GS. Phan Văn Trường về người Việt trong môi trường làm việc quốc tế Buổi tọa đàm, trao đổi và lắng nghe những chia sẻ quý giá của Giáo sư Phan Văn Trường về những thuận lợi và khó khăn của người Việt trong môi trường quốc tế sẽ diễn ra vào lúc 9h thứ Bảy, ngày 26/01 tại Hội trường Trung tâm văn hóa Pháp - L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Chương trình trò chuyện...