Khi Đàn Xã Tắc bị… “giằng co”
Tại ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội), nếu không xây cầu vượt thì ùn tắc giao thông, còn xây lại lo… “hỗn” với tổ tiên.
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang nổ ra cuộc tranh cãi việc nên hay không nên xây dựng cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc (tại ngã năm Ô Chợ Dừa, Hà Nội). Nếu không xây thì khu vực này mãi ở trong tình trạng ùn tắc giao thông, còn xây thì nhiều người lại lo ngại phá vỡ cảnh quan khu di tích.
Câu chuyện về bảo tồn hay phát triển lại nóng lên giữa một bên là các nhà nghiên cứu văn hóa muốn gìn giữ di sản, một bên là những nhà quản lý muốn giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Dứt khoát phải làm
Nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa, từ lâu đã trở thành một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, xây cầu vượt tại đây là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện nay.
Ngày 25/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra văn bản kết luận chính thức đồng ý cho phép xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Chủ tịch yêu cầu tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện và lựa chọn phương án tối ưu nhất, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 5 năm 2013; công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng theo quy định.
Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) còn gửi văn bản “thúc” Hà Nội khởi công xây dựng cây cầu vượt tại đây. Ông Liên nhấn mạnh: Cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa dứt khoát phải làm. Khi hoàn thành, công trình sẽ giúp thông thoáng nút giao vốn luôn ùn tắc này.
Nút giao Xã Đàn – Nguyễn Lương Bằng (qua Đàn Xã Tắc)
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có quan điểm: Nếu có phải hy sinh một chút gì đó cho sự phát triển của con cháu thì vẫn phải chấp nhận. Chúng ta không bắn súng lục vào quá khứ, nhưng rõ ràng chúng ta phải thiên về một lựa chọn có lợi hơn.
Trong khi đó, ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng của Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ rất tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Dự án cầu vượt đó không vi phạm chỉ giới khu vực lõi I (tức vùng lõi) của di tích. Còn khu vực vành đai II, III là khu vực có khả năng được điều chỉnh. Hơn nữa, xây cầu không vì động cơ của cá nhân ai, mà nó phục vụ lợi ích của quốc gia, lợi ích của Thủ đô thì cũng cần phải cân nhắc phương án hài hòa.
Đi lên đầu tổ tiên
Trái với những nhà quản lý, hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa khi được hỏi, đều không muốn xây cầu bởi sẽ ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc.
Nhà nghiên cứu Văn hóa, GS.TS Trần Lâm Biền bày tỏ: “Tốt nhất là nên né đi, không nên vượt lên đầu tổ tiên. Đàn Xã Tắc là đàn gắn với Tổ tiên, gắn với trời đất. Giờ chúng ta dùng cây cầu cao hơn cả trời đất thì nước này lụi bại à?”.
GS Sử học Lê Văn Lan phân tích, cái tên Xã Đàn bắt nguồn từ việc tại đây có đàn Xã Tắc từ đời Vua Lý Thái Tông (năm 1048), để tế thần Đất và thần Nông – hai vị thần được coi là quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp.
Bốn mùa, nhà vua đều thân chinh chủ trì tế lễ để cầu được mùa. Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô Việt Nam và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn Đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Bản kiến nghị khẳng định, dưới lớp di tích Đàn Xã Tắc, còn có những di tích đầu tiên của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. Từ đó, Hội Sử học cho rằng, Đàn Xã Tắc là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản cần được bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khuyên rằng: Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.
Phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc gặp phải nhiều ý kiến trái chiều
Phát ngôn chấn động giới nghiên cứu
Trong lúc nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu cho rằng cần phải bảo tồn di tích này, ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo Cổ học bất ngờ khẳng định: “Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc”.
Để chứng minh điều này, ông Hảo nhắc lại thời điểm năm 2007, khi thi công đường Xã Đàn (Kim Liên mới), các cơ quan chức năng phát hiện có di tích. Sau đó, công trình giao thông phải tạm dừng để khoanh vùng mở hố khai quật, tìm vết tích của Đàn Xã Tắc. Nhưng dấu vết kiến trúc trong hố khai quật ấy không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc.
Trong trường hợp độ sâu của các lớp đất không có ý nghĩa trong việc xác định niên đại, người ta có thể căn cứ vào các vật liệu tìm thấy được ở đó. Nhưng không có chứng tích kiến trúc nào thể hiện đặc điểm của Đàn Xã Tắc.
Theo ông Hảo, đây chỉ là dấu vết kiến trúc nào đó có niên đại thời Lý, không thể nói là Đàn Xã Tắc.
“Nhà khoa học khi nói phải có cơ sở, không phải rằng cứ khoác lên mình chiếc áo “khoa học” rồi nói gì cũng bắt người khác phải nghe. Đã không đưa ra cơ sở khẳng định ở Ô Chợ Dừa có Đàn Xã Tắc thì không thể “đè” ra nói đây là Đàn Xã Tắc được”, ông Hảo nói.
Bên dưới tấm bia đá ở Ô Chợ Dừa không phải là Đàn Xã Tắc, có nó chỉ có ý nghĩa “nhắc nhở” ở phía Tây Nam Thủ đô có Đàn Xã Tắc.
Phát biểu này của ông Hảo làm choáng váng giới nghiên cứu sử và văn hóa dân gian. Nếu ông Hảo đúng, một loạt các nhà nghiên cứu khác đã sai khi khẳng định di tích này là Đàn Xã Tắc. Các cơ quan quản lý khác, từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho tới UBND TP Hà Nội cũng nhầm lẫn.
Ngày 26/4 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói về phương án xây cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa.
Ông Đam nói: “Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc là vi phạm Luật Di sản. Quan điểm của Chính phủ là không chỉ việc này mà bất kỳ việc gì đều không được vi phạm luật. Hà Nội quyết định việc đó và hôm nay có ý kiến như vậy, Hà Nội với trách nhiệm của mình sẽ trả lời có vi phạm hay không. Nếu báo chí và công luận cho rằng có vi phạm thì các cơ quan chức năng sẽ có ý kiến chính thức”.
Dường như, tranh cãi quanh câu chuyện xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc chưa ngã ngũ và ngày càng rối hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả những diễn biến mới nhất quanh cuộc tranh cãi này.
Theo 24h
Vụ Đàn Xã Tắc: Hội Sử học lên tiếng
Ngay sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chấp nhận phương án xây cầu vượt trên không gian Đàn Xã Tắc (đường Kim Liên mới, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản này cũng được gửi tới Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Ngày 25/4, Hà Nội phát đi thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo về dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa. Ông Thảo cho rằng, việc xây dựng cầu vượt là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị hiện nay.
Bản kiến nghị khẳng định, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Đàn Xã Tắc xác định những dấu tích của một phần kiến trúc truyền thống trong quần thể kinh đô của các triều đại Việt Nam, gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa.
Dưới lớp di tích Đàn Xã Tắc, còn có những di tích đầu tiên của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. Từ đó, Hội Sử học cho rằng, Đàn Xã Tắc là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản cần được bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia.
Hội Sử học nhận định, Hà Nội chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan khi chấp nhận phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Hội Sử học cũng cho rằng, cần thiết phải có quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với việc phát triển đô thị quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử như Hà Nội.
Phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc gặp phải nhiều ý kiến trái chiều
Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Sử học, lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được công bố với dư luận và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nếu thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để hướng dẫn và thu thập ý kiến thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương án khả thi và tối ưu hơn.
"Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó theo kiểu tình huống kéo dài nhiều năm. Làm cầu vượt trước mắt có hiệu quả nhưng nếu lạm dụng sẽ thành 'hội chứng cầu vượt', không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài", ông Quốc bày tỏ quan điểm.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan (trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản...) cùng với cơ quan lập dự án, nhằm trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.
Theo xahoi
"Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc" "Ở Ô Chợ Dừa không có Đàn Xã Tắc" - Đó là ý kiến của GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học. LTS: Trong lúc các nhà quản lý và khoa học tranh cãi việc xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) có thể ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc thì lại có...