Khi đại học là đường vòng đến thành công
18 tuổi, Anh Tuấn vào đại học theo khát khao của bố mẹ trước khi rẽ sang hướng khác và thành công. Người đàn ông 27 tuổi gọi 4 năm đại học là khoảng thời gian đi đường vòng.
9 năm trước, tốt nghiệp THPT, Anh Tuấn ( Nghệ An) hy vọng có thể theo học nghề đầu bếp. Suy nghĩ này vấp phải sự phản đối từ bố mẹ – những người chưa học hết cấp 3 vì gia đình nghèo khó nên luôn mong con đỗ đạt.
“Ông bà nài nỉ nhiều, cứ bảo chỉ những người học không nổi hoặc không có tiền mới đi học nghề. ‘Nhà mình có điều kiện, tội gì không học’, ông bà bảo thế thì học thôi”, người đàn ông 27 tuổi nói về quyết định mà anh gọi là “đi đường vòng”.
Bỏ bằng đại học làm trái ngành
Sau khi nhận bằng Kế toán từ một trường ở Huế, thay vì xin vào các doanh nghiệp, Anh Tuấn quay lại quê, bắt đầu công việc phụ bếp. Sau đó, anh học thêm nấu nướng rồi trở thành đầu bếp chính của nhà hàng trước khi tự mở quán riêng.
Anh Tuấn từ bỏ ý định học nghề bếp để vào đại học rồi quay lại con đường này sau khi nhận bằng cử nhân. Ảnh minh họa: Hướng nghiệp Á Âu.
Hiện tại, nhà hàng của anh làm ăn thuận lợi. Là chủ nhưng Anh Tuấn phụ trách việc nấu nướng là chính. Công việc quản lý, tuyển nhân viên, kế toán, anh thuê người phụ trách.
“Nấu nướng vừa là đam mê vừa là thế mạnh. Giờ bảo tính toán sổ sách, tôi không thể giỏi bằng nhân viên, dù cũng có bằng đại học”, ông chủ 27 tuổi nói.
Với anh, 4 năm học đại học trở thành thời gian “đi đường vòng”, trải nghiệm cuộc sống khác trước khi trở về con đường mình chọn từ đầu.
Quỳnh Như (25 tuổi, Hà Nội) cũng “cất bằng đại học” sau khi tốt nghiệp. Học ngành Kế toán, cô lại chọn nghề lễ tân khách sạn sau khi ra trường. Trải qua nhiều nghề trái ngành, hơn một năm nay, Như làm dịch thuật cho công ty bất động sản.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ bản thân yêu thích tiếng Anh nhưng từ năm lớp 10, cô được bố mẹ định hướng học khối A (Toán, Vật lý, Hóa học). Họ cho rằng khối này có nhiều lựa chọn khi thi đại học và người học khối A được xã hội “trọng dụng hơn”.
Như đăng ký thêm khối D1 nhưng không trúng tuyển. Trong thời gian học đại học và cả sau khi tốt nghiệp, cô vẫn miệt mài học tiếng Anh cho đến khi vốn ngoại ngữ đủ để theo đuổi sở thích, đồng thời có công việc ổn định, lương tốt.
Video đang HOT
Học đại học sẽ rất tốt khi đúng nguyện vọng và đam mê, năng lực của sinh viên. Những bạn trẻ “vào đại học bằng mọi giá” hoặc theo định hướng của người khác mà không chú ý đến năng lực của bản thân sẽ dễ “đứt gánh giữa đường”. Ảnh: B.D.
Trong khi đó, chưa hoàn thành chương trình đại học, V.H. (TP.HCM) đã xác định sẽ không theo công việc kỹ thuật, dù nam sinh 20 tuổi đang theo học trường khá có tiếng trong lĩnh vực này. Cậu ước mơ trở thành huấn luyện viên thể hình. Nam sinh cho biết chưa từng nói với bố mẹ về dự định của bản thân vì đây là nghề quá xa lạ với họ.
“Ngay cả một số bạn bè cũng cảm thấy tôi nên từ bỏ ý định vì nghề này quá bấp bênh, khó có thể gắn bó lâu dài”, V.H. chia sẻ.
Hiện tại, dù chương trình năm thứ ba khá nặng, cậu vẫn miệt mài tập luyện, chịu khó tiết kiệm “trợ cấp” từ bố mẹ để theo học PT (huấn luyện viên cá nhân) nhằm có kiến thức tốt về tập thể hình.
Xã hội còn trọng bằng cấp nhưng quan trọng vẫn là năng lực
Khi được hỏi tại sao không từ bỏ việc học đại học để tập trung con đường đã chọn, V.H. khẳng định bỏ học là “suy nghĩ viển vông”. Thứ nhất, gia đình chắc chắn phản đối. Thứ hai, cậu cũng cho rằng đã gắng đến năm thứ ba, sao không gắng thêm một năm rưỡi nữa.
“Kể cả công việc không cần đến bằng cấp thì có tấm bằng đại học vẫn chắc tay hơn. Người ta coi trọng mình hơn và nếu không thể theo nghề huấn luyện viên thể hình, mình vẫn còn đường lui”, V.H. giải thích.
Chọn đại học hay học nghề nên căn cứ trên các tiêu chí đam mê và phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Kể cả người không quá chú trọng tấm bằng đại học để khởi nghiệp như Anh Tuấn cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong xã hội hiện nay. Anh cho rằng nó giúp bố mẹ anh cảm thấy “nở mặt nở mày” với hàng xóm, bà con.
Người đàn ông 27 tuổi cũng khá lưỡng lự khi được hỏi nếu cho chọn lại sẽ vào đại học hay học nghề bếp bài bản. Người đàn ông này lý giải xét theo nguyện vọng cá nhân, đương nhiên anh muốn học nghề. Nhưng nhìn nhận tổng thể, đặc biệt nguyện vọng của bố mẹ và cái nhìn của xã hội, có tấm bằng vẫn hơn.
Anh Tuấn cho rằng nếu xã hội bớt trọng bằng cấp, người trẻ mới được giải thoát khỏi lối mòn và tự do lựa chọn con đường họ thực sự mong muốn. Hiện tại, đường có nhiều nhưng không phải họ thích đi là được mà còn nhiều rào cản. Anh đánh giá cao những bạn trẻ tự tin chọn học nghề, trong đó có cả nhân viên của mình – các bạn trẻ học nghề bếp từ năm 16 tuổi (chọn nghề ngay sau THCS).
“Điều mình muốn nhưng không dám làm còn các bạn ấy dám. Họ rất đáng ngưỡng mộ. Những người đó mới đủ sức thay đổi định kiến bằng cấp”, Anh Tuấn nói.
Cùng quan điểm, Quỳnh Như cho rằng trong nhiều trường hợp, bằng cấp vẫn là tiêu chuẩn để xã hội, nhà tuyển dụng đánh giá một người. Nếu không có bằng đại học, cô tin mình không thể có công việc hiện tại dù nó không liên quan trực tiếp kiến thức thời đại học.
Theo nữ nhân viên văn phòng, dù xã hội có phần thoáng hơn với học nghề và nhiều công ty coi trọng năng lực hơn bằng cấp, tấm bằng vẫn là thước đo đầu tiên để không ít người đánh giá ứng viên. Đơn giản, khi chưa làm việc trực tiếp, nhà tuyển dụng không thể nắm năng lực của ứng viên, nên họ thông qua bằng cấp để xác định khả năng học tập của người đó.
“Nhiều người nghĩ thời đại ‘phổ cập đại học’ mà không kiếm nổi tấm bằng thì kém lắm. Thế nên, chưa cần biết công việc sau này có liên quan đến ngành học, cần bằng đại học hay không, cứ học trước rồi tính”, Quỳnh Như thừa nhận mình vẫn sống theo ý kiến số đông với những định kiến xung quanh bằng cấp.
Theo Zing
Chọn nghề vào đời: Sự lựa chọn cân não
Người ta vẫn nói: "Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời". Điều này hoàn toàn chính xác. Đường vào đời không phải là độc đạo. "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome".
Để sống được và cao hơn nữa là để sống một cuộc đời hạnh phúc, thành công, chúng ta có rất nhiều cách thức và sự lựa chọn khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức và quyết tâm của mỗi người.
Điều cốt yếu nhất là chúng ta sẽ chọn học ngành gì, làm nghề gì để nghề đó có thể vừa nuôi sống được bản thân, mang lại cho chúng ta niềm vui, những cơ hội thăng tiến tốt lại vừa giúp ích cho cộng đồng và xã hội? Câu hỏi này không dễ trả lời.
Đứng trước thời điểm mang tính quyết định, các bạn trẻ cần tỉnh táo để có những lựa chọn phù hợp. Ảnh: Quang Vinh.
Có người may mắn chọn được nghề phù hợp ngay từ đầu nhưng cũng có những người phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, sức khỏe mới có được đáp án chính xác cho mình. Vậy, để chọn được một ngành nghề phù hợp, chúng ta cần phải làm gì?
Có ba tiêu chí quan trọng cần lưu ý khi lựa chọn nghề nghiệp:
1. Chọn nghề mình có thể làm tốt nhất.
2. Chọn nghề mình yêu thích nhất.
3. Chọn nghề xã hội đang cần nhất.
Trước ngưỡng cửa vào đời, mỗi người phải tự tìm hiểu, so sánh, cân nhắc và tự đưa ra quyết định cuối cùng cho riêng mình. Ở trình độ lớp 9 hoặc lớp 12, các em học sinh cũng đã đuợc trang bị một phông nền kiến thức và khả năng tư duy nhất định rồi.
Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã từng trải qua biết bao nhiêu ước mơ về nghề nghiệp tương lai. Bé trai thì hay mơ thành chú công an, bộ đội, cầu thủ, bác sĩ, luật sư... Bé gái thích trở thành cô giáo, người mẫu, ca sĩ, diễn viên... Ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai của trẻ con nhiều khi nó ngây thơ và hồn nhiên tới mức: ngày hôm nay vì ta thích ăn bim bim, kẹo mút... mà ta mơ lớn lên trở thành người bán hàng tạp hóa để được ăn quà vặt cho thỏa thích, ngày mai vì thích đọc truyện tranh quá ta lại đổi sang mơ trở thành chủ một hiệu sách thật to! Cái sở thích, đam mê nhiều khi nó rất dễ bị thay đổi. Vậy làm thế nào để biết mình thực sự đam mê công việc gì? Lại một câu hỏi khó được đặt ra.
Khi chúng ta làm một công việc mà chúng ta cảm thấy mình bị cuốn hút, càng làm càng say mê, tìm tòi khám phá, không thấy khó, không thấy khổ; càng khó, càng khổ càng hấp dẫn, thôi thúc bản thân muốn vượt qua mọi khó khăn để chinh phục những đỉnh cao của nghề; làm việc mà như đang tận hưởng, thưởng thức công việc, làm như không làm, luôn luôn có cảm hứng sáng tạo để phát triển... thì đó đích thực là một công việc dành cho bạn. Nhưng vấn đề là chúng ta phải quyết định chọn một nghề khi chúng ta chưa hề được làm thử mà hoàn toàn chỉ tìm hiểu nó trên lý thuyết, qua hình ảnh và quan sát từ người khác mà thôi thì sự nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra.
Thật chẳng có gì sung sướng bằng việc chúng ta được tự do chọn nghề, chọn công việc theo đúng sở thích, năng lực của mình. Đấy gọi là "người chọn nghề chủ động", chúng ta được quyền tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Nhưng cũng có rất nhiều người phải "chọn nghề thụ động", tức là chọn nghề theo hoàn cảnh, theo ý muốn và sự sắp đặt của người khác mà cụ thể là bố mẹ. Chỉ vì bố mẹ hoặc người thân công tác lâu năm trong nghề, có sẵn "suất thế chân" hoặc có mối quan hệ ngoại giao tốt để xin việc sau khi con ra trường nên chọn học ngành đó. Có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là mơ ước của tất cả mọi học sinh - sinh viên. Có em học sinh nhà nghèo quá, không đủ tiền ăn học mấy năm trời nên quyết tâm thi vào các trường được bao cấp trong suốt quá trình ăn học lẫn đảm bảo đầu ra, được bố trí việc làm sau khi ra trường như công an, an ninh, quân đội... mặc dù em thích làm nghề khác.
Nhưng dễ dàng xin được việc không có nghĩa là công việc ấy dễ làm, không phát sinh khó khăn. Bất cứ một ngành nghề, một công việc gì cũng có lúc nọ lúc kia, lúc thăng lúc trầm, có niềm vui và khó khăn riêng của nghề ấy. Nếu không thực sự yêu nghề, đam mê công việc, chúng ta sẽ không đủ kiên nhẫn để vượt qua thử thách, cảm thấy nhàm chán, dễ nản lòng, thối chí và bỏ cuộc. Phải làm một công việc mình không thích cũng giống như việc chúng ta phải chung sống với một người mà chúng ta không có tình yêu thương. Điều đó thật nhàm chán và tẻ ngắt, thậm chí như một sự tra tấn, cực hình.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, chúng ta cũng cần xét các yếu tố khách quan khi chọn nghề. Chúng ta làm việc tức là chúng ta bán sức lao động. Vậy thì chúng ta phải tuân theo quy luật "cung - cầu". Chúng ta không chỉ bán thứ chúng ta có mà cần phải bán thứ thị trường cần thì mới đắt hàng được. Nhu cầu nhân lực của xã hội không cố định, không bất biến mà có tính thời điểm, thậm chí thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ngành này, nghề này năm nay đang hot, thí sinh đâm đơn vào ầm ầm, điểm tuyển sinh cao chót vót, người làm nghề hái ra tiền nhưng có khi chỉ một vài năm sau nó đã trở nên lỗi thời, mất vị thế. Bởi vậy, để chọn được một nghề có tuổi thọ lâu dài cũng không hề đơn giản chút nào, nếu không nói là vô cùng cân não, có khi còn hên xui.
Thị trường lao động Việt Nam luôn luôn xảy ra tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ". Ai cũng mong mình đỗ đại học để được làm công việc trí óc, nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn công việc lao động chân tay thuần túy nên lĩnh vực sản xuất, thi công... luôn khan hiếm thợ có tay nghề, đặc biệt là thợ bậc cao. Nhiều cử nhân vừa ra trường đã ngay lập tức thất nghiệp. Người có điều kiện kinh tế thì tiếp tục theo học lên các bậc cao hơn để chờ cơ hội xin việc. Người bị thúc ép về kinh tế thì buộc phải vứt bằng cử nhân vào xó tủ để làm tạm công việc gì đấy kiếm sống qua ngày, cho dù trái ngành trái nghề hoặc lao động phổ thông. Thậm chí có nhiều người còn phải đăng ký học thêm nghề mới, lãng phí 4 - 5 năm trời ăn học đại học.
Để khắc phục tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ", hạn chế lãng phí chi phí đào tạo, để "cung" sát với "cầu" hơn thì Chính phủ đã phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025", trong đó đáng chú ý là: "Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS "rẽ ngang" sang học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học nghề ở trình độ cao đẳng". Đấy là chính sách vĩ mô từ trung ương. Còn bản thân mỗi học sinh cũng cần tự đánh giá năng lực của mình và tham khảo nhu cầu của thị trường lao động mà quyết định học tiếp lên cao hay rẽ ngang đi học nghề cho phù hợp.
Không có nghề nào không cao quý, không có nghề nào tự thân nó phân biệt đẳng cấp sang - hèn, sự phân biệt chẳng qua là do con người tự đặt ra và gán cho nó thôi. Mỗi một nghề chân chính đều có giá trị và sự cần thiết riêng. Tự mình làm việc để nuôi sống mình, mang lại lợi ích cho gia đình, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc thì đều được tôn trọng. Thầy cô, cha mẹ và các tổ chức giáo dục, các trung tâm môi giới - tuyển dụng lao động cần quan tâm, tư vấn, hướng nghiệp cho các em để các em có được sự lựa chọn đúng đắn nhất, sáng suốt nhất, sát với thực tế nhất. Để mỗi em sau khi học nghề, ra đời có thể nhanh chóng tìm được việc làm và làm việc bằng tất cả sự háo hức, say mê, nghiên cứu, cống hiến, chinh phục được nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp. Hay chí ít ra, cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được làm nghề mình đã chọn, đã học. Để mỗi giây phút, mỗi giờ, mỗi ngày, được sống và làm việc là niềm vui chứ không phải là áp lực hay gánh nặng trách nhiệm.
Bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào cũng phải trả giá. Có những sai lầm phải trả giá bằng cả một cuộc đời, không thể làm lại được. Sai lầm khi chọn nghề sẽ phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian, công sức và cơ hội thành đạt. Tôi mong các bạn trẻ khi đứng trước những thời điểm mang tính quyết định, hãy bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan để phân tích, lựa chọn và có được quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân mình. Khi thấy không phù hợp thì dám bước ra khỏi "vùng an toàn" để thay đổi và làm lại.
Phố Hoa
Theo daidoanket
Người trẻ đua nhau bỏ học Đại học để thành tỷ phú như Bill Gates nhưng có 8 sự thật về việc học của ông không phải ai cũng biết Với thành công ở thời điểm hiện tại, một câu nói của tỷ phú Bill Gates đã trở thành huyền thoại: "Tôi đã học mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu. Nhưng ngày nay, những người đứng đầu của các trường đại học tốt nhất là nhân viên của tôi". Từng tuyên bố sẽ trở thành triệu phú vào năm 30 tuổi....