Khi cô giáo trở thành “nỗi ám ảnh” của học sinh mỗi lần đến lớp
Mới đây, một đoạn clip được phát tán trên mạng, ghi lại hình ảnh một cô giáo mặc áo dài hồng cánh sen liên tục có những hành động đánh đập và véo tai hàng loạt học sinh trong lớp.
Được biết, người phụ nữ trong clip là cô giáo N.H.H. dạy ở lớp 2/11, trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM. Chỉ trong một thời gian ngắn, đoạn clip được phụ huynh lớp bí mật quay lại đã thu về nhiều lượt xem và khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên nhiều em học sinh bị giáo viên bạo hành.
TP.HCM: Phụ huynh bí mật gắn camera, cô giáo “lộ nguyên hình”
Ngay từ đầu năm học mới, học sinh lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) đã nhiều lần bị cô giáo N.H.H. tát, véo tai, dùng thước đánh và la mắng. Thậm chí, có những em sợ đến nỗi không dám đi học.
Để chứng minh thực hư câu chuyện có đúng như lời các em học sinh phản ánh hay không, một phụ huynh đã bí mật lắp đặt camera để ghi lại hình ảnh tại lớp học trong 4 ngày, từ ngày 27-8 đến 30-8.
Sau khi xem lại camera, tất cả phụ huynh đều sốc khi chứng kiến toàn cảnh cô giáo N.H.H. nhiều lần có hành vi bạo hành các em học sinh.
Cô giáo N.H.H. đánh, tát liên tục một học sinh (Ảnh cắt từ clip)
Tuy camera chỉ quay được một góc lớp khoảng 12 học sinh nhưng theo quan sát, trong suốt các tiết học, mỗi khi học sinh làm sai, cô giáo này lại gọi các em lên véo tai, tát và chỉ tay vào mặt mắng chửi. Khi giảng bài, nữ giáo viên cũng thường xuyên lớn tiếng quát nạt và tỏ thái độ giận dữ với các học sinh trong lớp.
Cô Đỗ Thị Sửu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã lên tiếng xác nhận có sự việc này đối với lớp 2/11. Cô Sửu cũng cho biết, trong ngày 9-9, phụ huynh học sinh đã gửi clip và đơn phản ánh cho nhà trường.
Được biết, lớp 2/11 hiện có khoảng 50 em học sinh. Ngay sau khi phụ huynh trình báo, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác của cô N.H.H. và đổi ngay giáo viên giảng dạy cho các em.
Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra xử lí.
Hải Phòng: 2 cô giáo bạo hành học sinh đến mức nhập viện
Cách đây vài tháng, vào sáng 8-5, Ban giám hiệu trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã tiếp nhận phản ánh của phụ huynh về việc cháu Hoàng Gia Đức (SN 2011, học sinh lớp 2A7) liên tục bị cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1987, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8) tát, đánh, gây bầm tím chân và mặt.
Ngay sau đó, nhà trường lập tức trích xuất camera để kiểm tra và xác định cô Trang có hành vi bạo hành đối với cháu Đức.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, chiều 15-5, mẹ cháu Đức lại tiếp tục đăng tải một clip ghi lại hình ảnh nhiều em học sinh lớp này cũng bị cô Trang tát, đánh trong giờ kiểm tra, trong đó có cả cháu Đức.
Video đang HOT
2 cô giáo đánh, tát và quát mắng các học sinh trong giờ kiểm tra (Ảnh cắt từ clip)
Ngoài cô Trang, trong clip còn có sự xuất hiện của cô Phạm Thị Vân (SN 1972, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A7 của cháu Đức) cũng vào trong lớp và dùng tay đánh hai cháu học sinh, khiến một cháu khóc rất to.
Bên cạnh việc tung clip lên mạng, mẹ cháu Đức còn đưa ra các hình ảnh kết quả khám bệnh của cháu (chảy máu tai, phù nề vùng mũi…)
Không lâu sau đó, Hội đồng kỷ luật trường Tiểu học Quán Toan đã thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô Nguyễn Thị Thu Trang và khiển trách đối với cô Phạm Thị Vân. Ngoài ra, Hiệu trưởng nhà trường cũng bị kỷ luật hình thức khiển trách.
Phụ huynh nên giáo dục con thế nào để tránh bị giáo viên bạo hành ?
Từ các vụ bạo hành trên, có thể thấy rằng, gần đây tình trạng này đang ngày càng tái diễn, khiến dư luận hết sức hoang mang.
Để tránh cho con bị giáo viên bạo hành, các bậc cha mẹ nên lưu ý một số điều sau:
Thứ 1, phải hiểu tâm lý con mình
Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung, cha mẹ nên kiểm tra trên cơ thể con thường xuyên xem có các vết bầm tím, trầy xước không. Nếu con thay đổi thói quen thường ngày hoặc có phản ứng lạ, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ.
Thứ 2, tập cho con có thói quen tốt
Chính cách dạy dỗ hàng ngày của cha mẹ sẽ hình thành thái độ của trẻ ở trên lớp. Giáo viên chắc chắn không thể có lí do gì để đánh mắng một học sinh ngoan ngoãn và chăm chỉ.
Ngoài ra, tính tự chủ và nề nếp trong sinh hoạt cũng có thể được coi là kĩ năng để trẻ tự bảo vệ mình.
Thứ 3, trước khi chọn trường cho con, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ thông tin. Khi chọn được trường phù hợp, phụ huynh nên tin tưởng, hợp tác với nhà trường và giáo viên.
Vậy, trong trường hợp dù phòng tránh kĩ càng mà con em vẫn bị giáo viên bạo hành thì phụ huynh cần bình tĩnh để có thể giải quyết vấn đề:
Thứ 1, phải tìm hiểu thật rõ bản chất sự việc, có sự đối chiếu thông tin của con với các bạn khác hay cán sự của lớp hoặc giáo viên khác trong trường. Thu thập đầy đủ bằng chứng để phản ánh lên nhà trường.
Thứ 2, cha mẹ nên có sự phối hợp với các phụ huynh khác để củng cố tiếng nói, bảo vệ quyền lợi cho các em học sinh.
Thứ 3, không nên có hành động quá khích khi đối diện với giáo viên bạo hành con mình. Dù trường hợp nào thì vẫn luôn có cách giải quyết thông qua hội phụ huynh, hội đồng nhà trường và pháp luật.
Theo anninhthudo
Giáo viên tát học sinh, nơi đuổi việc ngay, chỗ chỉ "ầu ơ"
Việc xử lý giáo viên dùng bạo lực với học sinh đang không có sự công bằng giữa các địa phương.
Thời gian qua, không ít vụ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh một cách thái quá khiến dư luân bức xúc. Nhưng cách xử lý với giáo viên mỗi nơi lại rất khác nhau.
Gần đây nhất là vụ việc cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng - Hải Phòng) khi giám sát giờ kiểm tra đã tát vào vùng thái dương và dùng thước kẻ đánh vào cẳng chân một học sinh lớp 2 của trường khiến nhiều người phẫn nỗ.
Cô giáo Trang khóc nức nở, nói lời xin lỗi gia đình em Đ. (Ảnh CTV)
Ngay sau đó ít ngày, cô Trang đã bị Ủy ban Nhân dân quận Hồng Bàng buộc thôi việc.
Còn trước đó, vào ngày 28/12/2018, tại trường tiểu học số 1 Hồng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, trong tiết kiểm tra môn viết, do em Trương Ngọc Hải (học sinh lớp 1/1) làm nhầm cả hai đề A và B (chỉ được chọn 1 đề) nên cô Lê Thị Hải (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1) đã tát vào mặt em này.
Sau đó, gia đình phát hiện cháu Hải bị ra máu tai nên đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy kiểm tra. Tại đây, bệnh viện xác nhận cháu Hải bị ra máu tai trong, cơ thể suy kiệt, tinh thần hoảng loạn.
Kết quả thăm khám tại bệnh viện quốc tế Trung ương Huế khám, chụp Xquang và làm các xét nghiệm có chẩn đoán ban đầu là cháu bị chấn động sọ não, cần phải nhập viện điều trị theo dõi dài ngày.
Đến tháng 2/2019, có kết quả xử lý cô Hải. Theo đó, cô Hải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. (1)
Ở một số địa phương khác, xuất hiện việc gia đình tố cáo giáo viên tát học sinh hàng chục chiếc nhưng kết luận cuối cùng ra sao thì dư luận lại không hề biết.
Liên quan đến cách xử lý có phần rất khác nhau giữa các địa phương, bên hàng lang kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, phóng viên đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu về vấn đề trên.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Đúng là việc xử lý giáo viên dùng bạo lực với học sinh đang không có sự công bằng giữa các địa phương.
Vì thế, theo tôi, nó đòi hỏi vai trò chỉ đạo và điều phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không để mỗi địa phương tự quyết như vậy.
Cần có một ba rem cho rõ ràng. Hành vi bạo lực với học sinh như thế nào là không chấp nhận được".
Hành vi bạo lực không nên được ủng hộ trong học đường. Tuy nhiên, chúng ta phải xét trên nhiều khía cạnh.Đại biểu Phong Lan khẳng định: "Tôi không ủng hộ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh.
Đôi khi ngày xưa các ông bà mình nói "con hư phải dạy". Dạy có nhiều biện pháp. Nếu như để giáo dục nó khác chứ đánh theo kiểu thú tính, thích bạo lực làm đau học sinh nó khác.
Nó đòi hỏi việc phổ biến, giáo dục, tập huấn giáo viên làm sao họ phải thấm nhuần việc đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo.
Chứ chúng ta cũng không nên để tình trạng tát học sinh, địa phương này thì đuổi ngay, địa phương khác thì ầu ơ cho qua cũng không hay".
Đại biểu Phong Lan chia sẻ thêm, chúng ta cũng phải công bằng về thông tin. Một số vụ việc xảy ra so với hàng ngàn ngôi trường, hàng triệu học sinh là thiểu số.
Và cũng nên thận trọng tuyên truyền để tránh việc học sinh tưởng mình là "ông trời con", giáo viên không được động vào, muốn làm gì thì làm.
Đại biểu Dương Minh Tuấn. Ảnh: Đỗ Thơm
Cũng nêu ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, học sinh có những cái nghịch ngợm là điều khó tránh khỏi.
Giáo viên có nhắc nhở, đôi khi có xử lý bằng hành động. Tuy nhiên, điều này cần hết sức hạn chế và không được xâm phạm đến thân thể học sinh như nhiều vụ việc đăng tải vừa qua.
"Hành vi vi phạm của cô giáo ở Hải Phòng, theo thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân địa phương đó có quyền xử lý. Còn ở địa phương khác, tùy theo trường hợp cụ thể, mỗi địa phương sẽ cân nhắc.
Hy vọng, Luật Giáo dục (sửa đổi) sắp được thông qua và các cơ quan chức năng khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ giảm thiểu tình trạng này.
Tôi đề nghị các tỉnh sát sao hơn nữa trong việc bồi dưỡng giáo viên làm sao hạn chế đến mức thấp nhất giáo viên phạt học sinh bằng đòn roi".
Tài liệu tham khảo:
(1): https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-giao-tat-hoc-sinh-lop-1-chan-dong-nao-bi-ky-luat-canh-cao-post195660.gd
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Khiển trách hiệu trưởng vụ cô giáo tát học sinh liên tiếp ở Hải Phòng Hiệu trưởng trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Trước đó, giáo viên đánh học sinh bị buộc thôi việc. Trao đổi với Zing.vn tối 22/5, bà Nguyễn Thị Nhất - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng - cho biết chiều cùng ngày, UBND quận này tổ chức họp kiểm điểm trách...