Khi “cáo” gửi chân
Xuất hiện trong cảnh ngộ con gái nhà nghèo đang bơ vơ giữa chốn thị thành xa lạ và… xin được cùng ở ghé, sau một thời gian ngắn “diễn kịch”, khi đã chiếm được lòng tin của những người ở cùng, “cô gái con nhà nghèo” kia bỗng dưng “biến mất” cùng toàn bộ tài sản của những người đã từng cưu mang mình.
Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng những thông tin này để trộm cắp tài sản
Chưa thấy lợi đã thiệt hại
Sau khi lên Hà Nội học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, để bớt gánh nặng cho bố mẹ, chị Nguyễn Thị Nga Linh, SN 1991, HKTT tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và bạn cùng phòng trọ là chị Lê Thu Hương, SN 1991, HKTT tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội hiện đang tạm trú tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đã dán thông báo tìm người ở ghép.
Video đang HOT
Vào một buổi chiều đầu năm 2011, 2 chị Linh và Hương nhận được điện thoại của một cô gái xưng tên là Lê Thị Tấm xin được ở ghép. Sau khi nghe kể hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em nên Tấm phải ra Hà Nội làm phụ ở quán cơm để kiếm tiền giúp gia đình nên chị Linh, chị Hương rất thương và đã đồng ý cho Tấm ở cùng. Biết Tấm là người quê Thanh Hóa với mình, lại cùng tuổi nên ngay từ lúc đầu Linh đã tin tưởng, xem Tấm như là em gái.
Ngay buổi tối hôm đó, sinh viên này đã mời Tấm ăn cơm và ngủ lại . Sáng hôm sau, trước lúc đi học, Linh và Hương đã tin tưởng giao chìa khóa phòng trọ cùng toàn bộ tài sản cho Tấm trông coi. Khoảng 9h cùng ngày, khi chị Linh đi học về, phát hiện chiếc máy tính xách tay trị giá gần 20 triệu đồng, toàn bộ đồ đạc, quần áo có giá trị của mình và Hương để trong phòng trọ cùng cô bạn đồng hương Thanh Hóa đã biến mất. Lúc này, 2 chị Linh, Hương mới biết mình bị lừa và đi báo với cơ quan công an.
Khẩn trương tiến hành điều tra xác minh, ngay trong buổi chiều hôm đó, các trinh sát hình sự Đồn Công an Mỹ Đình – Mễ Trì, huyện Từ Liêm cùng 2 chị Linh và Hương đã phát hiện Lê Thị Tấm ở tại ngõ 2, đường Phạm Văn Đồng thuộc địa bàn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Tại cơ quan công an, qua đấu tranh khai thác, Tấm thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản của mình và cho biết đã bán chiếc máy tính cho một đối tượng không quen biết với giá gần 10 triệu đồng. Số tiền trên Tấm đã trả nợ hết.
Đối tượng Lê Thị Tấm
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nhưng sớm đua đòi với bạn bè xấu, để có tiền tiêu xài, trong thời gian học THPT, Tấm đã nhiều lần “chôm” tiền của gia đình và tài sản, tiền của bạn bè trong lớp.
“Căn bệnh” trộm cắp đó đã theo Tấm cả trong thời gian học ở trường Trung cấp Y ở Nam Định. Sau nhiều lần lấy trộm tiền và tài sản của bạn cùng lớp, đối tượng này đã bị nhà trường đuổi học. Ra Hà Nội sống lang thang, do nợ nần nhiều, Tấm nghĩ ra chiêu lừa xin ở ghép để trộm cắp tài sản bán lấy tiền trả nợ. Với 2 cô sinh viên trẻ Linh và Hương do nhẹ dạ cả tin, suýt nữa làm gánh nặng nặng thêm.
Cần đề cao cảnh giác
Cũng tương tự trường hợp của 2 chị Linh và Hương nói trên, một buổi sáng cuối năm 2010, tỉnh dậy chuẩn bị đồ đạc đi làm, chị Bùi Thị Chiến, SN 1984, HKTT tại xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định – hiện đang tạm trú tại thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội phát hiện bị mất 1 thẻ ATM trong đó có số tiền tương đối lớn mà chị đã chắt chiu dành dụm trong gần 8 năm làm công nhân của mình.
Quá trình điều tra, Trạm Cảnh sát Trung Văn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đã làm rõ, thủ phạm trộm cắp và lấy tiền trong thẻ ATM của chị Chiến không ai khác chính là người bạn ở cùng phòng trọ mà chị coi như người thân – Phạm Thị Nhài, SN 1982, HKTT tại xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Cũng vì muốn tiết kiệm một chút tiền, chị Chiến và 2 người bạn ở cùng phòng đã dán quảng cáo tìm người ở ghép. Khi biết hoàn cảnh gia đình khó khăn của Nhài và “thành tích” đi làm ô sin từ năm 12 tuổi nên mọi người rất thương và đồng ý ngay.
Sau những tháng ngày “diễn kịch”, lợi dụng sự tin tưởng của chị Chiến, Nhài đã trộm cắp thẻ ATM của chị này đi rút tiền để tiêu xài. Được biết, cũng bằng thủ đoạn ở ghép trên, đối tượng này cũng đã thực hiện một số phi vụ trộm cắp tài sản trước khi xin ở ghép phòng của chị Chiến.
Theo một điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH – CAH Từ Liêm, Hà Nội, trong khoảng thời gian cuối năm 2010 và đầu năm 2011, trên địa bàn huyện Từ Liêm đã xảy ra một số vụ án có bối cảnh là việc ở ghép.
Phần lớn bị hại trong các vụ án này là những học sinh, sinh viên, công nhân nghèo từ các tỉnh xa về Hà Nội thuê trọ để học tập và làm việc, có nhu cầu ở ghép để giảm chi phí. Để hạn chế hoạt động của loại tội phạm này, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – CATP Hà Nội đã phối hợp với lực lượng nghiệp vụ của công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền tới các hộ dân cư có nhà cho thuê, nhắc nhở những người thuê trọ cảnh giác với thủ đoạn xin ở ghép để thực hiện các hành vi phạm tội.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo, nếu có trường hợp đến xin ở ghép, người cho ở cùng cần đến ngay điểm khai báo tạm trú, tạm vắng ở khu dân cư làm thủ tục để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo ANTD