Khi các bà, mẹ đi học xóa mù
Học để khỏi lăn tay trên xã, hát được karaoke, biết chữ như mấy cháu nội ngoại, viết được tên cha mẹ đặt cho mà xưa giờ không viết được.
Bấy nhiêu ước muốn đó là của các bà, các mẹ đang tham gia lớp học xóa mù chữ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế…
Đó là lớp học xóa mù chữ tại thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, do thầy Huỳnh Văn Hưng – giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang – phụ trách vào các tối thứ hai, tư, sáu mỗi tuần. Phần lớn học viên đã có cháu nội, cháu ngoại.
Lớp học xóa mù chữ do thầy Huỳnh Văn Hưng phụ trách ở Cự Lại Đông, Phú Hải, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế – Ảnh: Thái Lộc/Tuổi Trẻ.
Lớp có 32 o, mệ
Khi cả lớp đang đồng thanh đọc dãy chữ cái thì bà Tĩnh (64 tuổi) đọc sai hoài. Thầy Hưng nhắc nhở, bà nói: “Mắt tôi kèm nhèm, đọc không rõ, để tôi lên bảng đọc cho coi!”. Bước lên bảng, bà cụ đọc: “pờ, ku…”. Dưới lớp có tiếng vọng lên: “Ku mô mà ku, quờ chớ!”. Cả lớp rộ cười…
Khi cả lớp đang ngồi vắt óc trước những dấu lớn, bé hay bằng giữa các con số của bài tập toán thì từ góc lớp, một cụ bà sang sảng kể chuyện làm toán của mình. Cả lớp nhìn sang, đó là bà Nguyễn Thị Hái (60 tuổi) kể với người bên cạnh.
“Đi chợ về, tôi đổ ngay bao ớt ra nền. Rồi lấy vở ra, làm theo, cộng mấy thì bỏ qua mấy trái. Trừ thì lấy lui. Bỏ qua bỏ về, cuối cùng loạn xạ, không tính được nữa!” – nói đoạn bà Hái cười ha hả khiến cả lớp cười theo. Thầy Hưng kể có lần thầy viết chữ “ọp ẹp” trên bảng thì có người nhắc: “Chữ răng mà kỳ cục rứa!”…
Lớp học đang nửa chừng, một cụ bà đến trễ, cụ vừa bước vào lớp thì có người đàn ông ngoài sân nói: “Già rồi mà mệ còn đi học, xấu hổ chưa!”. Cụ bà tức thì đáp trả: “Mắc chi mà xấu hổ. Phải động viên người ta đi học chớ. Học biết chữ còn đỡ hơn lên xã cứ lăn tay hoài à!”.
Thật ra, để đến được lớp học, không ít học viên phải vượt qua nhiều lời dè bỉu, trêu ghẹo. Một cụ kể có người nói thẳng mặt cụ rằng: “Sắp xuống lỗ rồi mà còn đi học làm chi”. Có trường hợp người ngăn cản dữ dội nhất chính là chồng, sợ vợ đi học xóa mù chữ làm… xấu mặt mình! Một số người đấu tranh vượt qua được để đến lớp, trong khi nhiều người khác thì đành ở nhà. Theo lời thầy Hưng: “Nhiều o, nhiều chị nói lúc mô chồng ra biển mới đến lớp học được. Nghe mà thương, quyền được đi học cũng bị cấm đoán, vô lý hết sức!”.
Theo thầy Hưng, 32 học viên trong lớp thầy dạy là rất ít so với con số mù chữ thực tế của xã Phú Hải. Dù nam giới chiếm phần lớn số người mù chữ nhưng cả lớp toàn phụ nữ. Theo thầy Hưng: “Xóa mù chữ cho đàn ông nghề biển vô cùng khó thực hiện. Cứ tối trời là lênh đênh ngoài biển đến trăng sáng mới về, không học được!”.
Anh Trần Vĩnh, người dân làng Cự Lại Đông, lý giải tình trạng mù chữ rất phổ biến ở quê mình rằng: “Hồi đó vùng ni rất cực, thường thiếu ăn. Làng toàn nghề biển nên con trai 4-5 tuổi đã theo cha ra biển làm nghề. Mà đã đi là đi mãi, khó ở nhà. Còn con gái ở nhà nội trợ, chăn nuôi, phụ mẹ phơi cá, làm mắm hay ngồi vá lưới suốt ngày. Vì rứa mà rất ít người được đi học chữ!”.
Mỗi người mỗi ước muốn
Hầu hết học viên cho biết trước đây do hoàn cảnh nhà nghèo, đông con, lại chiến tranh loạn lạc nên không có điều kiện học chữ. Sau năm 1975, chính quyền cũng có tổ chức lớp bình dân học vụ nhưng có nơi tổ chức vài tháng, có người lại bận rộn chỉ theo học ít bữa nên có học cũng như không.
Lần này, mọi người quyết chí học để “ra xã khỏi lăn tay”, tức khi đến UBND xã làm các thủ tục thì cầm bút ký tên chứ không phải điểm chỉ như lâu nay nữa. Với một cụ bà khác thì: “Thấy thằng cháu nội trong nhà giở sách ê a mà mình không biết chi, lắm lúc cũng tủi, cũng xấu hổ thiệt. Vì rứa mới gắng mà học”.
Hơn thế, nhiều bà, nhiều mẹ còn tham vọng hát được karaoke: “Mấy lần bạn bè rủ rê, trong khi chúng bạn hát tưng bừng thì mình ngồi chầu rìa, xếp xó vì không biết chữ!”. Hay như bà Nguyễn Thị Hoa mơ ước giản dị hơn: “Ba mạ (bố mẹ) sinh tôi ra đặt cho cái tên, rứa mà chưa một lần viết nó ra xem như thế nào. Lần ni thì phải học để viết tên cho bằng được!”.
Video đang HOT
Ước muốn biết chữ mãnh liệt bậc nhất trong lớp là bà Trần Thị Gòn, 59 tuổi. Bà đem mắm ruốc từ quê lên bán ở các xã miền núi huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), cách quê Phú Hải của bà chừng 50km. Bà cho biết mình đi bán trong mấy ngày liền, vừa về tức thì sửa soạn cơm nước xong là tới lớp luôn, để về ăn sau.
Đây cũng là lớp học mà bà mong chờ suốt 37 năm qua. Hồi trước còn chiến tranh, nhà quá nghèo, anh chị em đông, bà không được đi học. Năm 1978, sau khi lấy chồng chừng một năm, chính quyền mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ, bà cũng có tham gia và biết đánh vần, biết viết nguệch ngoạc vài ba chữ.
Bà Gòn lận lưng dăm ba chữ đi buôn mắm ruốc, phần lớn người mua thiếu, trong mấy tháng mới trả tiền một lần, buộc bà phải ghi nợ. Bà viết nguệch ngoạc, đôi khi đọc lại không hiểu mình viết gì, mà chỉ nhớ. “Vì rứa nhiều lần người ta cãi. Đưa chứng cứ (sổ) ra thì mình thua, vì không rõ ràng. Rứa là lần ni tôi quyết học chữ cho bằng được để mà buôn bán!”.
Vận động đàn ông đi học khó hơn phụ nữ
“Tỉ lệ mù chữ ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, nhưng thực tế các lớp xóa mù chữ chủ yếu phụ nữ tham gia. Trung tâm đã phối hợp với nhiều ban, ngành đi vận động tích cực, đến từng người nhưng các anh không đi học nên đành chịu. Việc tổ chức lớp học phải áp theo khung chương trình và thời gian, điều này không phù hợp với thời gian làm nghề biển, nên đàn ông gần như không đến lớp được. Ngoài ra, các anh còn mặc cảm, tự ái rất cao, khiến việc vận động đàn ông lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ không đạt kết quả mong muốn”.
Ông Tôn Thất Ái Đạm – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang
Theo Thái Lộc/Tuổi Trẻ
Chuyện trái khoáy ở 'điểm sáng' xóa mù chữ Vĩnh Châu
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được xem là điểm sáng trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thế nhưng, phía sau những con số báo cáo tròn trịa của địa phương, là thực tế trái ngược.
Ông Lê Văn Vui, Trưởng Phòng giáo dục thị xã Vĩnh Châu, cho biết, trong năm nay, thị xã đã huy động học sinh đến lớp đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Trừ một số em theo gia đình đi làm ăn xa, còn lại thì "hầu hết học sinh đều đã đến lớp".
Cũng theo ông Vui, năm rồi thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức xóa mù chữ cho 173 người, phổ cập tiểu học cho 525 người. Tất cả đều vượt chỉ tiêu được giao.
Trẻ em nghèo tại vùng bãi bồi xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu) hằng ngày phải ra biển mò cua bắt ốc kiếm tiền mua gạo thay vì được cắp sách đến trường - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Vui khẳng định địa phương không có trẻ đang độ tuổi đi học bị mù chữ: "Vì hằng năm chúng tôi đều huy động trên 99% trẻ em đủ độ tuổi tới trường. Chỉ có những trường hợp đặc biệt, vì điều kiện sức khỏe mới không thể đến trường!".
Vị trưởng phòng giáo dục này còn khẳng định nhiều lần với phóng viên Tuổi Trẻ là: "Thị xã Vĩnh Châu không có trẻ em vì hoàn cảnh gia đình nghèo mà không thể đi học, bị mù chữ".
Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
"Ý thức của người dân rất thấp. Hai ba năm gần đây sự quan tâm của các bậc phụ huynh cho con em đi học có đỡ lắm rồi. Chứ trước đây tỉ lệ mù chữ, học sinh không đi học cỡ 40 - 50% là chuyện thường! Hai chục năm về trước còn khổ nữa, ôi thôi không ai đi học luôn! Bây giờ đã tương đối rồi mà tình hình còn vậy đó. Khổ lắm!"
Ông Trần Tuấn Kiệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Hòa 2
Ngay đứa trẻ đầu tiên chúng tôi tiếp xúc tại ấp Đại Bái A (xã Lạc Hòa), hỏi đến việc học của em thì đã gặp ngay cái lắc đầu: "Con phải đi biển, không đi học được!".
Đứa bé 10 tuổi dẫn chúng tôi đến một xóm nhà ở gần khu vực bãi bồi thuộc ấp Đại Bái A, nơi em nói cũng có nhiều trẻ độ tuổi như em hằng ngày phải ra biển mò cua bắt ốc, thay cho cắp sách đến trường.
Gặp nhóm trẻ em từ 10 - 13 tuổi người còn ướt sũng vì mới từ biển vào, chúng tôi lấy quyển sách ra, bảo các em đọc thì em nào cũng lắc đầu nhăn nhó: "Con không biết chữ!". "Nhà con nghèo nên con không đi học. Con phải đi bắt ốc kiếm tiền mua gạo" - một bé gái 13 tuổi ngại ngần nói với chúng tôi.
Cách đó không xa, cũng tại ấp Đại Bái A, khi chúng tôi ghé vào một ngôi nhà thì nơi này có nhiều trẻ em đang túm tụm bên mớ ốc len còn đầy bùn đất. Trong số bảy em tuổi từ 7 - 14, khi được hỏi thì đến năm em không hề đến trường; một em học hết lớp 3 thì bỏ học; em còn lại buổi sáng đi ra bãi bồi bắt ốc, buổi chiều về học tại lớp học cạnh một ngôi chùa gần đó.
Chúng tôi phỏng vấn những em này về nguyên nhân bỏ học để lập bảng khảo sát, phần lớn các em đều trả lời không đến trường vì nhà nghèo, phải ở nhà để phụ giúp cha mẹ kiếm tiền.
Hai chị em Ly (9 tuổi), Trúc (7 tuổi) hằng ngày phải ra bãi bồi mò cua bắt ốc mang tiền về cho mẹ nuôi ba đứa em nhỏ - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Gia đình thất học
Thấy có người hỏi đến chuyện học, nhiều người dân ở Đại Bái A chỉ chúng tôi đến gặp một phụ nữ gầy còm đang bồng đứa con nhỏ xíu trên tay, đứng cạnh bờ kênh. Chị này đang đợi mấy đứa con đi bắt ốc ngoài bãi về, bán đem tiền về mua gạo. Chị tên Loan (30 tuổi), vợ anh Linh (25 tuổi), đã có với nhau năm đứa con.
Chị Loan nói cả hai vợ chồng chị đều không biết chữ. Nhà nghèo túng, anh Linh phải đi miền Đông xin làm công nhân, để chị Loan ở nhà với năm đứa con nheo nhóc.
Trong năm đứa con, có hai chị em lớn là Lý Thị Ly và Lý Thị Trúc hằng ngày phải ra bãi bồi bắt ốc len từ sáng sớm. Mỗi bữa bắt ốc len các em kiếm được hơn 20.000 đồng mang về giúp mẹ nuôi ba đứa em, đứa 5 tuổi, đứa 4 tuổi và đứa 5 tháng tuổi.
Nghe về ước mơ tuổi thơ của hai chị em Ly và Trúc thật buồn: thay vì mơ được cắp sách đến trường, các em chỉ ước mỗi ngày ra bãi bồi bắt được nhiều ốc để mang tiền về cho mẹ nuôi em.
Chị Loan nói nhà có đồng nào xài hết đồng đó, nên dù muốn cho mấy đứa con đi học, vợ chồng chị cũng không còn cách nào khác hơn. Năm đứa con của chị còn chưa đứa nào có giấy khai sinh, cả nhà đều không có hộ khẩu.
Mặc dù chúng tôi tiến hành khảo sát một cách ngẫu nhiên, nhưng khi thấy có người hỏi đến chuyện học hành, nhiều người dân chỉ đến nhà chị Sơn Thị Hồng Hoa (38 tuổi, ấp Đại Bái), chồng là Sơn Đãnh (41 tuổi).
Chị Hoa nói vợ chồng chị không biết chữ. Anh chị có bảy người con, con gái đầu là S.T.D. (18 tuổi) có học đến lớp 5 nhưng giờ vẫn không biết chữ. Sáu đứa con còn lại của anh chị hằng ngày ra biển mò cua bắt ốc kiếm sống. Hiện tại cả bảy đứa con không đứa nào được đến trường.
"Còn nhiều lắm chú, sợ không đủ giấy để ghi" - một người dân tại ấp Đại Bái bảo chúng tôi như vậy, và giải thích thêm: vì dân ở đây nghèo, con lại đông, đẻ ra thì cho chúng lội bùn kiếm tiền còn dễ hơn là tới trường học chữ!
Chúng tôi kể câu chuyện về hàng loạt những đứa trẻ ở địa phương đang độ tuổi đi học nhưng không được cắp sách đến trường, bà Kim Thị Thêm, trưởng ban nhân dân ấp Đại Bái, cho hay: "Nhiều lắm! Nhưng tôi chưa từng đi điều tra".
Bà Thêm nói năm ngoái có nghe trên báo về chuyện đi điều tra tình trạng bỏ học, nhưng bà chưa từng được đi. Bà Thêm cho biết một số hộ dân, như hộ chị Hồng Hoa mà chúng tôi vừa kể trên, các con không được đến trường vì... vợ chồng thiếu giấy đăng ký kết hôn, không làm khai sinh cho các con.
"Tôi bảo họ cứ đi làm, không phải trả tiền gì hết, nhưng họ không đi, nên con cái đâu có khai sinh" - bà Thêm lắc đầu.
Sự thật đáng buồn là vậy. Thế nhưng khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Cương, chủ tịch UBND xã Lạc Hòa, lại khăng khăng cho rằng việc vận động trẻ đến trường "xã đã vượt chỉ tiêu trên giao"!
Ông Cương khẳng định: "Xã đã phân công cán bộ xã cùng với ấp đi khảo sát từng hộ. Chúng tôi không dựa trên tàng thư nên bảo đảm chính xác".
Ở ấp Đại Bái A (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có nhiều em không thể đến trường vì hoàn cảnh khó khăn, trong khi báo cáo của địa phương rất đẹp - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sau khi ông Cương trình bày những thành tích giáo dục của xã đạt được, chúng tôi phản ánh lại với vị chủ tịch UBND xã về thực tế hàng loạt trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học, về những gia đình mù chữ trong xã mà chúng tôi tiếp xúc. Chỉ khi nghe vậy ông Cương mới thừa nhận: "Thực tế bên ngoài con số (bỏ học, mù chữ) lớn hơn. Nếu các anh chị đã đi khảo sát rồi thì con số này có thể lên đến 10%!".
Rõ ràng, để "làm đẹp" các bảng báo cáo thành tích giáo dục địa phương, con số trẻ em vì nhiều hoàn cảnh khác nhau không được đến trường, mù chữ... đều không được những người quản lý giáo dục, chính quyền địa phương đưa ra.
Với thực tế ghi nhận được, một lần nữa chúng tôi liên lạc lại với trưởng Phòng giáo dục thị xã Vĩnh Châu. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề thì ông Vui lảng tránh tiếp xúc. Do đó, sự khác biệt giữa những con số trong báo cáo tình hình trẻ em đến trường và thực tế diễn ra tại địa phương vì thế vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp từ những người quản lý giáo dục tại thị xã này.
Chúng tôi rất bức xúc!
Nếu báo cáo không đúng với thực tế thì có tình trạng chạy theo thành tích, phải nói thật như vậy. Chúng tôi rất bức xúc trước việc này.
Chúng tôi sẽ có kế hoạch điều tra lại tình trạng bỏ học của học sinh, tình hình công tác phổ cập, công tác xóa mù chữ... Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ có đánh giá và xử lý cán bộ tới nơi tới chốn nếu phát hiện có chuyện làm không trung thực, chạy theo thành tích. Nếu có sai thì cũng sẽ quy rõ trách nhiệm cá nhân tới đâu, phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, UBND thị xã. Khẳng định có chạy theo thành tích hay không thì sau khi điều tra lại UBND thị xã sẽ có kết luận.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên - Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu
Không kiểm tra, báo cáo thế nào cũng được!
Muốn có kế hoạch phù hợp thì chúng ta phải có số liệu chính xác. Để có số liệu chính xác thì chúng ta phải tổ chức điều tra, thống kê... Các tỉnh nên nghiêm túc kiểm điểm xem công tác điều tra, thống kê của chúng ta tốt hay chưa. Liệu có chuyện huyện thì nghe xã báo cáo, tỉnh thì nghe huyện báo cáo, thế nhưng không kiểm tra, báo cáo thế nào cũng được?
Tôi đã đến nhiều xã người ta không tổ chức điều tra (phổ cập giáo dục, xóa mù chữ - PV). Báo cáo số liệu thì chỉ để đối phó "báo cho có". Nhiều nơi làm rất tốt, đi đến từng gia đình, hỏi từng người, đóng thành sổ... Tuy nhiên cũng có những xã không đi điều tra. Có thể là sở GD-ĐT cấp kinh phí điều tra thì vẫn cứ tiêu, nhưng không tổ chức điều tra.
Ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT
Theo Tiến Trình - Thùy Trang - Chí Quốc/Tuổi Trẻ
Người thầy mở lớp dạy chữ miễn phí trên đỉnh Tây Côn Lĩnh Không bàn ghế, không ánh điện, không một đồng kinh phí trả thù lao, lớp học xóa mù chữ do thầy Vương Văn Hòa mở miễn phí trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) vẫn đều đặn đón những "học trò đặc biệt" khi màn đêm buông xuống. Lớp học dưới ánh đèn pin Phải mất gần ngày trời chạy xe từ thành...