Khát vọng tinh hoa
Điều làm nên sự khác biệt giữa TDTU với nhiều ngôi trường đại học hiện đại khác trong và ngoài nước, có lẽ nằm ở văn hóa đại học.
Đặt chân đến Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) Thành phố Hồ Chí Minh vào buổi sáng, chúng tôi như lạc vào một khu nghỉ dưỡng rợp bóng cây xanh với hàng rào hoa giấy thơ mộng bao quanh. Không có một mẩu rác nào ngoài một vài chiếc lá vàng vừa rơi trên cỏ.
Lối đi sạch sẽ, không gian yên tĩnh và trong lành, cách biệt với những ồn ào của một đô thị sầm uất nhất cả nước chung quanh nhà trường.
Cảm giác mới lạ, ngạc nhiên khi đặt chân đến một trường đại học công lập khiến chúng tôi tò mò hỏi cô Phó trưởng phòng Phòng Công tác học sinh sinh viên: làm cách nào TDTU duy trì được không gian sạch sẽ, trong sạch như vậy?
Cô cười chia sẻ: “Ở TDTU cũng có rác, nhưng không có người xả rác bừa bãi anh ạ!”.
Mỗi nơi chúng tôi đi qua, khi bắt gặp sinh viên các em đều cúi đầu chào khách. Cảnh tượng các em xếp hàng trật tự vào thang máy, lên thư viện, trước các box rút tiền của ngân hàng tại Trường, hay đến nhà ăn khiến chúng tôi ngạc nhiên.
Khuôn viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng không chỉ đẹp mà còn rất sạch, bởi nơi đây không có người xả rác bừa bãi
Thầy Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Giáo sư Furuta, người Nhật; là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật khi đến thăm trường, cũng đã rất ngạc nhiên về điều này.
Ở Nhật Bản, người ta vẫn giáo dục cho học sinh tiểu học, phổ thông cúi đầu chào người khác, nhưng khi vào đại học ít trường còn để ý đến văn hóa này.
Đây cũng là điều chúng tôi chưa từng thấy ở các trường đại học nào khác.
TDTU có mục tiêu tạo sự thay đổi và phát triển con người
Một trường đại học công lập không nhận ngân sách cho cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển trong hơn 20 năm mà có được một cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ, hiện đại như TDTU, là điều chưa từng có.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt giữa TDTU với nhiều ngôi trường đại học hiện đại khác trong và ngoài nước, có lẽ nằm ở văn hóa đại học.
Trong khi đội ngũ giảng viên, viên chức của trường tận tụy và trách nhiệm với công việc thì các sinh viên TDTU toát lên sự ngăn nắp, tôn trọng kỷ luật, lịch sự và lễ phép.
Đó là nguyên nhân khiến họ luôn chào hỏi khi gặp người lớn, không xả rác bừa bãi, chăm chỉ, năng động nhưng không gây ồn nơi công cộng.
Thăm Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày 05/09/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thành công của Trường trong 20 năm qua rất đáng tự hào, xứng đáng là lá cờ đầu của nền giáo dục Việt Nam
Làm thế nào để xây dựng được văn hóa này? Thầy Lê Vinh Danh cho biết: ban đầu sinh viên vào trường cũng rất lộn xộn nhất là ở học kỳ 1.
Nhưng nhà trường tập trung rèn cho các em nếp giữ vệ sinh chung, xếp hàng, tự quản ngay từ những ngày đầu và tiếp nối một cách kiên trì; cũng như yêu cầu giảng viên, viên chức phải làm gương trước để hướng dẫn các em.
Tất nhiên, không phải cứ treo nội quy lên tường là biến thành ước mơ thành văn hóa. Mới đầu người học có thể ít nhiều khó chịu; nhưng ngày qua ngày, họ biết đó là điều đúng, họ thay đổi thấy mình tốt hơn, được tôn trọng hơn, thì tự bản thân họ sẽ điều chỉnh hành vi và ý thức.
Thời gian thay đổi lâu hay chóng phụ thuộc vào thói quen đã tập nhiễm vào người đó trong bao lâu. Tuy nhiên, tất cả đều có thể thay đổi được, kể cả với những người lớn tuổi. Bí mật nằm ở sự kiên trì và làm gương.
Cũng không ít đơn vị đến thăm quan TDTU và ngỏ ý xin quy chế của Trường về áp dụng cho đơn vị mình, nhưng không thành công; bởi văn hóa không nằm trên quy chế giấy trắng mực đen treo khắp nơi trong trường; mà là sự kiên trì và nêu gương thực hiện mọi nơi, mọi lúc để tạo thành một môi trường đồng nhất; khiến mọi người khó có thể làm khác đi. Tuyệt đối không đánh trống bỏ dùi. Tất nhiên cần có cả sự thưởng phạt phân minh.
Video đang HOT
Văn hóa xếp hàng, chào hỏi và không xả rác nơi công cộng là điều đầu tiên dễ cảm nhận được khi gặp gỡ các bạn sinh viên TDTU
3 trụ cột có tính cốt lõi
Ngay từ khi đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư Lê Vinh Danh đã chủ động chọn triết lý, sứ mạng, mục tiêu, nguyên tắc ứng xử riêng cho Trường, hình dung cụ thể hệ giá trị cốt lõi của sinh viên TDTU để đặt nền móng văn hóa cho một đại học tinh hoa.
Đó chính là 3 trụ cột mà các sinh viên TDTU phải thuộc nằm lòng: học tập tốt để báo hiếu cha mẹ; tôn trọng luật pháp và quy định của Nhà trường; biết vì cộng đồng, vì tập thể.
Thầy Danh tâm niệm, gia đình là tế bào của xã hội, “bách thiện hiếu vi tiên”. Nếu chỉ xem trường đại học là nơi chắp cánh ước mơ, hoài bão cho sinh viên về sự nghiệp, về thành đạt; mà quên dạy các em ghi nhớ công lao cha mẹ tảo tần, vất vả lo cho con ăn học để xây dựng động lực học tập đúng đắn, thì trường đại học mới chỉ là nơi dạy chữ hoặc dạy nghề. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Đó là lý do chúng ta thường nói đến “văn bản pháp qui”.
Sinh viên TDTU được giáo dục lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, tôn trọng nội quy Nhà trường và pháp luật Nhà nước, khi ra đời sẽ là một công dân tốt, tuân thủ kỷ luật; điều mà đất nước, đơn vị sử dụng lao động rất cần; bên cạnh hiệu quả làm việc và thái độ trách nhiệm.
Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng do giảng viên, sinh viên Nhà trường thiết kế theo phong cách trẻ trung, hiện đại, tiện ích, liên kết tài liệu với 9000 thư viện lớn nhất trên toàn thế giới
Trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng, chính tinh thần vì cộng đồng, không cá nhân ích kỷ sẽ giúp sinh viên tạo được giá trị riêng cho mình; sống và phát triển tốt với mọi người. Nhưng làm thế nào để thực hiện 3 trụ cột ấy?
TDTU đã xây dựng cho sinh viên của mình một chuẩn đầu ra cụ thể để đạt các trụ cột trên và sát với yêu cầu đòi hỏi của các nhà sử dụng lao động trong nước, khu vực và quốc tế.
Từ năm 2007, chuẩn ứng xử đạo đức đã được chi tiết hóa và được dùng để đo trong từng học kỳ về đạo đức của người học.
Từ năm 2008, TDTU đã chuyển loại hình quản lý giáo dục từ niên chế sang tín chỉ, đặt chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên từ TOEIC quốc tế 450 lên 500 điểm.
Năm 2012, TDTU chính thức đưa ngân hàng đề kiểm tra kỹ năng thực hành chuyên môn vào kiểm tra người học trước khi ra trường, bao gồm cả chuyên môn, ngoại ngữ và tin học.
Từ 2015 Khoa nào của TDTU cũng có chuyên gia và Nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi chuyên môn và ngành nào cũng có dạy học bằng tiếng Anh.
Kể từ 2014, sinh viên TDTU có việc làm trong 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt hơn 95%, tỉ lệ này tăng lên 98,15% năm 2016 và 99,3% năm 2017 với đa số các ngành đạt 100%.
Kể từ 2018 trở đi, TDTU đã cam kết với xã hội và người học rằng 100% sinh viên tốt nghiệp từ trường có việc làm trong vòng 12 tháng. Một trí tuệ mẫn tiệp, một tài năng chỉ có thể ươm mầm, phát triển và thăng hoa trên một cơ thể khỏe mạnh.
Đây là lý do tại sao TDTU đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng, sân vận động tiêu chuẩn FIFA, hồ bơi, các sân chơi và các trang thiết bị đa dạng.
Quan trọng hơn, Nhà trường đã đặt ra yêu cầu bắt buộc mỗi sinh viên TDTU khi tốt nghiệp phải bơi được 50 mét liên tục, khuyến khích các em chơi giỏi ít nhất 1 môn thể thao và sinh hoạt trong các câu lạc bộ thiện nguyện, vì cộng đồng.
Cùng với hoạt động giáo dục quốc phòng, chơi thể thao trong câu lạc bộ không chỉ giúp sinh viên rèn luyện sức khỏe mà còn tập luyện phản xạ tương trợ đồng đội, hoàn thiện các kỹ năng làm việc nhóm và thói quen sống và làm việc tốt với mọi người.
Sáng mãi khát vọng tinh hoa thủa ban đầu
12 năm về trước, Giáo sư Lê Vinh Danh công bố kế hoạch phát triển với mục tiêu trong vòng 30 năm sẽ đưa TDTU lọt vào tốp 60 trường tinh hoa của châu Á hoặc tốp 500 đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới bởi các tổ chức xếp hạng có uy tín như ARWU, THE và QS; mang giải Nobel về cho Việt Nam.
Nhìn xuống hội trường, có một số người cười. Họ nghĩ, không biết vài năm tới có tuyển sinh được không mà lo chuyện viển vông 30 năm sau!
Lúc đó, thầy Danh đã nói với họ: khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe nhậm chức, ông báo cáo với Quốc hội Nhật Bản nội dung: 150 năm nữa nước Nhật sẽ tồn tại như thế nào? Bằng nguồn năng lượng và nguyên liệu ở đâu? Không ai nói ông Abe viển vông.
Người ta tin rằng có thể ông chỉ làm một vài nhiệm kỳ rồi thôi; nhưng nhiệm vụ của ông là phải suy nghĩ những vấn đề như vậy vì nó nghiêm túc và đó là nhiệm vụ phải làm của Thủ tướng.
Ngày 20/8/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng và trụ sở chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 1 năm xây dựng
Còn Nguyễn Du từng nói: “Thiên tuế trường ưu vị tử tiền” (trước khi chết lo mãi chuyện ngàn năm). Ông bà chúng ta từng đặt ra cái lo cả 1000 năm; tại sao giờ chúng ta không lo được cho tương lai 30 năm? Nhìn xuống, ông không còn thấy ai cười nữa. Vì sao Đại học Tôn Đức Thắng phải trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa? Vì nó muốn phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước và nhân dân Việt Nam, thầy Danh chia sẻ.
TDTU hình dung rõ và đầy đủ là “đại học nghiên cứu tinh hoa là đại học như thế nào, phải có những cái gì, đạt tiêu chuẩn gì?” chứ không mộng du, nên mới đưa ra con số 30 năm.
Bài toán đặt ra vào năm 2007 là: “muốn trở thành đại học nghiên cứu thì phải phát triển qui mô sau đại học, phải có đủ phòng thí nghiệm, lab cá nhân; phải có đủ nhân lực nghiên cứu sâu và mạnh, giỏi tiếng Anh để công bố quốc tế, phải có hợp tác quốc tế rộng rãi để liên kết nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế…
Muốn có những điều trên, thì phải có nguồn thu, bởi TDTU không nhận tài trợ chi thường xuyên và chi đầu tư từ Nhà nước và Công đoàn từ ngày đầu thành lập đến nay; làm gì cũng phải tự lo bằng chính tích lũy của mình hoặc vay ngân hàng thương mại.
Muốn có nguồn thu thì phải tập trung cho đào tạo đại học theo hướng thực hành, nghề nghiệp nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường làm việc tốt, thành công để xây dựng uy tín bền vững; từ đó mới chắc chắn được nguồn thí sinh lựa chọn vào học ở Trường…”.
Không khó để thấy rằng giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt Giáo sư Lê Vinh Danh vạch ra cho TDTU từ 2007 không thật sự tương thích. Nhà trường đã được xây dựng trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn.
Thành tựu không thể tưởng tượng nổi
Vào năm 2008, TDTU là một trường nhỏ cả về qui mô nhân lực, sinh viên, ngành nghề, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; và không có gì về khoa học công nghệ.
Nhớ lại việc này, một Tổng biên tập tờ báo lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh từng nói: vào năm 2008 ông không biết đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cũng không có nhu cầu muốn biết.
Trụ sở chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
10 năm sau, mọi cái đã thay đổi một cách không thể tưởng được. Từ chỗ Trường có được 9 phòng ban chức năng, 10 khoa, 2 trung tâm khoa học-công nghệ, 1 tạp chí tiếng Việt vào năm 2008; đến 2018, đã có một hệ thống giáo dục và khoa học-công nghệ với 61 đơn vị trực thuộc gồm: 17 khoa; 05 Viện nghiên cứu; 18 Phòng – Ban – Trung tâm chức năng; 01 Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, 02 tạp chí tiếng Anh phát hành toàn cầu; 12 Trung tâm khoa học-công nghệ; 05 cơ sở trực thuộc và 01 công ty.
Ngoài ra, còn có 63 Nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm và hàng trăm phòng lab lớn, nhỏ.
TDTU là đại học đầu tiên ở Việt Nam yêu cầu sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí khoa học-công nghệ quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus, nghiên cứu công nghệ phải có kết quả đầu ra đạt được Bằng sáng chế công nghệ của Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patents and Trademark Office: USPTO), và nghiên cứu ứng dụng phải được doanh nghiệp tài trợ hoặc tiếp nhận đưa vào sản xuất kể từ cuối kỳ kế hoạch thứ nhất.
Đến nay, TDTU đã đứng số 1 đất nước về nghiên cứu và công bố ISI/ Scopu/năm; vượt khá xa Viện hàn lâm khoa học Việt Nam và các đại học quốc gia.
Tính từ 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng sáng chế là của TDTU.
Về đầu vào, trước 2008, TDTU mỗi năm tuyển sinh hơn 1.000 sinh viên trong 12 ngành học ở cả 04 bậc đào tạo (sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp).
Tỷ lệ sàng lọc đầu vào lúc đó đi dần từ chỗ lấy 1 người nhập học từ 1 thí sinh dự tuyển (1 chọi 1), đến lấy 1 từ 4 người dự tuyển (4 chọi 1).
Đến những năm 2017, 2018, Trường mỗi năm tuyển sinh trên dưới 6.000 sinh viên với qui mô đào tạo hơn 23.000 học viên, sinh viên học tập trung trong 27 ngành đào tạo tiến sĩ, 18 ngành cao học, 39 ngành đại học, 23 ngành cao đẳng, 17 ngành trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ sàng lọc trong 3 năm gần đây là chọn lấy 1 sinh viên từ ít nhất là 10 thí sinh dự tuyển.
Với khởi đầu gần như bằng những bàn tay trắng, không có ngân sách nhà nước; chỉ có một ít đầu tư từ Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, TDTU sau 22 năm làm việc kiên cường và quyết tâm; đã xây dựng và tích lũy được một tổng tài sản khổng lồ cho đất nước.
Tổng quỹ đất Trường hiện có là hơn 100 ha với 6 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở và trang bị dạy-học-nghiên cứu đều là vốn tự tích lũy từ quá trình hoạt động.
Tính đến cuối 2018, Trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư vào cơ sở vật chất trên mặt đất hơn 3.500 tỷ đồng.
Điều quan trọng khác là từ chỗ không ai biết, không ai quan tâm đến TDTU vào năm 2008, sau 11 năm, Trường đã được ARWU xếp vào TOP 1000 đại học tốt nhất thế giới và là đại học số 1 Việt Nam năm 2019; được QS Asia Ranking xếp thứ 207 trong cả chục ngàn đại học của Châu Á năm 2020.
Trong nước thì giờ đây hầu như ai cũng biết đến TDTU như một đại học tự chủ thành công nhất, đại học có cơ sở vật chất và thư viện tốt nhất đất nước, đại học quốc tế tốt nhất; đại học được quản trị tốt nhất!
Giáo sư Lê Vinh Danh
Giáo sư Lê Vinh Danh học đại học và cao học Ngành kinh tế tại Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) và Viện kinh tế-chính trị thế giới (Việt Nam); nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học George Washington, Washington DC, Hoa Kỳ.
Ông từng công tác tại Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; từ năm 1998 đến nay chuyển về làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng bộ Đại học Tôn Đức Thắng.
Giáo sư Lê Vinh Danh được công nhận và bổ nhiệm giáo sư năm 2013; được Đại học Nanhua (Đài Loan) cấp Bằng tiến sĩ danh dự về quản trị đại học; được Đại học Tomas Bata in Zlin (Cộng hòa Czech) công nhận Hiệu trưởng danh dự Đại học Tomas Bata.
Hiện nay ông là thành viên Hiệp hội quản trị tài chính quốc tế (FMA), Hiệp hội kinh tế Hoa Kỳ, Viện hàn lâm khoa học xã hội và chính trị Hoa Kỳ, đương kim Chủ tịch Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế gồm TDTU và 9 đại học nước ngoài (thuộc TOP 1000 thế giới) Nhiệm kỳ thứ nhất.
Thầy Lê Vinh Danh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động hạng 3 và hạng 2; được Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương lao động hạng 3.
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net
Học sinh phổ thông trải nghiệm môi trường đại học trước ngưỡng cửa cuộc đời
"Giờ thì con biết mình muốn gì và hợp với ngành gì rồi. Phải có những buổi đi thực tế như vậy thì tụi con chọn nghề không sợ bị sai".
Không chọn chuyến đi trải nghiệm dưới hình thức du lịch khám phá như nhiều trường học khác, nhiều phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu thành phố Phan Thiết đã chọn chuyến đi trải nghiệm trong một số trường đại học cho con em mình trước ngưỡng cửa làm hồ sơ chọn ngành.
Học sinh khối lớp 12 được phụ huynh và nhà trường tổ chức đi thực tế tại 2 trường đại học (Ảnh CTV)
Gần 100 học sinh thuộc khối lớp 12 Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu đã được phụ huynh cùng nhà trường tổ chức cho đi thăm 2 trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Hutech.
Chi phí cho 2 ngày đi tham quan hết 300 ngàn/học sinh. Trong đó tiền xe hết 260 ngàn và 40 ngàn tiền lo cho tài xế.
Toàn bộ tiền ăn sáng, trưa, chiều cho học sinh đều do 2 trường đại học tài trợ.
Em Trương Công Lân học sinh lớp 12 A2 cho biết: "Tụi em vào trường được nhà trường cho đi tham quan các phòng chức năng, tham quan lớp học của sinh viên, phòng thí nghiệm và lên giảng đường để nghe các giảng viên tư vấn cặn kẽ từng ngành học.
Các thầy cô còn cho học sinh biết những ngành học hot, ngành học ra trường có khả năng xin việc cao.
Ngoài ra, thầy cô phân tích để chúng em tự định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình".
Khi nghe chúng tôi hỏi: "Em học được những gì qua những buổi trải nghiệm đó?", Công Lân cho biết: "Giờ thì con biết mình muốn gì và hợp với ngành gì rồi. Phải có những buổi đi thực tế như vậy thì tụi con chọn nghề không sợ bị sai".
Anh Trương Công Lương phụ huynh em Công Lân nói thêm: "Tôi thấy chương trình này rất hay.
Phải đi thực tế thế này, các em mới được mở rộng tầm nhận thức, chứ 12 năm chỉ quanh quẩn ở quê nhà nên việc chọn nghề cũng theo ngẫu hứng, như thế dẫn đến nhiều em khá thiệt thòi".
Được biết, sau chuyến đi của gần 100 học sinh vừa qua, nhiều phụ huynh khác bày tỏ muốn con họ cũng được nhà trường tổ chức cho đi thực tế vào các trường đại học để tham quan, tìm hiểu trước cuộc thi quan trọng bậc nhất của cuộc đời.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
8 đại học Việt Nam vào top 500 trường hàng đầu châu Á Việt Nam có tám trường đại học vào top 500 đại học tốt nhất châu Á, theo bảng xếp hạng QS Asia 2020. Theo PLO