Khát vọng của những người “bên kia nửa cuộc đời”
Hành trình theo con “chinh phục” con đường học hành, có không ít phụ huynh đã bước qua bên kia nửa cuộc đời. Có bao khát vọng của mình họ gửi gắm hết cho con.
Cận kề tuổi 60, bà có lẽ là một trong những mẹ lớn tuổi trong số những phụ huynh chờ con thi đại học. Đây là lần thứ hai trong đời bà trải qua cảm giác chờ đợi, lo lắng đến thế. Lần đầu tiên cách đây gần 19 năm – ngày sinh đứa con, mình người phụ nữ ấy đau đớn, tủi hổ – không người thân, không có người đàn ông của mình bên cạnh – hồi hộp chờ đứa bé ra đời. Bà làm mẹ đơn thân ở tuổi 40.
19 năm vừa làm mẹ làm cha, hôm nay người mẹ theo con lên thành phố đi thi đại học như lời bà nói là “chờ hái trái ngọt” trước ngưỡng cửa trường ĐH Kinh tế TPHCM. Dù bà nói rằng, con đỗ trượt cũng không sao nhưng nhìn vào đôi mắt kiên nhẫn hướng về phòng thi của con hàng giờ đồng hồ sẽ hiểu được mong mỏi của bà lớn gấp nhiều lần mọi người.
Cô Trần Thị Nga (ở Tiền Giang) cho hay nếu con chưa đỗ năm nay vẫn còn đủ sức đi cùng con trong các năm tới.
“Mong mỏi của tôi không đơn thuần là cháu đỗ đại học mà quan trọng là có nền tảng để con vững vàng vào đời mình mới có thể yên tâm. Cháu sinh ra đã thiệt thòi, chỉ có mình tôi mà tôi thì đâu thể ở mãi bên con”, bà tâm tư.
Cũng gần tuổi 40, cô Nguyễn Thị Việt (quê ở Bình Phước) mới sinh cô con gái thứ 2. Cậu con trai đầu đang là SV năm ba trường ĐH Sư phạm TPHCM đã giảm tải phần nào khát vọng “có con thành tài” của gia đình.
Nhưng với tấm lòng người mẹ, cô có nỗi lo riêng dành cho con gái. Dù chỉ là người phụ nữ vùng núi, qua năm đầu tắt mặt tối với công việc nương rãy, cô Việt quan niệm: “Ngày trước người ta không đòi hỏi phụ nữ phải học nhiều nhưng bây giờ bất kể là ai, nếu không làm chủ được cuộc sống, kiến thức… thì đừng mong đến hai chữ hạnh phúc”.
Với cô Trần Thi Nga (ở Gò Công, Tiền Giang) có con thi vào trường ĐH Công nghiệp TPHCM thì con trai chính là người “học cho cả con lẫn mẹ” bởi cô… không rành mặt chữ. Dù vậy từ khi con còn nhỏ, cô đã tạo mọi điều kiện cho con học hành không phải bằng kiến thức mà bằng kinh nghiệm sống. Nhờ vậy, con trai cô đủ chững chạc hiểu được việc học quan trọng đến mức nào.
Video đang HOT
Qua nửa đời người, nhiều phụ huynh vẫn dẻo dai mang khát vọng con đỗ đạt thành tài.
“Tôi hy vọng chứ bởi cháu đâu cho học cho bản thân, cháu đang học cho mẹ nữa. Tôi động viên miễn sao con cố gắng tốt nhất trong khả năng là mẹ mừng”, cô nói.
Người mẹ với nụ cười móm mém, làn da nhăn nheo ấy nói rằng mình còn rất khỏe, còn đủ sức để tiếp tục hành trình cùng con trong những năm tới hay trong bất kỳ lựa chọn hay quyết định phù hợp của con.
Mỗi mùa thi ĐH, CĐ hình ảnh các ông bố bà mẹ lặn lội theo con đến tận trường thi là những bức tranh ấn tượng nhất với tất cả mọi người. Những phụ huynh lớn tuổi với mái tóc bạc trắng vui vẻ chờ đợi con, lo lắng theo từng cảm xúc của con càng gây xúc động. Hình ảnh của họ dễ gợi lại cảm xúc về bố mẹ cho bất kỳ người nào đã trải qua những tháng năm học hành.
Cô Nguyễn Thị Trân, một giáo viên ở Q. 3 chia sẻ, đầu tuần rồi đi làm qua điểm học sinh thi ĐH, cô lặng người khi thấy cảnh một ông bố tóc bạc trắng đứng dựa vào cổng trường khắc khoải chờ con.
Mái tóc cha đã ngả màu bạc trắng.
“Trước đây, tôi cũng được ba đưa đi thi, hai cha con đi xe máy vượt hơn cả trăm cây số từ nhà lên thành phố. Mọi thứ dường như mới trong nháy mắt mà đã 13 năm rồi, giờ ba tôi đã 75 tuổi”. Kỷ niệm cũ dâng trào, lên đến cơ quan cô Trân lập tức gọi điện về cho ba.
Không xúc động sao được khi đã đến bến cuối của cuộc đời, họ vẫn nuôi hy vọng cháy bỏng con mình đỗ đạt như là “tâm nguyện” với cuộc sống của mình.
“Mong ước lớn nhất trong đời tôi là con mình học hành đến nơi đến chốn. Hai đứa con trước đã lỡ hẹn, năm nay tôi đặt niềm tin vào đứa út. Ước mơ của cha mình đành nhờ con thực hiện”, chú Thuận, 67 tuổi, có con gái thi vào trường ĐH Nông lâm TPHCM bộc bạch.
Hình ảnh phụ huynh theo con thực hiện ước vọng luôn gây ấn tượng, xúc động với bất kỳ ai.
Hoài Nam
Theo dân trí
Nhiều thay đổi trong năm học mới
Bước vào năm học mới 2011 - 2012, các trường ĐH có nhiều thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học tập và sinh hoạt của sinh viên (SV).
Nhập học sớm
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay trường sẽ nhập học sớm hơn một tuần so với năm ngoái để thời gian kết thúc học kỳ kịp trước khi nghỉ tết âm lịch. Cụ thể, từ 22 - 25.8 thí sinh (TS) trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học tại cơ sở 2 (Thủ Đức) và ngày 26.8 sẽ nhập học tại cơ sở chính (Q.10). Sinh viên (SV) các khóa cũ sẽ trở lại trường vào ngày 29.8. Cũng theo tiến sĩ Nam, để đơn giản hóa thủ tục nhập học, năm nay Bộ không yêu cầu TS phải nộp hồ sơ trúng tuyển khi được triệu tập nhập học. Với trường ĐH Bách khoa, TS trúng tuyển nguyện vọng (NV1) khi nhập học chỉ cần khai sơ yếu lý lịch với xác nhận của gia đình. Những TS trúng tuyển NV2 mới cần có sự xác nhận của địa phương. Toàn bộ SV năm thứ nhất sẽ học tại cơ sở mới của trường tại Thủ Đức. Tiến sĩ Nam cũng lưu ý: "Theo quy chế, nếu 15 ngày sau ngày gọi nhập học trong giấy báo trúng tuyển mà TS chưa tới trình diện sẽ bị mất quyền nhập học. Thời gian để TS làm thủ tục bảo lưu cũng phải được thực hiện trong vòng một tháng. Do vậy, TS khóa mới phải hết sức chú ý để không bị mất cơ hội đáng tiếc".
SV trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đăng ký môn học.
Trong khi đó, tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, SV từ năm 2 trở lên đã bắt đầu năm học từ ngay đầu tháng 8. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng đào tạo, cho biết: "Từ năm 2010, thời gian đào tạo của trường đã chuyển sang năm dương lịch. Mỗi năm sẽ có 2 học kỳ bắt buộc và 1 học kỳ hè. Học kỳ hè là cơ hội để SV tự do lựa chọn đăng ký để học vượt hoặc trả nợ môn. Học kỳ thứ nhất của năm được bắt đầu từ 1.8, nên thời gian bắt đầu năm học mới sẽ sớm hơn một tháng so với các năm trước đó".
Tại trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khi nhập học SV khóa mới sẽ được đăng ký lựa chọn nơi học cho phù hợp với điều kiện bản thân. Trường có 2 cơ sở học tập tại quận Thủ Đức và quận 7, SV đăng ký ở đâu sẽ học tập tại đó cho đến hết khóa học. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng đào tạo, nói: "Qua các năm, SV thường đăng ký học nhiều hơn tại cơ sở ở Thủ Đức, do ở đó nếu không ở ký túc xá SV cũng dễ dàng hơn trong việc tìm thuê phòng trọ và giá sinh hoạt cũng thấp hơn. Tuy nhiên, nếu SV đăng ký quá lệch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học vì quá tải. Do vậy, năm nay có thể trường sẽ đưa ra một số tiêu chí trong khi phân luồng ví dụ như ưu tiên cho các SV có nhà ở gần trường..."
Đổi mới chương trình
Không chỉ về thời gian và cơ sở vật chất, các trường cũng có nhiều cải tiến về chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho SV. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh thông tin: "Bắt đầu từ khóa nhập học năm 2011, chương trình đào tạo sẽ có đổi mới. Trước đây, số lượng môn học tự chọn trong chương trình chiếm rất ít, khoảng 2 - 3 môn học. Với khóa này, số lượng môn học tự chọn sẽ được nâng lên tới 15 - 20% trong toàn bộ chương trình đào tạo, trở thành một phần quan trọng nằm trong cấu trúc chương trình chính. Với các môn tự chọn này SV sẽ được tiếp cận kiến thức theo 2 hướng: chuyên sâu hơn vào ngành đang học hoặc đa dạng hóa thêm các kỹ năng".
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Điểm mới nhất của năm học 2011 - 2012 tại trường là áp dụng đại trà phương pháp dạy tích cực theo chuẩn đầu ra đến từng học phần. Giảng viên sẽ giảng dạy và đánh giá kết quả theo chuẩn đầu ra ở từng học phần chứ không chỉ dừng lại ở từng ngành học".
Theo PLXH
Ly kỳ chuyện 'người âm' đậu đại học Lê Phùng Đức, sinh ngày 16/9/1986. Ngày 21/1/2004, khi chưa học hết lớp 12 thì Đức đột nhiên qua đời. Kì lạ là 8 tháng sau ngày mất, gia đình Đức dồn dập nhận được những giấy báo Đức thi đỗ đại học. Nằm cách cầu Đuống khoảng 2 km về phía đông, khu tái định cư Quán Tình (dành cho mấy trăm...