Khát khao có con sau điều trị ung thư vú
Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở nữ giới, đặc biệt tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng trẻ hoá. Nhiều bệnh nhân chưa lập gia đình đã mắc ung thư vú.
Mong muốn làm mẹ
Chị Đ. A.Ng. – sống tại Hà Nội cho biết chị là bệnh nhân ung thư vú đã điều trị xong 3 năm trước. Chị Ng. phát hiện ung thư vú năm 29 tuổi. Lúc đó, vợ chồng chị vừa sinh được bé gái.
Sau điều trị ung thư vú, chị Ng. luôn khao khát có thể sinh thêm 1 đứa con. Tuy nhiên, cả nhà đều sợ nếu chị mang thai lần nữa thì nguy cơ tái phát bệnh sẽ cao hơn.
Cũng giống chị Ng, chị N.T. T.H sinh năm 1984, trú tại thành phố Lào Cai cũng điều trị ung thư vú từ năm 31 tuổi. Lúc phát hiện ung thư vú chỉ là tình cờ chị thấy 1 nốt nhỏ như hạt lạc, rắn chắc nên đi kiểm tra tại Hà Nội. Bác sĩ sinh thiết chẩn đoán chị bị ung thư vú giai đoạn 1 thể nội tiết.
Khát khao có con sau điều trị ung thư vú
Điều trị khỏi bệnh được 5 năm, chị H. luôn khao khát được làm mẹ lần nữa. Mỗi lần đi tái khám chị H. đều hỏi bác sĩ về chuyện sinh thêm một bé cho gia đình nhưng chị H. lo lắng thời gian hoá trị 20 liệu trình trong gần 1 năm sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và sợ ảnh hưởng tới bé khi sinh. Đây là điều chị H. vẫn chưa thể vượt qua rào cản sinh con thêm lần nữa.
Có làm bệnh tái phát không?
ThS.BS. Trương Thị Kiều Oanh – Đơn nguyên Nội theo yêu cầu III, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết có nhiều bệnh nhân ung thư vú cũng từng chia sẻ mong muốn được sinh thêm con như hai trường hợp trên.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Oanh hiện dữ liệu từ các nghiên cứu, việc mang thai sau kết thúc điều trị ung thư vú không làm tăng nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú.
Nếu bệnh nhân muốn có con, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân nên đợi sau kết thúc điều trị ung thư vú ít nhất 2 năm trước khi mang thai. Thời điểm tốt nhất để bệnh nhân mang thai sau kết thúc điều trị không rõ ràng, nhưng 2 năm được cho là khoảng thời gian để phát hiện bất kỳ sự tái phát sớm của bệnh ung thư, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mang thai của bệnh nhân.
Đối với phụ nữ bị ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, thời gian điều trị bổ trợ nội tiết thường được khuyến cáo là 5 đến 10 năm. Những phụ nữ muốn có con trong thời gian này thường được khuyên điều trị nội tiết bổ trợ ít nhất 2 năm trước khi ngừng và có ý định mang thai và sau đó bắt đầu lại sau khi sinh con.
Tuy nhiên, bác sĩ Oanh cho biết việc chờ đợi 2 năm không dựa trên dữ liệu từ bất kỳ nghiên cứu nào. Một số bệnh nhân ung thư vú vẫn có thể tái phát sau mốc 2 năm, hơn nữa việc gián đoạn lịch trình điều trị sẽ không đảm bảo được hiệu quả điều trị tối ưu.
Chính vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc giữa mong muốn sinh con và việc từ bỏ điều trị, cái nào là quan trọng hơn.
Bác sĩ Oanh cho biết đứng trước lời khuyên có nên từ bỏ điều trị để sinh con hay không bác sĩ cũng rất khó trả lời. Điều này phải dựa trên mong muốn thực sự của bệnh nhân và tình trạng bệnh ung thư vú của bệnh nhân như bệnh ở giai đoạn nào, độ tuổi nào, nguy cơ tái phát, tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao. Bệnh nhân phải thực sự khỏe và có tiên lượng sống thêm lâu dài thì mới nên có con.
Nếu bệnh nhân lo sợ việc chờ đợi sau kết thúc điều trị lâu thì tuổi sẽ quá cao khó sinh nở, thì bệnh nhân có thể chủ động dự trữ trứng trước điều trị và cân nhắc áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Bênh nhân nên xin ý kiến của bác sỹ điều trị ung thư và bác sỹ sản phụ khoa để được tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo bệnh nhân sau điều trị ung thư vú cần phải duy trì tinh thần tốt cũng như lối sống lành mạnh. Tăng cường thể dục, thể thao, ăn uống khoa học hợp lý, việc sinh hoạt vợ chồng cũng nên duy trì miễn là cơ thể cho phép. Cân bằng tâm sinh lý, quan hệ tình dục an toàn là việc tốt cho cơ thể. Luôn chú ý việc dùng các biện pháp bảo vệ để tránh việc có thai ngoài ý muốn trong quá trình điều trị ung thư.
Hoảng hồn vú sùi loét, phun máu thành tia sau 20 năm tự điều trị ung thư
Bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngực phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi. Trước đó 20 năm, bà đã sờ thấy khối u to như quả trứng chim cút.
Ngày 24/6, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết phẫu thuật thành công khối u vú cho ca bệnh rất đặc biệt.
Bệnh nhân là bà D.T.T (73 tuổi, ở ngay Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện có khối u bằng quả trứng chim cút từ 20 năm trước đó nhưng chỉ tự điều trị tại nhà như uống mật động vật, cao hổ cốt, xạ đen...
Khối u vẫn tiếp tục tiến triển theo thời gian. Đặc biệt 5 năm gần đây, ngực bệnh nhân trở nên bầm tím, lở loét, thỉnh thoảng rỉ máu, bốc mùi khó chịu nhưng bà vẫn không đến viện vì sợ cảnh mổ xẻ.
Chỉ đến khi ngực bên phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi, bà được người thân đưa đến BV Ung bướu Hà Nội khám.
Khối ung thư vú "khổng lồ" bị lở loét, ra máu
Tại đây, các bác sĩ thăm khám, xác định vú phải có khối kích thước 15x10cm xâm lấn da, nhiều hạch nách, xơ kẽ mô phổi hai bên. Kết quả giải phẫu bệnh xác định là ung thư.
"Khối u này nếu không được điều trị sớm sẽ tiếp tục phát triển, tăng sinh mạch gây ra máu nghiêm trọng, có thể xâm lấn gây hoại tử da, xâm lấn cơ ngực, nguy hiểm hơn là ung thư di căn các cơ quan bộ phận khác đe dọa tính mạng người bệnh", TS.BS Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa cho biết.
Vì thế, sau khi được chăm sóc giảm nhẹ, cầm máu, bà T. được chỉ định phẫu thuật tại khoa Ngoại Vú - Phụ khoa.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy khối u quá lớn, tăng sinh mạch, xâm lấn một phần cơ ngực nên ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ tuyến vú phải bao gồm cả khối u và vét hạch nách, đồng thời xoay vạt bụng tạo hình khuyết hổng thành ngực.
Đến nay, sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, vết mổ khô và được cho điều trị hóa xạ bổ trợ.
Bà T. cho biết, cắt bỏ được bên ngực to như quả bưởi, bốc mùi khó chịu, bà nhẹ cả người. Trước đó, vì sợ mổ xẻ nên bà không dám đi viện.
Bệnh nhân D.T.T sau khi được phẫu thuật cắt bỏ u
Theo TS Vũ Kiên, những trường hợp như bà T. ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách nên biến chuyển thành ác tính.
Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường ở tuyến vú hai bên và vùng nách hai bên như: đau vú, đau vùng nách, chảy dịch đầu vú, vú to bất thường, nổi u cục ở tuyến vú, thay đổi da vùng vú, tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú, nổi hạch nách cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chị em phụ nữ, đặc biệt ở ngoài tuổi 40 tuổi cần chủ động tầm soát ung thư vú khi chưa có triệu chứng, để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng. Ngược lại, phát hiện chậm trễ sẽ khiến điều trị phức tạp, tốn kém và nhiều biến chứng, di chứng dẫn đến tàn tật, khả năng sống sót thấp.
Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).
Tại Hà Nội, tỷ lệ này khá cao trong giai đoạn 2005-2008 là 40,3/100.000 dân và có khuynh hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Ung thư vú là loại bệnh có tiên lượng điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Ngày nay, nhờ ứng dụng nhiều kĩ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đạt 75%, ngang với Singapore. Phát hiện ung thư vú càng sớm, cơ hội chữa khỏi càng cao.
Mang thai 6 tháng sờ thấy hạch tưởng bị tắc sữa, mẹ lặng người khi đi khám Nhiều người nói chị Hiếu liều lĩnh khi chấp nhận cho bệnh ung thư tiến triển nặng để giữ lại đứa con thứ 3 nhưng với chị đó là những quyết định bình thường của một người mẹ, của tình mẫu tử thiêng liêng. Chị Phạm Thị Hiếu (37 tuổi) ở Hải Dương là mẹ của 3 bạn nhỏ Tuấn Anh, Phương Anh...