“Khát”… giáo viên tiếng Anh
Giống như nhiều địa phương trong cả nước, công tác tuyển dụng giáo viên tiếng Anh của TPHCM đang gặp phải những khó khăn nhất định. Năm học 2019 – 2020, nhiều quận, huyện thông báo tuyển dụng đợt 1, đợt 2… nhưng vẫn chưa tuyển đủ.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 trong tiết học tiếng Anh tăng cường
Theo lãnh đạo các trường, cần có cơ chế đãi ngộ tốt đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học; xem xét điều chỉnh lại tiêu chí tuyển giáo viên… để bảo đảm tuyển đủ, đáp ứng nâng cao chất lượng việc dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới.
“Vượt khó” tuyển giáo viên tiếng Anh
Tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 cấp tiểu học do Sở GD&ĐT TPHCM vừa tổ chức, đại diện Phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, TP đang tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GD thực hiện CTGDPT 2018. Theo đó, số lượng giáo viên toàn TP hiện có 21.508 người (trong đó công lập là 19.775 người). Tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,3 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy các môn học và dạy học 2 buổi. Đặc biệt, TP thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc… cấp tiểu học.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết, năm học 2019 – 2020, địa phương gặp khó khăn về tuyển dụng giáo viên Tin học và tiếng Anh. Đơn cử như năm học này, chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển trên chỉ tiêu 11 giáo viên tiếng Anh cần tuyển, nhưng 1 giáo viên không nhận nhiệm sở.
Tình trạng này cũng không khá hơn so với các quận, huyện khác. Quận 8, đầu năm học thông báo tuyển hơn 200 giáo viên, trong đó có 8 chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhưng không có người tham gia ứng tuyển. Hay ở quận Tân Phú, khối tiểu học cần 47 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 13 người. Liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên, ở quận 11, để chuẩn bị cho năm học mới, Hội đồng tuyển dụng giáo viên của quận công bố cần tuyển 21 người, chỉ tuyển được 2 ứng viên. Thế nhưng, đến ngày nhận nhiệm sở, cả 2 người này đều từ chối vì đã chọn công việc khác.
Theo đại diện các Phòng GD&ĐT, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, một số trường đã mời giáo viên thỉnh giảng, ví dụ giáo viên vừa nghỉ hưu, hợp đồng ở các trung tâm uy tín… “Huyện Bình Chánh nói riêng, cũng như một số quận, huyện đang khó khăn trong việc tuyển đủ giáo tiếng Anh tiểu học, do hồ sơ dự tuyển ít. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh ở khối tiểu học, đa phần các trường mời giáo viên thỉnh giảng, từ các trung tâm ngoại ngữ uy tín; hợp đồng với giáo viên bộ môn này đã nghỉ hưu”, thầy Nguyễn Văn Nguyện, nguyên Phó phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, nay là Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh cho biết.
Lý giải về việc khó tuyển dụng giáo viên, nhiều hiệu trưởng cho rằng, yếu tố đầu tiên là do các tiêu chuẩn tuyển giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh có phần “gắt gao” hơn so với khối trung học. Nhiều người dù đã và đang dạy hợp đồng được đánh giá về chuyên môn, có kinh nghiệm nhưng lại không đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn theo quy định tuyển dụng. Còn đối với những bạn trẻ mới ra trường, ở đô thị lớn như TPHCM, với khả năng tiếng Anh, họ hoàn toàn có cơ hội tìm việc làm khác thu nhập hấp dẫn hơn so với giáo viên tiểu học. Vì vậy, TP luôn “khát” giáo viên bộ môn này.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 trong tiết tiếng Anh
Xem xét, điều chỉnh quy định tuyển dụng giáo viên
Video đang HOT
Gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh khối tiểu học, cuối tháng 10 vừa qua, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét, điều chỉnh về tiêu chuẩn của giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh tương tự như quy định áp dụng đối với giáo viên THCS và THPT.
Cụ thể, về trình độ đào tạo đối với giáo viên THCS, THPT chỉ yêu cầu: “Có bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…”, trong đó khi yêu cầu về trình độ giáo viên tiểu học là: “Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, ĐH sư phạm tiểu học hoặc bằng CĐ, ĐH sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên”.
Đồng thời UBND TP cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, “không yêu cầu các trường hợp đã được tuyển dụng viên chức trước khi Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGĐT-BNV có hiệu lực thi hành đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch nói trên. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận cho sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức”.
Theo lãnh đạo Phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT TP), sở dĩ TP đề xuất việc điều chỉnh bởi quy định bắt buộc phải tốt nghiệp ngành sư phạm là một tiêu chí bó hẹp khiến việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cho bậc học càng ngày càng khó.
Ngoài ra, định biên chính là một rào cản trong tuyển dụng. Hiện nay, trường tiểu học dạy một buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 GV/lớp; trường tiểu học dạy hai buổi/ngày được bố trí tối đa 1,50 GV/lớp nhưng không bao gồm GV tiếng Anh. Nó chỉ gồm GV dạy nhiều môn: Thể dục; Mỹ thuật, Âm nhạc. Cho nên để tuyển GV tiếng Anh, các trường chủ động để GV chủ nhiệm dạy luôn các bộ môn trên. Vì vậy, cũng cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng về định biên giáo viên tiếng Anh tiểu học.
Bên cạnh rào cản về quy định tuyển dụng, theo nhiều trường, một trong những vấn đề dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiểu học tiếng Anh là chính sách đãi ngộ chưa hợp lý. Bởi theo quy định, giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh phải thực hiện định mức 23 tiết/tuần như các giáo viên khác mới nhận lương theo quy định và họ phải dạy trên số tiết nghĩa vụ mới được tính tiền phụ trội.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thủ Đức chia sẻ: “Với một người tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, có đầy đủ chứng chỉ về ngoại ngữ theo chuẩn, có năng lực tốt, họ có chấp nhận mức lương như hiện nay của ngành chúng ta không? Chưa kể số tiết theo nghĩa vụ, họ còn phải làm sổ sách, vào điểm, tham gia các công tác hỗ trợ khác. Vì vậy, cần có một đề án, cơ chế đãi ngộ riêng, khác biệt cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học để thu hút người tài”.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Nghệ An: Vì sao thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn khó tuyển dụng?
Nhiều năm nay, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nhưng, để tuyển được giáo viên Tiếng Anh lại không dễ dàng khi có quá nhiều tiêu chí gây khó. Đây là thực tế đang diễn ra tại huyện Nam Đàn và một số huyện miền núi của tỉnh.
Mòn mỏi chờ được tuyển dụng
Trường Tiểu học Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) hiện đã là trường chuẩn mức độ 2. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, mỗi lần nhắc đến việc dạy Tiếng Anh ở nhà trường, cô giáo Vương Thị Liên - hiệu trưởng nhà trường đều hết sức trăn trở.
Mặc dù đã là trường chuẩn quốc gia nhưng Trường Tiểu học Hoàng Trù chưa có giáo viên Tiếng Anh và phải hợp đồng thỉnh giảng. Ảnh: Mỹ Hà
Năm học trước, dù nguyện vọng phụ huynh nhà trường rất tha thiết cho con học Tiếng Anh nhưng do nhà trường không có biên chế giáo viên Tiếng Anh, giáo viên hợp đồng thỉnh giảng lại không có cơ chế thu thêm tiền để chi trả nên trường chỉ dạy Tiếng Anh được 2 tháng đầu năm và 2 tháng cuối năm. Thời gian còn lại, học sinh của trường không được học tiếng Anh dù trường đã được trang bị đầy đủ phòng học Tiếng Anh theo tiêu chuẩn.
Năm học này, việc dạy và học Tiếng Anh của nhà trường đã trở lại bình thường sau khi nhà trường đã hợp đồng thỉnh giảng được 2 giáo viên Tiếng Anh. Điều đáng nói, gọi là hợp đồng nhưng thực chất hai cô giáo này đều là giáo viên "cũ" của nhà trường, trong đó có người đã dạy 9 năm, người ít hơn thì đã 6 năm và đều được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực.
Trong đó, riêng cô Nguyễn Thị Kim Liên đã từng là giáo viên hợp đồng của huyện, sau đó chuyển sang hợp đồng ngắn hạn (ký một năm) và nay lại là hợp đồng thỉnh giảng (trả lương theo số tiết thực dạy) của nhà trường. Cô Kim Liên cũng đã từng được chọn là giáo viên cốt cán của huyện môn Tiếng Anh.
Liên quan đến giáo viên Tiếng Anh, sau hơn 5 năm gián đoạn, năm nay huyện Nam Đàn đã được UBND tỉnh phê duyệt 15 chỉ tiêu Tiếng Anh dành cho giáo viên tiểu học. Sau khi nhận được thông tin này, cô giáo Kim Liên và gần 10 giáo viên khác đang hợp đồng tại các nhà trường đều rất vui mừng. Tuy nhiên, đến khi xem các điều kiện để nạp hồ sơ thì rất nhiều người không đủ tiêu chuẩn theo như các tiêu chí đề ra.
Tiếng Anh luôn là tiết học đem lại sự hào hứng cho học trò. Ảnh: Mỹ Hà
Cụ thể, theo như kế hoạch tuyển dụng mà huyện Nam Đàn đưa ra trong năm nay thì giáo viên Tiếng Anh phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm Tiếng Anh, có trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương; có một trong các chứng chỉ trình độ ngoại ngữ thứ 2 đạt bậc 1 theo quy định của Thông tư số 01/2014/TT - BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ theo quy định...
"Khi biết huyện có chỉ tiêu tôi rất mừng. Nhưng nếu so với các tiêu chí thì tôi chưa đạt bởi tôi chỉ tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh và học thêm chứng chỉ sư phạm. Bây giờ hội đồng tuyển dụng yêu cầu tôi phải có bằng Đại học sư phạm thì mới xét tuyển thì thực sự quá khó vì tôi đã ngoài 30 tuổi. Còn về trình độ, kỹ năng sư phạm tôi nghĩ mình đủ tiêu chuẩn vì tôi đã có gần 10 năm kinh nghiệm và cũng đã được phụ huynh, học sinh và giáo viên ghi nhận".
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Nam Đàn
Thừa chỉ tiêu nhưng "khan hiếm" ứng tuyển
Trên toàn huyện Nam Đàn hiện đang thiếu khoảng 20 giáo viên tiếng Anh ở các nhà trường, chủ yếu là bậc tiểu học. Điều này, gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học và cũng đã ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Như trên địa bàn xã Kim Liên, hiện xã có 2 trường tiểu học. Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Hoàng Trù dạy chương trình Tiếng Anh tự chọn, trong khi đó Tiểu học làng Sen lại dạy chương trình 10 năm. Vì hai đối tượng học sinh khác nhau, nên năm học này khi học sinh lớp 5 lên lớp 6 ở Trường THCS Kim Liên, nhà trường không biết dạy chương trình nào cho hợp lý trong 2 chương trình Tiếng Anh 7 năm và Tiếng Anh 10 năm.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao - Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Sau này, để đảm bảo đúng như kế hoạch triển khai, hiệu trưởng nhà trường quyết định cho học sinh học theo chương trình 10 năm (học liên tục từ lớp 3 đến lớp 10). Với số học sinh học đuối hơn đến từ Trường Tiểu học Hoàng Trù, nhà trường phải cử thêm giáo viên và dành thêm thời gian để bồi dưỡng thêm cho các em vào các buổi chiều.
Thực tế trên cũng diễn ra ở nhiều trường học khác vì hiện nay 100% các trường THCS ở huyện Nam Đàn đều dạy chương trình 10 năm. Trong khi đó, số trường tiểu học dạy chương trình này chỉ mới 3 trường và nguyên nhân chủ yếu là do thiếu giáo viên. Hiện, trong số 45 giáo viên tiểu học thì chỉ có 12 giáo viên thuộc diện biên chế, còn lại là hợp đồng hoặc hợp đồng thỉnh giảng.
"Sau hơn một tuần triển khai tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, chúng tôi chỉ mới nhận được 3 hồ sơ của các ứng viên trong khi chỉ tiêu đưa ra là 15. Tôi cũng đã nhận được một số phản hồi từ phía giáo viên và các nhà trường nhưng việc xây dựng các tiêu chí là dựa trên các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các văn bản liên quan và chúng tôi không làm trái quy định...".
ông Lê Sỹ Kiệt - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn
Xung quanh việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh năm nay, những ngày qua giáo viên trong huyện đang còn nhiều ý kiến xung quanh việc phải có chứng chỉ B2 và tương đương. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ này hiện đang thực hiện theo hai hình thức: Chứng chỉ B2 quốc tế (do Cambridge English khảo thí và cấp chứng chỉ) và chứng chỉ B2 nội bộ (do 1 trong 8 trường đại học trong nước được phép cấp theo quy định của Bộ).
Trong khi đó, kế hoạch tuyển dụng của huyện Nam Đàn lại đang chung chung, chưa rõ ràng. Vì thế, nhiều giáo viên lo ngại, dù thời điểm này Hội đồng tuyển dụng của huyện vẫn nhận hồ sơ với những ứng viên có chứng chỉ B2 nội bộ nhưng họ không chắc chắn có được qua vòng sơ tuyển để bước vào thi tuyển hay không.
Trước đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non của huyện Nam Đàn cũng gặp nhiều khó khăn xung quanh việc phải có đủ chứng chỉ Tiếng Anh và chứng chỉ Tin học. Và trên thực tế, dù huyện có đến 27 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 2 giáo viên vì không đủ hồ sơ theo đúng như tiêu chí đưa ra.
Chỉ một vài trường học ở Kỳ Sơn được học tiếng Anh vì thiếu giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà
Về việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, qua tìm hiểu một số huyện cũng đang gặp những khó khăn tương tự vì thiếu hồ sơ. Như huyện Kỳ Sơn, những năm gần đây, năm nào huyện cũng có chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh nhưng đều không tìm được giáo viên. Ở huyện Tương Dương, ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho biết: "Chưa năm nào chúng tôi tuyển đủ chỉ tiêu Tiếng Anh vì quy định có bằng B2 là quá khó với nhiều giáo viên. Trong khi đó, giáo viên trẻ lại không mặn mà khi lên dạy miền núi".
Tại huyện Con Cuông, qua thực tế một số năm tuyển dụng với những tiêu chí tương tự, hiện huyện đã xin ý kiến các cấp và Sở Nội vụ để thay đổi một số quy định như không cần phải giáo viên có chứng chỉ B2 quốc tế, giáo viên cũng không cần có chứng chỉ ngoại ngữ 2.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: "Như năm nay, chúng tôi có 5 chỉ tiêu và cũng chỉ nhận được 5 hồ sơ. Quan điểm của huyện trong tuyển dụng là phải đúng các quy định nhưng không làm khó cho các ứng viên. Một số văn bằng, chứng chỉ nếu không thực sự cần thiết thì huyện sẽ không yêu cầu vì có thể dễ nảy sinh tiêu cực, thậm chí là làm đối phó. Quan trọng nhất là năng lực của giáo viên và kết quả giảng dạy ở các nhà trường".
Theo baonghean
Hà Tĩnh: Giáo viên chạy "sô", 2.000 học sinh vẫn 'thất học' tiếng Anh Vào học hơn 1 tháng song gần 2.000 học sinh khối lớp 3 ở huyện miền núi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chưa được học môn tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD&ĐT vì không đủ giáo viên. Một cô dạy nhiều trường Thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở huyện Hương Khê đã diễn ra từ 4...