Khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh giải pháp cho chất lượng
Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh của tỉnh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.
Học sinh Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) trong giờ học tiếng Anh.
Xuất phát từ chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, đồng thời thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025″. Thực hiện đề án này, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu kiện toàn và tăng cường năng lực đội ngũ GV tiếng Anh, nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong các trường phổ thông.
Vì sao phải khảo sát, đánh giá?
Có thể thấy, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục tỉnh ta đã tích cực, chủ động đổi mới về mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học các môn học nói chung, môn ngoại ngữ nói riêng trong các cấp, bậc học. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020″ của Bộ GD&ĐT, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường ở Thanh Hóa vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Thống kê điểm thi môn tiếng Anh của tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh (HS) đạt điểm khá, giỏi; 3,03% HS đạt điểm trung bình; 94,65% HS đạt điểm yếu kém. Năm 2016 kết quả thấp hơn chỉ có 0,46% HS đạt điểm khá, giỏi, 1,83% HS đạt điểm trung bình và có đến 97,71% HS đạt điểm yếu, kém. Đặc biệt, Thanh Hóa xếp thứ 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây. Đối với GV, hiện toàn tỉnh có gần 600 GV tiếng Anh cấp THPT, trên 1.000 GV cấp THCS và 654 GV cấp tiểu học. Tất cả GV dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, song, do được đào tạo bằng nhiều nguồn khác nhau như chính quy, tại chức, từ xa và từ nhiều trường đại học khác nhau trong cả nước nên chất lượng không đồng đều. Qua thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, số lượng GV tiếng Anh đang giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp các hệ đào tạo không chính quy lên tới 55,17%, trong đó THPT 26%, THCS 66,48%, tiểu học 73,04%. Trong khi đó, số lượng GV được đào tạo hệ chính quy trong giảng dạy vẫn còn nặng về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, khả năng tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng giao tiếp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn… Từ thực tế này, cần thiết phải xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025″. Và việc tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh được xem là giải pháp tất yếu để thực hiện có hiệu quả đề án trên. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ GV, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày 13-2-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn số 272/SGD ĐT-GDTrH, về kế hoạch cụ thể để tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực cho giáo viên Tiếng Anh trên địa bàn.
Quá trình khảo sát được triển khai thành 2 đợt: Đợt một (chiều 9 đến 10-3) sẽ khảo sát cho 630 người gồm giáo viên chưa đạt chuẩn; chưa tham gia khảo sát, đánh giá; giáo viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Đợt hai (20 đến 21-4) sẽ khảo sát cho 550 giáo viên tiếng Anh gồm số đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay.
Khảo sát để nâng cao chất lượng
Để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh cần thay đổi nhiều yếu tố như nhận thức về vai trò ý nghĩa của tiếng Anh trong mỗi cán bộ, GV, người dân, sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của xã hội và đặc biệt là phải nâng được chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh. Vì lẽ đó, ngay sau khi Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GD&ĐT tỉnh đến năm 2025″ được thực thi, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều công văn, hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh. Thực hiện kế hoạch, trong năm 2019, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh với số lượng 1.180 GV. Theo Công văn số 272/SGDĐT-GDTrH, ngày 13-2-2019 của Sở GD&ĐT, kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực được triển khai thành 2 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ triển khai khảo sát cho 630 GV tiếng Anh, bao, gồm: Số GV chưa đạt chuẩn; GV chưa tham gia khảo sát, đánh giá; GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Thời gian tổ chức khảo sát, đánh giá trong 2 ngày 9 và 10-3-2019. Đợt 2 sẽ triển khai khảo sát cho 550 GV tiếng Anh, bao gồm: Số lượng GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; GV tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay. Thời gian tổ chức khảo sát, đánh giá trong 2 ngày 20 và 21-4-2019. Đơn vị tham gia tổ chức khảo sát là Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước khi tổ chức khảo sát, đánh giá, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn cho GV tiếng Anh về quy định, quy chế, kỹ năng làm bài khảo sát tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành nhiều GV tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Đặc biệt là sau khi khảo sát xong nếu không đạt sẽ như thế nào?. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Nếu GV khảo sát lần đầu không đạt sẽ phải tham gia các lớp bồi dưỡng. Sau khi được học tập, bồi dưỡng xong, tổ chức, đánh giá lần nữa mà vẫn không đạt yêu cầu thì lúc này Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng sắp xếp, bố trí GV phù hợp. Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, quá trình tổ chức khảo sát, đánh giá Sở GD&ĐT sẽ tạo mọi điều kiện, không gây áp lực cho GV tham gia khảo sát, đánh giá. Về kinh phí khảo sát do tỉnh hỗ trợ, tuy nhiên, sau khảo sát, GV nào không đạt chuẩn thì phải tự túc kinh phí để đi học bồi dưỡng.
Việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025″ cũng như tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh thể hiện sự quan tâm của tỉnh, của ngành giáo dục đối với mỗi GV và sự phát triển của ngành. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, tạo điều kiện của tỉnh, của ngành, sự ủng hộ của các lực lượng xã hội, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự tích cực của GV trong dạy học, tự học và tự bồi dưỡng là không thể thiếu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò của người GV ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay. Như chúng ta đã biết, ngoại ngữ vẫn được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế, nên việc dạy học ngoại ngữ hiện nay là cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Từ sự nỗ lực, cố gắng của ngành, của các đơn vị nhà trường và mỗi GV, sự quan tâm, đầu tư kịp thời của ngành chức năng, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh ở các trường sẽ không ngừng nâng lên, từng bước góp phần thực hiện thành công Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025″, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% GV được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; 100% GV tiếng Anh các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Trong đó GV tiếng Anh tiểu học, THCS đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2); GV tiếng Anh THPT đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 (C1). 100% HS đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, HS lớp 5 cấp tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1); học sinh lớp 9 cấp THCS đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2); HS lớp 12 cấp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1).
Trong 2 ngày 23, 24-2, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên Tiếng Anh để các thầy cô giáo tự tin bước vào đợt khảo sát sắp tới. Đồng thời, trò chuyện để những giáo viên này yên tâm công tác trong thời gian tiếp theo.
Mong muốn qua đợt khảo sát sẽ đánh giá được đúng chất lượng giáo viên Tiếng Anh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ chuẩn bị rất kỹ lưỡng để việc khảo sát diễn ra nghiêm túc, khách quan. Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi khảo sát đã hoàn tất.
Phong Sắc
Theo baothanhhoa
Chuyện ghi ở ngôi trường học sinh đang nghe giảng bỗng bỏ chạy khi thấy đoàn thanh tra
Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy, cô giáo ở xã vùng cao Phước Bình vẫn hằng ngày "đồng cam, cộng khổ" để "gieo" chữ cho học sinh, nơi mà người dân có trình độ dân trí còn thấp, điều kiện đi lại hết sức khó khăn.
Clip giáo viên tâm sự về chuyện học ở vùng cao Phước Bình
Trong những năm qua, các em học sinh ở xã vùng cao Phước Bình được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhờ đó, không còn học sinh bỏ học giữa chừng. Thầy cô và cha mẹ đã nỗ lực xây dựng một môi trường học tập thân thiện, bổ ích cho các em.
"Bắt"... học sinh đến lớp
Những ngày đầu tháng 3, PV báo Người Đưa Tin đã vượt cung đường từ TP.Phan Rang - Tháp Chàm lên xã Phước Bình dài gần 100km để đến thăm trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Buổi lên lớp của thầy và trò trường Đinh Bộ Lĩnh. (Ảnh: Duy Quan).
Cũng giống như bao ngôi trường miền núi khác mà PV đã từng chứng kiến, thật khó có thể kể hết những vất vả mà giáo viên và học sinh nơi đây đã và đang trải qua: Điều kiện học tập thiếu thốn, cơ sở vật chất phục vụ học tập chưa đáp ứng đủ, việc đi lại của các em học sinh gặp nhiều trắc trở... Chính vì thế đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh.
Nhưng, bằng niềm tin và trách nhiệm các thầy, cô của trường Đinh Bộ Lĩnh đã cố gắng bám trường, bám lớp, miệt mài "gieo" con chữ cho các em học sinh và cố gắng đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi.
Được thầy, cô giáo vừa dạy chữ, vừa động viên không bỏ học, nên dù khó khăn đến mấy, lớp lớp học sinh ở xã Phước Bình vẫn đến trường học cái chữ.
Dẫn PV đi tham quan trường, thầy Nguyễn Như Hoài, Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Đinh Bộ Lĩnh vui vẻ nói: "Các anh chưa quen địa hình ở Phước Bình mà đã lặn lội đường xa đến đây thì thật đáng quý. Điều kiện dạy và học ở đây còn nhiều thiếu thốn. Mùa nắng còn đỡ chứ về mùa mưa thì dường như bị cô lập hoàn toàn do có nhiều con suối cắt ngang mặt đường nên rất khó đi".
Sau giờ lên lớp tập thể cán bộ giáo viên trường Đinh Bộ Lĩnh lại bắt đầu hành trình đi "bắt" học sinh ra lớp. (Ảnh: Duy Quan).
Kết thúc buổi tham quan trường cũng là lúc học sinh ca chiều tan trường, cứ sau mỗi giờ học là thầy Hoài và tập thể giáo viên của trường lại đến từng nhà động viên học sinh đi học, không ít lần phụ huynh còn to tiếng với giáo viên "Con tôi không thích đi học thì thầy vận động làm gì nữa".
Dù gian nan nhưng các thầy, cô xã vùng cao Phước Bình vẫn không nản chí, thường xuyên đến hỏi thăm, động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của con chữ. Nhờ đó, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em.
Theo chân các thầy trên con đường Tỉnh lộ 707, PV tình cờ gặp được em Katơr Trung (học sinh lớp 9B) đang bị cảm sốt nhưng lại đi bộ về nhà, thấy thế các thầy đã hỏi thăm nhà và chở em Trung về tận nhà. "Nhà Trung cách trường hơn 2km nếu mà để em đi bộ về đến nhà chắc xỉu giữa đường", thầy Nguyễn Như Hoài nói.
Hơn 45 phút, vượt qua nhiều con đường đèo quanh co, PV và các thầy giáo mới đến được nhà em Chamaléa Sỹ (ngụ thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái), Sỹ là học sinh của lớp 9B, những năm qua Sỹ luôn là học sinh có học lực khá. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ sau Tết Kỷ Hợi 2019 em phải ở nhà phụ gia đình tưới cà phê.
Thầy Nguyễn Như Hoài (ở giữa) và các giáo viên đến nhà em Chamaléa Sỹ để vận động em ra lớp. (Ảnh: Duy Quan).
Thầy Lộ Phú Hoàng Nguyên (giáo viên chủ nhiệm lớp 9B) chia sẻ: "Sau mỗi giờ lên lớp tập thể giáo viên chúng tôi lai tiếp tục hành trình đi "bắt" học sinh ra lớp. Có khi đi buổi trưa, có khi là chiều tối".
Nhắc đến chuyện đi "bắt" học sinh ra lớp, thầy Lộ Phú Thiệu người đã gắn bó với trường 13 năm bộc bạch: "Lúc đầu, lên đây cứ tưởng việc dạy học ở trên đây giống như "miền dưới", đâu nghĩ khó khăn gấp trăm ngàn lần. Đường đi khó khăn, cơ sở vật chất dạy học thiếu thốn, học trò dạy thì chậm hiểu... làm tôi nản hết sức, chỉ muốn bỏ về chứ không muốn dạy".
Nói đến đây, thầy Thiệu dừng lại uống hớp trà rồi nói tiếp: "Tôi còn nhớ vào năm 2006, khi nghe có đoàn thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện lên, học sinh lớp tôi đang dạy bỏ chạy về nhà hết. Tôi phải nhờ một em trong lớp, dẫn đến từng nhà để "năn nỉ" các em lên lớp học lại, đó là kỷ niệm làm tôi khó quên nhất tới bây giờ".
Buổi ăn trưa của học sinh trường Đinh Bộ Lĩnh. (Ảnh: Duy Quan).
Để "giữ chân" học sinh, ngoài các buổi học chính khóa, các thầy giáo tại đây phải tích cực dạy phụ đạo. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà những ngày lễ tết, tổ chức ăn uống vào các buổi trưa và chiều cho các em học sinh. Đặc biệt là những chính sách cho học sinh vùng cao luôn được nhà trường quan tâm như: hỗ trợ 15kg gạo/tháng, hỗ trợ 556.000 đồng/tháng (40% lương), hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo (100.000 đồng/học sinh)
Thầy là bạn của học sinh...
Hơn 11 năm công tác tại trường, thầy giáo Nguyễn Như Hoài, Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú Đinh Bộ Lĩnh hiểu rõ lực học của học trò vùng cao Phước Bình. "Do địa hình trắc trở nên học sinh vùng núi Phước Bình phải đi bộ tới trường. Vào những tháng mùa mưa học sinh phải nghỉ học hoặc khi đi học gặp mưa rừng, lũ quét, lũ ống, học sinh phải ngủ lại lớp. Điều kiện cơ sở vật chất của trường cũng còn nhiều hạn chế. Phòng học và trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn. Những năm qua, dù đã được cấp trên quan tâm, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học".
Các thầy giáo "thuyết phục" học sinh đến lớp bằng hình thức cắt tóc miễn phí. (Ảnh: Duy Quan).
Thầy Hoài bộc bạch thêm, điều đáng quý là học trò ở đây rất quý và nghe lời giáo viên. Khi các thầy vận động phụ huynh và động viên các em đi học các em đến lớp rất chăm chỉ. Nếu mình cố gắng tận tâm, tích cực phụ đạo thêm cho các em thì chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên.
Cũng như các vùng khác, trình độ dân trí của bà con ở đây còn thấp nên rất khó bắt kịp với miền xuôi. Hơn nữa là sự bất đồng về ngôn ngữ, để truyền đạt được kiến thức cho học trò, người đứng lớp cần phải biết 2 thứ tiếng. Em nào hiểu tiếng Việt thì thầy nói tiếng Việt, em nào chưa thạo thì phải truyền đạt bằng tiếng địa phương.
Anh Pi Năng Dũng (ngụ thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái) nói: "Nhà ở xa trường, quanh năm chỉ lo trồng tỉa trên rẫy, con cái ít gặp người lạ, cho nên rất nhút nhát. Nhưng khi được đến trường học con mình được học cái chữ, được ăn cơm ngon, biết tự làm những sinh hoạt hằng ngày, cho nên mình sẽ cố gắng không cho nó bỏ học".
Thầy Lộ Phú Hoàng Nguyên cùng các em học sinh rửa chén bát sau giờ ăn. (Ảnh: Duy Quan)
Đều là những giáo viên gắn bó với trường lâu năm, lại công tác xa gia đình, người thân, nhưng thầy Hoài, thầy Thiệu luôn xem học trò như những đứa em nhỏ trong gia đình và luôn tận tình giúp đỡ các em học yếu để lực học ngang bằng với bạn bè. Cũng chính sự quan tâm, gần gũi đó mà các em học sinh trở nên thân thiện, mến thầy, yêu trường và yêu lớp hơn.
Cũng như các trường miền xuôi, ở trường vùng cao Phước Bình cũng có đội trống trường để phục vụ vào các buổi chào cờ đầu tuần. (Ảnh: Duy Quan).
Hằng ngày, ngoài việc giảng dạy trên lớp, các giáo viên còn là những người bạn luôn gần gũi, giúp đỡ, đặc biệt là "giữ chân "các em ở lại trường. Trong những năm qua, nhà trường đã hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng học sinh liên tục được nâng lên khi các em đạt được những thành tích cao trong học tập.
Đặc biệt trong hơn 3 năm qua có 17 em đã tốt nghiệp và đang theo học ở các trường Đại học và Cao đẳng danh tiếng như: trường Đại học Nông lâm, trường Đại học Y TP.HCM, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II,...
Theo nguoiduatin
Tại sao Thanh Hóa phải khảo sát lại 1.180 giáo viên tiếng Anh? Tỉnh Thanh Hóa khẳng định, do những năm trở lại đây, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn quá yếu kém. Vậy nên, tỉnh quyết tâm xây dựng đề án và tiến hành khảo sát lại để nâng cao chất lượng. Theo đó, ngày 17.9.2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3475/QĐ-UBND, về việc phê duyệt "Đề...