Khánh Ly không còn trẻ, Lệ Quyên bị chê, vậy ai đang hát nhạc Trịnh?
Đời sống nhạc Trịnh hiện nay không thể không kể đóng góp của các giọng ca 9X hát ở quán cà phê, phòng trà hay những nghệ sĩ kiểu ‘underground’, coi âm nhạc như một cuộc rong chơi.
Trịnh Trí Anh hát nhạc ‘Hoa vàng mấy độ’ Giọng ca 9X hát ca khúc “Hoa vàng mấy độ” trong buổi tối 27/2, kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Mặc sơ-mi trắng, vest xám và chiếc quần jeans có vẻ hơi rộng, Trịnh Trí Anh bước lên sân khấu nhỏ trong một quán cà phê nhạc Trịnh trên phố Tô Hiệu, tối 27/2.
“Em đến nơi này vui buồn đi nhé/ Đời sẽ trôi xuôi qua ghềnh qua suối/ Một vết thương thôi riêng cho một người…”, ca từ của Hoa vàng mấy độ – một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ họ Trịnh – được cất lên trong tiếng vỗ tay của những người mộ điệu.
Trịnh Trí Anh sinh năm 1996, vừa tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc nhưng đã gắn bó với nhạc Trịnh suốt 3 năm nay và trở thành giọng ca quen thuộc của nhiều quán cà phê với âm nhạc Trịnh Công Sơn ở Hà Nội.
Dù đã đi hát, lại được học hành bài bản, chàng trai trẻ chưa từng đăng ký tham gia game show hay bất cứ cuộc thi nào. Nhiều người quen nhận xét, Trịnh Trí Anh là một người rụt rè và như một “underground” của đời sống nhạc Trịnh.
Trịnh Trí Anh đã gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn 3 năm nay.
Giọng ca 9X và lời khuyên của danh ca Khánh Ly
Dịp kỷ niệm ngày sinh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2) năm nay, Hà Nội không có đêm nhạc lớn được tổ chức. Thay vào đó, nhiều đêm nhạc quy mô nhỏ đã được tổ chức trong một số quán cà phê nhạc Trịnh ở thủ đô và thu hút sự quan tâm của không ít người mộ điệu. Không gian đa phần tương đối nhỏ, nhưng mỗi đêm cũng có đến cả trăm khán giả.
Người biểu diễn, tất nhiên không phải là những ca sĩ nổi tiếng. Họ đa phần là những giọng ca “ẩn dật” và đến với nhạc Trịnh bằng tình yêu thực sự. Không ít người trong số họ có ngoại hình, có giọng hát, có tuổi trẻ, lại được học hành về âm nhạc, nhưng đã chọn gắn bó với âm nhạc của tác giả Diễm xưa.
Trịnh Trí Anh là một trường hợp tiêu biểu. Chia sẻ với Zing.vn, giọng ca 9X thành thật bản thân đến với nhạc Trịnh không vì bất cứ mưu cầu gì, do vậy cũng hát bằng sự chân phương, mộc mạc nhất có thể.
“Thời gian đầu mình còn hát miễn phí, chẳng cần thù lao gì cả, miễn là được hát thôi. Mỗi lần hát nhạc Trịnh như được sống với ký ức và kỷ niệm. Giờ thì mình đã ra trường, và cát-xê tuy không cao như các anh chị đã hát lâu năm nhưng cũng đủ để mình trang trải và lo cho cuộc sống”, Trí Anh nói.
Trịnh Trí Anh cho biết mỗi tuần anh hát khoảng 3-4 buổi, chủ yếu là hát ở một quán cà phê cố định, nhưng các quán khác mời cũng sẽ thu xếp và nhận lời. Mỗi buổi tối, Trí Anh hát khoảng vài bài, nếu khán giả yêu cầu hát thêm, giọng ca trẻ cũng không từ chối.
Giọng ca trẻ cho biết từng được danh ca Khánh Ly động viện và dặn “hãy hát nhạc Trịnh giản dị nhất có thể”.
Theo chia sẻ của Trịnh Trí Anh, cậu từng gặp danh ca Khánh Ly, người được cho là hát nhạc Trịnh hay nhất. Trí Anh từng hát cho danh ca nghe, và nhận được những lời khuyên tích cực.
“Cô bảo cô thích nghe mình hát, nhưng cô cũng đưa ra những lời khuyên để mình thể hiện tốt hơn. Cô dặn hát nhạc Trịnh phải hát thật giản dị, càng giản dị càng gần với nhạc Trịnh nhất, đó là lời khuyên rất đúng và mình nhớ mãi”, giọng ca sinh năm 1996 tâm sự.
Chuyện về những ca sĩ hát nhạc Trịnh kiểu “underground”
Người hát nhạc Trịnh thành công nhất, tất nhiên, như nhiều thế hệ đã đồng tình, đó là danh ca Khánh Ly. Giọng hát liêu trai của Khánh Ly đã “thôi miên” biết bao người mộ điệu.
Sau Khánh Ly, Hồng Nhung là giọng ca được cho là đã mang “dương tính” vào nhạc Trịnh, được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi nhận. “Bống” cũng là ca sĩ đã gắn bó với người nhạc sĩ tài hoa suốt 10 năm cuối đời.
Ngoài Khánh Ly, Hồng Nhung, nhạc Trịnh còn được nhiều ca sĩ thể hiện. Thế hệ Khánh Ly còn có Tuấn Ngọc, Lệ Thu. Thế hệ của Hồng Nhung còn có Cẩm Vân, Quang Dũng, Thanh Lam.
Sau đó, nhiều giọng ca nổi tiếng khác cũng hát nhạc Trịnh như Đức Tuấn, mới đây nam ca sĩ cũng ra mắt ca khúc Dã tràng ca. Gần đây, Lệ Quyên sau thời gian hát bolero cũng hát nhạc Trịnh, dù vậy nữ ca sĩ nhận một vài ý kiến trái chiều, bị cho là hát chưa thực phù hợp.
Giang Trang với chất giọng đầy sương khói đã được nhiều khán giả yêu nhạc Trịnh ở Hà Nội đón nhận.
Thế nhưng, đáng nói nhạc Trịnh không chỉ có những giọng ca chính thống (mainstream) thể hiện. Một bộ phận không nhỏ những giọng ca hoạt động theo kiểu “ thế giới ngầm” (underground) cũng gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn, và có những đóng góp không nhỏ.
Giang Trang có thể được coi là một ví dụ. Giang Trang không nhận mình là ca sĩ nhưng lại được một bộ phận không nhỏ khán giả yêu nhạc Trịnh yêu thích. Những đêm nhạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp đặc kín khán giả của chị là minh chứng cho điều ấy.
“Không kèn, không trống”, chẳng có những chiến dịch quảng bá, nhưng Giang Trang đã ra tới 3 album chuyên nhạc Trịnh, trong đó Lênh đênh nhớ phố có cả phiên bản CD và đĩa than.
Và có lẽ, nữ ca sĩ vẫn chưa dừng lại, chị vẫn tiếp tục say mê với chất giọng đầy sương khói. Nếu một lần nghe Giang Trang hát, lại là vừa đàn guitar vừa hát, có lẽ mới hiểu người phụ nữ này đã thấu cảm âm nhạc Trịnh Công Sơn biết nhường nào.
Nhạc Trịnh có đóng góp không nhỏ của những giọng ca hoạt động kiểu “underground”.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Giang Trang gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cách đầy thân mật. Nữ ca sĩ cho biết chị hát nhạc Trịnh trước hết là hát cho chính mình.
Mà âm nhạc khi đã hát cho chính mình thì chẳng còn toan tính, thiệt hơn. Giang Trang bảo nhạc Trịnh đã thay đổi rất nhiều trong cách nghĩ, cách sống của chị.
Không có một giọng hát sương khói, ám ảnh như Giang Trang, nhưng Nguyệt Ca cũng mang những tình cảm như thể với nhạc Trịnh. Chị cũng hát nhạc Trịnh như một “định mệnh”, gắn bó suốt nhiều năm và sẽ không dừng lại.
Nguyệt Ca cũng mới ra một album nhạc Trịnh, album còn “ nóng hổi”. Chị bảo ra album chẳng phải để bán, để khoe, ra album là để “cho mình, cho con, và cho kỷ niệm đẹp đẽ nơi này…”
Theo Zing
Chuyện 'ông Tây' chuyên hát tình khúc hòa bình của Trịnh Công Sơn
Richard Fuller có hơn 30 năm gắn bó với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông cũng là người đầu tiên chuyển ngữ những nhạc khúc phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh để đấu tranh cho hòa bình trên đất Việt.
Tất cả duyên nợ ấy bắt đầu từ khi ông quyết tìm nhạc sĩ họ Trịnh để hỏi cô gái tên Diễm trong Diễm xưa.
Clip: Richard Fuller hát nhạc Trịnh Công Sơn.
T rốn lính rồi mê nhạc Trịnh
Tôi tìm thấy cái tên tiếng Anh Richard Fuller của ông trong một lần nghe những người mê nhạc Trịnh tán tụng về các giọng ca đã từng thể hiện rất thành công những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi tôi cũng biết, người ta quý ông bởi ông có một niềm đam mê cháy bỏng với nhạc Trịnh.
Hơn thế, Richard Fuller đã gắn bó với người nhạc sĩ huyền thoại ấy hơn 30 năm. Ông đã chuyển niềm đam mê của mình ra thế giới khi chuyển ngữ nhạc của bạn mình ra tiếng Anh và khát khao nó được hát lên trên đất Mỹ.
Ông Richard Fuller hát nhạc Trịnh cho người nước ngoài nghe.
Richard Fuller cho biết, ông đến Việt Nam vào năm 1969 sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ "để trốn khỏi phải đi lính Mỹ".
"Sau khi tốt nghiệp, tôi liền nghĩ đến Việt Nam. Trước hết là để theo đuổi một công việc xã hội và sau nữa là có cơ hội tìm hiểu về đất nước các bạn mà không cần phải cầm súng", ông nói.
Và, sau những năm tháng rong ruổi trên các đường phố Sài Gòn ấy, một cách rất tình cờ, "ông Tây" bắt đầu biết và mê nhạc Trịnh. Ông nói: "Lúc tôi đến Sài Gòn, ngay ngoại thành, tôi đã thấy một số sinh viên đang hát những bài hát cổ động cho hòa bình. Chúng tôi đã gặp nhau và bắt đầu hát với nhau một số bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn".
Richard Fuller làm bạn với rất nhiều người yêu và hát nhạc Trịnh.
Tuy nhiên, lần đầu tiên ông nghe nhạc Trịnh là ở phố biển Nha Trang. Richard Fuller kể: "Tôi nhớ một đêm mưa giăng ở Nha Trang trong những ngày mới đến Việt Nam để học tiếng Việt. Trời buồn não nùng trong những đêm mưa rả rích. Cô đơn, tôi mở một băng cassette để nghe Khánh Ly hát".
"Dù chưa hiểu gì nhưng những giai điệu, những ca từ của những nhạc khúc ấy đã giăng kín tâm hồn tôi với những nỗi niềm. Tôi vốn buồn lại càng buồn hơn. "Từng đêm mưa, mưa lạnh ... ngọn sương mù ... những ca từ ấy khiến tôi vướng vấn mãi", ông nói thêm.
D iễm của Diễm xưa là ai?
Sau những lần nghe Trịnh, không biết tự bao giờ, Richard Fuller yêu những nhạc khúc của người nhạc sĩ ấy. Ông bắt đầu học thuộc lòng ca khúc Diễm xưa rồi hát cho thỏa niềm ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài ba.
Với chất giọng lơ lớ, Richard Fuller vẫn chiếm được cảm tình của người nghe khi thể hiện Diễm xưa. Những người cùng thời, từng nghe ông thể hiện Diễm xưa cho biết, chất giọng của ông và cách hát của ông gợi lên nỗi buồn lãng mạn và đầy chất thơ.
Richard Fuller cũng nói, ông thể hiện các nhạc khúc của Trịnh Công Sơn bằng chính cả tấm lòng, niềm đam mê bất tận. Có người từng nói, Richard Fuller hát nhạc Trịnh như cởi mở những xúc cảm của bản thân về nhạc điệu, câu từ trong bài hát. Nghe Richard Fuller, người ta thấy rất mộc mạc mà gần gũi và cũng đầy xúc cảm.
Richard Fuller hát nhạc Trịnh với niềm đam mê bất tận.
Cũng từ việc thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Richard Fuller vô tình được gặp người nhạc sĩ tài danh. Đó là năm 1972, khi ông lên thăm Đà Lạt. Tại đây, ông đã giao lưu với một nhóm sinh viên yêu nhạc Trịnh. Trong buổi giao lưu này, Richard Fuller say sưa với những nhạc khúc của Trịnh Công Sơn.
"Có lẽ thấy tôi vui nên nhóm sinh viên này đã dẫn tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn. Lúc ấy, anh Sơn mới 31 tuổi. Lúc mới gặp nhau, tôi cứ ngỡ Trịnh Công Sơn cũng là một sinh viên như những người kia. Sau khi biết anh là người đã viết ra những bản tình ca, những bài hát yêu hòa bình, tôi mới ngẩn người ra", Richard Fuller kể.
Cũng theo ông, trong lần gặp này, ông đem tất cả những hoài nghi, thắc mắc về những ca khúc của Trịnh Công Sơn để hỏi tác giả. Và một trong những điều ông thắc mắc nhất chính là việc nhân vật tên Diễm, xuất hiện trong ca khúc nổi tiếng Diễm xưa có phải là nhân tình của tác giả hay không.
Ông truyền sự yêu thích nhạc Trịnh cho nhiều người nước ngoài khác.
Ông kể: "Trong lần gặp mặt đầu tiên ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Và, tôi đã cố gắng hỏi anh Sơn về việc người tên Diễm trong nhạc khúc Diễm xưa có phải là người yêu của anh hay không. Thú thực, tôi rất trông chờ câu hỏi này. Và rồi, chính tôi cũng bất ngờ như bao sinh viên khác đang có mặt. Anh trả lời tôi một cách không đắn đo rằng không phải như vậy, rằng anh chưa bao giờ gặp cô ấy".
Sau lần gặp gỡ đầy tình cờ đó, năm 1972, Richard Fuller từ biệt Việt Nam về Mỹ. Tại quê hương, chứng kiến làn sóng biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ, Richard Fuller rất muốn các nghệ sĩ hát những ca khúc Việt Nam về hòa bình. Do đó, ông đã dịch các ca khúc Da vàng chống chiến tranh và gửi cả băng cassette cùng lời bài hát đã được ông chuyển ngữ sang tiếng Anh cho nữ danh ca Joan Baez .
Ông Tây đa tài
Richard Fuller đến Việt Nam vào năm 1969 sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Tại Việt Nam, ông tham gia hoạt động trong cơ quan Chí Nguyện Quốc tế (IVS). Ông cũng được biết đến là một trong những người tham gia hoạt động trong chương trình nông nghiệp "Lúa thần nông" mà sau này GS.TS Võ Tòng Xuân đã rất thành công.
Theo nguoi dua tin
Đức Tuấn tung ca khúc đặc biệt nhân 80 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Với lòng yêu mến nhạc Trịnh, anh ra mắt bản audio của một ca khúc đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Trịnh Công Sơn. Hôm nay, 28/2/2019 là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ông sinh năm 1939). Vốn yêu mến nhạc Trịnh, Đức Tuấn đã cho ra mắt ca khúc...