Khánh Hòa: Săn thứ nấm sinh ra từ nước bọt con mối, có tiền triệu/ngày
Sau những cơn mưa rả rích, gió lạnh đầu mùa tràn về cũng là lúc người dân các xã Sơn Tân, Cam Tân, Cam Hòa ( huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) lại rủ nhau vào rừng tìm nấm mối. Nếu chịu khó mỗi người có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Theo chân người dân địa phương vào rừng Va Ly (thôn Va Ly, xã Sơn Tân) “săn” loại nấm mỗi năm chỉ mọc vài lần này, phóng viên Khánh Hòa Online đã ghi lại một số hình ảnh dọc đường tìm nấm.
Ông Nguyễn Bá Tùng (ở thôn Xuân Lập, xã Cam Tân), một người rành rọt về những cánh rừng ở Sơn Tân men theo suối Va Ly để tìm nấm.
Theo kinh nghiệm của người đi rừng, sau những cơn mưa đầu mùa, thời tiết ẩm thấp, gió lạnh đầu mùa tràn về thì chắc chắn sẽ có nấm mối xuất hiện.
Loại nấm mà người dân Sơn Tân và các xã lân cận tìm hái là nấm mối trắng thiên nhiên, được hình thành từ nước bọt của con mối, mùa mưa xuống kết hợp với gió lạnh tạo thành một loại meo từ đó sinh ra nấm mối.
Video đang HOT
Thời gian phát triển của nấm rất ngắn. Nấm mọc từ trong đêm, đến khoảng 5 – 6h sáng thì bắt đầu mọc rộ, và chỉ trong vòng 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ sau, nấm sẽ nở bung; mỗi năm chỉ mọc 3-4 đợt.
Theo lý giải của ông Tùng, nấm mối chỉ mọc ở những nơi nào có con mối, năm nay trời hạn, mối sẽ làm ổ dọc theo suối do có độ ẩm, vì vậy muốn tìm được nấm mối thì phải tìm ở những khu vực ẩm ướt.
Một “ổ” nấm mối người dân thu hái được chừng 1-1,5kg, giá bán 140-150 nghìn đồng/kg.
Nấm mối trắng là đặc sản của vùng đất Sơn Tân, nhiều người tìm hái vào dịp đầu mùa, vừa để thưởng thức vị ngọt, thơm của nó, vừa để bán để kiếm thêm thu nhập.
Một người dân xã Sơn Tân với số nấm mối vừa hái được từ rừng.
Sau chuyến đi tìm nấm, ông Tùng rời rừng, trở về sơ chế nấm bằng cách gọt chân, loại bỏ lớp mùn bám trên tai nấm.
Nấm mối được cân ký để gửi đi bán ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), huyện Diên Khánh, TP. Nha Trang…
Người tìm nấm mối ở Sơn Tân mang thành quả về xuôi bán để được giá hơn…
Để giữ được vị ngọt, ngon tự nhiên, nấm mối được chế biến thành nhiều món ngon như nướng giấy bạc, cháo nấm hay đơn giản như xào bông bí…
Theo Hải Lăng (Báo Khánh Hòa)
Nấm mối rừng, ở đâu bán cả triệu bạc, ở đây chỉ có giá 200 ngàn/ký
Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, khi mùa mưa đến cũng là lúc nhiều người dân lại hăm hở lên nương rẫy tìm nấm mối rừng về ăn và bán.
Số lượng nấm nhiều hay ít tùy thuộc vào từng năm và giá cả của loại "nấm trời cho" này cũng khá cao, từ 120.000-180.000 đồng/kg, nên nhiều gia đình đã kiếm được tiền triệu vào mùa nấm mối.
Nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao, nên giá khá cao.
Theo kinh nghiệm của những người chuyên đi hái nấm mối thì thời gian phát triển của nấm rất ngắn. Nấm mọc từ trong đêm, đến khoảng 5-6 giờ sáng thì bắt đầu mọc rộ, và chỉ trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ sau sẽ nở bung. Vì vậy, việc hái nấm thường diễn ra vào sáng sớm, thậm chí phải đi lúc 3-4 giờ sáng, vì nếu không, chỉ ít lâu sau khi nở, nấm sẽ tàn lụi. Nấm mối thường mọc trên những trảng đất bằng hoặc những ụ đất cao tương đối thoáng và có độ che phủ của tán rợp cây vừa phải.
Đặc biệt, ở những nơi có nhiều ụ mối là nấm hay mọc nhất. Nấm mối sau khi hái hoặc mua về chỉ cần cạo sạch lớp đất bám ở thân và ngâm qua nước muối là có thể chế biến. Do mọc tự nhiên và chỉ có vào mùa mưa nên nấm mối được xem là đặc sản.
Anh Lê Văn Tú ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) thường đi tìm nấm mối về bán mấy năm nay cho biết: "Gia đình tôi từ miền Trung vào Đắk Nông lập nghiệp, thời gian đầu cũng chỉ lấy nấm mối về phục vụ bữa ăn thôi nhưng sau thấy nhiều quá ăn không hết lại mang bán cho những nhà xung quanh. Năm nào trong rẫy của tôi cũng đều có nấm mối mọc, nhiều lắm, nên thường hái bán kiếm được khá tiền".
Chị H'Ốp ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng cho hay: "Nhà tôi có 1 ha cà phê, hàng năm cứ vào mùa mưa là trên những ụ đất cao lại mọc rất nhiều nấm mối, chỉ cần mang cuốc ra đào thôi. Nấm mối hiếm và chỉ có vào mùa mưa nên rất đắt. Năm nay mưa nhiều nên nấm mối cũng nhiều, ăn không hết, tôi mang ra chợ bán, mỗi ký cũng được 100.000 đồng. Vì vậy, ngoài hái ở vườn nhà, chồng tôi còn lặn lội vào rừng xa để kiếm nấm về bán, có thêm một khoản thu nhập.
Nấm mối rừng là đặc sản của người Tây Nguyên khi mùa mưa về.
Theo y học, nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao và cũng là một loại dược liệu ngăn ngừa bệnh ung thư. Nấm mối có vị ngọt, khi chế biến thành món ăn thì thân nấm vừa giòn vừa dai, mũ nấm rất mềm. Vì vậy, dù có giá cao nhưng nhiều gia đình vẫn ưa chuộng và tìm mua về chế biến bằng được vì giá trị dinh dưỡng và sự thơm ngon của nó. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà chế biến nấm mối dưới nhiều dạng như xào thịt bò, đổ bánh xèo, chiên trứng, nấu cháo...
Chị Nguyễn Thị Hà ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, đến mùa nấm mối là tôi tìm mua về cho gia đình mình thưởng thức. Mặc dù giá khá cao, nhưng một năm mới có một lần và cũng vì giá trị dinh dưỡng, tôi vẫn thường mua nấm mối về ăn".
Theo Mỹ Hằng (Báo Đắk Nông)
Mùa nấm mối ở Phú Yên: Mọc nhiều, có người trúng cả... bao tải Năm nay nắng hạn kéo dài, bước vào mùa mưa vùng gò đồi ở Phú Yên nấm mối mọc chậm, thế nhưng số lượng rất nhiều. Có người kiếm được rổ nấm, thúng nấm, nhưng cũng có người nhổ nấm rừng trúng cả... bao tải. Nấm mối bày bán trước cổng Bưu điện huyện Đồng Xuân. Vùng miền núi huyện Sông Hinh, Sơn...