Khánh Hòa: Học sinh, giáo viên tròng trành kéo bè qua sông đến trường
Nhiều năm qua, không ít học sinh, giáo viên mỗi ngày 2 lượt chòng chành kéo bè gỗ qua sông để đến trường là câu chuyện có thật ở vùng ven thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Thời gian qua, người dân thôn Hiệp Thạnh (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) vẫn đều đặn qua sông Hiệp Thạnh bằng một chiếc bè gỗ khá thô sơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Con sông rộng chừng 100m, nối thôn Hiệp Thạnh (xã Ninh Bình) và thôn Xuân Hòa (xã Ninh Phụng).
Cô giáo Phùng Thị Cượng (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đi xe máy qua bè gỗ trở về nhà sau buổi đến trường.
Mỗi ngày có hàng chục người qua lại con sông này bằng bè gỗ, trong đó có không ít học sinh, giáo viên. Người đang kéo đò đưa người dân, học sinh qua sông đi học là gia đình chị Võ Thị Thu Thanh (38 tuổi), một người dân ở thôn Hiệp Thạnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, học sinh đi bè qua sông được miễn phí hoàn toàn, còn người dân cùng xe máy thì trả 2.000 đồng/lượt.
Tâm sự với chúng tôi, chị Thanh cho biết, gia đình chị kéo bè cho bà con qua lại trên con sông quê cũng ngót chục năm nay. Vợ chồng chị là đời thứ ba làm công việc này, kể từ đời ông nội. Khi đó, vì nhu cầu qua lại sông của bà con rất bức thiết nên gia đình mới làm bè đưa qua sông, chứ đây không phải là nghề chính của gia đình.
Bè phao đưa người dân sang sông được làm thủ công, bằng vật liệu đơn giản như can nhựa, gỗ, tre… Bè có hình chữ nhật, dài khoảng 4m và rộng 2m, chở được 3 đến 4 người, cùng xe máy. Trước kia, mỗi lần qua sông, người chèo bè phải dùng sào để chống.
Bè gỗ giúp học sinh qua sông đi học gần hơn vì nhiều em nhà chỉ cách trường đúng một con sông
Tuy nhiên, những hôm gió lớn, dòng sông chảy mạnh thì chủ bè phải đưa bè về phía thượng nguồn, phía trên dòng nước để khi chống bè qua bờ đối diện, vào đúng bến cho người dân lên.
Vài năm nay, nhận thấy việc dùng sào chống bè qua sông mất sức, mất thời gian nên gia đình chị Thanh nảy ra ý tưởng căng một sợi dây thừng nối hai bờ sông để kéo bè qua lại.
“Nhiều lần gia đình tôi đã định nghỉ việc kéo bè nhưng nhu cầu của bà con qua sông là rất lớn. Mấy cháu học sinh, có hôm đi học muộn, gần muộn giờ vào học nhờ tôi chở qua sông, lẽ nào mà từ chối, tội cho mấy cháu vì nhà cách trường chỉ một con sông”, người phụ nữ kéo bè tâm sự.
Mùa mưa, sóng to, nước dâng cao 3-4m, gia đình chị Thanh phải nghỉ kéo bè vì nhận thấy nguy hiểm. Những hôm đó, học sinh, giáo viên ở xã Ninh Bình phải đi đường vòng từ 6-10km qua bên kia sông để đi học, tùy theo vị trí trường học của từng người.
Cô giáo Phùng Thị Cượng, một giáo viên sinh sống ở xã Ninh Bình, tâm sự: “Tôi là giáo viên tại trường tiểu học Ninh Thân và thường đi bè qua sông đến trường dạy học. Đi bè thì quãng đường từ nhà đến trường chỉ 4km, còn nếu đi đường vòng thì tới 12km”.
Nhiều học sinh học tại một ngôi trường cấp 2 tại xã Ninh Phụng nhưng nhà lại cách một con sông ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa nên phải đi bè qua sông cho gần
Ông Lương Ngọc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Bình cho biết, từ trước đó do nhận thấy sự nguy hiểm khi dùng bè đưa người dân sang sông của gia đình chị Thanh nên xã đã lập biên bản, yêu cầu người dân không được kéo bè dù trong hoàn cảnh nào.
Hiện nay, đa phần học sinh của xã Ninh Bình đều học tại các trường trong địa bàn xã. Những em học sinh qua sông đi học là rất ít và có thể học tại một trường cấp 3 ở bên kia sông.
Chia sẻ thêm về câu chuyện kể trên, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa mới cho chủ trương để nghiên cứu làm cầu kiên cố ở khu vực này.
“Hiện nay thị xã đang nghiên cứu, đang đề xuất các phương án để cùng với Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa nhưng mà chưa báo cáo. Nếu xét thấy được thì UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cho phép lập chủ trương đầu tư, còn bây giờ mới bước khảo sát”, ông Thạnh chia sẻ.
Như thế, một cây cầu bê tông kiên cố ở ngay chính đoạn sông này là mơ ước bấy lâu sắp thành hiện thực với người dân trên vùng quê này.
Học sinh, giáo viên tròng trành kéo bè qua sông đến trường
Viết Hảo
Theo Dân trí
Thầy trò thời 4.0: Thầy cập nhật mỗi ngày để không lạc hậu với trò
Trong thời đại công nghệ 4.0, kiến thức học trò được tiếp cận hằng ngày rất phong phú qua nhiều kênh thông tin khác nhau, do đó, mỗi giáo viên muốn không 'lạc hậu', cũng phải 'update' chính mình...
Thầy Huy (giữa) và các học trò
Trách nhiệm của mỗi giáo viên sẽ lớn hơn
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn tại Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM) chia sẻ, thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội bùng nổ mở ra cho học sinh cơ hội được chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức. "Tuy nhiên với giáo viên, trách nhiệm mỗi người thầy sẽ cao hơn, khi mà ngoài việc dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT, còn phải dạy học sinh kỹ năng đọc, kỹ năng xử lý, thẩm định, chọn lọc thông tin. Bên cạnh đó, do kiến thức trên mạng mang bản chất tự do truyền tải nên giáo viên phải tiếp nhận, thẩm định và định hướng nếu thông tin các em tiếp thu là sai lệch với học thuật", thầy Huy nói.
Thầy Huy phân tích thêm, trong thời đại công nghiệp, cách dạy học, đáp án trên mạng internet cũng quá nhiều, cả học sinh, phụ huynh đều dễ tiếp cận và so sánh, như vậy nói riêng đối với môn văn cần có sự cởi mở hơn trong việc cảm nhận những bài viết của học sinh. "Quan điểm của chúng tôi là không gò bò các học sinh theo quan điểm của thầy cô, mà sẽ mở rộng góc nhìn cho các em. Thầy cô chỉ định hướng, mỗi em sẽ có những quan điểm khác nhau về một vấn đề nào đó. Miễn là quan điểm đó không đi ngược lại đạo lý, tư tưởng chuẩn mực xã hội", thầy Huy nói.
Học trò giỏi và hỏi nhiều là động lực
Cô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho hay trong thời đại 4.0, Facebook và mạng xã hội khác là phương tiện rất hữu ích có thể hỗ trợ nhiều cho giáo viên nếu sử dụng đúng mục đích. Bản thân Facebook sẽ không có gì sai nếu chúng ta sử dụng và kiểm soát việc dạy học hiệu quả.
Một tiết học tiếng Anh thú vị tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - THÙY TRANG
"Về phương diện cá nhân, ngoài những giờ dạy và học trên lớp, thầy cô và học sinh có thể hiểu nhau hơn về đời sống thường ngày, hoặc dùng mạng xã hội để lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp của lớp, từ đó sẽ dễ dàng có sự cảm thông, đoàn kết, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Về mặt chuyên môn, giáo viên có thể tận dụng ưu thế của mạng xã hội để giúp học sinh tự học, củng cố và nâng cao, mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu thông tin thêm ngoài bài học. Giáo viên và học sinh có thể chia sẻ nhiều thông tin trực quan bằng hình ảnh sinh động hoặc những đường links hữu ích, dễ gây hứng thú hơn cho học sinh qua việc thành lập nhóm học tập trên Facebook, điều này cũng có thể giải quyết khuyết điểm về thời gian quá ngắn ngủi trên lớp, không đủ để học sinh tìm hiểu sâu rộng về bài học", cô Trang phân tích.
Cô Trang thông tin, hiện tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang triển khai phương pháp học tương tác giữa giáo viên và học sinh qua trang web Trường học kết nối của Bộ GD-ĐT ban hành, học sinh không chỉ thụ động nhận thông tin một chiều từ giáo viên mà mỗi em cũng được hướng dẫn tạo tài khoản để cùng tương tác hai chiều với các thầy cô của mình. Cả giáo viên và các học trò đều đang hào hứng với kiểu học mới này.
Bản thân thầy Huy và cô Trang đều thừa nhận, thế hệ học trò hôm nay có nhiều kênh tiếp cận thông tin, nhiều em rất xuất sắc, có những câu hỏi rất thông minh tới thầy cô, điều này buộc các thầy cô cũng phải cập nhật, trau dồi thêm cho mình mỗi ngày.
"Chúng tôi phải luôn cập nhật thông tin và công nghệ. Học trò giỏi đòi hỏi thầy cô cũng phải làm sao để luôn khiến học trò phải tâm phục khẩu phục. Học trò giỏi, hay thích hỏi giáo viên vừa là áp lực, vừa là động lực để thầy cô phải luôn tự cập nhật kiến thức không chỉ riêng bộ môn mình đang dạy, mà cả về các lĩnh vực khác nữa", cô Trang nói.
Thầy Đức (bìa phải) và các học trò - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thầy Lê Minh Đức, giáo viên dạy vẽ tại Trung tâm Mỹ Thuật thiếu nhi Top Art, Q.10, TP.HCM, cho hay học sinh tại trung tâm từ 4 tới 16 tuổi, có những bé rất ít tuổi nhưng kiến thức rất phong phú do được tiếp cận sớm với internet, dù đang học vẽ có thể thắc mắc những vấn đề thuộc các lĩnh vực khác.
"Với những em nhỏ, cách trả lời đôi khi quan trọng hơn là những thông tin mình có thể mang lại cho các em. Các em mong muốn câu trả lời mình đưa ra được tôn trọng, lắng nghe, do đó nếu mình tận tình lắng nghe các em, tìm ra một câu trả lời hợp lý nhất để các em cảm thấy muốn hỏi tiếp lần sau nữa, đó là thành công", thầy Lê Minh Đức cho hay.
Theo thanhnien
Mê mẩn những nét chữ "rồng bay - phượng múa" của các giáo viên trên bảng xanh Sự sáng tạo trong mỗi nét chữ, nét vẽ của các thầy cô như thổi hồn vào chiếc bảng thân thuộc. Đây cũng chính là những món quà ý nghĩa mà các thầy cô giành tặng cho nghề nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhằm hướng tới kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Hệ thống giáo dục Chu...