Khang trang những ngôi trường ở vùng cao Tây Bắc
Khu vực Tây Bắc có điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn nhiều thiếu thốn. Trong đó, hệ thống trường lớp phục vụ cho sự nghiệp giáo dục luôn là nỗi trăn trở của nhiều địa phương.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ, những ngôi trường mới, khang trang mọc lên ở nhiều vùng núi cao. Học sinh vùng cao ríu rít đến trường.
Trường Tiểu học Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai).
Khó có thể hình dung hết nỗi nhọc nhằn của thầy và trò vùng cao Tây Bắc cách đây hơn chục năm khi nhiều nơi phải dạy – học trong một lớp học tuềnh toàng bằng tre, nứa lá, mọi điều kiện phục vụ để đảm bảo cho học chữ, dạy chữ còn nhiều thiếu thốn. Nhiều điểm trường ở xa trung tâm chỉ là lớp học tạm được người dân dựng lên bằng cột tre và lợp lá cọ. Qua một trận mưa bão, lớp học xiêu vẹo, đổ nát khiến cho công việc học tập của học sinh vùng cao bị gián đoạn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục nói chung và giáo dục vùng cao nói riêng. Từ những điểm trường xa xôi của Tây Bắc cho đến các bậc học ở nhiều địa phương đều đã được đầu tư xây dựng lớp học kiên cố hóa, cấp đủ những trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò nơi đây.
Giữa vùng đất khát, trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) được xây dựng với những lớp học kiên cố, khuôn viên đẹp và thoáng mát.
Những ngôi trường cao tầng, mái ngói đỏ tươi mọc lên bên sườn núi, bên ven suối, trên đỉnh núi hay giữa khu rừng xanh bạt ngàn. Có mơ nhiều người cũng không tin được rằng, đến một ngày, những ngôi trường khang trang, bề thế mọc lên giữa bản Tày, bản Mông này. Vậy mà, hiện thực đã hiện hữu qua những ngôi trường mới, đầy đủ tiện nghi và công trình. Có đủ bàn ghế mới, bảng mới, nền lát gạch hoa, mưa bão cũng không còn là nỗi lo nữa. Con em họ yên tâm cắp sách đến trường. Đến các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… càng đi, càng lên núi, lại càng thấy những ngôi trường khang trang mọc lên. Đó là dấu hiệu vui cho sự học của vùng cao, những ngôi trường là mái ấm để gieo mầm ước mơ con chữ cho trẻ em vùng cao.
Lễ chào cờ của trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) trước dãy nhà học bốn tầng.
Tại xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), trường THPT số 3 Bảo Yên được thành lập năm 2004 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng các xã vùng cao như Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa. Những năm đầu mới thành lập, trường phải học nhờ trường THCS với cơ sở vật chất tạm bợ, lớp học chủ yếu là tranh tre nứa lá. Đến năm 2007, trường chuyển sang khu đất mới tại bản Nà Khương và được xây một dãy nhà lớp học 4 tầng với 11 phòng học khang trang. Đến năm 2014, trường tiếp tục được đầu tư xây khu nhà hiệu bộ hai tầng cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Đối với một xã vùng cao như Nghĩa Đô, việc đầu tư của Nhà nước xây dựng một ngôi trường khang trang, bề thế là cả một ước mơ lớn đã trở thành hiện thực của đồng bào nơi đây. Từ đây, con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp.
Em Hoàng Thị Thu (Dân tộc Tày), học sinh trường THPT số 3 Bảo Yên tâm sự: “Có trường mới, khang trang và rộng rãi, học sinh vùng cao chúng em mừng lắm. Chúng em thật sự yên tâm và hứa sẽ cố gắng khi được học trong một ngôi trường đẹp và kiên cố”.
Những điểm trường vùng cao Tây Bắc được đầu tư xây dựng kiên cố tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc đến trường học chữ.
Không chỉ các trường học ở khu trung tâm, những năm gần đây, những điểm trường ở sâu trong các bản cũng được các cấp chính quyền quan tâm, chung tay để xây dựng lớp học, thay thế những lớp học tạm bợ, tre nứa. Điều đó đã phần nào giúp các thầy cô giáo vơi đi những khó khăn.
Video đang HOT
Điểm trường tiểu học Vĩnh Yên tại bản Tổng Kim (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) là nơi học tập của con em đồng bào dân tộc Mông các bản Tổng Kim, Lùng Ác, Nặm Xoong. Những ngày đầu, điểm trường chỉ là lớp học tạm rất đơn sơ và thiếu thốn, việc đi lại của thầy cô giáo và học sinh hết sức khó khăn, nhất là những ngày mưa rét. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, điểm trường đã được xây dựng lớp học với hai dãy nhà gồm tám phòng học và phòng ở của giáo viên, chấm dứt hẳn những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất trước đây. Thầy giáo Lý Gìn Phù (Dân tộc Mông) chia sẻ: “Có lớp học khang trang ngay tại bản, những năm gần đây, học sinh người Mông đã chăm chỉ đến điểm trường học chữ hơn. Tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 95-100%”.
Đến vùng cao Tây Bắc thời điểm này, ai cũng cảm nhận được sắc màu của những ngôi trường, những điểm trường khang trang, bề thế. Đó là minh chứng cho sự quan tâm đầu tư, chung tay vì sự nghiệp trồng người của Đảng và Nhà nước ở vùng sâu, vùng xa. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập, khích lệ đồng bào vùng cao đưa con đến trường học chữ. Sẽ còn nhiều điểm trường, nhiều địa phương mong có được những ngôi trường mới như thế./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Theo cpv.org.vn
"Thưa Bí thư, tuyển dụng viên chức giáo viên tại tỉnh ta chưa minh bạch ạ!"
Lo lắng về sự mập mờ, thiếu công bằng tại kỳ thi xét tuyển đặc cách viên chức năm 2018, hơn 50 giáo viên mầm non đã viết tâm thư gửi Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Bức tâm thư được 54 giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường Mầm non công lập trong tỉnh Quảng Ninh ký tên, gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo nội dung bức tâm thư, các giáo viên hợp đồng này đã có thâm niên từ 5-10 năm công tác tại các trường mầm non, hầu hết đã có gia đình.
Có những giáo viên đã ngoài 40 tuổi, có người rất hoàn cảnh, một mẹ nuôi 2 con nhỏ đang ăn học, phải tha phương lập nghiệp nơi đất khách quê người...
Họ luôn phải chịu nhiều áp lực trong công việc, luôn lo lắng vì nếu không được tuyển dụng thì sẽ bị cắt hợp đồng theo chỉ đạo của cấp trên.
Nhưng vượt lên tất cả, những giáo viên này đã khắc phục khó khăn, nỗ lực, tận tụy với công việc, luôn yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Trong bức tâm thư, các giáo viên mầm non chia sẻ, năm 2012, tỉnh Quảng Ninh có đợt tuyển viên chức giáo viên.
Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng không đủ điều kiện xét tuyển bởi họ chỉ thiếu từ 2-4 tháng công tác.
Bức tâm thư các giáo viên mầm non gửi tới Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (Ảnh: Lã Tiến)
Đó là điều rất đáng tiếc với họ, nhưng bằng tình yêu nghề, chấp nhận đồng lương ít ỏi, họ vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục.
Vất vả cống hiến, chờ đợi và tin vui cũng đến với những giáo viên hợp đồng này khi cuối tháng 12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có đợt xét tuyển đặc cách viên chức vào làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Để được xét tuyển đặc cách, các giáo viên hợp đồng phải vượt qua kỳ kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn về trình độ hiểu biết chung, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, những giáo viên trúng tuyển trong kỳ xét tuyển đặc cách viên chức phải có đủ các điều kiện sau: "Có điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên;
Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm".
Thế là, những giáo viên này lại dành thời gian để ôn luyện, vừa bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trên lớp.
Sau hơn 3 tháng tổ chức đợt xét tuyển, ngày 14/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1071 về việc công nhận kết quả xét tuyển đặc cách vào viên chức năm 2018, nhiều giáo viên mầm non được thông báo trúng tuyển.
Nhưng do nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị làm việc, có giáo viên được 80-90 điểm thi sát hạch lại không được xét tuyển vào biên chế.
Trong khi có những giáo viên có điểm thi sát hạch đạt 50 điểm đã được tuyển dụng đặc cách vào làm việc.
"Chúng tôi phải trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui mừng khi nghe tin được xét tuyển đặc cách vào viên chức đến hoang mang, lo lắng và bế tắc.
Bởi, chúng tôi đạt hơn 90/100 điểm phỏng vấn, có người đạt 97 điểm mà vẫn trượt, trượt không hiểu vì sao?", các giáo viên hợp đồng viết.
Theo các giáo viên mầm non hợp đồng này, họ tin rằng họ bị trượt đợt xét tuyển đặc cách viên chức giáo viên năm 2018 không phải họ không đủ năng lực.
Mà họ nghi ngờ có sự thiếu công bằng, thiếu minh bạch của Hội đồng xét tuyển viên chức của tinh Quảng Ninh.
Chính vì vậy, những giáo viên hợp đồng mong muốn ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của họ và xem xét lại quy trình tổ chức đợt xét tuyển trên.
Các giáo viên hợp đồng đang công tác tại các trường Mầm non trên địa bàn Quảng Ninh mong muốn Bí thư Tỉnh ủy vào cuộc giúp họ làm sáng tỏ, minh bạch việc tuyển dụng viên chức giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)
Đó là tâm nguyện của những giáo viên này để hướng tới sự công bằng, minh bạch, vì sắp tới họ lại phải trải qua một kỳ thi tuyển viên chức giáo viên.
Kỳ thi này được thực hiện theo kế hoạch số 151 ngày 12/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc tuyển dụng viên chức giáo viên mầm non, tiểu học vào làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập năm 2019.
"Được biết, sau kỳ thi nếu chúng tôi thi trượt hoặc đỗ mà chỉ tiêu tuyển dụng đã đủ thì chúng tôi sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục mà mình đang công tác.
Trước kỳ thi có ảnh hưởng và quyết định lớn đến nghề nghiệp, tâm huyết với nghề cũng như cuộc sống gia đình chúng tôi trong những ngày sắp tới", các giáo viên viết.
Trong bức tâm thư, các giáo viên cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tổ chức kỳ thi tuyển công chức, viên chức là cách để tỉnh Quảng Ninh chọn lựa những người có tài, có đủ điều kiện để đảm nhiệm công việc được giao.
Các giáo viên hợp đồng cũng chia sẻ: "Chung tôi là những giáo viên đươc đao tao chuân chuyên nganh Giáo dục mầm non, đa trai qua từ 5-10 năm trong nghê kinh nghiêm thưc tê.
Chung tôi đươc trai qua cac lơp hoc bôi dương thương xuyên hang năm va đươc các câp chưng nhân là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giây khen cua cac câp cac nganh.
Trai qua cac năm công tac chung tôi đêu la nhưng giao viên đươc đánh giá chuân nghê nghiêp giao viên hàng năm được xếp loại tôt, xuât săc, co nhưng người con đưng trong hang ngu cua Đang công san Viêt Nam.
Quá trình công tác được cả một tập thể giáo viên của trường biết đến, có sự quản lý và giám sát của Ban giám hiệu", các giáo viên nhấn mạnh.
Đó là những yếu tố để chứng minh năng lực, kinh nghiệm công tác của những giáo viên hợp đồng đang công tác tại các trường mầm non tại tỉnh Quảng Ninh.
"Thưa Bí thư, chúng tôi thấy việc tuyển dụng viên chức giáo viên tại tỉnh ta chưa minh bạch ạ!
Trong khi nhiều cơ quan khi tuyển dụng thường đặt yếu tố kinh nghiệm lên hàng đầu, chúng tôi là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lại không xét đến năng lực giáo viên.
Chúng tôi mong rằng, Bí thư hãy dành chút thời gian lắng nghe, giúp chúng tôi làm sáng tỏ việc này, nhất là đợt xét tuyển đặc cách viên chức giáo viên năm 2018", các giáo viên mong muốn.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net.vn
Bạn đọc viết: Nhẹ nhàng cùng con bước qua lớp 1, tại sao không? Đọc bài viết "Mất ăn, mất ngủ vì con chưa biết chữ trước khi vào lớp 1" của tác giả Loát Trần, tôi nghĩ đó cũng là nỗi lòng chung của đa số phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1. Nhồi chữ trước cho con khiến bố mẹ và con cùng ám ảnh nhưng không cho con học chữ trước lại...