Khan hiếm sách giáo khoa: NXB Giáo dục công bố đường dây nóng phản ánh thiếu sách
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chính thức công bố đường dây nóng cung ứng sách trên cả 3 miền.
Đường dây nóng được NXB Giáo dục Việt Nam công bố để cung ứng sách kịp thời cho phụ huynh, học sinh.
Trước thông tin khan hiếm sách giáo khoa (SGK) tại một số tỉnh, thành phố, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã có công văn yêu cầu khẩn trương phục vụ đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa cho năm học mới 2018-2019.
Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các NXB Giáo dục miền tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác phát hành sách giáo dục của các đơn vị thành viên cũng như các đối tác phát hành trong khu vực.
Nhanh chóng nắm bắt thông tin những điểm phát hành thiếu sách để chỉ đạo cung ứng. Kịp thời điều phối về lượng sách giữa các điểm phát hành khi cần thiết. Đặc biệt chú ý đảm bảo nhu cầu về sách cho giáo viên và học sinh thuộc các vùng sâu, vùng xa, các vùng bị thiên tai lũ lụt.
Yêu cầu các công ty thành viên phát hành sách của NXB Giáo dục Việt Nam tích cực chủ động trong việc phát hành, tập trung mọi nguồn lực cung ứng kịp thời, đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu về SGK, sách tham khảo bổ trợ cho phụ huynh và học sinh.
Yêu cầu các đơn vị chức năng của NXB Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục miền, các đơn vị thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam ưu tiên hàng đầu giải quyết nhu cầu phát sinh về sách của các địa phương.
Đối với các công ty sách và thiết bị trường học các tỉnh thành và các đối tác phát hành tăng cường công tác phục vụ, tập trung hàng đầu vào làm việc với các điểm phát hành, các cơ sở giáo dục trong địa bàn tỉnh thành, nhanh chóng cung cấp SGK, sách tham khảo khi có nhu cầu.
Đề nghị hệ thống siêu thị, nhà sách, cửa hàng mở cửa phục vụ nhu cầu của phụ huynh, học sinh trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ và các buổi tối.
Video đang HOT
Đặc biệt, giải quyết triệt để đối với những điểm phát hành sách lợi dụng tâm lí lo lắng vì thiếu sách của phụ huynh, học sinh để tăng giá bán sai quy đinh.
NXB Giáo dục công bố danh sách đường dây nóng để cung ứng sách giáo khoa các vùng miền:
Đường dây nóng được NXB Giáo dục Việt Nam công bố để cung ứng sách kịp thời cho phụ huynh, học sinh.
Đường dây nóng toàn quốc: Ban Kế hoạch Marketing Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam – 0243.942785
Miền Bắc: Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội – 0243.512979, 0973195555
Miền Trung: Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng – 0236.3787877
Miền Nam: Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh – 0283.8302103
Cửu Long: Nhà xuất bản Giáo dục tại Cần Thơ – 0292.6292664.
NGUYỄN HÀ
Theo laodong.vn
Thiếu sách giáo khoa: Do độc quyền?
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định việc thiếu sách giáo khoa năm học mới là do học sinh tăng đột biến, trong khi giới chuyên môn cho rằng đây là hệ quả của độc quyền in và phát hành sách
Lý giải về tình trạng khan hiếm sách giáo khoa (SGK) trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, thừa nhận do có sự gia tăng đột biến số lượng học sinh ở một số địa phương nên đang có hiện tượng thiếu SGK.
Chỉ thiếu cục bộ?
Ngoài nguyên nhân được cho là khách quan trên, ông Tùng còn đề cập một nguyên nhân dẫn đến thiếu SGK nữa là vì thời gian tới sẽ thay SGK mới nên một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho. Chính điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam.
Phụ huynh chen nhau mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: HUY LÂN
Theo ông Tùng, để phục vụ năm học mới 2018 - 2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch in và phát hành sách dựa vào số lượng đặt mua sách của các công ty sách và thiết bị trường học địa phương, cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước, đặc biệt là năm học 2017 - 2018. Đến nay, NXB đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng giống như giải thích của ông Tùng, việc thiếu sách trên thị trường trong mấy ngày qua được bà Dương Vân Nhung, Trưởng Phòng Tổng hợp NXB Giáo dục Việt Nam tại TP HCM, đánh giá là cục bộ bởi 2 nguyên nhân chính: số lượng học sinh lớp 1 tăng cơ học ở những TP lớn như TP HCM; các đại lý e dè trong việc đặt hàng SGK lớp 1 trước thông tin sang năm đổi sách thì hàng tồn kho không bán được.
Bà Nhung cho rằng lường trước sẽ có tình trạng thiếu SGK cục bộ xảy ra bởi các nguyên nhân trên nên vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã tăng cường kiểm tra tình hình để có kế hoạch cung cấp đầy đủ SGK theo yêu cầu đặt hàng của các công ty sách và thiết bị trường học, các đối tác phát hành sách giáo dục tại các địa phương; in gấp, nhập nhanh những tên sách còn thiếu; điều chuyển sách từ nơi thừa đến nơi thiếu; chỉ đạo những cửa hàng sách giáo dục thuộc các đơn vị thành viên NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức bán lẻ, bảo đảm đầy đủ về số lượng, chủng loại sách và các sản phẩm giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng; tăng khung giờ phục vụ, tổ chức bán tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Tính đến nay, NXB đã phát hành 12 triệu bản SGK tại thị trường TP HCM. Riêng sách lớp 1 cũng đã phát hành 1,1 triệu bản SGK và 1,2 triệu bản sách bổ trợ, tăng 30% so cùng kỳ năm 2017.
Theo nhận định của NXB Giáo dục Việt Nam, đến thời điểm này, hầu hết phụ huynh và học sinh ở TP HCM đã mua SGK cho năm học mới, chỉ còn một số ít chưa mua hoặc mua chưa đủ bộ, thiếu một vài cuốn.
Lý do không thuyết phục
Phát biểu của đại diện NXB Giáo dục khiến nhiều phụ huynh nghi ngờ, đặt câu hỏi: Nếu đã phát hành đạt 105% kế hoạch thì tại sao lại có tình trạng khan hiếm khiến phụ huynh vất vả ngược xuôi khắp nơi mua sách cho con?
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng không thể nói đã phát hành vượt kế hoạch trong khi phụ huynh vẫn không mua được sách. Rõ ràng là có sự mâu thuẫn ở đây mà mâu thuẫn đó chính là hệ quả của việc độc quyền in, phát hành SGK. "NXB Giáo dục Việt Nam phải rút kinh nghiệm việc này. Tôi thấy lý do thiếu sách là do lượng học sinh tăng đột biến là không thuyết phục. Trước năm học, các tỉnh đều có khảo sát về dân số và biết được lượng học sinh tăng giảm ra sao. Việc này tôi cho rằng NXB phải chịu trách nhiệm, còn nếu khẳng định đã xuất bản đủ mà các tỉnh vẫn thiếu thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm" - ông Lâm thẳng thắn.
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhìn nhận SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội vì liên quan mật thiết đến mọi gia đình. Chính vì thế, khi chỉ có duy nhất NXB in SGK như hiện nay thì việc phát hành sách cần tính đến nhiệm vụ chính trị chứ không đơn thuần là kinh doanh kinh tế.
Phải có giải pháp khắc phục
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng thiếu SGK như những ngày qua. Bộ cũng đã yêu cầu NXB này cung ứng đủ SGK theo nhu cầu của học sinh ở các địa bàn.
YẾN ANH - HUY LÂN
Theo nld.com.vn
Bộ GD&ĐT: "Thiếu sách giáo khoa vì tránh tồn kho" Một số công ty sách - thiết bị trường đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho trong năm nay nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục. Trước tình trạng thiếu sách giáo khoa phổ thông trước thềm năm học mới, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm...