Khâm phục nghị lực cậu học trò mồ côi 2 năm giành 3 giải Nhất tỉnh môn Văn
Bố mất từ khi Hoàng 3 tuổi, mẹ phải gửi các em ở nhà cho bà nội già yếu trông coi để đi làm giúp việc ở thành phố. Cuộc sống khó khăn từ nhỏ nhưng với nghị lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập, Trần Việt Hoàng (HS lớp 11A5, Trường THPT Can Lộc, Hà Tĩnh) đã giành nhiều thành tích xuất sắc khiến bạn bè, thầy cô nể phục.
Hoàn cảnh nuôi ý chí
Hoàng sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Khi Hoàng mới lên 3 và mẹ vừa sinh em gái thì bố em trong một lần đi làm không may gặp tai nạn qua đời. Từ đó tuổi thơ của Hoàng gắn với những chuỗi ngày khó khăn.
Lớn dần Hoàng vẫn được mẹ lo lắng cho em cắp sách tới trường như bao bạn bè khác. Tuy nhiên, việc học hành của em thiếu thốn rất nhiều thứ, từ sách vở áo quần cho đến việc đón đưa, nhưng không vì thế mà khiến em nhụt chí.
Hàng ngày Hoàng đạp chiếc xe đạp cọc cạch gần 4 cây số để tới trường, so với bạn bè cùng trang lứa, Hoàng thiếu thốn nhiều thứ, tuy nhiên không vì thế mà khiến em nhụt chí.
Hoàng kể, những năm học cấp 1, ngày nào em cũng tự cuốc bộ vài cây số để tới trường vì mẹ bận bịu không thể đưa đón. Ngoài ra, sách giáo khoa của em đều do mẹ xin sách cũ của những anh chị học trước ở trong làng, áo quần cũng không được mấy lần mang đồ mới…
“Nói về thiếu thốn so với bạn bè thì nhiều không biết bao nhiêu mà kể, nhiều lúc em cũng tủi thân, chạnh lòng nhưng em luôn đặt cho mình một lý tưởng đó là “Không bao giờ sống vì quá khứ và những khó khăn hiện tại mà hãy cố gắng vì tương lai”. Điều đó đã tạo động lực giúp em phấn đấu” – Hoàng chia sẻ.
Mẹ đi làm thuê lâu lâu mới về nên anh em Hoàng tự lo cái ăn và bảo ban nhau cố gắng học tập.
Thấu hiểu những nhọc nhằn, khó khăn của mẹ, từ những năm học cấp 2, Hoàng đã biết phụ giúp mẹ nấu ăn sau những buổi tan trường. Khi lớn hơn, em theo mẹ ra đồng gặt lúa phơi rơm, những công việc đồng áng dần quen tay và trở nên đơn giản với Hoàng.
“Năm lên học lớp 10 vì chi phí học tập của em và em gái khá nhiều nên mẹ phải để chúng em ở nhà tự nuôi nhau, thỉnh thoảng nhờ bà nội đến trông nhà để mẹ đi làm giúp việc cho các gia đình ở thành phố kiếm thêm chi phí trang trải cho việc học của chúng em. Mẹ đi như vậy có khi 2, 3 tháng mới về cứ thế anh em chúng em tự động viên nhau học hành” – Hoàng kể.
Theo những người hàng xóm của Hoàng, vì mẹ đi làm xa nên ở nhà mấy sào ruộng từ việc gieo trỉa, cấy gặt… Hoàng đều tranh thủ sau những buổi tới trường tự tay làm hết. Ngoài ra những ngày hè, Hoàng còn đi gặt lúa thuê cho người trong làng để kiếm thêm chi phí trang trải việc học tập.
Thành tích đáng nể của cậu học trò nghèo
Hoàn cảnh khó khăn là thế, nhưng 11 năm cắp sách tới trường, năm nào Hoàng cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Từ năm lớp 8, em bắt đầu tham dự các kỳ thi học sinh giỏi môn Văn các cấp và giành được nhiều thành tích khá cao.
Những tấm bằng khen về thành tích học tập của Hoàng treo kín tường nhà.
Đặc biệt khi bước vào cấp 3, năm lớp 10 em giành giải Nhất tỉnh môn Văn và trong năm học 2018-2019 này em giành 2 giải Nhất tỉnh môn Văn gồm: giải Nhất môn Văn dành cho học sinh lớp 11 và giải Nhất môn Văn dành cho học sinh lớp 12 (Hoàng thi vượt cấp).
Nói về tình yêu và niềm đam mê học Văn, Hoàng cho biết, từ những khó khăn vất vả tuổi thơ, chứng kiến những gian nan gánh nặng trên vai mẹ và người dân nơi quê nghèo đã xoáy sâu vào tâm hồn của em. Từ đó, tình yêu với những con người lam lũ ruộng đồng lớn dần thành tình yêu quê hương, đất nước khiến con người Hoàng có nhiều xúc cảm và đam mê môn Văn hơn.
Bí quyết để Hoàng học Văn tốt là đọc và viết nhiều, từ đó tích lũy những cái hay và khắc phục điểm còn hạn chế.
Hoàng cũng vui vẻ chia sẻ một số bí quyết học Văn của mình cụ thể: Ở lớp em luôn chăm chú, bám sát các bài giảng của thầy cô, còn khi về nhà thì cố gắng dành thời gian viết càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, Hoàng còn chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay để ghi ra những dòng văn hay mà em chắt lọc từ sách tham khảo và một số trang mạng. Và một điều rất quan trọng đối với Hoàng là tập viết thật nhiều các bài văn.
“Quan điểm của em khi học Văn là viết thật nhiều để mình thấy những cái được và cái chưa hay, từ đó mình chắt lọc được những điểm tốt và những điểm chưa được thì cố gắng khắc phục” – Hoàng nói.
Nói về cậu học trò cưng, cô Trần Lệ Hoa – giáo chủ nhiệm lớp 11A5, Trường THPT Can Lộc, người trực tiếp giảng dạy và ôn luyện môn Văn cho Hoàng cho hay, Hoàng là một học sinh rất ngoan hiền, khiêm tốn. Trong lớp Hoàng luôn hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ cùng bạn bè, Hoàng cũng là người tiên phong trong các hoạt động tập thể.
Được biết, ước mơ của Hoàng sau này là thi vào Trường Sỹ quan Chính trị. Với những nghị lực trong con người em, chúng tôi tin rằng giấc mơ của em sẽ trở thành hiện thực.
Theo Dân trí
Cô giáo dạy Văn yêu cầu học trò viết thư cho... chính mình ở thì tương lai
"Tôi sẽ cố gắng dần mở lòng hơn, sẽ cố gắng quên đi những tổn thương và đau đớn mà một số người đã mang lại. Tôi không mong cậu tha thứ cho những người đó nhưng đừng thù hận".
Đó là đoạn kết trong bức thư của em Hạ Giang, học sinh lớp 10, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM gửi cho chính mình... vào 9 năm sau. Đây cũng sản phẩm của môn Văn các em được học với chủ đề "Lá thư gửi mình những năm về sau" với ý tưởng của cô giáo 9X Trần Thị Quỳnh Anh.
Tôi không mong cậu tha thứ cho những người làm cậu đau đớn, tổn thương nhưng đừng hận thù - em Hạ Giang viết thư cho mình trong tương lai
"Tiên còn 13 năm"
Hạ Giang hỏi thăm chính mình lúc 25 tuổi: Chắc cậu không còn là đứa suốt ngày ru rú ở trong nhà? Cô học trò mong bản thân mình sẽ cố gắng thêm một chút, không từ bỏ giữa cuộc sống khó khăn. Và đặc biệt em nhắn nhủ mình sẽ biết yêu thương mình nhiều hơn.
Clip hướng dẫn học sinh cách "vẽ đồ thị" cuộc đời để tìm ra số năm còn lại để phấn đấu theo cách của cô Quỳnh Anh
Để có "một tôi" trong tương lai như vậy, Giang viết rằng ngay từ bây giờ "Tôi sẽ không hủy hoại bản thân tôi nữa, tôi sẽ tập trân trọng nó".
Và cô học trò cũng sẽ học cách tha thứ, buông bỏ: " Tôi sẽ cố gắng dần dần mở lòng hơn, sẽ cố gắng quên đi những tổn thương và đau đớn mà một số người đã mang lại. Tôi không mong cậu tha thứ cho những người đó nhưng đừng thù hận".
"Tiên còn 13 năm, Tiên sẽ phải thành công vào mùa hạ", một học trò tên Tiên nhắc mình
Hay như Hà Mi, em gửi thư cho mình lúc 35 tuổi. Với em thành công có thể không phải là về mặt tiền bạc mà đích đến là hạnh phúc: "Mong mày thành công trong việc chiến đấu với cảm xúc, với nghịch cảnh, mệt mỏi mỗi đêm".
Và để như vậy, em hứa với "thì tương lai" của mình ngay từ bây giờ, lúc 16 tuổi sẽ vượt qua nỗi buồn chuyện gia đình, vượt qua việc học hành... và cam kết thanh xuân sẽ sống hết mình khi chào đón một ngày mới.
Còn Châu thì viết thư "làm quen" với chính mình lúc 28 tuổi khi đã là một nhà báo như ước mơ của em. Thế nên bây giờ em từng ngày rèn luyện kỹ năng viết sách, giao tiếp với mọi người.
Các lá thư của học trò gửi chính mình vào thời điểm xác định mình thàn đạt, trưởng thành nhất theo đề văn của cô Trần Thị Quỳnh Anh
Hay một học trò khác viết "nhắc nhở" mình: Mày phải sống thật khỏe mạnh, tận hưởng cuộc sống vì bây giờ tao đang cố gắng nhiều lắm, kỳ vọng nhiều lắm, đang thức hôm thức đêm học hành để mày được sống thoải mái. Mày phải độc lập, tự tin, không bi lụy. Mày không được làm tao thất vọng.
Một học sinh tên Tiên nhắc mình: " Tiên còn 13 năm, Tiên phải thành công vào mùa hạ"
Cô giáo giúp học trò vẽ "đồ thị cuộc đời"
Chủ đề, bài văn "viết thư cho mình ở thì tương lai" là ý tưởng của cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh (SN 1992, giáo viên Văn, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM) - cô giáo nổi tiếng lên lớp với những ý tưởng sáng tạo và táo bạo.
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh.
Trước khi để viết bức thư này, HS sẽ thực hiện phần "kỹ thuật" theo hướng dẫn của cô Quỳnh Anh. Theo đó, các em sẽ kẻ 1 đường thẳng tương đương dòng đời của mình từ 0-80 tuổi. Trên đó mình chia ra mốc 0 - 20 - 40 - 60 - 80 tuổi tương ứng 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cho 4 khoảng. Xong rồi đánh dấu số năm tuổi của mình trên đường thẳng đó. Rồi xoá phần đằng trước vì đó là thời gian đã qua.
Từ cột mốc này, các em tự xác định số năm tuổi mình sẽ thành công. Rồi từ mốc thành công đến 80 tuổi lại xóa và xé đi vì đó là thời gian đã qua đỉnh cao. Như vậy sẽ cho ra phần còn lại sẽ là số năm mình còn để cố gắng, để phấn đấu. Nhưng số này năm này phải xoá tiếp 1/3 vì đó là thời gian mình phải dùng để ngủ.
Lúc này mảnh giấy còn lại sẽ còn rất bé. HS lại được yêu cầu viết ở mặt sau cho chính mình là còn bao nhiêu năm để nỗ lực. Sau đó HS sẽ viết một lá thư gửi cho chính mình ở năm con thành công nhất theo ý định của con, tức lá thư gửi chính mình những năm về sau.
Cô Quỳnh Anh bày tỏ, với cách này sẽ đưa đến cho HS một số bài học quý giá. Chia cuộc đời ra làm 4 phần để thấy các con đang gần đi hết mùa Xuân của mình. Để thành công vào mùa Hạ, con sẽ phải tự nỗ lực rất nhiều, còn không sẽ phải đợi đến mùa Thu mới có thành quả và chỉ còn một chút mùa Đông cuối cùng để tận hưởng quả ngọt.
"Mùa Xuân các con đang quan trọng vô cùng nhưng các con đã phải xé đi khá nhiều mùa Xuân của mình", cô nói. Như vậy qua đó, cô mong HS sẽ trân trọng hơn quỹ thời gian bé nhỏ của mình và nhận ra phải cất cánh thay vì lấy đà ì ạch như mình vẫn làm.
Rồi nữa, HS sẽ tự xác định được đồ thị cuộc đời của mình cao nhất ở đâu. Khi các con có thể xác định một cách rõ ràng mục tiêu của mình thì mới có thêm % thành công. Khi đó các con mới hình dung ra được mình sẽ phải làm gì để đúng với điều mình mong muốn.
"Dám nói với mình, con sẽ nỗ lực!"
Cô Quỳnh Anh cho biết, điều cô nhận thấy ở nhiều học trò hiện nay là các con chưa được đánh thức sức mạnh tiềm thức, sức mạnh nội tại của chính bản thân thân. Sự thiếu hụt này dễ làm các em chơi vơi, mất phương hướng trong cuộc sống.
Cô Quỳnh Anh cùng học trò
Từ thiếu hụt này, cô thực hiện ý tưởng "viết thư cho mình" để các con tự hình dung ra mình trong những năm về sau. Và qua các lá thư của học trò, cô thấy các con đã tự vẽ ra tương lai cho mình qua những tâm sự.
"Tôi tin rằng khi các con dám gửi một thông điệp cho chính mình lên vụ trũ, con sẽ nỗ lực và cả vũ trụ cũng sẽ góp sức giúp con thực hiện điều đó.
Đây là sức mạnh tiềm thức của các con, khi các con có niềm tin ở bản
"Con trẻ hay hứa với bố mẹ, với thầy cô cô mà quên mất "hứa" với bản thân mình. Các em đang bỏ quên chính mình để phục vụ ước mơ, nguyện vọng của những người xung quanh. Nói với mình cũng là một dạng động lực" - Cô Trần Thị Quỳnh Anh.
thân mình thì những xung quanh cũng sẽ được nhìn theo hướng tích cực như vậy. Các con sẽ có cảm giác mọi thứ đang ủng hộ mình", cô giáo trẻ nhấn mạnh.
Thực hiện chủ đề này ở hai lớp, cô Quỳnh Anh thu được thành quả là gần 90 lá thư quý giá của học trò. Những lá thư của các con, cô cho biết, mình sẽ bỏ vào những phong bì dán lại gửi lại cho các con. Hi vọng các con sẽ tự cất giữ để khi con đi đến điểm mà con đã tự xác định và khi đó, các con sẽ tự mở nó ra để đọc lại.
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh là gương mặt Tài năng trẻ TPHCM 2018. Cô được mệnh danh là "cô giáo của những ý tưởng và sáng tạo".
Đây là một "kỹ thuật" cô Quỳnh Anh vô tình có được và tự nêm nếm một chút sáng tạo của bản thân để thành một bài học cho học trò. Đưa vào áp dụng, cô thấy thú vị và ý nghĩa khi thực hiện với học trò của mình.
Cô Quỳnh Anh cũng mong ý tưởng này được chia sẻ để nhiều giáo viên có thể thử vì biết đâu lại làm được điều gì đó cho HS. Qua đó, mỗi người thầy cũng sẽ tìm ra những bài học riêng cho học trò của mình.
Cô Trần Thị Quỳnh Anh là cô giáo từng ra đề Văn: "Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho Ba, Mẹ của mình nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con" làm học trò đã bật khóc khi viết bài thể hiện nỗi lòng của mình.
Cô là tác giả của ý tưởng "Hũ kẹo yêu thương" được đặt giữa lớp học để học sinh tự bỏ kẹo vào hay lấy kẹo ra trong những tình huống san sẻ niềm vui, nỗi buồn hay là một lời cảm ơn, xin lỗi. Ý tưởng này được nhiều giáo viên trong cả nước nhân rộng, áp dụng.
Năm 2016, dự án học văn "Tôi yêu tiếng nước tôi" của cô Quỳnh Anh là dự án đoạt giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Năm 2017, cô Quỳnh Anh là một trong những giáo viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft tổ chức tại Canada. Tại diễn đàn, cô Quỳnh Anh đạt được những giải thưởng đặc biệt về ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Mới đây, cô Trần Thị Quỳnh Anh được bình chọn trở thành một trong 12 gương mặt Tài năng trẻ TPHCM 2018.
Hoài Nam
Theo Dân trí
"Ghen tị với người khác trên mạng xã hội" vào đề Văn Ghen tị với hình ảnh của người khác trên mạng xã hội - một cảm xúc phổ biến hiện nay được đưa vào đề Văn khối 10 kỳ thi Olympic tháng 4 lần 5/2019 khu vực phía Nam vừa diễn ra sáng 6/4. "Chắc hẳn có những lúc bạn cảm thấy ghen tị Khi nhìn thấy hình ảnh vui vẻ của bạn bè...