Khám phá vẻ đẹp đảo Quan Lạn
Nằm trong vịnh Bái Tử Long, đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn vào mỗi dịp hè.
Từ bến cảng Cái Rồng, đi tàu cao tốc khoảng hơn một giờ trên vịnh, du khách có thể bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo xinh đẹp này.
Bãi tắm Quan Lạn
Quan Lạn được biết đến với những bãi tắm đẹp, hấp dẫn như bãi Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu. Do nằm khá xa đất liền nên các bãi tắm ở đây còn hoang sơ, nước biển trong vắt, bờ cát trắng mịn trải dài bên những rặng phi lao xanh ngắt tạo không gian khoáng đạt với bầu không khí mát mẻ, trong lành. Nếu như bãi Sơn Hào gây ấn tượng bởi những con sóng to thì bãi Minh Châu lại êm đềm, phẳng lặng, nước trong vắt. Bãi Quan Lạn được nhiều du khách ưa thích bởi cảnh quan thơ mộng dọc con đường đi đến bãi tắm.
Video đang HOT
Đến Quan Lạn, ngoài việc thỏa sức ngụp lặn dưới làn nước biển trong mát, du khách còn có thể tản bộ tận hưởng không gian đầy nắng, gió, mang hương vị mặn mòi của biển khơi; khám phá cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ xung quanh đảo với những rừng thông, rừng trâm bạt ngàn; tham quan các làng chài và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân. Đặc biệt, du khách hãy thử một lần cùng dân đảo đi bắt sá sùng trên những bãi bồi và lặn biển mò cầu gai. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm không thể nào quên.
Đình Quan Lạn
Không chỉ cuốn hút bởi những bãi biển trong xanh, tuyệt đẹp, Quan Lạn còn có quần thể di tích mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam”, nổi bật là đình Quan Lạn – một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17), thờ Vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Kiến trúc đình kiểu chữ công, gồm tiền đường và hậu cung. Mái đình lợp ngói vẩy, các đầu đao uốn cong, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Đình có 32 cột cái, 26 cột quân được làm bằng gỗ lim và gỗ mần lái – loài cây chỉ có trên đảo đá Ba Mùn. Trải qua nhiều thế kỷ, những cột gỗ vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề bị mối mọt, trong đó có những cây cột cái cao trên 5m, đường kính 70cm. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng… của đình được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng, phượng, hoa, lá.
Nằm ngay cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và mẫu Liễu Hạnh. Qua cổng tam quan chùa là bái đường và hậu cung. Hiện chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật mang đậm phong cách điêu khắc thời Nguyễn; các bức hoành phi, câu đối và sắc phong.
Đền Quan Lạn nằm kế bên chùa Quan Lạn, là nơi thờ 3 anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng), những người đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn – Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Quần thể đình – chùa – đền Quan Lạn đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.
Từ đền Quan Lạn, rẽ trái khoảng 1,5km, du khách sẽ đến đền thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã chỉ huy trận chiến tại sông Mang – Vân Đồn năm 1287, góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong đền hiện còn lưu giữ pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời nhà Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.
Đảo Quan Lạn hiện có khoảng 40 cơ sở lưu trú với trên 500 phòng nghỉ, trong đó có 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao. Du khách cũng có thể nghỉ dưỡng ở một số resort với không gian xanh mát, hướng ra bãi biển lộng gió.
Đến với Quan Lạn, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không gian yên bình, thanh tĩnh để thoát khỏi những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật.
Khám phá di tích - danh thắng động Đông Trong, Quảng Ninh
Nằm trong Vịnh Bái Tử Long, thuộc địa giới hành chính thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), động Đông Trong không nổi tiếng như những hang động trên Vịnh Hạ Long, nhưng vẫn có nét độc đáo, hấp dẫn riêng đối với du khách.
Đây không chỉ là danh thắng, mà còn là một di tích lịch sử với những dấu vết cư trú rất rõ rệt của người tiền sử thời kỳ đồ đá...
Thạch nhũ hình Phật Di Lặc ngồi trên lưng rùa, trên đầu là trái phật thủ trong động Đông Trong.
Nằm cách cảng Cái Rồng chưa tới 10 phút đi đò máy, động Đông Trong (tên chữ là Vọng Hải Sơn Động) trên núi Đông Trong - một núi đá tự nhiên nhô lên trên biển, thực sự là một bất ngờ, là một điểm nhấn của Vịnh Bái Tử Long mà không nhiều người biết tới. Động có nhiều cửa vào từ các hướng Đông, Tây, Bắc, nhưng cửa đi từ phía Đông rộng và thuận lợi nhất. Động gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ khi bước chân vào cửa. Cửa động khá rộng, vòm động cao, đi vào 3-4m đã bắt gặp những hình ảnh nhũ đá kỳ thú, đẹp mê hồn. Ngay gần cửa, phía bên phải là một thạch nhũ giống hệt hình một "cụ voi" che lọng, đối xứng phía bên trái là một thạch nhũ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Phật Di Lặc cưỡi rùa, đầu đội trái phật thủ. Tiếp tục hành trình vào sâu trong động, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những hình thù đa dạng, lộng lẫy của thạch nhũ mà "mẹ thiên nhiên" sáng tạo ra. Chỗ thì thạch nhũ hình rùa, chỗ hình chim phượng, chỗ hình đầu rồng, mà theo sự giới thiệu của ông Lưu Văn Tốt, người có công trông giữ và đầu tư tôn tạo đảo - động nhiều năm, thì động Đông Trong có đủ tứ linh vật: Long, ly, quy, phượng. Ngoài ra còn có những thạch nhũ hình đức Phật, hình đức Chúa Giê-su chịu nạn, hình tháp nghiêng Pisa nổi tiếng của Ý và nhiều hình thù kỳ thú mê hồn khác. Bên cạnh đó, hòn Đông Trong cũng là hòn đẹp nhất trong các đảo từ khu vực hòn Rều Đá ngoài đến hòn Hang Người, đứng từ cầu cảng nhìn núi Đông Trong như một chú sư tử đang nằm. Từ đỉnh núi Đông Trong, du khách được thoả tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của Vịnh Bái Tử Long và xa hơn là Vịnh Hạ Long, nhìn lên phía Đông Bắc các hòn Ngón Chân, Rều Đá ngoài, các núi mọc lên từ biển nhìn đẹp như một bức tranh thuỷ mặc; trông về cầu cảng, thuyền bè san sát tấp nập, phố biển tựa lưng vào Hòn Rồng; phóng tầm mắt về phía Vịnh Hạ Long, hòn Rồng như một con rồng lớn đang bơi ra biển, hòn Tỳ Nam như rùa xanh, mờ xa hơn có hòn Beo Đá giống như mãnh hổ thu mình, hai bên có di chỉ khảo cổ Hang Người và hang Soi Nhụ.
Cùng với vẻ đẹp lộng lẫy, động Đông Trong còn có điểm độc đáo so với nhiều hang động khác. Trong động có dấu vết cư trú rất rõ của người tiền sử thời kỳ đồ đá, đó là những bộ xương người hóa thạch nằm dính liền vào đá; là những công cụ lao động, đồ dùng bằng đá mà ông Lưu Văn Tốt và những nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện ra ở nơi sâu nhất của hang động. Qua kết quả nghiên cứu có thể khẳng định đó là dấu tích của nền Văn hoá Hạ Long cách ngày nay khoảng 4.000 năm (công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức...). Căn cứ vào các dấu tích còn để lại ở tầng văn hoá có thể thấy rằng người cổ ở động Đông Trong đã duy trì nền kinh tế hỗn hợp giữa kinh tế biển và kinh tế săn bắt, hái lượm trên dải đất ven bờ.
Động Đông Trong được ông Lưu Văn Tốt đầu tư tôn tạo từ hơn 10 năm nay với số tiền khá lớn (từ năm 2004 đến 2011 theo kiểm toán nhà nước, ông đã đầu tư vào đảo, động trên 26 tỷ đồng), nhưng do những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, nên đến nay cảnh quan trên đảo phía ngoài hang động còn tương đối ngổn ngang, dịch vụ ăn nghỉ chưa có, công tác quảng bá cho di tích danh thắng thì hết sức hạn chế. Có lẽ đây chính là những lý do mà một di tích - danh thắng đẹp, có giá trị lịch sử cao, vị trí đi lại thuận lợi, lại ít được biết tới, lượng khách tham quan rất hạn chế. Trong quá trình đầu tư, ông Tốt đã đổ cát tạo mặt bằng ở chân núi; xây dựng được hệ thống bậc lên, đường đi trong động tương đối thuận lợi; có biển chỉ dẫn, chú thích trong động; hệ thống đèn chiếu sáng trong động. Ông Tốt với những hiểu biết của mình về động đã trở thành một hướng dẫn viên không chuyên giới thiệu về cảnh quan, giá trị lịch sử của động. Hiện công ty của ông Tốt đang tiếp tục trình hồ sơ xin phép các cấp, ngành liên quan để tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục trên đảo, nhằm khai thác và phát huy giá trị di tích - danh thắng động Đông Trong.
Động Đông Trong là một di tích - danh thắng có giá trị (đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2007), một điểm đến có tiềm năng du lịch rất lớn của huyện Vân Đồn, là một điểm nhấn trong hành trình du lịch khám phá Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Vì vậy, cần tạo điều kiện về mặt pháp lý, thủ tục hành chính; hướng dẫn về chuyên môn để nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi trong đầu tư tôn tạo, khai thác du lịch; đưa vào tuyến điểm du lịch; tăng cường công tác quảng bá để động Đông Trong thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá Vân Đồn và Vịnh Bái Tử Long.
Áng Cái Xuôi Thắng cảnh đẹp của Quảng Ninh Nằm cách cảng Cái Rồng (Vân Đồn) khoảng 12km, áng Cái Xuôi thuộc Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Áng Cái Xuôi là một hồ nước nhỏ, rộng khoảng 5ha, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi với các loại thực vật vô cùng phong phú. Mặt áng trũng hơn so với mặt biển, tạo nên một kiểu hệ sinh thái...