‘Khai tử’ những cơ sở dạy nghề yếu kém
Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện sắp xếp lại những trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả theo hướng sáp nhập, thậm chí giải thể.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là nhiệm vụ trọng tâm
Từ năm 2017, Chính phủ đã có Nghị quyết thống nhất giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Trước tiên, cơ quan này sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Với những địa bàn có nhu cầu, những nghề và trường có chất lượng sẽ duy trì, phát triển. Những trường trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc.
Phân tích về phương án tái cấu trúc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp với những cơ sở yếu kém sẽ sắp xếp theo hướng sáp nhập hoặc giải thể. Loại thứ nhất là sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm, tuyển sinh không đáp ứng được chỉ tiêu…sẽ là đối tượng đầu tiên được tái cấu trúc. Ngoài ra, trong một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể.
Về lâu dài, Bộ sẽ trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng, mỗi tỉnh ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn sẽ có từ 1-2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có quy mô lớn và đủ sức “dẫn dắt” lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong trường cao đẳng có thể có các trường trung cấp, trung tâm vệ tinh bên trong.
Ngoài ra, Bộ sẽ cân nhắc việc quy hoạch trường nghề ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn. Theo đó, các trường sẽ có cơ hội được giao quyền tự chủ lớn hơn, giảm dần chi thường xuyên của nhà nước và các đầu mối để ưu tiên đầu tư.
Video đang HOT
Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục.
Theo ANTĐ
Chọn ngành nghề nào trong thời đại 4.0?
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" do Báo Báo tổ chức đã chính thức khai mạc tại Đắk Lắk vào sáng 27-1 với nhiều thông tin nóng về ngành nghề, tuyển sinh.
Học sinh TP Buôn Ma Thuột đặt câu hỏi cho ban tư vấn Ảnh: HỒNG ÁNH
Sáng 27-1, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh năm 2018" do Báo phối hợp các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH, CĐ và được tài trợ bởi Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ chính), Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup) đã chính thức khai mạc tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk.
Đề thi khó, lưu ý kiến thức lớp 11
Hơn 1.500 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột như Lê Quý Đôn, Phú Xuân, Hồng Đức, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Buôn Ma Thuột, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk... đã có mặt từ sáng sớm, háo hức chờ giờ khai mạc.
Mở đầu chương trình, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, thông tin đến thí sinh nhiều vấn đề nóng về quy chế thi và cách xét tuyển, đặc biệt là những đặc điểm riêng của học sinh tỉnh Đắk Lắk. Đây là căn cứ quan trọng để học sinh có sự lựa chọn chuẩn xác nhất. Theo TS Mai, về cơ bản, kỳ thi năm 2018 vẫn giữ ổn định như năm 2017, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, trong đó có 4 bài theo hình thức trắc nghiệm và 1 bài tự luận. Tuy nhiên, điểm mới nhất là đề thi đã có sự thay đổi, bằng chứng là việc công bố đề thi minh họa vừa qua của Bộ GD-ĐT xuất hiện cả kiến thức trong chương trình lớp 11 thay vì chỉ lớp 12 như mọi năm. Cụ thể, chương trình lớp 11 chiếm khoảng 20% đề thi.
TS Thanh Mai cho biết việc xét tốt nghiệp như năm cũ, các địa phương vẫn tổ chức thi. Hiện có 153 mã tổ hợp xét tuyển phổ biến, trong số này, các em hoàn toàn có thể lựa chọn bài thi phù hợp với năng lực. Hiện các trường tuyển sinh ĐH dựa trên 3 phương thức xét tuyển: Kết quả tốt nghiệp THPT dựa tổ hợp 3 môn; điểm học bạ và theo đề án tuyển sinh riêng của trường, kiểm tra năng lực. Những mã phổ biến nhất, trường nào cũng tuyển là A00, B00, A01, C01. TS Thanh Mai cho biết ở Đắk Lắk năm 2017, 3 trường có 80% học sinh thi THPT để xét tuyển vào ĐH là Lê Quý Đôn, Phú Xuân, Hồng Đức.
Trước câu hỏi của thí sinh trong các ngành nghề hiện nay, ngành nào đang cần nhu cầu nhân lực nhiều nhất? Ở khu vực Tây Nguyên thì chọn nghề nào để có việc làm? TS Trần Đình Lý trả lời: Trong những năm sắp tới, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin sẽ tăng mạnh, nhiều trường đang tiến hành đào tạo đón đầu. Các ngành nghề về y tế, tư vấn tâm lý cũng ngày càng phát triển. TS Lý cũng cho biết hiện nay ở khu vực Tây Nguyên, nhóm ngành liên quan đến chế biến lâm sản, xuất khẩu là những ngành đang tạo ra nhiều doanh thu. Thế nên, nhóm ngành nông lâm nghiệp, xuất khẩu... tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động tại khu vực này.
Bám sát nhu cầu nhân lực địa phương
Chương trình sáng 27-1 chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của thí sinh đối với các trường ĐH, CĐ đóng tại khu vực Tây Nguyên, bằng chứng là hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các trường này về hình thức xét tuyển, cơ hội việc làm...
Một thí sinh đặt câu hỏi: Em mê ngành sư phạm nhưng sợ ra trường thất nghiệp. Học CĐ Sư phạm Đắk Lắk ra trường em có thể xin việc ở nơi khác được không? ThS Trịnh Đức Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, giải đáp: "Trường đào tạo đội ngũ giáo viên hệ CĐ các bậc học mầm non, tiểu học, THCS... Trong những năm qua, số lượng sinh viên ra trường ở một số ngành có việc làm khoảng 80% như: giáo dục tiểu học, đặc biệt giáo dục mầm non. Tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở tất cả mọi nơi không riêng gì Đắk Lắk. Đối với các ngành sư phạm, sẽ tuyển học sinh hộ khẩu ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; đối với các ngành ngoài sư phạm, chúng tôi tuyển sinh cả nước và miễn học phí. Trường đào tạo theo tín chỉ, chương trình mở".
Em Trần Huyền Như, học sinh Trường THPT Phú Xuân, hỏi: Ngành lâm sinh của Trường ĐH Tây Nguyên đầu vào thế nào? Thầy cô tư vấn giúp em học ngành nào hợp với sự phát triển ở Đắk Lắk? TS Đào Xuân Thu, Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng lâm sinh, lâm nghiệp là những ngành mũi nhọn chủ đạo của Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk. Lĩnh vực này đang được nhà nước phát triển, do đó, sự quan tâm của các em rất hợp lý.
"Tôi mong muốn nhiều thí sinh quan tâm hơn nữa về ngành này. Năm 2017, ngành này ở Trường ĐH Tây Nguyên có điểm đầu vào bằng điểm sàn của bộ: 15,5. Sau 4 năm học tập, các em tốt nghiệp sẽ có việc làm tại: Công ty nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Dự báo trong tương lai, ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ vươn lên mạnh, rộng mở" - TS Thu nói.
Em Minh Khang, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, hỏi: Em giỏi vật lý, không giỏi tiếng Anh nhưng thích các ngành liên quan đến cơ khí, khoa học - công nghệ, em định thi khối ngành A00, vậy nên thi ngành nào. PGS-TS Phan Nguyễn Luân Vũ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tư vấn: Có rất nhiều cơ hội học nhóm ngành liên quan đến cơ khí, công nghệ, điện, xây dựng... Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nếu kém tiếng Anh thì cần tăng cường rèn luyện ngoại ngữ này vì sắp tới, chúng ta sẽ đối mặt cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra toàn thế giới. Để đón đầu cơ hội, các em có thể theo học các nhóm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, kết nối vạn vật. Ngoài ra, các em không những giỏi về khoa học mà còn có kỹ năng về tư duy phản biện, làm việc nhóm...
Băn khoăn về ngành sư phạm
Nhiều thí sinh đặt câu hỏi về ngành sư phạm, nhất là những biến động về điểm ở khối trường này trong thời gian gần đây. Ban tư vấn đã nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh như: Năm nay em nghe nói thi vào các trường sư phạm rất khó, mục đích là để chọn những thí sinh thật giỏi để vào học sư phạm. Vậy điểm xét tuyển vào trường có cao không?
ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng có nhiều ý kiến lâu nay cho rằng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", ý nói là điểm vào trường sư phạm rất thấp. Tuy nhiên, đến tận năm ngoái, điểm xét tuyển vào trường vẫn ở mức cao, nhất là các ngành sư phạm toán, lý, hóa.
Còn năm nay, phương án tuyển sinh của trường vẫn theo phương án cũ, tức là xét dựa theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia và các tổ hợp xét tuyển truyền thống. Trường sẽ xét theo mức điểm từ cao trở xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Cho nên, mức điểm cao hay thấp phụ thuộc vào số hồ sơ nộp xét tuyển vào trường chứ không phải bỗng dưng trường quyết định điểm cao hay thấp để chọn thí sinh.
Hôm nay "Đưa trường học đến thí sinh" tại Gia Lai
Vào lúc 8 giờ ngày 28-1, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Ban tư vấn chương trình gồm có TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, TS Trần Cao Bảo - Trưởng Ban Giảng viên Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai, TS Phan Ngọc Minh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing, ThS Phan Lê Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, TS Đào Xuân Thu - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ThS Võ Hoàng Sơn - Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Buôn Ma Thuột, ThS Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn và đại diện Trường CĐ Sư phạm Gia Lai.
Theo NLĐ
Học sinh Sài Gòn nghỉ Tết Nguyên đán 12 ngày Học sinh trên địa bàn TP.HCM sẽ có kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất kéo dài 12 ngày, từ 12/2 đến 23/2. Học sinh thi vào lớp 10 THPT ở TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. Theo kế hoạch thực hiện thời gian năm học 2017-2018 ở các bậc học do UBND TP.HCM phê duyệt, nghỉ Tết Mậu Tuất từ ngày 12/2 (tức 27 tháng Chạp)...