Khai tử chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C là lành mạnh thi cử
Dẹp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C là dẹp một phần tiêu cực trong thi cử để lấy bằng ngoại ngữ. Bởi vì, hãy cứ nói thẳng với nhau, rất nhiều nơi bán chứng chỉ ngoại ngữ, chất lượng không đồng đều.
Chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C đã quá lạc hậu, tại sao vẫn cứ để tồn tại, câu trả lời là vì phải để nó tồn tại để nuôi sống các trung tâm luyện thi chứng chỉ A,B,C, trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Còn các trung tâm đó nuôi sống ai đã quá rõ.
Rất nhiều thủ tục hồ sơ có liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C như hồ sơ công chức, hồ sơ xin việc (cơ quan nhà nước), hồ sơ tốt nghiệp đại học của các trường đại học công, hồ sơ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học chỉ công nhận bằng TOIEC, TOEFL, IELTS, như Trường ĐH Luật TP.HCM đặt ra yêu cầu đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ và quy định chuẩn đầu ra phải đạt từ 450 điểm TOEIC trở lên. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt đầu áp dụng chuẩn TOEIC từ cách đây hơn 10 năm, bởi vì các nhà tuyển dụng không tin vào chất lượng của chứng chỉ tiếng Anh A,B,C. Trong lĩnh vực ngân hàng, dốt tiếng Anh thì coi chừng “bán nhà” như chơi.
Còn lại, tất cả các đối tượng kiếm cái chứng chỉ A,B,C để làm đẹp hồ sơ phần lớn học hành loẹt quẹt, thi cử lôi thôi cũng có bằng. Cầm bằng C trong tay nhưng không mở miệng nói được câu tiếng Anh cho đàng hoàng là chuyện bình thường. Cho nên, dẹp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C là dẹp một phần tiêu cực.
Hãy cứ nói thẳng với nhau, rất nhiều nơi bán chứng chỉ ngoại ngữ, sản phẩm bán ra chất lượng không đồng đều.
Các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm và các lò luyện thi chứng chỉ tiếng Anh A, B, C ăn nên làm ra một thời. Nhưng nay, đã có các trung tâm dạy tiếng Anh bằng cấp chuẩn quốc tế, do các tổ chức có uy tín cấp, đó là bằng TOIEC, TOEFL, IELTS. Học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học các nước cũng chỉ yêu cầu các loại bằng cấp này, chẳng nước nào tin vào chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C của Việt Nam.
Đã hội nhập quốc tế thì trước hết hãy “hội nhập” ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất. Hội nhập bằng cách gì, đó là thi cử, công nhận bằng cấp tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Video đang HOT
Thêm nữa, cũng nên quy định học sinh, sinh viên đã có bằng TOIEC, TOEFL, IELTS (đưa ra mức điểm), có thể miễn học môn tiếng Anh trong nhà trường theo từng lớp học, cấp học. Và đương nhiên, khi xin việc, hoặc học lên cao sau đại học, cứ theo chuẩn để tính mức điểm tương đương. Ví dụ, thạc sĩ tương đương IELTS 6.5, tiến sĩ 7.
Cái thời chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C làm mưa làm gió trên thị trường bằng cấp ngoại ngữ đã qua rồi. Khai tử là vừa.
LÊ THANH PHONG
Theo Lao động
Mua điểm ở Sơn La 1 tỷ đồng/suất: Ít hơn hay nhiều hơn đều phải xử lý !
"Một tỷ, ít hơn hay nhiều hơn đấy cũng là một hành vi tiêu cực trong thi cử rồi. Vừa qua truyền hình, báo chí cũng đưa nhiều, nhưng cụ thể như thế nào, xác định là ai. Chúng ta không làm rõ đến cùng, người dân lại hoang mang, những cá nhân có hành vi đó có khi lại trót lọt".
Sáng 27/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu), Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đã có chia sẻ với báo chí về thông tin gây chấn động về việc "mua điểm 1 tỷ đồng/suất" trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm học 2018.
- Liên quan đến việc sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia tại Sơn La, mới đây nhất, báo chí đưa tin trung bình mỗi một trường hợp chạy điểm lên đến 1 tỷ đồng/suất. Ông có cảm thấy "sốc" trước con số này không, theo ông cơ quan điều tra cần công khai danh tính thí sinh được nâng điểm, sửa điểm...hay không?
Ông Chu Lê Chinh: Một tỷ đồng, ít hơn hay nhiều hơn đấy cũng là một hành vi tiêu cực trong thi cử rồi. Vừa qua truyền hình, báo chí cũng đưa nhiều, nhưng cụ thể như thế nào, xác định là ai, người đưa hay người nhận ... cần được xác định rõ. Chúng ta không làm rõ đến cùng, người dân lại hoang mang rồi những cá nhân có hành vi đó có khi lại trót lọt...
ĐB Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu)
Việc công khai danh tính của thí sinh, kể cả phụ huynh và những cá nhân trong cơ quan quản lý có sai phạm phải xử lý công khai theo quy định của pháp luật. Không thể để ngoài quy định của pháp luật được. Vừa đảm bảo yếu tố bí mật đời tư cá nhân, vừa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng trong xã hội, công bằng trong chính sách pháp luật.
- Việc giải quyết "sai phạm" của các cơ quan chức năng theo ông đã đủ làm người dân yên lòng chưa?
Ông Chu Lê Chinh: Vụ việc gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến ngành giáo dục, đặc biệt đối với công tác tổ chức kỳ thi. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết tâm, quyết liệt đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương để xảy ra tiêu cực trong vấn đề thi cử và yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp thật tốt, sớm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vi phạm, tiêu cực trong thi cử.
Vừa qua, với sự quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dụcvà Đào tạo, các địa phương cũng đã vào cuộc và đã có những kết quả cơ bản, xác định về nguyên nhân, tính chất, mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, cử tri vẫn chưa thật sự hài lòng với thời gian kéo dài gần một năm mà đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, một số địa phương vẫn trong giai đoạn điều tra, một số cơ quan đã chuyển sang cơ quan truy tố. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những địa phương để xảy ra vi phạm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 -2020 sắp đến, cử tri và phụ huynh, học sinh rất mong đợi một kết quả công bằng, minh bạch, không thể để tái diễn sai phạm đáng tiếc như năm vừa qua.
- Để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, theo ông, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào?
Ông Chu Lê Chinh: Để xảy ra tiêu cực trong thi cử, từ coi thi, chấm thi đến kết quả thì trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch hội đồng chấm thi, công tác quản lý giáo dục của địa phương ở lĩnh vực này và cơ quan kiểm tra, giám sát thanh tra vấn đề thi cử. Nhưng trách nhiệm chính vẫn là Chủ tịch Hội đồng chấm thi.
Vừa qua, một số đối tượng liên quan có nói rằng, việc sai phạm, tiêu cực, hay danh sách là do ở trên đưa xuống. Vậy danh sách ở trên đưa xuống là ai đưa? đưa xuống vì mục đích và động cơ như thế nào? Chỗ này cũng đang bỏ ngỏ, chưa rõ. Tôi đề nghị phải làm nhanh và có kết luận chính xác đúng người, đúng hành vi và tính chất vi phạm, đúng quy định của pháp luật.
- Vậy cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong năm 2019, thưa ông?
Tôi tin rằng qua kinh nghiệm của kỳ thi vừa rồi, tại kỳ thi năm nay chúng ta sẽ có những cảnh báo và chủ động tổ chức tốt hơn, nghiêm túc hơn, không để xảy ra sai phạm đáng tiếc như năm vừa qua. Đó là mong muốn của cả phụ huynh, học sinh, chúng ta mong muốn một nền giáo dục bình đẳng trong giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
"Đây là vụ việc nghiêm trọng. Các cơ quan thông tin truyền thông phải có căn cứ chính xác mới đưa ra. Nó có tác động không tốt với ngành giáo dục. Báo chí cần thông qua cơ quan chức năng có chức trách trả lời để chúng ta đưa ra xã hội một cách chính xác.
Câu chuyện không phải 1 tỉ đồng hay 1.000 đồng. Đã là gian lận thi cử, đã là tiêu cực, dùng tiền để sử dụng vào gian lận tiêu cực, tôi cho rằng độ nghiêm trọng. Dù không đến con số 1 tỉ đồng thì vẫn phải xử lý đến nơi đến chốn để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Nhất là đối với giáo dục. Sản phẩm của giáo dục là con người chính vì thế chúng ta muốn xây dựng được con người có đạo đức, tư cách tốt, tương lai của đất nước thì phải xử lý gian lận trong giáo dục nghiêm.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nên nếu ai vi phạm đều sẽ bị xử lý. Đặc biệt với cán bộ, đảng viên tính nêu gương phải đi đầu. Tôi tin các chi bộ, đảng bộ các địa phương sẽ công tâm nhìn nhận việc phụ huynh có con được sửa nâng điểm thi là cán bộ, lãnh đạo tại địa phương. Nếu phụ huynh có dính líu được cơ quan điều tra kết luận thì sẽ phải xử lý".
N. Huyền
Theo infonet
Vì sao chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa? Theo thống kê của Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ giáo dục và Đào tạo (2017), cả nước có gân 4000 trung tâm/cơ sở ngoại ngữ - công lập và tư thục. Tuy nhiên, chất lượng thực tế tại các trung tâm này thật sự đáng bàn. Dù được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học nhưng kiến thức của người học gần...