Khai giảng và bố – Mỗi bước chân con đều có bố song hành
Mỗi khi đến những ngày tháng 9 đầu thu, nhìn những học sinh, sinh viên nô nức nhập trường, nhìn những người cha, người mẹ gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, tự dưng ngậm ngùi nhớ bố…
Bố tuy không mang nặng đẻ đau, không hay thể hiện tình cảm như mẹ nhưng mỗi mốc quan trọng trong cuộc đời con bố luôn có mặt.
Khoảnh khắc con chào đời, bố đứng ngồi không yên ngoài phòng hộ sinh. Khi con lần đầu biết nói, ‘papa’ là từ đầu tiên con thốt ra khỏi miệng.
Khi con chập chững những bước đi đầu đời, có bàn tay nâng đỡ của bố.
Ngày đầu tiên đi học, có bàn tay bố dìu dắt, vỗ về.
Cha sẽ che chở cho con suốt cuộc đời này. (Ảnh Sài Gòn của tôi)
Khi con ở trong phòng thi, bố đứng ngoài cổng trường đợi từ sáng đến trưa, dù nắng hay mưa, dù mồ hôi nhễ nhại trên trán. Nóng thì nóng, mệt thì mệt nhưng bảo bố đi về hay tìm chỗ nào nghỉ tạm thì nhất định không. Không hẳn vì bố sốt ruột mà bố muốn khi con bước ra khỏi phòng thi, người đầu tiên con trông thấy là bố, bố vẫn đang đứng đợi. Hình dáng bố đứng liêu xiêu trong nắng đã khiến con cảm thấy vừa thương, vừa ấm lòng đến lạ.
Cầm tờ giấy báo trúng tuyển của con, miệng cha cười nhưng sâu bên trong là bao nỗi lo.
Ngày con cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, cả nhà ôm nhau mừng rỡ. Nhưng sau đó là những đêm bố thức trắng bên ly chè đặc đã cạn, nằm vắt tay lên trán chờ trời sáng. Vui thì vui đấy, nhưng đằng sau niềm vui là những nỗi lo. Lo tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt, nơi ăn chốn ở cho con. Bố mẹ ở nhà rau cháo qua ngày sao cũng được, nhưng con đi học trên thành phố nhất định phải đủ đầy.
Video đang HOT
Bố có túng thiếu cũng phải lo cho con được đủ đầy.
Lần đầu con xa nhà, thành phố thì rộng lớn xa hoa, con thì bé nhỏ. Biết con có tự mình vượt qua nỗi cô đơn, nhớ nhà khi không có bố mẹ bên cạnh? Biết con có đủ vững vàng để tránh những cám dỗ bủa vây? Trăm mối tơ vò khiến bố không ngủ được. Lòng bố rối bời, con có hiểu không?
Việc của con là học, còn những thứ nặng nhọc cứ để ba lo. Ảnh: Tuổi trẻ
Mỗi khi đi ngang qua những ngôi trường vào những ngày đầu thu tháng 9, khi học sinh, sinh viên nô nức nhập trường, bạn có chạnh lòng nhớ bố không? Con đỗ đại học, mình bố ngược xuôi lo liệu các loại giấy tờ thủ tục. Nhớ những ngày chân ướt chân ráo lên thành phố, hai cha con tay xách nách mang đủ thứ, nào ba lô, nào hành lý, nào hòm.
Ban đầu con còn xấu hổ khi trông hai cha con đặc sệt chất nhà quê, sợ người đời dò xét, cười chê, nhưng đến trường thấy hầu như sinh viên tỉnh lẻ nào cũng thế. Hầu như ai cũng có một ông bố bà mẹ như thế, lỉnh kỉnh khuân đủ thứ đồ lặt vặt ở quê lên, tận dụng được cái nào hay cái ấy, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Thành phố đắt đỏ, tận dụng được cái gì cứ khuân hết đi.
Thành phố cái gì cũng đắt đỏ, bước ra khỏi phòng là phải tiêu tiền, nhà mình nghèo, nhà người ta cũng nghèo, việc gì phải sĩ diện với ai. Phòng trọ thì chưa tìm được, chẳng biết có đăng ký được ở ký túc, thế là khắp sân trường, tràn cả ra cổng trưởng là hình ảnh những ông bố bà mẹ ngồi trông coi hành lý đợi con làm thủ tục nhập trường.
Mỗi khi con chạy ra cần thêm tiền đóng học là bố mẹ lại sẵn sàng tiếp tế. Cái nắng thu vẫn mang theo chút oi ả của những ngày hạ cuối, phụ huynh nào cũng gạt mồ hôi nhễ nhại nhưng mặt vẫn sáng bừng niềm vui.
Bờ vai cha là nơi bình yên nhất!
Giờ mỗi lần vô tình thấy trên phố có ông bố mà mẹ lỉnh kỉnh chở đồ, hay đi qua những trường đại học thấy những người ngồi mòn mỏi đợi con, tự dưng lại nhớ bố, nhớ mình của những năm tháng cũ. Đồ đạc có gì bố khuân hết, bao nhiêu nặng nhọc bố nhận hết về mình. Con chỉ việc học, cả thế giới đã có bố lo.
Việc của con là làm thủ tục nhập trường, còn bố ngồi đợi. Ảnh: Tuổi trẻ
Ngày nhập trường và bố, hai hình ảnh tưởng chẳng liên quan mà lại liên quan không tưởng. Bởi vì đơn giản một điều ở mỗi mốc quan trọng của cuộc đời con luôn có dấu chân của bố song hành. Trên mỗi chặng đường con đi đều có ánh mắt bố dõi theo. Giờ ra trường đi làm kiếm được đồng tiền tự lo cho bản thân rồi mà vẫn chẳng làm được gì cho bố. Mà chắc có đi hết cả cuộc đời cũng chẳng thể đền đáp đủ những gì bố đã dành cho mình.
Thương bố, nhớ bố thì chỉ có cách học tốt, sống tốt, vậy thôi!
Hằng Nga
Theo baodatviet
Con trai nữ lao công háo hức dự lễ khai giảng năm học mới ở ngôi trường mơ ước
Ngày 5/9, em Trần Đức Anh, con trai cô lao công trong vụ tai nạn tối ngày 22/4 ở đường Láng, đã cùng tham dự lễ khai giảng năm học mới, chính thức trở thành thành viên đại gia đình Lương Thế Vinh.
Hoà chung không khí vui mừng của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh long trọng tổ chức lễ khai giảng, đón học sinh khối 6 và khối 10 vào trường.
Trong đó, em Trần Đức Anh được nhận vào lớp 10D0. Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh nam sinh lớp 10 cầm biển tên, đứng cười nói vui vẻ cùng các bạn thì ít ai nghĩ được rằng, em vừa trải qua một biến cố lớn trong cuộc đời.
Đức Anh (đeo kính) phấn khởi trong ngày khai giảng tại trường THPT Lương Thế Vinh
Em được phân học lớp 10D0
Trước đó, tối ngày 22/4, vụ xe điên ở đường Láng đã cướp đi người mẹ yêu thương nhất của em. Tuy nhiên, được sự động viên từ người thân cũng như vượt qua chính nỗi đau mất mát, em đã đỗ vào trường Lương Thế Vinh với điểm số cao.
Đầu tháng 8, em và người thân đã đến trường làm thủ tục nhập học. Cô Văn Thùy Dương - Hiệu trưởng nhà trường cũng đã dành cho em những lời yêu thương, động viên và vui mừng khi em trở thành một thành viên của ngôi nhà Lương Thế Vinh.
Đức Anh vui vẻ trò chuyện cùng các bạn trước giờ làm lễ
Chia sẻ với phóng viên, Đức Anh chia sẻ: 'Đây là ngôi trường em đã hằng mơ ước từ lâu. Dù đã vào học được một thời gian rồi nhưng đến hôm nay, khi được dự lễ khai giảng ở trường Lương Thế Vinh, em vẫn cảm thấy vừa tự hào, vừa xúc động.
Được thầy cô và các anh chị đón vào trường, em cảm nhận được tình thương ấm áp và chắc chắn đây sẽ là nơi chất chứa đầy kỷ niệm cho những năm cuối thời học sinh của em.'
Phương Thu - Ánh Ngọc
Theo baodatviet
Lễ khai giảng của dàn rich-kid Việt trong ngôi trường học phí nửa tỷ đồng ở Hà Nội Các 'cậu ấm, cô chiêu' với vẻ ngoài tươi tắn, chào đón năm học mới tại ngôi trường có học phí cực khủng. Sáng nay (05/09), học sinh cả nước phấn khởi làm lễ Khai giảng, bước vào năm học mới 2019 - 2020. Tại Hà Nội, thời tiết mát mẻ giúp các bạn có được những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày...